Để kết thúc một cơn dịch bịnh, giới chuyên gia y tế cho rằng thông thường nó sẽ xảy ra theo một trong bốn tình huống theo sau. Một là dịch bịnh tự kết thúc theo sự thay đổi thời tiết, khí hậu. Thứ nhì là "thả dịch", tức để dịch bịnh lây lan đến mức tạo ra sự miễn nhiễm số đông sẽ tự hết. Thứ ba là "chặn dịch", tức cô lập, cách ly để ngăn chận và tiêu diệt dịch bịnh. Và cuối cùng, giải pháp lý tưởng và được mong đợi nhất là sớm tìm ra được thuốc ngừa và chữa trị.
Với đại dịch Covid-19 hiện nay, giới khoa học không võ đoán để chắc chắn rằng nó sẽ tự chấm dứt một khi thời tiết ấm hơn như cảm cúm thông thường hàng năm. Là chủng dịch mới, vắc-xin ngừa và thuốc chữa có thể mất hàng năm trời mới có thể được bào chế và chính thức sử dụng lên người. Dăm loại thuốc có sẵn và chữa trị cho bịnh dịch khác, như thuốc chữa sốt rét và vài bịnh khác được các cơ quan y tế chuẩn thuận cho thử nghiệm lâm sàng với bịnh nhân nhiễm coronavirus, là giải pháp tạm thời cho phép bác sĩ đang chữa trị trực tiếp sử dụng, tùy theo tình trạng và tiền sử bịnh án của bịnh nhân. Nó không là thuốc chữa chính thức cho coronavirus. Vậy chỉ còn giải pháp "thả dịch" hay "chặn dịch".
Việc "thả dịch" là điều các chuyên gia y tế phản đối bởi không lường được hậu quả và sự thiệt hại nhân mạng, có thể là một con số rất cao tính theo tỉ lệ nhiễm bịnh và tử vong. Dù vậy một số quốc gia có thể áp dụng, hoặc vì thiếu điều kiện và phương tiện chống đỡ hay lý do kinh tế do e ngại nó sẽ làm tê liệt hoạt động của quốc gia. Khoanh vùng, cô lập nhằm tránh lây lan, ngăn chận dịch là biện pháp đối phó thường được hầu hết các quốc gia sử dụng và trong đại dịch hiện nay.
Có thể nhận thấy cuộc chiến chống dịch bịnh tại Mỹ hiện nay là cuộc chiến thiếu đồng nhất và không rõ ràng, ít nhiều tạo nên hoang mang cho người dân bình thường khi cả hai xu hướng bị cho rằng "thả dịch" và "chặn dịch" đang diễn ra đồng thời.
Đầu tiên là việc chính phủ tuyên bố những điều mà giới chuyên môn và cơ quan y tế quốc gia có ý kiến khác hơn khi phát biểu. Ví dụ chính phủ có xu hướng "thả dịch", cho rằng không cần thiết phải cô lập, đóng cửa hay sớm hoạt động lại cho dù chưa có dấu hiệu suy giảm dịch bịnh nào, thì giới y tế lại đề nghị biện pháp ngược lại. Hay chính phủ có những sự lạc quan trước vài loại thuốc chữa bịnh như nói trên thì giới y tế lại tuyên bố đầy thận trọng về mức độ hiệu nghiệm của việc thử nghiệm lâm sàng này.
Thứ nhì là liên bang để các tiểu bang tự quyết định biện pháp chống đỡ như thế nào, nên các tiểu bang cũng lại đi theo hai xu hướng đối nghịch như trên. Có những tiểu bang ban lịnh đóng cửa, cấm tụ tập thì có những tiểu bang vẫn ung dung cho vui chơi, tụ họp.
Trong cùng tiểu bang thì cũng vậy, các quận hạt tự quyết định lấy. Texas đang trong tình trạng này. Dallas, Houston... ban lịnh đóng cửa mà những quận hạt lân cận vẫn mở cửa thì liệu có chặn dịch hiệu quả? Dallas họp báo mỗi ngày, kêu gọi người dân ở nhà vì số người lây nhiễm tăng từng ngày thì phó thống đốc tiểu bang kêu gọi nên sớm hoạt động bình thường trở lại, ví như người già bị lây nhiễm nhiều và qua đời thì cũng là cách hy sinh cho con cháu. Theo ai?
Truyền thông thì rõ ràng cũng đưa tin theo hai hướng khác nhau, diễn giải dịch bịnh và binh chống với nhiều dụng ý. Nên không có gì khó hiểu khi nhiều cử tri cũng nhìn nhận dịch bịnh tùy theo xu hướng chính trị, đảng phái của mình. Nhìn qua cũng thấy các tranh luận trên mạng xã hội được diễn giải, chuyển tin với nhiều định kiến. Thậm chí các cơ quan phòng chống dịch bệnh quốc gia và thế giới hay những chuyên gia y tế hàng đầu còn bị chỉ trích, xem nhẹ khi họ đưa ra các quan điểm trái ngược với tuyên bố của chính phủ.
Cuối cùng thì những người dân độc lập, phi đảng phái phải làm gì và tin ai trong cơn dịch bịnh này?
Điều kiện di chuyển, đi lại không dễ dàng để lây lan nhanh như hiện nay nhưng đại dịch Spanish Flu năm 1918-1920 được ước tính đã có khoảng một phần tư dân số thế giới, đến 500 triệu người bị lây nhiễm và cướp đi có thể đến 50 triệu sinh mạng nên có thể thấy rằng đại dịch là một nguy cơ to lớn của nhân loại, bất kể màu da hay chính kiến.
Đồng hồ theo dõi dịch bịnh thế giới và tại Mỹ của Đại Học Johns Hopkins cho thấy cho đến trưa ngày 26 tháng Ba giờ Hoa Kỳ thì có 619 người khỏi bệnh, 1046 người chết trong tổng số gần 70 ngàn người đang bị lây nhiễm. Những con số này cho thấy rằng, giới y tế và khoa học có lý do về sự thận trọng trong diễn biến dịch bịnh và khả năng chữa trị. Các số liệu của Hiệp Hội Bịnh Viện Hoa Kỳ (AHA) cho thấy với tỉ lệ 2.9 giường bịnh cho mỗi 1,000 dân tại Mỹ và số giường phòng cấp cứu ICU là con số vô cùng nhỏ, 0.36 giường/1,000 người thì bất cứ sự gia tăng nào của dịch bịnh cũng có thể dẫn đến sự quá tải cho bịnh viện và giới nhân viên y tế.
Trong cuộc họp báo hồi cuối tuần qua, Tổng Y Sĩ Hoa Kỳ, Phó Đô Đốc Jerome Adams trong hội đồng đặc nhiệm chống dịch của Hoa Kỳ cũng đã cảnh báo rằng, tình hình dịch bịnh có thể xấu đi trong những ngày tới và nhiều người dường như còn xem thường. Có những lý do riêng của mỗi người nhưng ắt có những người xem nhẹ vì tin rằng nó là câu chuyện được chính trị hóa.
Virus, dịch bịnh là vấn đề khoa học, của chuyên môn. Nó chỉ giải quyết, ngăn chận bằng khoa học, không phải bằng chính kiến, đảng phái hay niềm tin. Nên vấn đề còn lại là làm sao hợp đoàn, bảo vệ mình để bảo vệ cộng đồng và xã hội trong giai đoạn này, trước khi khoa học tiêu diệt được cơn dịch quái ác này mới là điều quan trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét