Một đại lộ Champs-Elysée vắng lặng, một Tháp Eiffel không bóng người, một Nhà Thờ Đức Bà Paris chỉ còn lại những đàn chim bồ câu. Chưa bao giờ Paris và nước Pháp nói riêng, cũng như những thành phố lớn trên thế giới nói chung lại im lặng một cách đáng sợ như vậy. Im lặng trước một kẻ thù vô hình.
Virus corona làm đảo lộn tất cả, tác động đến mọi lĩnh vực, tấn công bất kỳ ai mà không phân biệt mầu da, quốc tịch, giầu-nghèo. Sau thời gian đầu xem nhẹ virus corona như một loại virus cúm mùa, chính quyền, rồi người dân Pháp bắt đầu hiểu và bất ngờ trước độ nguy hiểm của dịch Covid-19 : lây lan nhanh hơn và gây chết người hơn. Trong thời gian gấp rút chống dịch, mà đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu, người dân Pháp có những cách thể hiện lòng biết ơn và tình liên đới rất riêng.
Những tràng pháo tay cổ vũ nhân viên y tế
Trước cả khi biện pháp phong tỏa được triển khai, cứ đúng 20 giờ hàng ngày, mọi người bỏ ngang công việc để ra ngoài ban công vỗ tay, hô vang những lời cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế, xen lẫn trong tiếng gõ xoong nồi và tiếng còi xe hiếm hoi. Vài phút cũng là khoảnh khắc giúp tìm lại một chút dư vị của cuộc sống trong thời gian phong tỏa.
Bé Sophie, sống ở Joinville-le-Pont (ngoại ô Paris), cũng vậy. Tối nào bé cũng chờ đúng 20 giờ, để mở cửa sổ và vỗ tay :
« Tại vì con muốn cảm ơn và cổ vũ các y tá, bác sĩ và phần nào cũng để tưởng nhớ những bác sĩ đã qua đời. Chúng con cổ vũ họ bằng cách gõ xoong nồi, vỗ tay. Ngoài ra còn có nhiều người, như những người bán bánh mỳ, họ gửi bánh mỳ kẹp, bánh pizza đến bệnh viện để động viên các y bác sĩ. Bởi vì, nhờ họ mà chúng ta có thể khỏi bệnh Covid-19. Nếu như không có các y tá, không có các bác sĩ, thì những người cần được chăm sóc, có lẽ đã qua đời hết rồi. Vì thế, chúng ta phải động viên họ ».
Đội ngũ nhân viên y tế trên tuyến đầu bắt đầu mệt mỏi, nhưng họ không buông tay. Với họ, không còn khác biệt giữa những ca trực. Còn cuộc sống gia đình riêng, họ chấp nhận hy sinh vì không đành lòng để đồng nghiệp xử lý những ca cấp cứu. Thế nhưng, những y bác sĩ tuyến đầu lại như « tay không bắt giặc » vì thiếu găng tay, khẩu trang, đồ phòng hộ. Chính phủ đã đặt mua thêm 250 triệu khẩu trang, trong kho dự trữ có hơn 117 triệu chiếc, nhưng số lượng đó sẽ giúp họ cầm cự được bao lâu khi mỗi tuần cần ít nhất đến 24 triệu khẩu trang các loại ? Đến ngày 23/03/2020, năm bác sĩ đã qua đời vì virus corona khi giúp bệnh nhân thoát khỏi siêu vi này.
Trách nhiệm thuộc về ai ? Vấn đề này hẳn sẽ được đưa ra tranh luận sau khi hết dịch. Những hiện tại, thời điểm khó khăn này cho thấy lòng tương ái của rất nhiều doanh nghiệp và người dân Pháp.
Toàn quốc quyên góp khẩu trang cho bệnh viện
Các tập đoàn lớn LVMH, L’Oréal, la Roche-Posay sử dụng gần hết kho cồn để sản xuất gel rửa tay khử trùng và cung cấp cho các bệnh viện, các nhà dưỡng lão… LVMH biến ba nhà máy chuyên sản xuất nước hoa Dior, Givenchy và Guerlain thành nơi sản xuất gel rửa tay diệt khuẩn, cung cấp miễn phí cho 39 bệnh viện ở Paris trong suốt thời gian cần thiết.
Nhiều lời kêu gọi quyên góp khẩu trang được hưởng ứng : một chiếc, hai chiếc đều quý. Người dân đưa trực tiếp cho bác sĩ thành phố, những người tham gia trong giai đoạn đầu điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona, hoặc mang đến các bệnh viện.
Trên quy mô lớn hơn, tập đoàn LVMH, thông qua mạng lưới nhà cung cấp riêng, thông báo hôm 21/03 là tặng cho Pháp 10 triệu khẩu trang và đề xuất nhà nước mua thêm 40 triệu chiếc. Hai máy bay đầu tiên chở khẩu trang từ Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay Roissy ngày 25/03. Tập đoàn truyền thông, xây dựng Bouyges tặng một triệu. Yves Saint Laurent và Balenciaga, thuộc tập đoàn Kering, huy động các xưởng may riêng để sản xuất khẩu trang theo đúng các biện pháp bảo vệ y tế nghiêm ngặt nhất.
Nhiều xưởng may nhỏ tư nhân, do gần như ngừng hoạt động vì quyết định phong tỏa, đã huy động nhiều nhân viên tình nguyện may khẩu trang vải, tặng cho người dân.
Chăm sóc con cái để người trên tuyến đầu yên tâm chống dịch
Rất nhiều hình thức tương ái khác liên tục được nhắc đến trong thời gian này. Các chủ nhà Airbnb, dù sao cũng phải đóng cửa vì không có khách, đăng quảng cáo cho nhân viên y tế mượn phòng, hoặc cho thuê với giá rất rẻ, trong trường hợp họ không về nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm cho gia đình. Họ được miễn vé tầu xe, còn nhiều tài xế taxi tình nguyện chuyên chở họ miễn phí. Đối với những người có con nhỏ, các thành phố đã tổ chức những lớp học tương ái để coi con giúp họ. Chị Trần, một cô nuôi dạy trẻ ở Paris, tình nguyện viên trong thời dịch, giải thích :
« Khi mà tổng thống ra lệnh là tất cả các trường học đều đóng cửa, thành phố Paris đã quyết định sẽ mở tất cả các nhà trẻ trong tất cả các quận để giữ con cho tất cả những người trên tuyến đầu, như y tá, bác sĩ, những người làm việc ở bệnh viện.
Những cô nào có con dưới 16 tuổi thì được ở nhà để giữ con. Những cô giáo nào có con đã lớn hoặc không có con cái, họ sẵn sàng đi làm việc trong những ngày giới nghiêm để giúp những người y tá, bác sĩ để họ yên tâm làm việc.
Khi quyết định như vậy, các cô trong danh sách đi làm cũng rất lo sợ, bởi vì ai cũng sợ dịch bệnh hết, ai cũng muốn ở nhà và họ cũng không muốn đi làm. Nhưng khi giải thích ra thì mình phải đoàn kết và giúp đỡ những người trên tuyến đầu, bởi vì những người trên tuyến dễ nhiễm bệnh hơn, vậy tại sao mình ở tuyến sau mà lại không giúp đỡ ?
Với tình trạng thiếu an toàn lao động, thiếu khẩu trang, thiếu găng tay, thiếu đủ thứ như vậy, thì ai cũng sợ hết nhưng cũng bắt buộc phải đi làm, bởi vì cứ nghĩ thoáng một chút thì cũng bớt sợ đi ».
Tặng pizza cho những người trên tuyến đầu chống dịch
Quyết định phong tỏa đồng nghĩa với việc hàng quán không cần thiết phải đóng cửa, trong đó có cửa hàng pizza. Để tránh lãng phí thực phẩm trữ trong kho, rất nhiều chủ cửa hàng pizza, đã quyết định làm bánh, tặng đội ngũ nhân viên y tế ở các bệnh viện trong khu vực.
Eliz Navasquez, chủ một hiệu bánh pizza di động, đã miệt mài nướng khoảng 300 chiếc, tương đương với hai tối làm việc, để tặng cho cán bộ nhân viên y tế bệnh viện đại học Dijon. Việc vận chuyển đến bệnh viện được nhân viên cảnh sát đảm nhiệm vì họ là những người duy nhất có quyền được đi lại trong thành phố. Mất khoản doanh thu khoảng 3.500 euro nhưng việc làm này giúp anh thấy thoải mái, khi trả lời đài France 2 :
« Tôi làm thế này để làm ví dụ cho những chủ hàng khác hiện phải đóng cửa như chúng tôi và để tránh lãng phí thực phẩm vì tiếc là một số chủ hàng bánh pizza vất hàng hóa. Tôi thấy tuyệt vời, nụ cười của các nhân viên y tế như một điều gì đó thần kỳ và nếu như việc làm của tôi có thể giúp đội ngũ lấy lại tinh thần, thì thật tuyệt vời ».
Anh Adrien, quản lý một quán pizza Domino’s ở thành phố Caen, cũng có ý tưởng tương tự để cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế.
« Trong nhiều ngày, chúng tôi đã nghĩ đến việc tặng bánh pizza cho tất cả những y tá và những người được huy động trong thời gian này. Vì thế, ngay khi ông chủ trả lời đồng ý, chúng tôi đã làm khoảng 60 bánh pizza tặng cho lính cứu hỏa và nhân viên y tế bệnh viện đại học Caen. Khi biết rằng sắp đến lúc phải đóng cửa và dĩ nhiên chúng tôi không thể vất hết đồ dự trữ và vì chúng tôi muốn sử dụng kho hàng của mình một cách tốt nhất nên chúng tôi nghĩ đến việc tặng bánh pizza cho nhân viên y tế và lính cứu hỏa. Chúng tôi còn có thể làm như vậy thêm được vài ngày ».
Trên tài khoản Twitter ngày 20/03 Adrien cho biết trong vòng ba ngày, cửa hàng đã làm 1.100 bánh pizza tặng cho nhân viên y tế, lính cứu hỏa và người vô gia cư.
Cuối cùng, Jean-Jacques Goldman, nhạc sĩ-ca sĩ nổi tiếng, nhân vật được người Pháp yêu quý nhất, có cách riêng để ghi ơn các nhân viên y tế và những người trên tuyến đầu chống dịch, bằng cách phổ lại lời bài hát Il changeait la vie (Anh ấy thay đổi cuộc đời, 1988) thành Ils sauvent des vies (Họ cứu những cuộc đời).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét