Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

565 - Du học sinh Mỹ từ khu cách ly: “Chúng tôi trở về không phải là gánh nặng cho đất nước”


Hình minh hoạ. Sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội đeo khẩu trang phòng dịch đến trường
Hình minh hoạ. Sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội đeo khẩu trang phòng dịch đến trường. Reuters


H.T - một du học sinh từ Mỹ trở về hiện đang thực hiện cách ly tập trung tại Ký túc xá (KTX), Đại học Quốc Gia TP.HCM, nói rằng anh đã và vẫn sẵn sàng góp tiền cho Nhà nước chống dịch COVID-19, nhưng anh cũng không đồng ý với quan điểm rằng “Du học sinh trở về tránh dịch là gánh nặng cho đất nước”.
Vừa trở về nước được gần một tuần, H.T chia sẻ vớ RFA những cảm nhận của anh từ khu cách ly tập trung, cũng như quan điểm của mình về những tranh cãi xung quanh vấn đề “về nước tránh dịch và cách ly tập trung”.
Về nguyên do trở về, H.T nói anh đã kế hoạch cho việc này từ lâu:
Vì mình đã có sẵn kế hoạch để trở về với gia đình và kế hoạch công việc riêng nên dù thế nào mình cũng sẽ về. Nhưng mình thay đổi kế hoạch về sớm hơn vì trường mình chuyển sang học online đến hết học kỳ và kí túc xá đóng cửa. Nên mình quyết định về với gia đình.”
Anh cũng biết trước quy định phải cách ly tập trung bắt buộc đối với tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, nên đã chuẩn bị tinh thần để thực hiện cách ly một cách nghiêm túc vì sức khoẻ của bản thân và cộng đồng:
Mình đã có biết trước và mình nghiêm túc chấp hành thôi ạ. Vì mình biết cách ly nghiêm túc đảm bảo cả sức khoẻ của bản thân cũng như trách nhiệm sức khoẻ với cộng đồng.
Cái mình quan tâm nhiều nhất là sức khoẻ thôi còn quá trình di chuyển về mình chuẩn bị khá kỹ, cứ sau mỗi chuyến bay mình lại vệ sinh tay và thay áo quần cũng như đồ bảo hộ để giảm thiểu rủi ro lây chéo cho/từ những người đi cùng chuyến bay với mình khi trở về Việt Nam.”

Du học sinh về nước không phải là “gánh nặng”

Kể từ đầu tháng Ba, có hàng chục ngàn người Việt Nam trở về nước để tránh dịch bệnh, bao gồm cả kiều bào, du học sinh và lao động ở nước ngoài. Nhiều người trong số này đã nhiễm bệnh từ trước khi về, làm cho số ca nhiễm ở Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 26/3/2020: công and đứng canh ngoài một cơ sở cách ly ở tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 26/3/2020: công and đứng canh ngoài một cơ sở cách ly ở tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam Reuters
Do đó, dư luận trong nước có những ý kiến tiêu cực đối với những người về nước tránh dịch. Điển hình như quan điểm “Những người trở về nước tránh dịch là gánh nặng cho đất nước”. Vì vậy, hễ có bất cứ ai lên tiếng chê điều kiện cách ly không tốt là sẽ bị cả báo chí và dư luận chỉ trích, thậm chí có tờ báo nói những người này là “vô ơn”.
H.T cho biết mình không đồng ý với quan điểm trên bởi vì du học sinh vẫn là một công dân Việt Nam và họ có quyền về nước khi cần:
“Mình thấy hơi khó hiểu đối với một số ý kiến mà với mình là hơi ích kỉ và phiến diện từ một số bình luận trên mạng xã hội thôi.
Về phần "du học sinh về nước tránh dịch là gánh nặng đất nước" thì mình hoàn toàn không đồng ý. Bởi vì du học sinh về bản chất cũng chỉ là những công dân Việt Nam đi học xa nhà và vẫn mang quốc tịch Việt Nam.
Thay vì đóng tiền học ở một trường học tại Việt Nam và thuê nhà ở Việt Nam thì du học cũng chỉ là thuê trọ và đóng tiền học ở một nơi xa hơn ngoài vùng lãnh thổ mà thôi.
Và vì vẫn là người Việt Nam nên mình tin khi về nước và chấp hành nghiêm chỉnh công tác phòng chống dịch bệnh, có trách nhiệm với bản thân với cộng đồng thì chẳng có lý do gì để bị xem là gánh nặng cả vì đó cũng là một phần quyền công dân của mỗi công dân Việt Nam.”

Điều kiện cơ bản được đảm bảo trong khu cách ly

Vừa qua, một du học sinh Canada và một du học sinh từ Mỹ cũng thực hiện cách ly tại KTX, Đại học Quốc Gia chia sẻ trên mạng xã hội rằng cơ sở vật chất ở đây rất tệ, “dơ không thể sống nổi, quá sức chịu đựng...”. Ngay sau đó, những người này bị hàng loạt bình luận chỉ trích từ cư dân mạng cũng như báo chí nhà nước.
Trước sức ép từ dư luận, cả hai du học sinh trên đều đã khóa trang cá nhân.
Anh H.T cho biết điều kiện cách ly ở Đại học Quốc gia là khá tốt. Những nhu cầu cơ bản về sức khoẻ được đảm bảo:
Điều kiện cách ly trong này khá tốt. Ăn uống được cung cấp vô cùng đầy đủ ngày 3 bữa rất đúng giờ. Nước uống được cung cấp vô cùng đầy đủ để bảo đảm sức khoẻ tốt nhất cho người cách ly.
Các nhu yếu phẩm được cung cấp đầy đủ. Nếu cần gì thì báo với quản lí toà nhà và quản lí sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng. Ngoài ra người cách ly còn được đo thân nhiệt hai lần mỗi ngày đều đặn, và được xét nghiệm mỗi 7 ngày trong 14 ngày cách ly.”
Hình minh hoạ.  Hình chụp hôm 26/3/2020: một phụ nữ về từ Trung Quốc đeo khẩu trang tại một cơ sở cách ly của quân đội ở Lạng Sơn
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 26/3/2020: một phụ nữ về từ Trung Quốc đeo khẩu trang tại một cơ sở cách ly của quân đội ở Lạng Sơn Reuters
Nói về những bạn du học sinh chê bai điều kiện ăn ở ở khu cách ly, H.T có thể hiểu được cảm giác đó. Bởi vì nhiều người từ xa trở về, phải đi thẳng từ sân bay về khu cách ly mà không kịp chuẩn bị vật dụng cần thiết:
Còn về phần nhiều bạn du học sinh chê điều kiện ăn ở sinh hoạt thì mỗi khu cách ly sẽ có mỗi điều kiện cách ly riêng. Các bạn chê điều kiện cách ly có thể là vì các bạn chưa được trải nghiệm nhiều những điều kiện sống hơi khác so với điều kiện mà các bạn đó được sinh sống.
Vì khu cách ly của mình phần lớn là du học sinh nên mình có thể hiểu được là các bạn vừa từ phương xa về, nên có một số nhu cầu có thể cần thiết mà khu vực cách ly chưa chuẩn bị kịp.
Ví dụ những ngày đầu mới về thì mọi người đều chưa có dịch vụ điện thoại để liên lạc cũng như truy cập internet nhằm phục vụ cho nhu cầu học từ online. Một số bạn thì cần thuốc men và các nhu yếu phẩm cá nhân khác.
Và ngoài ra thì phần lớn mọi người đều cần quạt vì một số bạn vừa trở về từ những khu vực khá lạnh nên chưa thể thích nghi được với nhiệt độ nóng ở TPHCM. Ngoài những cái đó ra thì trong này tụi mình được cung cấp khá đầy đủ để đảm bảo cuộc sống ổn định.

Sẵn sàng đóng góp chống dịch

Với con số hàng chục ngàn người đang được miễn phí toàn bộ chi phí cách ly trên cả nước, mà phần đông trong số đó là người từ nước ngoài trở về. Có ý kiến cho rằng ngân sách nhà nước đang hỗ trợ “sai đối tượng”. Vì đa số trong họ đều là người “có điều kiện”.
Theo quan điểm của H.T, anh cho rằng việc “cào bằng” tất cả người từ nước ngoài về hay du học sinh nói riêng “có điều kiện” là chủ quan, vơ đũa cả nắm. Tuy nhiên, cá nhân H.T luôn sẵn sàng đóng góp cho việc phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam:
Riêng mình thì mình không đồng ý với việc mặc định đa số du học sinh là những người có điều kiện vì nó khá là "vơ đũa cả nắm". Bởi vì cũng đâu ít người đi du học theo diện học bổng và thậm chí dù không có học bổng thì bố mẹ đôi khi phải vay tiền cầm cố nhà cửa cho con cái đi du học thì sao?
Mình đồng ý là chi phí cách ly lớn, và nếu phải đóng tiền để cách ly thì riêng cá nhân mình thì mình sẽ đóng. Từ đầu mình và gia đình cũng đã thống nhất là đã và sẽ ủng hộ ban cứu trợ TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam với khả năng của gia đình để có thể bù đắp phần nào chi phí cách ly của riêng mình. Và mình tin mình không phải là người duy nhất làm sẽ ủng hộ như vậy.
Ngày 17/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cả nước hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận tổ quốc Việt Nam - “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19”. Ông Phúc nói “Mỗi người dân, đặc biệt là giới doanh nhân, các giới, các đơn vị và người dân tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức góp sức”.
*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi theo yêu cầu của người được phỏng vấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét