Một cuộc biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng tại Việt Nam.
Trong các bài viết trước, các nhà hoạt động tại Việt Nam đã trình bày một bức tranh xã hội không mấy gì lạc quan lắm. Theo cái nhìn thực tế của các bạn thì đại đa số người trẻ Việt Nam có vẻ còn thờ ơ với thời cuộc; ngay cả những người quan tâm thì họ cũng không biết phải làm gì để tạo nên thay đổi và phần lớn, chỉ muốn tìm con đường an toàn để thực hiện các ước mơ của mình.
Họ muốn tránh né các vấn đề chính trị, nhạy cảm, rủi ro v.v… Những ai có khả năng thì tìm con đường xuất ngoại vì viễn ảnh tương lai ở đó tươi sáng hơn. Ngay cả khi nhìn như thế, các nhà hoạt động này vẫn lạc quan. Dù biết mình chỉ là nhóm thiểu số, nhưng họ vẫn muốn góp phần thay đổi xã hội trong khả năng của mình. Họ không bỏ cuộc và mong muốn trở thành chất xúc tác để tạo nên thay đổi, dù nhỏ nhoi đến mấy.
Câu hỏi sau cùng tôi đặt ra với các nhà hoạt động Việt Nam là các bạn có nghĩ rằng có nhiều người trẻ VN muốn thay đổi hiện tình đất nước hay không?
Sau đây là các chia sẻ của các bạn.
Biển Ngọc cho rằng tuy có nhiều người trẻ hoạt động, nhưng có một thiểu số đáng chú ý nhất. Biển Ngọc nói: “Có một nhóm trẻ khát vọng dân chủ thật sự… Các bạn này có thể có cái túi rỗng nhưng cái đầu và trái tim thao thức về Việt Nam thì luôn tràn đầy. Các bạn nhóm này nhìn Việt Nam như nó là – với tất cả vẻ đẹp, vết thương và viễn cảnh tương lai một cách khách quan và kiên định. Điều đáng thán phục nơi nhóm này là họ thấy nhưng người bên kia chiến tuyến cũng là con người và cũng là người Việt Nam, cũng muốn dấn thân theo lý tưởng dầu đường hướng có khác nhau.”
Nam Hải biện luận rằng những khó khăn đối diện hiện nay đã phần nào làm cho các bạn trẻ Việt Nam nhìn ra được vấn đề nằm ở đâu. Nam Hải chia sẻ: “Mạng internet, phim ảnh nước ngoài,… đã giúp giới trẻ trong nước nhận ra sự khác biệt của Việt Nam và phần còn lại của thế giới. Thông qua các cuộc biểu tình dù bị đàn áp nhưng vẫn có sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ điều đó cho thấy giới trẻ không quay lưng lại với các mối hiểm họa của đất nước.
Các cuộc tuần hành ăn mừng đội tuyển bóng đá Việt Nam giành chiến thắng cũng nói lên rằng giới trẻ có tinh thần tự hào dân tộc, có lòng tự tôn dân tộc (không bàn đến vấn đề màu cờ). Họ khát khao được thế giới ghi nhận và biết đến.
Cuộc sống ngày càng khó khăn khiến một bộ phận không nhỏ giới trẻ nhận thấy cần thay đổi: việc được học hành trở nên khó khăn hơn (học phí tăng, chi phí sinh hoạt cao, con cái quan chức được nâng điểm làm giảm cơ hội của họ…). Sau khi tốt nghiệp thì không thể tìm được việc làm, tài năng không được trọng dụng...”
Nhất Tâm cũng lạc quan với lý tưởng của người trẻ. Nhất Tâm nhận xét: “Theo em là có, vì tuổi trẻ nào cũng tràn đầy năng lượng và ít nhiều mang trong mình những lý tưởng sống nào đó. Khi các bạn nhận ra hiện tình đất nước thì thường muốn làm gì đó để thay đổi, như các phong trào môi trường, sống xanh tạo nên những cộng đồng khá đông. Các buổi hội thảo về những đề tài xã hội tại Sài Gòn và Hà Nội cũng thu hút rất nhiều, toàn gương mặt trẻ. Nhưng điểm mấu chốt vẫn là thay đổi như thế nào, đường lối ra sao, làm sao để xây dựng niềm tin được? Phong trào dân chủ trong nước vẫn chưa trả lời được những điều đó. Do vậy khó mà thu hút được nhiều người trẻ có tri thức cùng tham gia.”
Theo Nhất Tâm thì lý tưởng của người trẻ lúc nào và ở đâu cũng có, nhưng cần có hướng đi rõ ràng để biến thành hành động cụ thể.
Nhật Nguyệt cũng có những nhận định tương tự. Nhật Nguyệt nói: “Em nghĩ đa phần người trẻ (ít nhất là bạn bè em) muốn có sự thay đổi. Tuy nhiên, vấn đề lớn gây tranh cãi là sẽ thay đổi như thế nào?
Em có bạn bè là công an và quân nhân đều có ý là muốn thay đổi, nhưng muốn thay đổi từ Đảng về để kinh tế, tiền lương và cơ sở vật chất tốt hơn.
Còn bạn bè em kiểu trung lập hoặc có hiểu biết về hiện tình thì chủ yếu muốn thay đổi về phần kinh tế, như vấn đề hối lộ.
Những người như em thì muốn có sự thay đổi triệt để về phần chính trị.”
Dương Ngọc thì bi quan hơn. Ngọc nhận xét: “Em cho là những người trẻ hiện nay muốn thay đổi tình hình đất nước là không nhiều. Bởi, giới trẻ hiện nay và thế hệ ba mẹ của họ được sinh ra và giáo dục trong chế độ cộng sản. Hơn nữa, cách giáo dục của gia đình và truyền thống xã hội Việt Nam luôn hướng trẻ con tới việc vâng lời người lớn thay vì được bày tỏ ý kiến. Những nền tảng đó khiến thế hệ trẻ ngày nay có xu hướng chấp nhận những gì đã được định sẵn, ít đặt câu hỏi, ít bày tỏ quan điểm cá nhân và không phản biện những vấn đề đã đi vào khuôn mẫu.”
Trong bài viết về 30 tháng Tư năm 2019, Trương Thị Hà không bàn về việc giới trẻ có muốn thay đổi không, nhưng Hà kêu gọi các bạn như sau:
“Các bạn không cần phải có lý tưởng, chẳng cần phải làm điều gì đao to búa lớn, chỉ đơn giản là biết yêu thương, biết quan tâm và biết quan sát một chút. Trước đây, nếu chúng ta sống ở thời chưa có tivi và internet, chẳng ai trách các bạn bị nhồi sọ cả. Nhưng hiện nay, các bạn có tất cả mọi thứ trong tay, internet, smart phone, facebook… Nếu các bạn còn chưa nhận thức hoặc cố tình không chịu tìm hiểu, tôi xin thẳng thắn nói vào mặt các bạn: “Con người khác con vật ở chỗ là biết tư duy độc lập, biết yêu thương và cảm thông cho đồng loại. Nếu sống thờ ơ, vô cảm thì chẳng khác gì con vật cả!”
Phần khảo sát với bảy nhà hoạt động trong nước, trên tổng số hơn 50 triệu người trẻ, hiển nhiên không phản ảnh được những suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam. Chúng ta cần phải khảo sát ít nhất vài ngàn bạn trẻ từ mọi tầng lớp trong xã hội Việt Nam để làm mẫu dân số thì mới hy vọng đúc kết được một số vấn đề mang tính khoa học và thực tiễn hơn. Tuy nhiên, qua các nhà hoạt động đã có nỗ lực tiếp cận với giới trẻ trong những năm qua, các bạn đã cho chúng ta thấy được phần nào những vấn đề của Việt Nam hôm nay. Tuy đại đa số giới trẻ thờ ơ với hiện tình đất nước, nhưng vẫn còn một thiểu số quan tâm, sẵn sàng dấn thân bất chấp mọi rủi ro và hiểm nguy để mong đem lại những thay đổi thiết thực. Những xúc tác thay đổi ở xã hội nào và thời đại nào cũng chỉ là thiểu số. Nhưng với một thiểu số quyết tâm, kiên trì cho đến cùng và thêm được sự hỗ trợ tích cực, thì chắc chắn họ sẽ mang lại những thay đổi lớn lao và thành công trên con đường dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét