Tôi viết tút này không phải để bênh vực Mẹ Nấm, mà là để bênh vực cho thứ tôi luôn theo đuổi, đó là một môi trường ngôn luận tốt hơn. Và hơn nữa, cũng là để đứng bên cạnh những tiếng nói tương tự, vốn ít ỏi và có phần bị lấn át, như ý kiến vừa nêu của bạn Phạm Lê Vương Các.
Chuyện Mẹ Nấm mấy ngày qua thực sự là có rất nhiều lớp lang, mà nếu không bóc tách ra thì không có cách nào phán xét cho hợp lý: Chuyện chị ấy phê phán Trump, chuyện Trần Đình Thu và phe ủng hộ Trump phê phán và/hoặc mạt sát Mẹ Nấm, chuyện một số người khác có bất đồng cá nhân với Mẹ Nấm, v.v.
Tôi thực sự không quan tâm Mẹ Nấm nói gì về Trump, hay những khúc mắc cá nhân của chị ấy với một số người khác. Cái tôi muốn nói tới là cách chúng ta đối xử với một ý kiến trong xã hội.
Ở đây không cần thiết phải đặt ra vấn đề tự do ngôn luận theo nghĩa hẹp (tôi sẽ nói rõ sau tại sao lại hẹp), vì không có ai trong cuộc bị cấm nói hay bị trừng phạt sau khi nói.
Tuy vậy, một ý kiến liên quan đến một vấn đề công cộng, dù đúng hay sai, dù thái độ có kẻ cả hay ngạo mạn đến đâu, cũng không nên là cái cớ để mạt sát và xúc phạm cá nhân người nói. Thái độ như của Mẹ Nấm có thể được tìm thấy ở tất cả các phe chứ không riêng gì chị ấy. Và tôi thấy ý kiến, quan điểm hay thái độ của Mẹ Nấm cũng hết sức bình thường. Chắc ai cũng nhiều lần có ý kiến và thái độ kiểu đó.
Ở cả phe ủng hộ lẫn chống đối Trump, luôn có những người coi việc mạt sát, xúc phạm đối phương là cần thiết. Đó là điều, dù là lẽ dĩ nhiên trong xã hội, vẫn không phải là thứ hay ho gì. Ta dìm chết quan điểm của người khác và dìm cơ hội đối thoại cởi mở xuống bùn. Dù phe nào thắng thì tất cả cũng đều bại.
Tôi viết điều này với tư cách là người có rất nhiều bất đồng với Trump. Nhưng tôi thành thật tôn trọng những ai ủng hộ ông ấy, và cực kỳ không tán thành với cách một số bạn chống Trump đang thể hiện.
Ta thường đòi bình quyền, tự do ngôn luận, ứng xử đẹp đẽ khi bản thân mình bị đau. Người khác cũng nghĩ tương tự khi ta làm họ đau. Ngày nay ta dìm Mẹ Nấm xuống bùn, ngày mai kẻ xuống bùn rất có thể chính là ta. Vòng xoáy bạo lực ngôn từ cứ thế tiếp diễn, nghiền nát mọi ý kiến, và vô hình trung, hủy hoại tự do ngôn luận theo nghĩa rộng.
Tự do ngôn luận theo nghĩa hẹp chỉ quan tâm đến việc chính quyền có can thiệp vào quyền nói của thường dân hay không. Tự do ngôn luận theo nghĩa rộng lại quan tâm đến việc nền văn hóa của một xã hội có nuôi dưỡng được những hạt mầm ngôn luận hay không. Hai vấn đề rất khác nhau, và tôi luôn cho rằng vấn đề sau lớn hơn nhiều vấn đề trước.
Nếu mảnh đất văn hóa của chúng ta quá cộc cằn, hoặc quá độc hại, không ý kiến nào có thể nảy mầm trên đó được, chứ chưa nói tới phát kiến. Cái thay đổi mà ta muốn con cháu ta được hưởng, là một mảnh đất lành, nơi chúng có thể tự do bay nhảy mà không sợ dẫm phải mảnh chai.
Tôi viết ra điều này, hoàn toàn ý thức được chuyện sẽ chẳng thay đổi được ai. Ai đang ở phe nào thì vẫn ở yên phe đó. Và tôi thậm chí cũng sẽ ăn chửi. Tôi chỉ muốn nói với những bạn còn trăn trở với một môi trường ngôn luận tốt hơn rằng, luôn có tôi góp một tay cùng với các bạn. Cảm ơn các bạn đã lên tiếng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét