Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

453 - Ngoài ông Trump của Mỹ thì VN có ông Trọng

Trước đại dịch Covid-19, đến nay chỉ có phương pháp phòng ngừa của Nam Hàn cho thấy là có hiệu quả nhứt. Kế tới là Đài Loan và Nga. Các quốc gia này đã nhanh chóng “đóng của biên giới” với TQ.
Mỗi quốc gia có phương pháp riêng của mình. Nam Hàn và Đài Loan chủ trương “kiểm soát” dân du nhập từ TQ, sau đó “thử nghiệm” từng người, nếu cần “cô lập” từng người một. Phương pháp “cô lập” người bịnh của Nam Hàn (và Nga) xem ra “cực đoan”, vì những người mang mầm bịnh covid-19 bị công khai căn cước trên mạng, ai cũng có thể theo dõi.
Nhờ vậy dịch được ngăn chặn, người dân vẫn sinh hoạt bình thường, kinh tế không (hay ít) bị ảnh hưởng.
Nguyên thủ các quốc gia khác, như Macron của Pháp, đã điện thoại “cầu cứu” tổng thống Nam hàn Moon Jae-in yêu cầu ông này chỉ dẫn phương cách để áp dụng cho nước Pháp.
Vấn đề là “quá trễ”!
Các quốc gia Châu Âu và Mỹ đều “không chuẩn bị”. Không có quốc gia nào có “thuốc thử” để thử nghiệm những người nhập cảnh từ các vùng “nhạy cảm”. Cho đến hết tháng hai, cũng chưa thấy nước nào “đo nhiệt độ” hành khách đến từ TQ. Huống chi đóng cửa biên giới với TQ như Nam Hàn, Đài Loan và Nga.
Các quốc gia Châu Âu rốt cục áp dụng phương pháp “giữ khoảng cách giữa mọi người trong cộng đồng”, nhưng thực tế lại là phương pháp cực đoan của TQ “cấm cửa mọi người”, không ai được phép ra khỏi nhà (ngoại trừ trường hợp ngoại lệ). Việc bất khả kháng này làm cho kinh tế quốc gia hầu như “tê liệt”.
Nhìn lại ta thấy Anh và Mỹ đã bỏ qua cơ hội, nước hai này có vị thế địa lý lý tưởng trong chiến lược phòng ngừa.
Tình hình xem ra (sẽ rất) bi đát ở Mỹ. TT Trump đứng trước một “dilem”. Nếu dồn nỗ lực quốc gia vào y tế, với các biện pháp tương tự các quốc gia Châu Âu, nền kinh tế của Mỹ sẽ suy sụp. Trong khi ông Trump chỉ có hy vọng thắng cử vào tháng 11 tới nếu ông này cứu vãn được nền kinh tế.
Vấn đề là y tế của Mỹ cũng thiếu chuẩn bị. Ngoài các thiết bị cần thiết như khẩu trang, máy nhồi khí oxy… Hệ thống an sinh xã hội của Mỹ do “tư nhân” điều hành. Một số lớn dân chúng (khoảng 40 triệu người) không có bảo hiểm. Tức là 40 triệu dân này, chỉ cần 10% bị bịnh, sẽ trở thành “gánh nặng” lớn lao cho đất nước Mỹ.
Các quốc gia Châu Âu như Đức, Anh, Pháp, Ý, Tây ban nha… đều có hệ thống an sinh xã hội “phổ quát”, hầu như người dân nào cũng được bảo vệ.
Vì “không thể chống”, do thiếu dụng cụ y tế, có thể ông Trump sẽ có một chính sách “sống chung với dịch” để cứu kinh tế, bất kể những thiệt hai về sinh mạng.
TT Trump đã bỏ qua rất nhiều cơ hội. Không có quốc gia nào trên thế giới này mà tổng thống được cung cấp đủ thứ tin tức, đủ các dữ kiện, về mọi vấn đề liên quan tới quốc gia từ các cơ quan tình báo như CIA (và các hệ thống nghe lén đặt trên khắp địa cầu).
ĐÁnh giá sai lầm về khả năng đất nước, về sự tai hại của virus corona, (ngay cả lầm lẫn trong ngôn từ) đưa tới lầm lẫn trong chiến lược ngăn dịch lan tràn.
Trở lại Nam Hàn, với sự “thành công” như vậy tổng thống Moon Jae-in hôm trước còn bị dân chúng đe dọa “kiện” ra tòa vì đã không có những hành vi sớm hơn và “hữu hiệu hơn”.
Không có sự “vĩ đại” nào mà không có một ngày bị “chỏng gọng”. Càng “vĩ đại” thì càng té đau.
Ngoài ông Trump của Mỹ thì VN có ông Trọng.
Ông Trọng cho rằng VN “chống dich thành công”, nên nổ rằng: “Không có hệ thống chính trị như VN thì sẽ không làm được như vậy”.
Còn sớm lắm để nói vậy ông Trọng ơi! Các đồng chí “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” làm ơn “bớt nổ”!
Mặt trận “chống dịch” chưa tàn. Mặt trận vực dậy kinh tế còn phía trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét