Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

443 - Định hướng tuyên truyền của tuyên giáo



Quan sát “dòng chảy của báo chí cách mạng” trong khoảng thời gian từ khi xuất hiện bệnh nhân nCovid số 17 (06/3) đến nay, có thể nhận ra vài hướng tuyên truyền chủ đạo:
1.Ca ngợi nỗ lực và năng lực điều hành của Đảng và Nhà nước trong công tác kiểm soát dịch bệnh.
Hướng tuyên truyền ở đây là đúng; chính quyền nào cũng phải biết làm tuyên truyền theo hướng có lợi cho mình, nâng mình lên, dù là độc tài cộng sản hay dân chủ tự do. Nội dung tuyên truyền này cũng đúng thực tế: Với nguồn lực xã hội và năng lực vốn hạn chế xưa nay, những gì đảng và nhà nước cộng sản làm được đến giờ phút này là quá giỏi.
Tuy nhiên, việc nó kéo theo đại dịch thơ thẩn hò vè trên mạng thì thật là khủng khiếp, rẻ rúng hóa thi ca đến thế là cùng. Bên cạnh đó, phải kể đến hoạt động của công an trấn áp, đe dọa, bắt bớ và phạt tiền thẳng tay những người dân “thích” đưa tin và bình luận ra ngoài dòng chảy “chính thống”. Việc này sẽ để lại những vết đen không thể xóa trong nỗ lực chống dịch của đảng và nhà nước cộng sản.
2. Đổ lỗi cho “dân trí”, “ý thức của người dân” khi dịch bệnh bùng phát và có nguy cơ không kiểm soát nổi, theo tinh thần: “Thắng dịch là nhờ Đảng ta. Bùng dịch là lỗi của bà tên Nhung”, và “Thoát dịch là nhờ Đảng ta, dính dịch đúng là ý thức nhân dân”.
Hướng tuyên truyền này tất nhiên vớ vẩn, nhưng nó theo sát tinh thần tuyên giáo (tuyên truyền + giáo dục) hơn nửa thế kỷ nay của đảng Cộng sản: “Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa là tại thiên tài Đảng ta”.
3. Định hướng rằng dịch bệnh lan đến Việt Nam là bắt nguồn từ châu Âu chứ không phải từ Vũ Hán hay Trung Quốc.
Hướng tuyên truyền này rất đúng ý “đảng bạn”, “nước bạn”.
4. Chỉ trích, lên án “Việt kiều” từ các nước Âu-Mỹ về Việt Nam tránh dịch, mô tả họ (theo hướng khái quát hóa) là ăn bám, thiếu ý thức, thiếu văn hóa, hợm hĩnh, vô trách nhiệm với Tổ quốc. (Ví dụ như về nước thì trốn cách ly, đi cách ly lại còn “đòi” ăn táo và nho Mỹ).
Cái định hướng này vừa nhảm nhí vừa lưu manh. Nó đánh lận con đen ngay từ đầu: Không phải Việt kiều về nước, mà chủ yếu là những công dân Việt Nam lao động xa xứ và du học sinh. Thêm vào đó, việc quy từ 1-2 trường hợp đơn lẻ thành cả cộng đồng là một sự khái quát hóa vội vã và lưu manh, có thể dẫn đến một hậu quả nguy hiểm là chia rẽ dân tộc.
5. Nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì “trật tự xã hội” (sâu xa hơn nữa là “ổn định chính trị”). Mọi hành vi tìm hiểu, phát tán thông tin ngoài dòng chính thống đều là “gây rối”, “gây hoang mang dư luận”, “xuyên tạc”. Mọi ý kiến, quan điểm đòi quyền này nọ đều là “chảnh chó”, “vô ý thức”, nặng nề hơn nữa thì lại là “gây rối trật tự công cộng”.
6. Chỉ ra những hành động thiếu ý thức, hoảng loạn, gây mất trật tự xã hội… của công dân các nước phương Tây trong dịch bệnh (ví dụ: tranh nhau đi vét hàng siêu thị, mua giấy vệ sinh, chen chúc tắm biển bất chấp cảnh báo về virus Corona…).
Định hướng này nhằm tuyên truyền cho dân Việt Nam thấy rằng dân không nghe chính quyền là dân hư, rồi chết cả đám. Sâu xa hơn: Dân chủ là loạn.
7. Lờ tuyệt đối mọi sai sót, bất cập, bất ổn trong quản lý, điều hành vĩ mô. Nói cách khác: Không có rút kinh nghiệm gì cả, đảng và nhà nước không có gì sai lầm mà phải rút kinh nghiệm hay nhận trách nhiệm trước công luận.
8. Tránh nhắc đến khái niệm “trách nhiệm của nhà nước”. Tuyệt đối không đả động đến mấy khái niệm nhạy cảm như “dân chủ”, “nhân quyền”, “xã hội dân sự”.
Báo chí cách mạng luôn luôn lập lờ giữa trách nhiệm (việc phải làm) và sự ban ơn của nhà nước, quyền (cái đáng phải được hưởng) và sự biết ơn của dân. Nói cách khác, nhà nước làm gì cho dân thì không phải vì đó là nghĩa vụ, trách nhiệm, dân được hưởng cái đó thì không phải vì dân có quyền, mà tất cả là vì nhà nước ta nhân đạo, thương dân, của dân, do dân, vì dân. Cho nên dân phải biết ơn Đảng và Nhà nước, thậm chí còn phải thấy lâng lâng tự hào, ngạo nghễ Việt Nam, v.v.
9. Lờ tuyệt đối chuyện nCovid-19 đã phơi bày tài sản tham nhũng của quan chức cộng sản như thế nào.
Trên thực tế, bộ máy tuyên giáo, thông qua hệ thống báo chí quốc doanh và đàn dư luận viên trên mạng, có thể còn đang triển khai nhiều định hướng thông tin tuyên truyền nữa. Trên đây chỉ là một số định hướng chính và rõ nét trong thời gian qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét