Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

501 - Nguy cơ sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau hạn mặn


Ảnh minh họa bờ sông bị sạt lở

Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay ở mức độ được nói gay gắt và khốc liệt. Tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, do nước sông Mekong từ thượng nguồn về ĐBSCL ở mức rất thấp nên xâm nhập mặn nghiêm trọng. Dự báo đến cuối tháng 4 mới kết thúc đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay.
Khi hạn mặn đang ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân cũng như hệ sinh thái nơi này thì các chuyên gia lại cảnh báo hiện tượng sạt lở trong mùa mưa sắp tới.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên- Môi trường, lũ lụt, xâm nhập mặn và sạt lở là những thách thức lớn mà ĐBSCL phải đối diện hàng năm. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các trận lũ hầu hết xuất hiện vào giữa tháng 10 và chủ yếu là lũ vừa và nhỏ, số trận lũ lớn đã giảm so với trước đó. Nguyên nhân là do việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện ở thượng lưu sông Mekong đổ về vùng ĐBSCL đã thay đổi quy luật tự nhiên của dòng chảy.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường và tài nguyên, chỉ ra nguyên nhân làm cho tình trạng sạt lở hàng năm ngày càng nặng nề:
“Vùng ĐBSCL là vùng rất là nhạy cảm đối với sự thay đổi khí hậu thủy văn. Khi dòng chảy trên sông Mekong thay đổi do yếu tố như mưa hay do điều kiện đặc biệt khác thì nó ảnh hưởng đến hệ sinh thái rất là nhiều. Đậy là khu vực đồng bằng rất thấp và phẳng lại nằm cuối hạ lưu của một con sông lớn. Thêm vào đó là tác động từ con người như đập thủy điện làm cho tình trạng càng khó khăn hơn.”
Mấy năm gần đây, mặc dù đang là mùa khô nhưng vẫn có hiện tượng sạt lở những căn nhà dọc bờ sông.
Hôm 18 tháng 6 năm 2019, tại diễn đàn ‘Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở vùng ĐBSCL’ do Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP.HCM, một báo cáo cho thấy vùng ĐBSCL có hơn 560 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 800km và xâm nhập mặn hơn 90km.
Cùng ngày, 6 căn nhà liền kề tại khu vực ven bờ sông Vàm Cò Tây, xã Lợi Bình Nhơn, tỉnh Long An đã bị sạt lở.
Ngày 29 tháng 7 năm 2019, năm căn nhà cặp sông Cái Sắn, ven quốc lộ 80 huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ bị sạt lở gây hư hỏng nặng nề và hai căn nhà đã bị cuốn trôi.
Tối ngày 29 tháng 8 năm 2019, 58 m đường ven kênh Rạch Vọp, tỉnh Sóc Trăng bị sạt lở, nhấn chìm hoàn toàn chín căn nhà bán kiên cố xuống sông.
Những vụ sạt lở trên xảy ra không lâu khi mùa mưa đến. Vì thế năm nay, khi mùa khô hạn còn chưa hết, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL đã cảnh báo tình trạng sạt lở vào mùa mưa sắp tới.
Báo trong nước dẫn lời Thạc sĩ Thiện rằng, vào đầu mùa mưa tới, khi mực nước sông còn thấp nhưng bắt đầu chảy mạnh, nước lũ từ thượng nguồn Mekong đổ về làm tăng áp lực bào mòn vào chân bờ sông ở bên dưới. Dòng chảy đã khoét rỗng chân bờ sông, tạo “hàm ếch” bên dưới trong khi người sống ở trên không biết cho đến khi toàn bộ khối đất đổ ụp xuống. Vì vậy, dù đang trong tình trạng hạn mặn, chúng ta vẫn cần đề phòng chuyện này khi mùa mưa đến.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, cho rằng hạn mặn và sạt lở về mặt tự nhiên không liên quan đến nhau, nhưng mặt nhân tai thì có, bởi khi hạn hán thì bà con buộc phải khai thác nước ngầm. Khi khai thác như vậy làm cho nền đồng bằng bị tụt xuống khá nhanh. Điều đó làm ảnh hưởng đến chuyện sụt lở. Nhưng đó không phải là tác động trực tiếp và ngay bây giờ. Theo ông thì chuyện sạt lở là chuyện năm nào cũng có. Ông giải thích:
“Chuyện sạt lở bên bờ sông là do tốc độ dòng chảy của sông bất ổn. Có những lúc rất chậm nhưng có những lúc rất nhanh. Nguyên nhân thứ nhất là những năm lũ lớn, nước trên thượng nguồn lại đổ về do người ta xả đập nên lũ chồng lũ.
Nguyên nhân thứ hai là vùng thượng nguồn họ đắp đê bao kín để làm lúa ba vụ hoặc trồng cây ăn trái nên nước không có đường thoát trên thượng nguồn mà nó tràn xuống bên dưới với tốc độ nhanh hơn.
Nguyên nhân thứ ba là lòng sông những năm gần bị khai thác cát, sỏi rất nhiều nên lòng sông rộng và sâu tạo nên những vùng sụt lở. Ngoài ra những đập nước trên thượng nguồn nó chặn rất nhiều phù sa xuống hạ nguồn cho nên việc bồi đắp phù sa cho lòng sông bị giảm đi.”
Chuyện sạt lở là chuyện xảy ra hàng năm. Đây là một thực tế mà vùng ĐBSCL đã phải chịu từ nhiều năm qua. Nguyên nhân do thiên tai cũng có mà nhân tai cũng có.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định:
“Thứ nhất là người ta ăn cắp cát. Gọi là ăn cắp chứ thật ra họ câu kết với chính quyền địa phương để bơm cát. Khi họ lấy cát thì đáy sông sâu hơn nên dòng nước chảy bị xoáy. Khi nước xoáy vậy thì nó cuốn chân bờ sông khiến bờ sông sụp.
Thêm nữa là khi dòng chảy mạnh thì nó dễ làm cho bờ bị lở. mà sông Tiền, sông Hậu chịu ảnh hưởng của triều bên biển Đông nên cũng có hai con nước lớn hai con nước nhỏ. Mỗi ngày hai lần như vậy. Khi lưu lượng chảy nhanh nó sẽ cuốn bờ sông. Một phần hữa là do dân mình lấn sông cất nhà làm trầm trọng thâm khả năng bị sạt lở.”
Chuyện khai thác cát mà Giáo sư Võ Tòng Xuân đề cập đã xảy ra cả chục năm nay.
Theo thống kê của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, các sở Khoa học Công nghệ, Sở tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng của các địa phương đã cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát dọc sông Tiền và sông Hậu mỗi năm 28 triệu mét khối. Con số này chỉ tính từ năm 2010 đến năm 2013, khi viện này thực hiện đề tài khoa học công nghệ độc lập cấp Nhà nước "Nghiên cứu ảnh hưởng hoạt động khai thác cát đến thay đổi lòng dẫn sông Cửu Long (sông Tiền, sông Hậu) và đề xuất giải pháp quản lý, quy hoạch khai thác hợp lý".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét