Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

5689 - Sài Gòn xóa sổ Khám Chí Hòa, lấy đất xây khu tái định cư

SÀI GÒN, Việt Nam (NV)



Sài Gòn đang tiến hành di dời trại giam Chí Hòa, phường 12, quận 10, lên trại tạm giam T30 ở xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, để lấy đất xây “công trình công cộng và khu tái định cư.” Theo báo VNExpress, sự việc trên được Thiếu Tướng Lê Hồng Nam, giám đốc Công An Thành Phố, cho biết tại buổi làm việc với Bộ Công An mới đây. Đây là việc “phải thực hiện,” và được đặt mục tiêu hoàn thành trong quý 2/2021.


Toàn cảnh khu Khám Chí Hòa nhìn từ vệ tinh. (Hình: VNExpress)

Nói với báo Tuổi Trẻ, Thiếu Tướng Tô Ân Xô, chánh Văn Phòng Bộ Công An, cho biết trại tạm giam Chí Hòa (còn gọi là Khám Chí Hòa) đã quá sức chứa và đang xuống cấp trầm trọng. Một trong những khó khăn là việc người bị kết án tử hình chưa được thi hành án tăng cao, trại phải mở thêm một số buồng giam mới, song “chưa giảm hết mùi hôi và môi trường ô nhiễm.” Bên cạnh đó, trại giam còn gặp trường hợp “lúng túng” khi phải tiếp nhận những bị can chuyển giới do không có nơi giam giữ riêng.

Tin cho biết, việc di dời Khám Chí Hòa đã được tính đến từ gần 20 năm trước. Có giai đoạn ngành công an dự định xây trại tạm giam mới tại huyện Nhà Bè, Sài Gòn, nhưng không thành. Đầu năm 2019, tại một buổi làm việc với Đoàn Công Tác Sở Quy Hoạch Kiến Trúc, đại diện Khám Chí Hòa đề cập đến việc di dời trại này đến Củ Chi, giao khu đất trại giam hiện tại lại cho Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố.

Trong Khám Chí Hòa hiện có hơn 1,000 kho lưu giữ vật chứng từ trước năm 1975 đến nay, Công An Thành Phố đang xin đất để xây dựng kho lưu mới. Về công năng của trụ sở Khám Chí Hòa sau khi di dời, ông Xô cho biết “nên giữ lại một phần để làm bảo tàng.”

Hiện, kế hoạch sử dụng khu đất Khám Chí Hòa sau di dời chưa được công bố. Tuy nhiên, theo “Đồ Án Điều Chỉnh Quy Hoạch Chung quận 10 đến năm 2020” được Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố ban hành ngày 26 Tháng Mười Một, 2012, dự kiến sẽ dành 2.8 hécta trồng cây xanh (giảm 3.5 hécta so với quy hoạch năm 1998) trong diện tích hơn 7 hécta nằm ngay trung tâm quận 10 này. Phần đất còn lại “được chuyển đổi thành công trình giáo dục và khu nhà ở tái định cư.”

Nói về việc này, Kiến Trúc Sư Khương Văn Mười, cựu chủ tịch Hiệp Hội Kiến Trúc Sư ở Sài Gòn, cho rằng khu đất của trại giam nên làm công trình công ích cho cộng đồng, bởi vì khu vực này đang thiếu đất để làm cây xanh, có mật độ dân cư cao. Nếu thêm mảng xanh, dự án công cộng sẽ hữu ích cho người dân. Ngoài ra, thành phố có thể “tính toán dành một phần diện tích trại giam để làm công trình lịch sử.”

Khám Chí Hòa sẽ bị phá bỏ để xây “công trình giáo dục và khu nhà ở tái định cư.” (Hình: Quang Định/Tuổi Trẻ)

Theo một cán bộ ở Sở Văn Hóa-Thể Thao ở Sài Gòn, Khám Chí Hòa là một trong những “địa chỉ thuộc danh mục kiểm kê Di Tích Lịch Sử Văn Hóa của Sài Gòn giai đoạn 2016-2020,” loại hình là Công Trình Lịch Sử. Mà theo Luật Di Sản, những công trình trong danh mục kiểm kê di tích “sẽ được đối xử như di tích đã được xếp hạng.” Thế nhưng, Sở Văn Hóa đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị được khảo sát công trình này nhưng “chưa được hợp tác.”

Khám Chí Hòa được đánh giá là “Công trình kiến trúc đặc biệt” cao ba tầng lầu, 238 phòng, do Nhật giúp Pháp xây dựng năm 1943, theo thuyết ngũ hành, bát quái. Mỗi cạnh của “Bát quái trận đồ” là một khu, lưng xây bịt kín ở phía ngoài còn phía trong toàn song sắt và mỗi khu có bốn buồng giam, có thể chứa từ 2,000 đến 7,000 tù nhân, sinh hoạt như một tòa chung cư kếch xù, nhằm thay thế Khám Lớn Sài Gòn. Trong đó, có hai dãy nhà dành cho phạm nhân nữ.

Nhà tù “Bát Quái” này chỉ có một cửa, ở giữa là khoảng sân rộng cũng hình bát giác chia thành tám khu tam giác nhỏ. Ở giữa là một vọng gác cao hơn 20 mét, đứng tại đây, lính canh có thể dễ dàng quan sát tất cả phòng giam. (Tr.N)

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/sai-gon-xoa-so-kham-chi-hoa-vi-qua-suc-chua-xay-khu-tai-dinh-cu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét