BTV Tiếng Dân
Quan hệ Việt – Trung: Ngụy Phương Hòa thăm VN
Trong lúc tình hình căng thẳng ở Biển Đông, sáng 24/4, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang dẫn cả đoàn đại biểu cấp cao của VN, vác mặt qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái sang Đông Hưng, TQ để tham dự hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa.
Trong cuộc gặp, Bộ trưởng Phan Văn Giang lại mời tay Bộ trưởng Tàu sang thăm VN. Ngụy Phượng Hoàng đáp lại ngay, dẫn cả đoàn qua Việt Nam ngay trong buổi chiều hôm qua 25/4. Bọn Tàu rất thâm, muốn vỗ mặt Mỹ trong lúc căng thẳng với Mỹ trên Biển Đông, chúng qua Việt Nam để thể hiện cái gọi là “tình hữu nghị”, dù chúng liên tục cướp đất, chiếm biển của Việt Nam.
VietNamNet có bài: Lễ đón Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thăm Việt Nam. Buổi lễ đón tiếp họ Ngụy diễn ra chiều qua, tại TP Hà Nội, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang chủ trì lễ. Họ Ngụy dự kiến thăm VN từ ngày 25 đến 27/4. Ngay sau buổi lễ đón tiếp, ông Phan Văn Giang và ông Ngụy Phương Hòa đã tổ chức hội đàm, cứ như thể hai bên chưa nói đủ mấy ý “núi liền núi, sông liền sông” trong buổi hội đàm ở TP Đông Hưng vào ngày 24/4.
Sự kiện gọi là “cuộc điện đàm và làm việc lịch sử” hóa ra vẫn chỉ là trò “võ mồm” quen thuộc mà các đời lãnh đạo, quan chức VN đã diễn đi diễn lại. Bộ trưởng Phan Văn Giang kêu gọi phía TQ không làm phức tạp tình hình, không gây thêm căng thẳng ở Biển Đông. Còn TQ thì tiếp tục đưa thêm tàu chiến mới tới Biển Đông.
Nội dung chính trong buổi hội đàm chiều qua: Hợp tác quốc phòng Việt – Trung ngày càng mở rộng, hiệu quả, theo báo Tiền Phong. Hợp tác quốc phòng VN – TQ trên đất liền ngày càng hiệu quả, đồng nghĩa với việc TQ ngày càng lấn tới ở Biển Đông. Dù VN có cử một số tàu hải quân và tàu CSB ra một số khu vực thuộc chủ quyền VN ở quần đảo Trường Sa, nhưng vẫn không ngăn được đội tàu dân binh và các loại tàu có vũ trang khác của TQ lộng hành.
Đến sáng nay, tại Trụ sở TƯ đảng, đích thân TBT Nguyễn Phú Trọng đón tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng TQ. Thông Tấn Xã VN dẫn lời Tổng Bí thư: Việt Nam coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc.
TBT Nguyễn Phú Trọng không chỉ chào mừng Bộ trưởng họ Ngụy, mà còn chúc mừng “thành công” sự kiện giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt – Trung lần thứ 6, diễn ra vào ngày 24/4 và sự kiện Đối thoại chiến lược Quốc phòng VN – TQ cấp Thứ trưởng lần thứ 7, diễn ra vào ngày 23/4.
Tổng Trọng lại nhét chữ vào miệng dân, cho rằng nhân dân VN, cũng như đảng và nhà nước, đều “coi trọng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” VN – TQ. Tổng Trọng không hỏi ý kiến thân nhân các binh sĩ đã bỏ mạng trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, cũng như tâm sự của người thân các ngư dân bị tàu TQ đâm chìm ở Biển Đông, để biết họ có coi trọng mối quan hệ Việt – Trung hay không.
Sau Tổng Trọng, đến lượt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, VOV đưa tin. Ông Phúc cũng chỉ lặp lại những lời “có cánh” mà Tổng Trọng và tướng Giang đã dành cho họ Ngụy. Lẽ ra, chỉ cần tướng Giang ra tiếp đón Ngụy Phượng Hòa là đã quá đủ, đằng này hết Tổng Bí thư đến Chủ tịch nước thay phiên nhau, tay bắt mặt mừng với Bộ trưởng Quốc phòng TQ, cho thấy cấp lãnh đạo “tứ trụ” cũng chỉ ngang hàng với một Bộ trưởng Tàu.
RFA có bài: Giao lưu quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc cho thế giới thấy tình đoàn kết giữa hai Đảng và Nhà nước. Trong tình hình Biển Đông căng thẳng, các tàu TQ vẫn hiện diện ở quần đảo Trường Sa, nhất là khu vực cụm đảo Sinh Tồn, thách thức chủ quyền của cả VN và Philippines, lẽ ra lãnh đạo VN phải xếp lãnh đạo TQ vào danh sách “persona non grata” (nhân vật không được chào đón), nhưng họ Ngụy lại được lãnh đạo VN đón tiếp long trọng. Có thể thấy rõ, lãnh đạo VN hiện nguyên hình là “thế lực thân địch”.
Xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Diễn biến chính trong phiên tòa sáng nay của vụ bán “đất vàng” tại Sabeco: Viện Kiểm sát cho rằng có đầy đủ chứng cứ kết tội các bị cáo, trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin. Phần đối đáp tiếp tục, đại diện VKS bác bỏ tất cả các quan điểm bào chữa của cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm trong vụ sai phạm chuyển nhượng “đất vàng” ở số 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Đại diện VKS lập luận, các bị cáo không được phép đầu tư ngoài ngành, Sabeco cũng chưa lo được tiền, nhưng vẫn yêu cầu thành viên Sabeco sớm tìm nhà đầu tư để thực hiện dự án liên doanh. Khi Sabeco báo cáo lên, ông Hoàng đã để lại bút tích, thể hiện chỉ đạo trực tiếp, quyết định của mình.
VnExpress dẫn lời đại diện VKS: 10 ngày trước nghỉ hưu, ông Vũ Huy Hoàng ép Sabeco thoái vốn. Trước đó, bị cáo Hoàng phản bác VKS bằng thông tin về cuộc họp ngày 29/3/2016, cho rằng cuộc họp này bàn về chủ trương thoái vốn nhà nước ở Sabeco, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng VKS không quan tâm, cho rằng ông Hoàng đã dùng cuộc họp này như “chuyến tàu vét”, ép Sabeco thoái vốn chỉ 10 ngày trước khi ông rời ghế Bộ trưởng Bộ Công thương.
Tình tiết có lợi cho bị cáo Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: VKS không đề nghị ông Vũ Huy Hoàng và 9 bị cáo bồi thường 2.700 tỷ, Zing đưa tin. VKS giải thích, thiệt hại trong vụ án chính là quyền sử dụng khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, vốn đã bị giao trái pháp luật và chuyển dịch thành tài sản tư nhân.
Theo đại diện VKS, thiệt hại này có thể được khắc phục bằng cách UBND TP HCM thu hồi giấy phép giao đất trái quy định và đảo ngược các quyết định liên quan. Nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn phải bỏ tiền ra lúc chuyển nhượng dự án, họ chỉ mua với giá thấp hơn giá trị thực tế, chứ họ không mua với giá 0 đồng. Vấn đề thiệt hại của doanh nghiệp tư nhân thì VKS không xét đến.
Sau 4 ngày xử, chiều nay phiên tòa bước sang phần các bị cáo nói lời sau cùng. Báo Pháp Luật VN có bài: Ông Vũ Huy Hoàng mong được xem xét khách quan. Bị cáo Hoàng lặp lại quan điểm tự bào chữa trước đó: “Tôi xin khẳng định tôi không hề có vai trò trong chuyện chủ mưu. Chủ mưu để nhằm mục đích gì”.
Bị cáo Hoàng chất vấn cáo buộc của VKS: “Khi được các Thứ trưởng yêu cầu, tôi có thể giúp các Thứ trưởng chủ trì vài cuộc họp. VKS có nêu mấy ví dụ cụ thể minh họa tôi chỉ đạo lấn sân qua công văn thay thế nhà đầu tư. Thưa HĐXX, việc thay thế nhà đầu tư đầu tiên xuất phát từ Sabeco không phải đề xuất của Bộ”.
VTC dẫn lời ông Vũ Huy Hoàng: Ra tòa không phải vì trách nhiệm mà còn để bảo vệ danh dự. Lời lẽ tuy có khác, nhưng quan điểm chính của ông Hoàng không khác gì Đinh La Thăng trước đây, cầu xin các “đồng chí” của ông ta hãy xét xử khách quan: “Tôi mong nguyên tắc khách quan, công bằng; xem xét khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội. Cuối cùng, tôi xin đề nghị, những gì đã khai trong quá trình điều tra, xét xử, mong Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc”. HĐXX sẽ tuyên án vào buổi chiều 29/4.
Tin giáo dục
VTC đặt câu hỏi: Vì sao nhiều địa phương chưa công bố kết quả chọn sách giáo khoa dù quá hạn? Bộ GD&ĐT đặt ra thời hạn để các địa phương công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, sử dụng trong năm học 2021 – 2022, là ngày 25/4. Đã quá thời hạn nhưng mới chỉ có 33 địa phương chọn được SGK. Không có địa phương nào chỉ chọn một bộ sách mà đều chọn 2 hoặc cả 3 bộ gồm: Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo.
Ý kiến từ Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình và tỉnh Lai Châu cho biết, hai địa phương này chậm tiến độ lựa chọn SGK vì các GV chưa có thời gian để… nghiên cứu xong các bộ SGK do Bộ GD&ĐT phê duyệt. Trong đó, chỉ riêng bộ Cánh Diều của nhóm ông Nguyễn Minh Thuyết đã bị chê là mang kiến thức nặng nhưng lại chia lớp lang không hợp lý.
Vấn đề SGK đã bị mang ra bàn cãi từ năm này sang năm khác, nhưng không tiến triển mà càng bế tắc. Báo Gia Đình VN có bài: Tăng giá sách giáo khoa bất hợp lý khiến nhiều học sinh nguy cơ bỏ học. NXB Giáo dục VN công bố, giá một bộ SGK lớp 2 mới, cho năm học 2021 – 2022, sẽ cao gấp 3 lần so với bộ sách hiện hành. Còn bộ SGK lớp 6 mới có giá cao gấp 3,56 lần. Một số phụ huynh và chuyên gia cho rằng, hiện tượng tăng giá SGK cao như vậy là bất hợp lý và sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho giáo dục.
Báo Giáo Dục VN đặt câu hỏi: ‘Bệnh ngụy thành tích’ làm hại học trò, thuốc gì chữa được? Nền giáo dục VN trước giờ có bệnh “thành tích”, đề cao lý thuyết trong giáo dục, để luyện ra các thế hệ học sinh chuyên đi thi tranh giải, nhưng thiếu kiến thực thực hành. Giờ còn có bệnh “ngụy thành tích”, học sinh không đọc thông, viết thạo nhưng vẫn ép cho lên lớp, dẫn đến hiện tượng “ngồi nhầm lớp”, có HS lớp 6 nhưng bị bắt về học lại lớp 1.
https://baotiengdan.com/2021/04/26/ban-tin-ngay-26-4-2021/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét