Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

5958 - Cập nhật về chính sách đối ngoại của chính quyền Biden

Tác giả: Nguyễn Quang Dy


Tiếp theo loạt bài Dự báo Chính sách Đối ngoại của chính quyền Biden (31/12-3/1/2021) và Tuần trăng mật của Biden: Vai trò Bộ Tứ và Xoay trục 2.0 (29/3/2021) trên trang Nghiên cứu Quốc tế, bài này cập nhật tiếp về các bước triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền Biden với Trung Quốc và khu vực Indo-Pacific.

Ngay khi còn đang tranh cử, Joe Biden đã chú trọng đến vấn đề nhân sự. Chiến dịch của ông đã tập hợp được hàng ngàn chuyên gia giỏi, được bố trí vào các tiểu ban như “túi càn khôn”. Tuy Joe Biden đã 78 tuổi, đi lại hay vấp cầu thang, và có tật nói lắp nên rất ít khi họp báo, nhưng ông là một chính trị gia lão luyện. Với hơn ba thập niên hoạt động nghị trường, tám năm làm phó tổng thống thời Obama, và bốn năm quan sát chính quyền Trump, nay ngồi vào ghế tổng thống thứ 46 của Mỹ, chắc ông thừa biết phải làm gì và làm như thế nào.

Ngay trong tuần trăng mật (100 ngày), Biden đã thông qua được gói cứu trợ lịch sử $1.900 tỷ để khắc phục dịch bệnh và môi trường, và đang thúc đẩy thông qua gói cứu trợ khổng lồ $3.000 tỷ để kiến thiết hạ tầng, giáo dục và đào tạo. Điều đó chứng tỏ kinh nghiệm lão luyện của ông tại nghị trường, biết chọn khâu trọng yếu để tháo gỡ. Vì vậy, Biden đã tự tin tuyên bố sẽ hoàn thành tiêm chủng vaccine cho người lớn vào cuối tháng năm chứ không phải cuối tháng bảy như đã dự kiến. Kinh tế cũng bắt đầu khởi sắc.

Người ta nói rằng muốn biết chính sách đối ngoại thế nào, hãy nhìn vào cách sắp xếp nhân sự chủ chốt của “Team Biden”. Đó là Jake Sullivan (Cố vấn An ninh Quốc gia), Anthony Blinken (Ngoại trưởng), và Kurt Campbell (Điều phối viên chính sách Indo-Pacific). Đó là “bộ ba xe, pháo, mã” của “Team Biden” để điều hành chính sách đối ngoại, vẫn theo tầm nhìn Indo-Pacific, nhằm “xoay trục 2.0” sang Châu Á. Tuy họ cũng có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, nhưng không cực đoan như phái “diều hâu”

Ở cấp thấp hơn, Biden đã bổ nhiệm Ely Ratner làm trợ lý đặc biệt cho Bộ trưởng Quốc phòng Loyd Austin, và vừa đề cử đại sứ Daniel Krittenbrink làm trợ lý ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Đó là những vị trí then chốt để định hình chính sách đối ngoại, tập trung đối phó với Trung Quốc ở khu vực Indo-Pacific, đồng thời chứng tỏ vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam và Biển Đông trong bàn cờ địa chính trị khu vực.

***

Hầu hết Team Biden là quan chức chuyên nghiệp, từng phục vụ chính quyền Obama. Ratner từng làm trợ lý cho phó tổng thống Joe Biden trong Nhà trắng, Blinken và Campbell từng làm trợ lý cho ngoại trưởng Hilary Clinton tại Bộ Ngoại giao, Sullivan từng làm cố vấn cho Hilary Clinton tranh cử tổng thống. Họ là đồng nghiệp, chia sẻ tầm nhìn và quan điểm, nên dễ đồng thuận và hợp tác. Điều đó khác với thời Trump khi các nhân vật chủ chốt thường bất hòa và mâu thuẫn, hay lộ tin cho báo chí, bị Trump thay như thay áo.

Hầu hết Team Biden là các học giả có tên tuổi, thuộc các trung tâm nghiên cứu chính sách (think tanks) như Center for a New American Security (CNAS), Council on Foreign Relations (CFR), Brookings Institution, và the Asia Group… Ví dụ, Kurt Campbell và Jake Sullivan đã từng cộng tác viết chung các bài quan trọng về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Kurt Campbell là kiến trúc sư đề xuất chiến lược “xoay trục sang Châu Á” dưới thời Obama.

Team Biden chú trọng đến kết nối liên ngành và phối hợp hành động (interoperability) giữa đối nội và đối ngoại, giữa các bộ/ngành với nhau (như kinh tế/thương mại với an ninh/quốc phòng). Joe Biden đã thông báo (ngày 10/2) việc thành lập “Nhóm đặc nhiệm về Trung Quốc” (China Task Force) tại Bộ Quốc phòng, gồm 15 chuyên gia từ các bộ phận, do Ely Ratner đứng đầu, trong vòng 4 tháng phải xem xét và đề xuất chiến lược và phương thức đối phó với các thách thức từ Trung Quốc, cũng như tác động tới quan hệ Mỹ-Trung.

Team Biden chú trọng củng cố đồng minh và đối tác, dựa trên các hiệp ước cũ và cơ chế mới như “Bộ Tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, và “Bộ Tứ Mở rộng” (Quad Plus) với Hàn Quốc, Việt Nam, Tân Tây Lan (Quad+3). Tại Hội nghị Cấp cao đầu tiên của “Bộ Tứ” (12/3) các vị lãnh đạo đã có tuyên bố chung và chương trình hành động cụ thể nhằm tăng cường vai trò Bộ Tứ và từng bước thể chế hóa với các “tổ công tác” (working groups). Bộ Tứ cam kết giúp Ấn Độ sản xuất hai tỷ liều vaccine J&J cho khu vực Indo-Pacific.

Văn phòng của Kurt Campbell là bộ phận lớn nhất tại NSC, với 17 chuyên gia, gồm 3 giám đốc phụ trách về Trung Quốc. Có thể nói đó là trung tâm điều phối chính sách về Trung Quốc theo chiến lược “Indo-Pacific Tự do và Rộng mở” (FOIP), chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan khác, như “Nhóm Đặc nhiệm về Trung Quốc” của Ely Ratner (tại Bộ Quốc Phòng), và Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Krittenbrink (tại Bộ Ngoại giao), cũng như các cơ quan liên quan khác (như USTR).

Gần đây, Chính quyền Biden đã điều động một số nhân sự đáng chú ý. Để chuẩn bị Hội nghị Cấp cao “Bộ tứ” (năm 2021), Mira Rapp-Hooper, cố vấn hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao, đã được điều động sang Hội đồng An ninh Quốc gia. Để tăng cường vai trò của USAID nhằm hỗ trợ đồng minh và đối tác, Biden đề cử Samantha Power, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đứng đầu cơ quan này, và là thành viên NSC. Để thay đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Biden đề cử Marc Knapper, phó trợ lý ngoại trưởng đặc trách Nhật Bản và Hàn Quốc.

***

Ưu tiên quan trọng mà Jake Sullivan thường đề cập là chính sách đối ngoại phục vụ người Mỹ trung lưu, và khôi phục quan hệ đồng minh và đối tác, đã bị chính quyền Trump coi thường và làm rạn nứt. Theo Sullivan, “Nỗ lực đó phải bắt đầu từ trong nước”. Khác với chính sách thời Trump, nay Mỹ có thể huy động thế giới đứng sau lưng trong các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia. Mỹ có thể tập hợp đồng minh và đối tác chống tham nhũng và chiếm đoạt, buộc các chế độ độc tài phải chịu trách nhiệm về minh bạch và pháp quyền.

Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tuy bất đồng về nhiều vấn đề, nhưng đạt “đồng thuận lưỡng đảng” về chính sách với Trung Quốc. Với tầm nhìn Indo-Pacific, lấy “Bộ Tứ” làm nòng cốt để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc tại Đài Loan và Biển Đông, gần đây là tại vùng đá Ba Đầu (Whitsun Reef). Chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc (từ 7/2020) là một di sản mà chính quyền Biden kế thừa. Team Biden tuy khác với Team Trump về phong cách, nhưng nhất quán về lợi ích cốt lõi, coi Trung Quốc “là thách thức địa chính trị lớn nhất thể kỷ 21” (tuyên bố của Ngoại trưởng Anthony Blinken).

Quan hệ Việt-Mỹ tuy triển vọng phát triển tốt đẹp, nhưng dưới thời Biden vẫn có ba trở ngại.  Một là thặng dư thương mại tăng nhanh (khoảng $65 tỷ năm 2020) dù cáo buộc “Việt Nam thao túng tiền tệ” vừa được chính quyền Biden gỡ bỏ. Hai là nếu Việt Nam mua nhiều vũ khí Nga, có thể bị Mỹ trừng phạt theo đạo luật CAATSA. Ba là vấn đề nhân quyền ngày càng nhạy cảm, sẽ được chính quyền Biden chú trọng hơn. Tuy chính quyền Biden sẽ nhân nhượng Việt Nam vì tính toán chiến lược, nhưng chắc cần “có đi có lại”.

Trên cơ sở “đồng thuận lưỡng đảng”, chính quyền Biden kế thừa chính sách của chính quyền Trump, tăng cường hợp tác với Việt Nam để đối phó với Trung Quốc. Quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiếp tục phát triển tốt hơn trên cơ sở “đối tác toàn diện”, mà “trên thực tế” (de facto) đã là “đối tác chiến lược”, tuy đến nay vẫn chưa được chính thức hóa. Trong khi Việt Nam cần Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc, nhưng lại không muốn “chọn phe” thì Mỹ coi Việt Nam như “một trong các đối tác quan trọng nhất” (theo đại sứ Daniel Krittenbrink).

Trước khi rời Việt Nam về nhận nhiệm vụ mới (trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương), Đại sứ Daniel Krittenbrink nhấn mạnh “Việt Nam cũng như ASEAN sẽ đóng vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ”. Ông dùng ngạn ngữ để nhắn nhủ thông điệp rằng quan hệ đối tác Việt Nam và Mỹ là “bạn tốt trong hoạn nạn” (a friend in need is a friend indeed) và chỉ bầu trời mới là giới hạn (the sky is the limit) cho quan hệ song phương.

http://nghiencuuquocte.org/2021/04/25/cap-nhat-ve-chinh-sach-doi-ngoai-cua-chinh-quyen-biden/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét