Sài Gòn Nhỏ
Những người từ Mỹ, Úc, Châu Âu… về Việt Nam, hay nói rằng “Sài Gòn giờ khác lắm”. Phố xá có vẻ hiện đại hơn, xe cộ đông đúc hơn, ăn mặc thời trang hơn… nhưng thật ra, tâm hồn người Sài Gòn không khác, họ vẫn luôn có một phong cách riêng, tư cách và ứng xử đặc thù của một vùng đất tự do. Cũng may là những đổi thay bề ngoài ấy, không ảnh hưởng gì đến trái tim miền Nam, tâm hồn Sài Gòn. Ba câu chuyện nhỏ có thật, cóp nhặt dưới đây, làm bừng lên một niềm kiêu hãnh: Chỉ có dân miền Nam mới vậy!
Xe ôm không tiền
Người dân sống quanh khu vực Bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, có lẽ đã khá quen thuộc với chiếc xe ôm gắn theo hàng chữ đỏ “Xe từ thiện chở học sinh, sinh viên và người tàn tật” của anh Trần Văn Quý (32 tuổi).
Không có kinh tế dư giả, thu nhập cũng chẳng đủ để lo chu toàn cho cuộc sống gia đình, nhưng chiếc xe từ thiện của anh Quý đã giúp đỡ biết bao mảnh đời cùng cực về đến nhà miễn phí giữa một Sài Gòn xô bồ, hoa lệ.
Không khoa trương đỗ ở “mặt tiền cổng lớn”, chiếc xe của anh chỉ lẳng lặng đỗ bên vỉa hè, lề đường, nhưng đó lại là cả một niềm vui, niềm động lực với anh Quý. Thời gian đầu, không có nhiều người đi vì lo sợ bị lừa gạt hay chặt chém. Nhưng với tất cả sự chân thành và tình cảm của mình, dần dần, người ta cũng tin tưởng mà lên xe anh Quý.
Cứ mỗi sáng 7h, anh Quý lại lái chiếc xe máy của mình rong ruổi khắp Sài Gòn đến tận 22h đêm. Vừa làm nuôi gia đình nhỏ, vừa có thể làm chuyện tử tế giúp người khó khăn. Đồng nghiệp thấy anh chạy từ thiện mà ‘nhiệt tình’ như vậy, họ phì cười và đặt cho anh cái tên là “thằng hâm”, lời ra tiếng vào trêu anh là chuyện rất bình thường.
(Nguồn: Cafe F)
Chuyến xe buýt số 18
Như bao ngày đi xe buýt, chuyến xe 18 tầm 6h lúc nào cũng đông người. Phần lớn là học sinh, sinh viên và người lao động. Hôm đó, tôi đón chuyến xe rất mát mẻ. Tôi vừa ngồi vừa nghe đài. Xe chạy qua cầu vượt Quang Trung, có 1 em học sinh cấp 1 bước lên. Nó nhanh chóng chọn chỗ ngồi gần cửa. Nhưng có vẻ lúng túng và sợ sệt. Chắc tại nó đi trễ chăng, hay bị mẹ la mà có vẻ buồn.
Cô tiếp viên xe 18 bước xuống xé vé. Nó nhìn cô và thưa: “Con bỏ quên tiền rồi cô” . Cô tiếp viên bỏ qua, nói nó đợi cô để cô đi xé vé cho người khác trước. Sau đó, cô quay lại hỏi chuyện. Tôi định mua cho em ấy vé xe thì cô tiếp viên nói với em học sinh “con một ngày đi học mẹ cho bao nhiêu? ” . Em học sinh đáp ” dạ 5000 đồng, đi học 2 chuyến là 4000 đồng, còn 1000 đồng uống nước” Cô tiếp viên hỏi tiếp ” Thế tiền ăn sáng, ăn vặt đâu?” Em học sinh trả lời ” Dạ con ăn cơm nguội hay mẹ nấu ở nhà, trưa về ăn thêm, chứ không có tiền ăn vặt”.
Cô tiếp viên không nói không rằng, đi lên phía chỗ lái xe rồi mang 1 bịch nhỏ xuống cho em học sinh và 20.000 đồng.
Em học sinh ngạc nhiên, cả xe cũng ngạc nhiên. Em học sinh nói không nhận, vì cô đã cho đi miễn phí rồi. Có gì em sẽ mượn tiền bạn. Cô tiếp viên ôm em học sinh và khóc: ” Cô cũng có con ngang tuổi con, nên cô thương con lắm, lo học tốt và ăn sáng cho no con nhé” .
Tôi đã khóc vì cảm động về một cô tiếp viên hiền và thương người. Hôm đó, tôi thấy được tấm lòng thật tốt của cô tiếp viên xe 18. Tôi thầm chúc cô tiếp viên hạnh phúc vì cô là cô tiên, ban hạnh phúc cho người!
(Nguồn: fb thầy Lê Văn Thông)
Nhân cách một con người
Ông Vũ Văn Sơn (63 tuổi), đứng bán vé số ở Sài Gòn. Vì là người câm điếc, nên ông treo biển: “Tôi bị câm điếc xin cô bác làm ơn giúp đỡ”. Tình cờ một phụ nữ trên mạng xã hội hay tin là cô Nguyễn Đỗ Trúc Phương (25 tuổi). Cô đi vận động được 75 triệu đồng và đem biếu ông Sơn.
Nào ngờ khi tới tận nơi kiếm, lần đầu ông từ chối. Lần thứ 2 nể quá ổng chỉ xin nhận 5 triệu lấy thảo, 70 triệu còn lại thì xin cô tặng những ai có hoàn cảnh khó khăn khác. Nói sao ông cũng từ chối không nhận thêm.
Ông là một nạn nhân của chiến tranh. Ông kể hồi trước bị pháo Việt Cộng rơi ngay hầm cá nhân, ông bị ra máu lỗ tai; họng, đầu bị miểng nhỏ văng vào sau đó tai không nghe được rồi dần dần không nói được.
Tài sản của ông hiện nay là cái xe đạp 200 ngàn đồng. Ông có một người thương tình cho ngủ nhờ. Sáng 5g30 là đi bán vé số. Quê ông ở Long An, vợ ông vẫn ở quê đi làm thuê làm mướn. Còn 2 con gái của ông đã có chồng con. Ông có 4 cháu ngoại.
Hỏi ông muốn gì thì ông viết ra tờ giấy: “Có tình thương của mọi người dành cho tôi là tôi hạnh phúc lắm rồi, có tiền nhiều mà không có tình thương của mọi người, không có tình thương của mấy cháu thì nó giống như cây khô thiếu nước vậy. Tôi chỉ mong sao vợ, các con cháu luôn mạnh khỏe và tôi không còn bệnh huyết áp nữa là tôi vui rồi, chỉ mong vậy thôi”.
Một con người khuyết tật sống thiện lương giữa đất trời Sài Gòn, dù nghèo mạt nhưng vẫn coi trọng tình người, không tham lam tiền bạc như ông Sơn thật quý báu.
Mong ông khỏe và vui, bình an cùng cả gia đình.
(Nguồn Fb Nguyễn Thị Bích Hậu)
https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/chuyen-chi-dan-mien-nam-moi-co/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét