Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

6036 - Miền Nam vẫn có 21 năm tuyệt vời giữa thời chiến tranh ly loạn

Vann Phan/Người Việt

(Hình minh họa: David McNew/Getty Images)

Cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt cách nay 46 năm rồi, và kể từ ngày 30 Tháng Tư, 1975 đó, toàn thể dân tộc Việt Nam, dù muốn hay không, cũng đã phải sống dưới quyền cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam, những kẻ chỉ biết áp dụng có mỗi một chính sách độc tài, đảng trị, nói rằng để đưa dân tộc tới chỗ độc lập, tự do, hạnh phúc như lời hứa hẹn của họ lúc mở cuộc chiến tranh thôn tình miền Nam Việt Nam hồi hạ bán thế kỷ trước.

Việt Nam bây giờ giàu có hơn nhưng bất công và tham nhũng tràn lan

Ngày nay, khi nhìn về đất nước và con người Việt Nam, người ta cũng phải công tâm mà nhìn nhận rằng phần lớn dân chúng thuộc giai cấp thống trị trong cái xã hội hầu như không có tự do và nhân quyền ấy đang giàu có hẳn lên, trong khi đại đa số dân chúng thuộc tầng lớp bị trị vẫn phải kéo dài cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn, khiến cho cái hố cách biệt giữa người nghèo và kẻ giàu trong xã hội Việt Nam bây giờ ngày càng nới rộng thêm ra.

Các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… và ngay cả Đà Lạt nữa đều đã thay hình, đổi dạng rất nhiều, đẹp đẽ hơn và tân tiến hơn xưa, đến nỗi những người đi xa về có khi nhận không ra đó là thành phố quê nhà của mình, bởi vì người Cộng Sản dường như chỉ muốn xóa bỏ hết cái quá khứ dẫu sao cũng khá thân thiện với Tây Phương trong văn hóa và kiến trúc mà lại thù nghịch với Cộng Sản Trung Hoa qua những bài học lịch sử trước khi đảng CSVN nắm được chính quyền. Về mặt của cải vật chất, đang có nhiều nhà tư sản mới, trong đó có cả giới “tư sản đỏ,” đã phất lên thật lẹ, với của cải và tiền bạc rủng rỉnh. Nhóm người này tích lũy rất nhiều đô la Mỹ tới độ phải tìm cách đem đi “rửa tiền” tại các quốc gia Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, qua việc tậu mãi nhà cửa hoặc các cơ sở kinh doanh, đôi khi lấn át luôn cả người tị nạn Việt Nam từng có mặt ở hải ngoại cả mấy thập niên trước họ.

Trái ngược với các thành phần này là giới lao động nghèo khó tại các thành thị và nông thôn Việt Nam ngày nay. Họ là những công nhân tại các xí nghiệp và xưởng máy tại các đô thị lớn mà chủ nhân là các nhà tư bản Nam Hàn, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Nhiều người trong số đó lãnh lương không đủ nuôi sống bản thân mình sau khi trả tiền thuê phòng trọ hằng tháng, và có khi Tết đến lại không mua nổi chiếc vé xe đò về thăm mẹ hiền, em dại dưới quê. Họ là những bà mẹ già lếch thếch buôn gánh, bán bưng để nuôi đám cháu, con còn thơ dại, hay những cô gái chưa kịp trưởng thành đã phải lê tấm thân đi khắp thành phố để bán vé số phụ giúp gia đình. Cao sang hơn một chút, họ là những thanh niên nam, nữ đi lao động xuất khẩu từ Nam Hàn, Nhật, Đài Loan cho tới Saudi Arabia hay Kuwait, để chắt chiu tiền bạc phụ giúp gia đình đang túng thiếu, hoặc hí hửng lên xe hoa về làm dâu xứ người, để rồi một số bị đánh đập, hành hạ và có khi bị giết chết tại những xứ lạ, đêm buồn như Đài Bắc, Seoul… Tệ hại hơn nữa, họ là những cô gái chọn cái nghiệp đi bán thân nuôi miệng trên khắp nẻo đường đất nước và cả đến những phương trời xa lạ như Malaysia, Thái Lan, Cambodia… vì ở nơi quê nhà họ không tìm được việc làm để nuôi sống bản thân.

Sự thể này cho thấy những người Cộng Sản đang cai trị đất nước Việt Nam ngày nay đã thất bại trong mục tiêu đem lại công bằng xã hội sau khi dân chúng ở cả hai miền Nam và Bắc phải hy sinh không biết bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt và xương máu trong thời gian miền Bắc Cộng Sản tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm miền Nam tự do trước đây, miệng luôn lừa dối dân chúng rằng họ đang chiến đấu cho cái lý tưởng tốt đẹp đó. Rốt cuộc, ngày 30 Tháng Tư, 1975 đến chỉ là để đem lại vinh quang và giàu có cho một số ít người Việt Nam đang là đảng viên Cộng Sản hoặc những kẻ xu thời, nịnh bợ chính quyền mới, trong khi một bộ phận lớn trong dân chúng vẫn phải tiếp tục sống cuộc đời nghèo khó, cơ cực, tức là “có cả triệu người vui nhưng lại có cả mấy chục triệu người buồn,” chứ không phải hai phía vui, buồn cùng bằng nhau như trong câu nói nổi tiếng của cố Thủ Tướng CSVN Võ Văn Kiệt vào ngày 30 Tháng Tư, 2007. Đã thế, các giới chức CSVN lại cực kỳ tham nhũng và lạm quyền, với hàng trăm giới chức lớn có, nhỏ có, đã và đang bị truy tố và bỏ tù trong các đợt “đốt lò” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhằm thanh trừng cán bộ tham nhũng. Tình trạng ăn cắp của công lan tràn trong guồng máy chính quyền làm cho ngân sách quốc gia thường xuyên bị thâm hụt, dẫn đến việc mọi công trình xây dựng và đổi mới đất nước tại Việt Nam ngày nay đều phải dựa vào tiền đầu tư của giới tư bản ngoại quốc, là những kẻ lúc nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra cho Việt Nam vay mượn để kiếm lời, khiến cho hiện nay Hà Nội chỉ đủ sức trả các phân lời mà thôi, còn chuyện trả lại vốn cho các chủ nợ thì các thế hệ mai sau sẽ phải lo liệu lấy.

Cộng Sản cũng còn mang tiếng xấu trong các lãnh vực như tự do ngôn luận (vì hễ ai phê phán chính quyền trong nước hoặc biểu tình chống Cộng Sản Trung Quốc lấn chiếm biển đảo của Việt Nam thì đều bị chính quyền bắt bớ, giam cầm), tôn trọng nhân quyền (vì hễ ai đã vào tù rồi thì luôn bị ngược đãi hoặc tra tấn), quyền bình đẳng trước pháp luật (vì hễ là đảng viên Cộng Sản thì khi phạm tội luôn được xét xử theo cách riêng), và phúc lợi xã hội cho người dân (vì người dân phải đóng tiền mới được đi học, trong khi việc chăm sóc y tế và cứu trợ thiên tai cho người dân trong nước, từ lâu rồi, đều phải trông chờ vào các cơ quan từ thiện hải ngoại).

Vấn đề vị thế của CSVN trước “đàn anh” CSTQ mới thật là thê thảm. Vì đảng CSVN mắc nợ đảng CSTQ quá nhiều về tiền bạc và viện trợ quân sự sau hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ trước đây – nhưng mãi cho đến nay vẫn chưa trả hết nợ – cho nên Hà Nội luôn ở thế yếu trong mọi lãnh vực, từ chính trị, văn hóa cho tới kinh tế đối với Bắc Kinh. Đã thế, đảng CSTQ thừa biết rằng đảng CSVN chỉ sợ mất đảng chứ không sợ mất nước cho nên Bắc Kinh ngày càng bắt bí giới lãnh đạo CSVN trong tất cả các cuộc thương thuyết về lãnh thổ trên bộ, lãnh hải trên biển và luôn cả quyền khai thác dầu mỏ ngoài Biển Đông, nơi Bắc Kinh một mình tự vẽ nên bản đồ “đường lưỡi bò chín đoạn” để chiếm đoạt gần 90% vùng biển quốc tế này, khiến Việt Nam không còn chỗ nào nữa để tiếp tục khai thác dầu khí mà chi dùng và tiếp tục tồn tại.


Tượng Đài Thuyền Nhân Việt Nam ở Westminster, tưởng nhớ những người bỏ mạng trên đường tìm tự do. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Tiếc thay Việt Nam Cộng Hòa…

Tình hình kinh tế, xã hội không mấy sáng sủa của Việt Nam, cộng với nguy cơ đất nước sẽ có thể rơi vào tay CSTQ vào bất cứ lúc nào do tình trạng Việt Nam mắc nợ nước Cộng Sản đàn anh ngày càng nhiều, trong khi giới lãnh đạo CSVN tại Hà Nội vẫn tiếp tục lệ thuộc nặng nề vào Bắc Kinh từ chính trị cho tới kinh tế, khiến cho người dân Việt Nam nào từng có kinh nghiệm sống và hiểu biết về miền Nam tự do trước đây đâm ra tiếc nuối thời “vàng son” cũ dưới hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa.

Sau khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, người dân Việt Nam mới thấy rằng, mặc dù đang phải tiếp tục cuộc chiến tranh tự vệ chống các lực lượng Cộng Sản xâm lược từ miền Bắc tiến vào, các chính quyền nối tiếp nhau tại Sài Gòn, cả dân sự lẫn quân sự, đã làm hết sức mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp, có kỷ cương, trật tự, luôn tôn trọng tự do, dân chủ và nhân quyền của người dân. Di sản về giáo dục, đạo đức, văn hóa và cả kinh tế nữa mà VNCH để lại cho các thế hệ mai sau thật là lớn lao và vô cùng quý giá. Những tác phẩm văn chương, nghệ thuật cùng những công trình sáng tác của các tác giả và học giả tại miền Nam Việt Nam – cho dù ngay sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, từng bị tịch thu hoặc tiêu hủy đi nhưng dần dà vẫn được chế độ mới phục hồi và sử dụng – đều là những thành tựu rất quý giá. Những công trình nghiên cứu y khoa và nguyên tử của Giáo Sư Nguyễn Phúc Bửu Hội, những đóng góp trong lãnh vực kỹ thuật không gian của Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, hoặc những công trình khảo cứu ngữ học của Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa… thời VNCH là những thành quả luôn được quốc tế trân trọng. Ngày nay, chỉ cần nói đến sự hồi sinh kỳ diệu của các ca khúc boléro tại miền Nam Việt Nam trước đây trong lòng người Việt Nam bây giờ thì người ta cũng đủ thấy cái giá trị trường tồn của nền văn hóa đầy tính nhân bản do những con người tự do tại miền Nam Việt Nam cống hiến cho quê hương, dân tộc ra sao. Đó là chưa nói tới các đồn điền, cơ xưởng, nhà máy sản xuất hàng hóa cùng đội ngũ chuyên gia thuộc các lãnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, công kỹ nghệ… do chính quyền Sài Gòn để lại mà hiện nay vẫn đang được tiếp tục sử dụng.

Mặc dù chính quyền và quân lực VNCH không giữ vững được miền Nam Việt Nam trước làn sóng xâm lược của Cộng Sản Quốc Tế 46 năm về trước, đa số người Việt Nam trong và ngoài nước ngày nay vẫn cho rằng 21 năm tồn tại của miền Nam tự do qua hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa vẫn là thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử hiện đại của Việt Nam. VNCH tuy mất đi nhưng những di sản mà quốc gia này đã cống hiến cho dân tộc và cả cho nhân loại sẽ còn tồn tại mãi với thời gian.


https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/mien-nam-van-co-21-nam-tuyet-voi-giua-thoi-chien-tranh-ly-loan/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét