Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

5952 - Ý kiến trái chiều về tân Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

RFA Tiếng Việt


Ý kiến trái chiều về tân Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh NghịHình minh họa: Ông Nguyễn Thanh Nghị (ngoài cùng bên phải).

Ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai cả của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 8/4 vừa qua được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ông Nguyễn Thanh Nghị hiện là Bộ trưởng trẻ nhất trong nội các mới của Chính phủ Hà Nội.

Trước đó, ông Nghị bị kỷ luật ‘kiểm điểm rút kinh nghiệm’ do sai phạm đất đai từ cuối tháng 8/2020 khi là Bí thư Kiên Giang. Sai phạm của ông Nguyễn Thanh Nghị cùng hàng chục cán bộ tỉnh Kiên Giang được nói gây ra nguy cơ thất thoát hơn 12.930m3 gỗ, gây khó khăn trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hai tháng sau đó, trong Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra ngày 16/10/2020, ông Nghị nhận được 2 quyết định về công tác nhân sự bao gồm tham gia làm Ủy viên Ban Cán sự Đảng của Bộ Xây dựng và giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện ISEAS trao đổi với RFA vào tối 19/4 về vấn đề này như sau:

“Việc kỷ luật ông ấy phê bình không ghi lý lịch nên vẫn bổ nhiệm được. Thứ hai là ông ấy được quy hoạch làm Bộ trưởng vào năm 2016, ít người chú ý nên người ta cứ nghĩ việc bổ nhiệm đó là bất ngờ nhưng nó không bất ngờ. Thứ ba là việc học hành của ông này cẩn thận, đạo đức cá nhân tốt, không có việc làm xấu, công tác chuyên môn tốt, với 5 năm làm Bí thư tỉnh ủy cũng không để sơ xảy gì lớn.

Chuyện kỷ luật, kiểm điểm là của ba người bí thư trước, ông ấy một phần nhưng ông không tham gia trực tiếp vào việc cấp đất nên kỷ luật rất nhẹ.

Ông này ngoài việc có năng lực chính trị còn có năng lực chuyên môn ngành xây dựng, hy vọng ông ấy sẽ làm tốt.”

Tôi thấy việc bổ nhiệm ông Nghị làm Bộ trưởng Bộ xây dựng nói chung là không tốt cho đất nước, cho xã hội Việt Nam hiện nay vì xét về khả năng, đạo đức, đối chiếu trên cả cái truyền thống nhà ông tức là ông Nguyễn Tấn Dũng khi làm Thủ tướng thì thất thoát tài sản nhà nước rất nhiều. - Nhà báo Võ Văn Tạo

Trong khi đó, Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo tại Khánh Hòa lại cho hay không chỉ ông mà nhiều người bất ngờ về việc bổ nhiệm vì cho rằng ông Nghị không đủ tài năng và đạo đức, đồng thời có cách đi lên mờ ám. Ông nói:

“Theo dõi lịch sử tiến thân của ông này, tôi có người bạn ở Nha Trang cùng học khóa ở Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh cùng ông Nguyễn Thanh Nghị, khác lớp thôi, người đó có tiết lộ cho tôi biết lúc đậu vào đại học thì điểm toán của ông Nghị chỉ được 1/10 điểm nhưng vẫn vào được Đại học Kiến trúc là trường có điểm sàn đầu vào cao.

Sau đó thông tin ở chỗ quen biết và cả trên mạng cũng đưa lên là ông Nghị không phải có đủ uy tín, tài năng gì đặc biệt nhưng chẳng qua là con ông Nguyễn Tấn Dũng nên trong một cuộc bầu bán về tín nhiệm ở đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh thì ông này chỉ được 2-3/45 phiếu.

Chứng tỏ ông không có tài năng hay uy tín gì. Những thông tin trên mạng đưa đầy, chúng tôi ghi nhận đó là sự thật chứ không phải đồn đãi gì nữa.”

Đài Á Châu Tự Do chưa thể xác định tính xác thực về thông tin ông Nghị có điểm thi vào đại học thấp như thông tin được nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra.

Nhiều ý kiến cho rằng việc bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nghị làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng đúng chuyên môn sẽ phát huy được sở trường của ông Nghị. Từ đó hy vọng ông này có thể đưa ngành xây dựng vốn có nhiều điều tiếng về tham ô, hối lộ trở nên ‘lành mạnh’ hơn.

Mới đây nhất, Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc hôm 4/1 hoãn phiên xử bốn cựu thanh tra Bộ Xây dựng về hành vi ‘Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản’ theo Điều 355 Bộ luật Hình sự.

Cáo trạng cho biết vào tháng 4/2019, trong quá trình thanh tra quy hoạch xây dựng tại một số dự án tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, nhóm cựu cán bộ bị xác định đã vòi tiền, nhận tiền từ các doanh nghiệp để bỏ qua lỗi vi phạm.

Kết quả điều tra cho biết từ tháng 5-6/2019, nhóm bị cáo đã chiếm đoạt tổng cộng khoảng 2,1 tỷ đồng tiền từ các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng trái phép trên đất rừng, đất nông nghiệp tại nhiều tỉnh thành được nói vẫn cứ tiếp diễn trong những năm gần đây.

Nhà báo Võ Văn Tạo lập luận:

“Trong giai đoạn hiện nay là việc xây dựng khá nhộn nhịp trên cả nước, dự án này, dự án kia muốn được thực hiện đều phải có sự chấp thuận, phê duyệt của Bộ Xây dựng. Những người hiểu biết biết rằng Bộ Xây dựng cũng như những Sở Xây dựng là những chỗ mà quan chức có thể kiếm chác rất béo bở.

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Ảnh chụp ngày 21/1/2016.
Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Ảnh chụp ngày 21/1/2016. AFP

Tôi thấy việc bổ nhiệm ông Nghị làm Bộ trưởng Bộ xây dựng nói chung là không tốt cho đất nước, cho xã hội Việt Nam hiện nay vì xét về khả năng, đạo đức, đối chiếu trên cả cái truyền thống nhà ông tức là ông Nguyễn Tấn Dũng khi làm Thủ tướng thì thất thoát tài sản nhà nước rất nhiều.”

Từ Sài Gòn, Blogger Nguyễn Ngọc Già cho rằng ông Nghị từng bị kỷ luật về sai phạm mà người ta dùng từ là ‘Phú Quốc bị băm nát’, chưa kể vấn đề tham nhũng, theo blogger Nguyễn Ngọc Già, đang ở mức cao như hiện nay thì dù ông Nguyễn Thanh Nghị có là Giáo sư, Tiến sĩ về xây dựng, về kiến trúc thì ông cũng không có ‘ba đầu sáu tay’ nào để giải quyết được vấn đề tham nhũng ở Việt Nam. Ông nêu ra nguyên nhân:

“Cái gọi là bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nghị đúng chuyên môn xây dựng là một cách lập lờ để nói xong chuyện chứ vấn đề tham nhũng ở Việt Nam là một vấn đề trầm kha, thuộc về thể chế chính trị độc đảng toàn trị của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề luật pháp, vì vậy có thay ông nào đi chăng nữa cũng không giải quyết được gì.

Đừng nhầm lẫn và đánh đồng giữa chuyên môn và một chính trị gia. Đó là một lập luận sai lầm để nhằm che giấu đi tình trạng tham nhũng hiện nay đang rất bê bết tại Việt Nam.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng vai trò Bộ trưởng cũng khá quan trọng trong việc đẩy lùi tham ô trong bộ ngành đó. Tuy nhiên, với một thể chế xảy ra tham ô, tham nhũng ở nhiều chỗ thì việc cải cách thể chế sẽ giúp việc phòng ngừa và chống tham nhũng tốt hơn. Ông nói:

“Nếu tách ra một bộ thì khó hy vọng giảm nhưng toàn bộ Chính phủ, Nhà nước cũng như người dân, Quốc hội… cùng nhau phòng và chống tham nhũng thì nó sẽ giảm.

Không chỉ chống bằng thể chế mà những biện pháp khác kinh tế, xã hội, nhưng đặc biệt phải để người dân tham gia phát hiện các vụ việc tham nhũng, các cơ quan tư pháp của Việt Nam phải can thiệp để xử lý nhanh gọn.”

Cái gọi là bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nghị đúng chuyên môn xây dựng là một cách lập lờ để nói xong chuyện chứ vấn đề tham nhũng ở Việt Nam là một vấn đề trầm kha, thuộc về thể chế chính trị độc đảng toàn trị của Việt Nam. - Blogger Nguyễn Ngọc Già

Ông Nguyễn Thanh Nghị sinh năm 1976, trước đây từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng từ năm 2011-2014. Sau đó ông được đưa về quê nhà và kinh qua các chức vụ như Phó Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh...

Nhiều nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước vào tháng 8/2020 cho rằng trước việc kỷ luật, kiểm điểm ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có khả năng Chính phủ Hà Nội sẽ đụng đến sai phạm của ‘đồng chí X’ - tức ông Nguyễn Tấn Dũng lúc còn đương nhiệm.

Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định, nếu làm tốt, ông Nghị có thể ít nhất lên đến chức Phó Thủ tướng vì ông này vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc còn rất trẻ.


https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/opposite-opinions-about-the-new-minister-of-construction-nguyen-thanh-nghi-04192021154231.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét