Lý Thái Hùng
Một binh sĩ VNCH bị đuổi khỏi Tổng Y Viện Cộng Hoà ngày 30/4/1975
Người Cộng sản thì gọi đây là ngày giải phóng. Người Việt Nam thì gọi đây là ngày Quốc hận. Mặc dù đã có rất nhiều tài liệu, sách báo viết về biến cố 30 tháng 4 dưới nhiều góc nhìn khác nhau; nhưng một biến cố đã khiến cho hàng triệu người phải rời bỏ đất nước thân yêu của mình ra đi tìm tự do, không chỉ ngay sau khi cuộc chiến chấm dứt mà còn kéo dài cả hơn 10 năm sau đó, không thể nào gọi đó là ngày giải phóng.
Biến cố 30 tháng 4 không phải là biến cố có “triệu người vui và triệu người buồn” như ông Võ Văn Kiệt nói ở cuối đời, mà đúng ra chỉ có một thiểu số vui mừng, trong khi đại khối dân tộc thất vọng và nhục nhã vì thảm kịch này.
Không chỉ có những người dân miền Nam gọi biến cố 30 tháng 4 là ngày quốc hận khi Sài Gòn sụp đổ, mà những năm sau đó ở miền Bắc và kéo dài cho đến ngày hôm nay những người đã từng đi theo đảng Cộng sản “giải phóng” miền Nam đã lần lượt nhìn ra đó là cuộc chiến không có chính nghĩa như họ từng bị nhồi sọ.
Nhân danh điều phi nghĩa để áp đặt sự lãnh đạo một cách ngạo mạn và độc tài trên cả nước trong hơn 4 thập niên qua, đã cho chúng ta thấy ngay hệ quả: Đất nước luôn luôn bất ổn vì đại đa số người dân bất phục tùng và tìm mọi cách chống lại.
Một đảng cầm quyền mà liên tục phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác trong nhiều năm dài nhưng lại tiếp tục nắm giữ quyền lực trong tay, đã dẫn đến hai hậu quả:
1/ Lãnh đạo và cán bộ liên hệ tạo thành những băng nhóm mafia trong các cơ chế và dùng quyền lực chi phối các sinh hoạt xã hội theo nhu cầu riêng của họ chứ không phải nhu cầu của người dân hay của quốc gia;
2/ Tài nguyên quốc gia lần lượt chạy vào túi riêng của một thiểu số có quyền, có chức, được bảo bọc hay che chắn bởi bộ máy an ninh. Chúng không chỉ cấu kết nuôi dưỡng guồng máy tham ô mà còn ngăn chặn tiến trình phát triển lành mạnh và dân chủ hóa Việt Nam.
Vì thế, những kẻ có quyền và có tiền trong tay tại Việt Nam không bao giờ dám thay đổi thật sự vì họ không chỉ sợ mất những quyền lợi đang thụ hưởng mà còn sợ sự thay đổi có thể dẫn đến những nguy hiểm cho chính họ khi xảy ra ngoài tầm kiểm soát.
Đó là lý do tại sao lãnh đạo Hà Nội nói đến đổi mới, cải cách nhưng luôn luôn phải đi theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” vì đó là lằn mức sau cùng mà họ có thể lùi trong an toàn.
Muốn phát triển và vươn lên cùng với thế giới bên ngoài, mỗi đất nước phải có một nền tảng chung để tạo sự đồng thuận trong lòng dân tộc. Nền tảng chung của Việt Nam không thể nào là “định hướng xã hội chủ nghĩa” vì đó chỉ là định hướng của một đảng, một nhóm người; không thể áp đặt lên toàn thể xã hội.
Nền tảng chung mà dân tộc Việt Nam theo đuổi, không chỉ mới có trong 46 năm qua mà đã khởi đi từ năm 1858 khi người Pháp bắn phát súng đầu tiên vào cửa biển Đà Nẵng mở đầu cho chính sách thực dân tại Việt Nam. Đó là một Việt Nam Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ và Phú Cường thật sự bằng chính sự chọn lựa của người dân.
Không nhìn thấy khát vọng này của dân tộc mà cố tình áp đặt lên người dân những chủ thuyết ngoại lai và dùng bạo lực trấn áp những ai không đồng ý kiến thì chỉ là những kẻ cản đường tiến tới tương lai của dân tộc mà thôi.
Mỗi người có những cảm nhận khác nhau khi đối diện ngày 30 tháng 4. Nhưng có một cảm nhận chung là không một ai hài lòng về hiện tình đất nước ngày nay kể từ 30 tháng 4 năm 1975.
Tại sao những người Việt tỵ nạn chỉ mất 20 năm từ hai bàn tay trắng đã dựng nên cơ nghiệp rất thành công ở xứ người, trong khi đất nước Việt Nam vẫn lẹt đẹt đi sau nhân loại với đa số người dân vẫn còn ở mức sống nghèo khó?
Nhà cầm quyền Hà Nội thường hay đổ lỗi cho hậu quả tàn phá của những năm tháng chiến tranh, rồi lại đổ lỗi cho sự chống phá của các thế lực thù địch. Nhưng họ đã không nhìn ra chính họ mới là nguyên nhân tạo ra tình trạng trì trệ của đất nước hiện nay.
Nếu chúng ta cùng tưởng niệm biến cố 30 tháng 4 trên ý thức như vậy, mỗi người sẽ phải là một “cánh bướm dân chủ” để góp phần tạo những chuyển đổi thật sự tại Việt Nam trong những năm trước mặt.
https://viettan.org/ngay-30-thang-4/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét