Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

6005 - Vì sao chính quyền Việt Nam e ngại các biểu tượng VNCH?

  • Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt
Getty Images

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Cờ VNCH có thể tung bay tự do ở nước Mỹ nhưng bị cấm đoán ở Việt Nam

Cờ vàng ba sọc và các biểu tượng của chính thể Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn là điều cấm kỵ tại một số nơi ở Việt Nam, dù đã gần nửa thế kỷ sau chiến tranh. Một quán cà phê ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vừa bị cơ quan chức năng đóng cửa do có nhiều hình ảnh "quân ngụy".

Sự kiện này gợi nhắc những xung đột âm ỉ trong lòng một đất nước được coi là đã thống nhất 46 năm.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh trong cuộc trao đổi ngày 28/4 với BBC News Tiếng Việt chia sẻ: "Những biểu trưng về một thời đại, của một cộng đồng, một đất nước, một thế hệ luôn có sức sống vượt thời gian. Càng bị chà đạp, những người giữ gìn nó càng bảo vệ mãnh liệt hơn."

Quán cà phê 'Mỹ ngụy'

Đầu tháng 4, quán Army's Coffee and Tea khai trương trên đường Võ Thị Sáu, thành phố Biên Hòa. Quán có quy mô khá lớn, nhưng điều gây chú ý ở nơi đây không phải là không gian rộng rãi hay thức uống đặc sắc.

Đúng như tên gọi (army trong tiếng Anh nghĩa là quân đội), quán được bài trí đậm chất quân sự.

Ở bên ngoài, người ta thấy nhiều bao cát có in chữ "Army" được chồng lên nhau. Nhiều vật dụng thời chiến, hàng thật hoặc giả, được trang trí khắp nơi: chiếc kệ mô phỏng thùng đạn, hình ảnh xe tăng và cả tiểu cảnh có xe bọc thép cùng binh lính như đang sắp sửa bước vào cuộc chiến.

Nhân viên của quán phục trang theo phong cách nhà binh.

Những hình ảnh quán cà phê Army bị gạch chéo trên mạng xã hội

NGUỒN HÌNH ẢNH,

OTHERS

Chụp lại hình ảnh,

Những hình ảnh quán cà phê Army bị gạch chéo trên mạng xã hội

Khi những hình ảnh này được đưa lên mạng, ngay lập tức đã làm dậy sóng.

Các nhóm Facebook được cho là dư luận viên như Giải độc thông tin, Chống phản động… kịch liệt chỉ trích quán Army, nhân tiện lên án chính thể VNCH.

"Chỉ còn vài ngày nữa là cả nước từng bừng kỷ niệm ngày hội non sông thu về một mối thống nhất, thì chủ quán lại khơi dậy hồn ma bằng hình ảnh nhân viên phục vụ mang mặc quần áo rằn ri của lính chế độ cũ, hình xe tăng, thiết giáp M113, lô cốt, các mô hình ấp chiến lược, khu quân sự…," một "người" có tên Hào Đơ viết trong nhóm Facebook 500 Anh Em Sài Gòn.

Một "người" có tên Quang Pham viết trên Facebook: "Đề nghị các ngành chức năng xử lý nghiêm hành vi này."

Có thể dễ dàng nhận ra phần lớn những "người" này đều chỉ là tài khoản "ảo" và các nội dung lên án thường na ná nhau, thậm chí sao chép lẫn nhau. Điều đó cho thấy có một chiến dịch được tổ chức bài bản, với sự tham gia của dư luận viên, nhằm tấn công vào quán cà phê mà họ cho là "làm sống lại hồn ma chế độ cũ".

Chụp màn hình

NGUỒN HÌNH ẢNH,

CHỤP MÀN HÌNH

Chụp lại hình ảnh,

Tin quán Army bị đóng cửa trên tạp chí TravelMag

Từ "bức xúc của quần chúng", cơ quan chức năng đã vào cuộc.

Tạp chí Vietnam Traveller (TravelMag) của Hiệp hội Du lịch Việt Nam ngày 17/4 đưa tin: "Trước làn sóng phẫn nộ của nhiều người liên quan đến phong cách trang trí 'bán nước', gợi nhớ lại chế độ ngụy quyền năm xưa đã đàn áp dân tộc Việt Nam, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra hoạt động kinh doanh của quán cà phê Army..."

"Lực lượng kiểm tra đã yêu cầu nhân viên phục vụ không được mang đồng phục của lính ngụy và đình chỉ hoạt động kinh doanh của quán cho đến khi thay đổi lại hoàn toàn phong cách trang trí," tạp chí này viết.

Từ Dinh Thống Nhất tới những án tù

Quán cà phê Army chỉ là một ví dụ về nỗi ám ảnh của chính quyền Việt Nam đối với những biểu tượng VNCH.

Tại Dinh Thống Nhất, trước đây là Dinh Độc Lập, dưới những tán cổ thụ, người ta bắt gặp hình ảnh cờ ba sọc trên đuôi và phù hiệu Không lực VNCH trên cánh một chiến đấu cơ F-5 bị gạch chéo. Điều tương tự cũng được thực hiện trên các hiện vật khác ở nơi đây và nhiều nơi khác.

Tại cụm di tích hai bên cầu Hiền Lương, nơi trong những năm gần đây đã được đầu tư để tái dựng lại khung cảnh thời Việt Nam bị chia cắt, quá khứ chỉ được tái hiện một nửa. Đó là nửa của cờ đỏ sao vàng.

Máy bay chiến đấu của VNCH trưng bày trong Dinh Thống Nhất với các biểu tượng bị gạch chéo

NGUỒN HÌNH ẢNH,

BÙI THƯ

Chụp lại hình ảnh,

Máy bay chiến đấu của VNCH trưng bày trong Dinh Thống Nhất với các biểu tượng bị gạch chéo

Trên phương tiện truyền thông đại chúng, cờ ba sọc và các biểu tượng VNCH càng bị cấm kỵ. Một nhà báo là thư ký tòa soạn kỳ cựu ở TP HCM chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng tòa soạn của ông từng bị Bộ Thông tin và Truyền thông khiển trách do "để lọt" hình ảnh cờ vàng. "Đó chỉ là một tấm ảnh bà con Việt kiều ở Mỹ," ông kể. "Nội dung không liên quan đến VNCH, nhưng xui rủi thế nào trong đám đông bà con ở chợ lại có người mang cờ ba sọc. Một lá cờ nhỏ, biên tập viên không phát hiện, nhưng đã không qua khỏi mắt của cơ quan quản lý."

Ông cho biết từ "kinh nghiệm xương máu đó", cuộc bầu cử Mỹ vừa qua là một thử thách cam go.

"Chúng tôi mua ảnh và video của các hãng như Reuters, AP," nhà báo này cho biết. "Các sự kiện biểu tình, bạo động ở Mỹ liên quan tới bầu cử, người gốc Việt tham gia rất nhiều. Trong đó, rất nhiều người mang theo cờ vàng. Để lọt là rất phiền phức."

Không chỉ là việc bị tạm đình chỉ như quán cà phê Army hay bị khiển trách, sử dụng các biểu tượng của chế độ VNCH còn đẩy nhiều người vào tù.

Tháng 1/2018, Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang đã phạt tù bốn người về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước", trong đó có hành vi treo cờ VNCH. Cùng năm, tòa án này phạt tù một người khác về hành vi tương tự.

Tháng 4/2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt ông Nguyễn Viết Dũng 7 năm tù về tội như trên. Đưa tin về phiên tòa, Báo điện tử Công an Nghệ An miêu tả một số hành vi của ông Dũng:

"…Nguyễn Viết Dũng đã treo 'cờ vàng ba sọc đỏ' tại nhà riêng rồi chụp ảnh, đăng tải lên mạng internet và bị Công an xã Hậu Thành, huyện Yên Thành lập biên bản quả tang và biên bản giao trách nhiệm không được tiếp tục treo 'cờ vàng ba sọc đỏ', đồng thời, thu giữ 2 lá cờ trên."

Chụp lại vide

Vì sao cấm kỵ?

Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói với BBC rằng lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu trưng rõ ràng của một giai đoạn, nó hàm chứa ước mơ, chính nghĩa trong đó, nên nó có sức sống.

Còn nhà văn Khải Đơn chia sẻ: "Có hai cách nhìn nhận về hình ảnh của VNCH phổ biến trong đối thoại thường ngày ở Việt Nam: đó là một thời từng tốt đẹp, lãng mạn, văn minh, sạch sẽ hoặc đó là một thời đại phản bội, xấu xa, ti tiện cần loại bỏ."

"Hai cách miêu tả này thường khiến người đối thoại ở Việt Nam rơi vào trạng đồng nhất như khi ta đọc chuyện cổ tích, có nhân vật thiện và có kẻ ác sánh vai."

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

NGUỒN HÌNH ẢNH,

NHẠC SĨ TUẤN KHANH

Chụp lại hình ảnh,

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Gần đây, chính quyền Việt Nam đã có những thay đổi nhất định về nhận thức trong vấn đề VNCH, chẳng hạn ít nhắc tới các từ như "ngụy quân", "ngụy quyền", nhưng quốc kỳ và các biểu tượng trung tâm của chính thể này vẫn luôn là điều cấm kỵ.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh lý giải: "Cho đến hôm nay, chính quyền Việt Nam vẫn đánh vật với tính chính danh. Qua thời gian bị cô lập sau chiến tranh, chính quyền luôn khao khát chính danh, tìm cách chứng minh tính chính danh."

"Nhưng để làm điều đó thì phải giải quyết thế nào phần VNCH?" ông đặt câu hỏi. "Thế nên, nhà nước Việt Nam luôn có hai chính sách. Về đối ngoại, họ luôn có ngôn ngữ mới, khi họ phạt tù một người treo cờ vàng, họ giải thích rằng người đó phạm luật. Về đối nội, một mặt họ nêu cao tính chính danh của mình, mặt khác họ thủ tiêu tính chính danh của VNCH. Chẳng hạn họ vào đâu đó, gạch chéo lên lá cờ vàng, để người ta thấy rằng 'à, đây là thứ bị phế bỏ'. Họ còn lập những đạo quân vài chục ngàn dư luận viên, vào những mùa như tháng 3, tháng 4, đưa tràn ngập thông tin mang tính sỉ nhục VNCH, một chế độ đã bị xóa bỏ bằng hành động vũ lực của miền Bắc."

"Để duy trì tính chính nghĩa của mình trong cuộc chiến tranh, chính quyền Việt Nam hiện tại luôn đặt VNCH vào thế phi nghĩa. Theo đó, đấy là một chính thể phi pháp," nhà báo nói trên giải thích. Nhà văn Khải Đơn lý giải thêm: "Sự cấm đoán này cũng giống như quán Army bị buộc phải tạm ngưng hoạt động để kiểm duyệt cho vừa mắt phe thắng cuộc. Một sĩ quan VNCH không thể nào đẹp trai lịch lãm. Một thời đô thị Sài Gòn không thể nào lả lướt áo dài, nhã nhặn văn phong. Đó phải là một thời phản bội, tăm tối, xấu xa."

Nhà văn, nhà báo Khải Đơn

NGUỒN HÌNH ẢNH,

KHẢI ĐƠN

Chụp lại hình ảnh,

Nhà văn, nhà báo Khải Đơn

Và theo nhà văn thì "càng nỗ lực duy trì câu chuyện một chiều, nhà cầm quyền càng tạo ra sự tò mò và nhu cầu đào sâu vào thái cực cực đoan ngược lại của câu chuyện. Đây là tâm lý phổ biến ở các quốc gia độc tài kiểm soát thông tin và văn hóa, nơi người dân chỉ được phép biết một số thứ trong sự kiểm duyệt chặt chẽ. Sự giằng co này tạo ra ảo giác rằng hình ảnh VNCH 'đáng sợ, dây vào là dẹp quán, kiểm duyệt bài, ngưng xuất bản sách, ngưng trình diễn."

Nhạc sĩ Tuấn Khanh kể ông từng hỏi người bán sách cũ ở Sài Gòn vì sao những cuốn sách bị cấm đã cũ rách mà vẫn có người tìm mua, thậm chí là bản photo đắt tiền thì được trả lời rằng: "Chỉ vì một điều duy nhất là nó chứa đựng sự thật".

Ông cũng nói thêm: "Biểu tượng VNCH không chỉ có cờ hay hình ảnh, mà nó còn nằm trong từng bài hát, cuốn sách. Một thời, những giá trị này bị cấm. Khi ông Lộc Vàng hát những bài hát tiền chiến chứ không phải bài hát thời tiền chiến, chứ chưa phải thời VNCH mà đã bị phạt 14 năm tù. Một số người khác cũng bị vậy. Nhưng giờ đã không còn cái lệnh cấm ấy. Đó thực sự là một cuộc giằng co rất lớn. Giới lãnh đạo Việt Nam có lẽ đã quá mệt mỏi, đã nhận ra rằng cuộc giằng co đó không cần thiết và họ cũng không thể chiến thắng, nên phải buông tay."

Nha hang Maxim

NGUỒN HÌNH ẢNH,

NGUYEN THE PHUONG

Chụp lại hình ảnh,

Phòng trà Maxim’s nơi trình diễn các vở ca múa kịch được dàn dựng bởi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Sau 1975 vẫn mang tên Nhà hàng Maxim

Với nhạc sĩ Tuấn Khanh, nếu những giá trị thời VNCH bị cấm đoán thì người dân Việt Nam sẽ là đối tượng chịu mất mát: "Còn người tạo ra sự mất mát đó là kẻ có tội đối với đất nước và dân tộc Việt Nam".

Còn nhà báo giấu tên từ Sài Gòn lưu ý rằng, nỗ lực giáo dục và tuyên truyền của Việt Nam đã khiến cho một bộ phận rất lớn giới trẻ, vốn chào đời rất lâu sau khi chiến tranh kết thúc, tin rằng những gì liên quan đến VNCH là xấu xa, quân đội VNCH là ác ôn, nợ máu với dân tộc.

"Những người với các tín niệm đó luôn sẵn sàng nghiền nát bất cứ ai thách thức niềm tin của họ, trước cả khi có lệnh từ các cơ quan như công an, tuyên giáo," ông nói.

Chốt lại những ý kiến của mình, nhạc sĩ Tuấn Khanh đúc kết: "Sau 46 năm, cuộc đánh vật với những biểu trưng đó thực ra không phải là vấn đề. Vấn đề cốt lõi là nhà nước Việt Nam cần có chính sách mới. Đó phải thực sự là một nhà nước dân chủ, với tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, để khi nhìn lá cờ đó, họ không mặc cảm. Và những người Việt Nam tự do nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng cũng không thấy căm ghét. Lúc đó, người Việt Nam mới tìm thấy một tương lai mới."

Ông Tuấn Khanh dẫn ý nhà văn Trần Trung Đạo rằng, "một nhà nước dân chủ, một đất nước thực sự có tự do, đem lại những giá trị nhân văn cho con người Việt Nam, thì chính nhà nước đó sẽ là cầu nối hòa giải lớn nhất cho dân tộc này, từ đó xóa bỏ tất cả các mặc cảm, định kiến với những giá trị của hai bên."

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56886054

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét