Đỗ Kim Thêm
Bối cảnh
Hội nghị Paris là một quá trình đàm phán giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt kể từ ngày 13 tháng 5 năm 1968, sau ngày 25 tháng 1 năm 1969 có thêm Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTGPMN) tham gia.
Ngoài 202 phiên họp chính thức của bốn bên, còn có thêm 24 cuộc mật đàm khác giữa Henry Kissinger với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy. Cuối cùng, hội nghị kết thúc sau bốn năm chín tháng và bốn bên chính thức ký kết Hiệp định Paris để chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27 tháng 1 năm 1973.
I. Diễn tiến
1. Chuẩn bị
Hội nghị đánh dấu một giai đoạn mới cho chiến tranh Việt Nam. Dù thất bại nặng nề về quân sự trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, nhưng Bắc Việt giành thắng lợi chiến lược trong mặt trận truyền thông ngoại vận.
Ý thức được việc kéo dài cuộc chiến sẽ làm cho công luận Mỹ mệt mỏi, đó là vũ khí mới đầy lợi hại cần sử dụng, Bắc Việt đồng ý tham gia đàm phán, trong khi Mỹ bắt đầu có những lo âu về các tổn thất chiến phí và nhân mạng.
Chiến phí của Mỹ tại Việt Nam trong năm 1967 đã lên đến 21 tỷ đô la. Năm 1968, Mỹ bị bắn hạ 950 phi cơ đủ loại và mất khoảng 6 tỷ đô la. Theo một ước lượng của McNamara về hiệu năng kinh tế, cứ mỗi 9,6 đô la Mỹ chi ra, gây thiệt hại vật chất cho Bắc Việt chỉ khoảng 1 đô la.
Vào thời điểm này, Mỹ có 31.000 người hy sinh, con số tử vong hàng tuần khoảng trên 500 người.
Trước các tổn thất ngày càng nặng nề, chính giới Mỹ thấy đã đến lúc cần phải tìm cách làm xoa dịu phản ứng của giới lập pháp, truyền thông và sinh viên phản chiến đang trở nên gay gắt.
Thoạt đầu, Hoa Kỳ và Bắc Việt vào cuộc là để lo chuẩn bị cho bốn đoàn đại biểu chính thức về sau tham gia hội nghị: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH), MTGPMN, sau đổi thành Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam (CPCMLTMN), Hoa Kỳ và VNCH. Luận điểm dị biệt chính trong giai đoạn này là vai trò của CPCMLTMN và việc chọn hình dáng cho chiếc bàn hội nghị là vuông hay chữ nhật.
Sau 14 cuộc thảo luận, hai bên thoả thuận là bàn tròn đường kính 8m và có hai bàn thư ký ở hai đầu.
Khi tin vui chiến trường tác động thuận lợi cho nghị trường, nên chiến thuật vừa đánh vừa đàm được hai phe áp dụng triệt để, mỗi bên đều cố giành các bước đột phá để tạo ra chuyển biến.
Ngoài ra, chính trường quốc tế và quốc nội diễn biến dồn dập tạo ra những ảnh hưởng quan trọng khác đến tiến trình đàm phán.
Dù phong trào Cộng sản Quốc tế càng ngày càng rạn nứt, nhưng Bắc Việt, do tài năng đặc biệt về đu dây ngoại giao, vẫn còn nhận viện trợ vật chất ồ ạt của Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước XHCN.
Theo một ước lượng, trong suốt cuộc chiến, Bắc Việt nhận viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung Quốc khoảng 7 tỷ đô la, và riêng Trung Quốc mỗi năm khoảng 200 triệu đô la về trang bị vũ khí nhẹ.
Một sự thật đáng ngạc nhiên hơn được các học giả Trung Quốc xác nhận là, ngoài số viện trợ chung khoảng 20 tỷ đô la, Trung Quốc còn gởi 320.000 Chí Nguyện Quân để xây dựng và bảo vệ các cơ sở hạ tầng thuộc lưu vực sông Hồng. Đến cuối tháng 8 năm 1973, sau khi có khoảng 1100 chết và 4200 bị thương, đoàn quân âm thầm rút khỏi Bắc Việt.
Tự hào là đánh thay cho Trung Quốc và Liên Xô, dĩ nhiên, Bắc Việt không bao giờ ồn ào khi so sánh sự hiện diện hữu nghị này với việc lính Mỹ xâm lăng và rút khỏi miền Nam.
2. Tương quan lực lượng
Thoạt đầu, hoả lực của miền Nam ở vị thế áp đảo. Sau năm 1966, tổng số quân Bắc Việt đóng tại miền Nam là 200.000, lượng xâm nhập qua đường mòn Hồ Chí Minh vào khoảng 5000 quân mỗi tháng. Trong khi đó, vào tháng Giêng năm 1969, Hoa Kỳ có 500.000 binh sĩ tham chiến, ngoài ra còn có các lực lượng Đồng minh khác tham gia. Giữa tháng 6 năm 1970, QLVNCH gia tăng quân số từ 850.000 lên đến một triệu và được Hoa Kỳ trang bị cho vũ khí, quân xa và trực thăng hiện đại, làm cho khả năng tác chiến lên cao.
Thành công trong chiến dịch Bình Định Nông Thôn, chính phủ VNCH đem lại an ninh cho các vùng xôi đậu trước đây; kiểm soát dân chúng nhiều hơn cũng là một ưu thế chính trị.
Tương quan lực lượng chênh lệch làm cho dư luận tiên đoán chung là miền Nam có nhiều triển vọng chiến thắng. Nhưng thực tế cho thấy là, cho đến giữa năm 1971, không bên nào có ưu thế trên chiến trường. Đến cuối năm 1972, có khoảng 280.000 quân Bắc Việt đóng tại miền Nam cộng thêm khoảng 120.000 quân Giải phóng miền Nam.
Khi chính sách Việt Nam Hoá chiến tranh bắt đầu, tình hình thay đổi thuận lợi cho Bắc Việt. Lý do giải thích cho biến động này là vì quân số Hoa Kỳ đã lên đỉnh điểm, không thể phát triển được nữa và bắt đầu rút quân theo lịch trình, cứ sáu tháng là có 50.000 binh sĩ hồi hương, đối sách của Hoa Kỳ trong lúc này là tận dụng thanh thế trong ngoại giao. QLVNCH khó khăn hơn khi phải tự đảm nhận các cuộc hành quân; thực lực của MTGPMN và QĐNDVN đang suy giảm vì cơ sở hậu cần tại nông thôn tan rã và phải phản ứng bằng tăng cường trên trận tuyến ngoại vận.
3. Hoa Kỳ áp lực ngoại giao
Năm 1972 thành tích của Tổng thống Richard Nixon lên cao trên chính trường quốc tế qua hai cuộc tiếp xúc với Trung Quốc vào tháng 2 năm 1972 và với Liên Xô vào tháng 5 năm 1972.
Hai việc mà Hoa Kỳ đang ráo riết chuẩn bị là cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chính thức công nhận Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và ký Hiệp uớc ABM và tham gia Hội nghị Thượng đỉnh song phuơng với Liên Xô.
Bù lại, Trung Quốc và Liên Xô phải lo tác động cho Bắc Việt thay đổi lập trường trong việc giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam. Áp lực ngoại giao Hoa Kỳ bắt đầu tỏ ra khả thi.
Sau hai chuyến đi của Nixon, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Liên Xô lần lượt đến Hà Nội để thuyết phục Bắc Việt nên nắm bắt cơ hội để chấm dứt chiến tranh. Các tài liệu giải mật về sau hé lộ hai chi tiết quan trọng: Liên Xô giảm bớt mức quân viện cho Hà Nội trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì, nhưng nhận định bi quan về triển vọng chiến thắng. Khi bắt đầu bị áp lực, giới lãnh đạo Hà Nội gặp nhiều khó khăn để tìm ra một đối sách thích hợp.
Sau chuyến Hoa du của Henry Kissinger, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc xin tiếp tục cầu viện. Trước các yêu cầu khẩn thiết của Bắc Việt, Chủ tịch Mao Trạch Đông từ chối khéo bằng một hình ảnh bóng bẩy: “Chổi của Trung Quốc quá ngắn không thể quét sạch lính Mỹ tại Đài Loan, khi chổi của các Đồng chí ở miền Bắc còn ngắn hơn, thì làm sao quét sạch miền Nam”.
4. Bắc Việt tấn công năm 1972
Bất kể xu thế ngoại giao đang xoay chiều, Hà Nội tỏ ra cứng rắn và gây bất bình cho Liên Xô và Trung Quốc khi đơn phương quyết định tấn công đồng loạt miền Nam.
Kể từ ngày 31 tháng 3 năm 1972, với 120.000 quân và có trang bị nhiều chiến xa tối tân của Liên Xô, Bắc Việt tấn công từ Đường 9 – Quảng Trị, Kon Tum cho đến miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó Hoa Kỳ chỉ còn 6.000 binh sĩ chiến đấu trong tổng số 95.000 quân.
Khi biên giới Tây Nam, cách thủ đô Sài gòn 70 cây số, điểm cuối cùng bị tấn công dữ dội, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải ra lịnh cứu nguy các thành phố và tạo vòng đai an toàn cho dân chúng. Miền Nam thiệt hại nặng nề, đẫm máu nhất là tại hai mặt trận Trị Thiên và cổ thành Quảng Trị.
Trước nguy cơ của tình thế, Tổng thống Nixon thể hiện lòng kiên quyết không bỏ rơi miền Nam và chịu thất bại trong năm tranh cử khi quyết định đưa ra cuộc hành quân Linebacker I vào ngày 8 tháng 5: ném bom miền Bắc và thả mìn ở cảng Hải Phòng cùng các cửa sông để ngăn chặn nguồn ngoại viện.
Khi các hoạt động vận chuyển miền Bắc bị tê liệt, các chuyên gia có cảnh báo cho Nixon biết về hậu quả nghiêm trọng của quyết định “điên khùng” này. Điểm ngạc nhiên là Liên Xô phản ứng yếu kém và sau đó tiếp Nixon với nghi lễ trang trọng dành cho một quốc khách.
Công luận Hoa Kỳ tỏ ra đồng thuận với việc quyết định ném bom miền Bắc, vì dẫu sao cũng ít gây hậu quả tệ haị hơn là hành quân bằng bộ binh. Nixon nhận nhiều ủng hộ chính trị hơn trong thời gian này.
5. Phong trào phản chiến gia tăng
Cuối năm 1972, nội tình nước Mỹ thay đổi triệt để, bằng chứng là việc đánh giá tình hình Việt Nam đã có nhiều quan điểm dị biệt sâu xa.
Nói chung, xã hội Mỹ đa dạng, nên không thể nói là có một phong trào phản chiến duy nhất. Tinh thần chống đối trong giới truyền thông, lập pháp và sinh viên phản chiến có quá nhiều nguồn gốc, hình thức và chiến thuật khác nhau, Việt Nam chỉ là một lý do trong các vấn đề thuộc chính trị quốc nội để họ tranh chấp nhau.
Thoạt đầu, giới truyền thông nêu ra hai lo âu chính: Mỹ muốn gì tại Việt Nam và ai có thể biết được giải pháp. Về sau, các đài truyền hình đem lại một hình ảnh bi thương đầy lệch lạc về chiến tranh, đặt ra vấn đề ý nghĩa tham chiến và hỗ trợ cho các phong trào phản chiến.
Ba cơ quan truyền thông quan trọng của Mỹ là New York Times, Boston Globe và Newsweek đồng loạt kêu gọi triệt thoái binh sĩ, làm cho dân chúng không còn ủng hộ chính quyền tiếp tục tham chiến.
Từ năm 1965, hai phong trào phản chiến nổi bật là Students for a Democratic Society (SDS) và Vietnam Veterans against the War (VVAW) đã bùng nổ. SDS ca ngợi các lãnh tụ Hồ Chí Minh, Fidel Castro và Che Guevara như các thần tượng lãng mạn trong công cuộc đấu tranh cách mạng; đồng thời cổ vũ lập ra một phong trào quốc tế chống đế quốc.
Sau năm 1968, nhiều cuộc biểu tình phản chiến lan ra trên toàn quốc, đặc biệt là Mục sư Martin Luther King, một trong nhiều nhân sĩ nổi danh đã tham gia. Trong một cuộc diễn hành với hơn 100.000 người tại Washington, Martin Luther King kêu gọi khẩn thiết là Mỹ phải kết thúc chiến cuộc. Là người đoạt giải Nobel Hoà Bình vào năm 1967 và với uy tín đạo đức sẵn có, ông trở thành một biểu tượng đấu tranh cho công luận Mỹ không những về kỳ thị chủng tộc mà còn cho hoà bình thế giới.
Hằng triệu người trẻ trong cả nước chống đối Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Cho dù có cảnh sát giải tán bằng lựu đạn cay và giam cầm, nhưng không làm tình hình thuyên giảm. Đó cũng là thời điểm mà Bắc Việt tận dụng tuyên truyền đòi Mỹ rút quân.
Trong giới lập pháp, lập trường chống đối gây nhiều tiếng vang mà đòi ngừng bắn và giải thoát tù binh là hai quan tâm chính. Từ tháng 4 đến tháng 12 năm 1972, Quốc hội đã đề ra nhiều dự luật đòi rút quân, đưa tù binh về và hạn chế quyền chiến tranh của Tổng thống. Sau đó, Thượng viện biểu quyết dự luật chuẩn chi các kinh phí quân sự được dùng vào việc rút quân với điều kiện là thả tù binh Mỹ.
Thực tế trái ngược. Các cáo buộc chung cho là Mỹ không muốn thương thuyết nghiêm chỉnh, thực ra, các cuộc mật đàm tại Paris đã khởi diễn. Trong khi Thượng viện muốn gây áp lực, nhưng đa số nghị sĩ vẫn còn muốn ủng hộ Nixon.
6. Đàm phán bế tắc
Cho đến trước tháng 10 năm 1972, đàm phán không đạt đuợc thoả hiệp nào, vì vị thế của Henry Kissinger yếu kém hơn Bắc Việt. Trong khi Kissinger đòi hỏi hai bên cùng rút quân, Hoa Kỳ chỉ còn 27.000 binh sĩ và phương tiện duy nhất là tiếp tục đe doạ không kích.
Nhưng lý do quan trọng nhất để giải thích cho sự bế tắc là vì lập trường của hai phe còn nhiều dị biệt.
Cụ thể là Hoa Kỳ cùng các Đồng minh đồng ý là rút quân ra khỏi Việt Nam, nhưng đồng thời 140.000 quân QĐNDVN cũng phải rút. Chính quyền VNCH có quyền tồn tại trong giải pháp hoà bình, không có dự trù Tổng tuyển cử thống nhất.
Ngược lại, VNDCCH đưa ra yêu sách là Hoa Kỳ phải đơn phương rút quân, không chấp nhận việc rút cùng lúc. Việc thành lập CPCMLTMNVN sẽ gồm ba lực lượng chính trị, mục đích là để tiến hành Tổng tuyển cử thống nhất với miền Bắc.
7. Đàm phán khai thông
Ngày 8 tháng 10 năm 1972 đánh dấu một bước đột phá trong tiến tình đàm phán. Thoả hiệp chính hai phe đạt được là Hoa Kỳ không còn đặt vấn đề quân miền Bắc rút khỏi miền Nam, những vấn đề chính trị, quân sự của miền Nam sẽ do các bên miền Nam giải quyết.
Thực tế có nghĩa là Hoa Kỳ không thuyết phục được Bắc Việt trong vấn đề rút quân. Bù lại, Bắc Việt công nhận cho chính quyền của Tổng thống Thiệu tiếp tục tồn tại nhằm thành lập Chính phủ Liên hiệp.
Nguyên văn dự thảo là: “Quân đội Mỹ và các đồng minh nước ngoài phải rút khỏi Việt Nam, chính quyền Tổng thống Thiệu được quyền tồn tại trong một giải pháp hoà bình, hai phe trao trả tù binh không điều kiện trong vòng 60 ngày.”
8. Lý do thoả hiệp
Có nhiều giải thích khác nhau về động lực thúc đẩy cho hai phe đi đến thoả hiệp.
Thứ nhất, Bắc Việt thoạt đầu muốn tiếp tục đánh bại QLVNCH khi trưng bằng chứng là QLVNCH thảm bại trong cuộc Hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào và tỏ ra cứng rắn buộc Mỹ phải đơn phương rút quân. Lê Đức Thọ lập luận gay gắt với Kissinger là: “Khi quý vị không thể đánh bại chúng tôi với 500.000 quân, từ đâu mà quý vị có ý nghĩ rằng, khi thay bằng 500.000 quân lính miền Nam đang chiến đấu, quý vị có thể đánh bại chúng tôi?”
Lúc đó, Kissinger không thể tìm ra câu trả lời thích hợp.
Thứ hai, Hà Nội cũng có một lý do khác là giữ thể diện ngoại giao khi tình thế còn nhiều bất trắc. Lập luận chung thường cho rằng, thành công chiến trường đồng nghĩa với thắng lợi ngoại giao. Ngược lại, chiến thắng huy hoàng của Tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ không đem lại ưu thế ngoại giao cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Genève. Kinh nghiệm của Hiệp định Genève 1954 vẫn còn đó, làm cho Lê Đức Thọ dè dặt hơn khi so với chiến thắng Hạ Lào và không muốn để cho Kissinger tận dụng tìm mọi ưu thế khác tại Paris.
Về sau, Kissinger hé lộ hai lý do làm cho Lê Đức Thọ phải thay đổi quan điểm.
Thứ nhất, QLVNCH đánh bại Bắc Việt trong cuộc Tổng tấn công năm 1972 là lý do chính. Sau khi đại bại trong cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân (1968), lại một lần nửa, Hà Nội đại bại trên trận địa chiến với kết quả là trên 100.000 quân của QĐNDVN thiệt mạng cùng 700 xe tăng Liên Xô bị tiêu hủy và mọi hoạt động hậu cần bị tê liệt trong khi QLVNCH tử vong khoảng 25.000. Chua chát nhất cho Bắc Việt là Liên Xô cắt giảm viện trợ và Trung Quốc gây sức ép buộc ngừng chiến đấu.
Thực tế cho thấy, Bắc Việt dốc toàn bộ quân đội vào miền Nam, trong khi đó, Mỹ đã rút các đơn vị Bộ binh, chỉ còn để lại các đơn vị Không quân và Hải quân, cho tăng cường máy bay ném bom B-52. Sự phối hợp cả hai biện pháp này đã làm cho các căn cứ do QĐNDVN chiếm đóng nay bị QLVNCH tái chiếm, mà Cổ thành Quảng Trị là một thí dụ đẫm máu điển hình.
Qua hai chiến thắng quân sự năm 1968 và 1972, miền Nam chứng minh cho Bắc Việt và Mỹ thấy là, với sự yễm trợ hùng hậu của Hoa Kỳ, QLVNCH có khả năng tự bảo vệ, đó cũng là một hứa hẹn thành công cho việc Việt Nam Hóa chiến tranh. Trong khi bị kiệt quệ về mọi mặt, Hà Nội nhận ra rằng, không thể kéo dài chiến thuật vừa đánh vừa đàm.
Thứ hai, Bắc Việt nóng lòng muốn kết thúc đàm phán trước cuộc tái tranh cử. Khi tiên liệu là Nixon sẽ tái đắc cử, Bắc Việt lo tình hình sẽ không thay đổi trong bốn năm nửa, còn phải chịu đựng tệ hại hơn với con người Nixon điên loạn, chống Cộng cực đoan; một hoà ước, nếu đạt được, sẽ thuận lợi cho miền Nam.
Vượt ra ngoài các thăm dò dư luận, kể cả Kissinger cũng không thể lường được, kết quả là Bắc Việt lại tiên đoán chính xác. Nixon thắng cử với 61% dân chúng ủng hộ, MacGovern thua đậm là một thành tích vẻ vang cho Nixon và mối lo âu của Bắc Việt thành hiện thực.
Nói như thế không có nghĩa là Nixon hoàn toàn ở thế thượng phong trong giai đoạn đàm phán này, mà thực tế ngược lại.
Nixon cũng nhận ra rằng, không thể kéo dài mưa bom cho Bắc Việt vì áp lực của giới phản chiến quốc tế và trong nước lên đến đỉnh điểm. Lính Mỹ không còn tinh thần kiên trì chiến đấu, đã buộc chính quyền Mỹ phải lo triệt thoái. Theo tốc độ bình thường, việc rút một số lượng quân lớn lao như vậy, Mỹ cần phải mất thời gian là hai năm, kể cả không có việc chống đối.
Khi quyết định rút quân, Tổng thống Nixon bị cáo buộc là phản bội những gì Đảng Cộng hoà theo đuổi. Ngay cả đối với các vị Tổng thống tiền nhiệm theo Đảng Dân chủ cũng không bao giờ gặp khó khăn khi phải cân nhắc như vậy.
Ngoài ra, Nixon cũng không thể tiên liệu được khả năng chiến đấu của QLVNCH khi so với tốc độ Mỹ rút quân, triển vọng của cuộc đàm phán càng trở nên bất trắc vì tùy thuộc vào thái độ của Bắc Việt nhiều hơn.
Trong nội tình, Nixon cũng bị áp lực, vì biết rằng dù thắng cử, Quốc hội sẽ do đảng Dân chủ chiếm đa số và cắt giảm các chuẩn chi cho Việt Nam. Đúng như Nixon dự đoán; ở Thượng viện, đảng Cộng hoà mất 3 ghế; ở Hạ viện, đảng Dân chủ chiếm đa số. Như vậy, giới đối lập vẫn còn gây ảnh hưởng đối với chính sách Việt Nam trong khi thuyết Domino không còn có giá trị thuyết phục cho Hoa Kỳ phải tiếp tục có mặt tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Nixon càng bi quan hơn khi việc xây dựng nền tảng dân chủ của VNCH không còn thuận lợi. Trong cuộc bầu cử độc diễn năm 1971, Tổng Thống Thiệu thắng cử với 90% số phiếu ủng hộ, nên không tạo uy tín lãnh đạo quốc gia. Theo công luận Mỹ, triển vọng thành công trong chương trình Việt Nam Hoá của Nixon không còn nữa.
Tóm lại, cả Hoa Kỳ và Bắc Việt cùng nhận định là phải trở lại hòa đàm Paris trong một thái độ nghiêm chỉnh hơn là theo đuổi chiến thuật vừa đánh vừa đàm.
https://baotiengdan.com/2021/04/30/hiep-dinh-paris-1973-dien-tien-noi-dung-va-hien-trang-phan-1/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét