Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

6034 - 30/4 nhìn lại - Nước Mỹ tôi yêu quý có kỳ thị chủng tộc không?

  • Tina Hà Giang
  • BBC News Tiếng Việt
Children And Adults Are Sworn In As US Citizens During Ceremony

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Một gia đình người Việt tuyên thệ để trở thành công dân Hoa Kỳ

''Cuối tuần em rủ mấy đứa bạn đi biểu tình Anti-Asian Crime ở Irvine.'' D., cô em gái tôi nói. ''Hôm trước em với tụi nhỏ đi một lần rồi, lần này chắc đông hơn.'' Điện thoại tôi chợt hiện tấm hình ba mẹ con D. ở một công viên đầy người, tay mang biểu ngữ.

Chị ở Bangkok, em ở Nam Cali. Facebook với chúng tôi là chiếc cầu nối.

Facebook của D. dạo này tràn ngập tin về những người Á châu ở Mỹ bị hành hung, vụ thảm sát ở Atlanta, các cuộc biểu tình chống hành hung người Á đông, các lớp dạy học võ để tự vệ...

'Em mới ghi danh học lớp Taekwando và đặt mua 3 bình xịt hơi cay,' D. nói tiếp, nỗi bất an trong em rõ hơn.

''Chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra cho nước Mỹ. Chị không biết nên sợ Covid hơn hay sợ kỳ thị hơn.'' Tôi thở dài.

''Hồi mới qua, có lần em nghe chị nói chị không thấy nước Mỹ kỳ thị. Nhớ không?'' Nhắc nhớ của D. hôm ấy nghe như một lời trách nhẹ rằng chị nghĩ sai rồi.

Hay đó là một thắc mắc chưa thành lời?

Thú thực tôi cũng bao lần tự hỏi là nước Mỹ có kỳ thị không, để bối rối khi câu trả lời của mình đổi từ 'có' thành 'không' rồi lại 'có', theo dòng đời.Nhân dịp 30/4 tôi bỗng dưng muốn ôn lại trải nghiệm về phân biệt chủng tộc cả với người da đen lẫn da trắng trong môi trường sống và làm việc ở Mỹ.

Julie Tran holds her phone during a candlelight vigil in Garden Grove, California, on March 17, 2021 to unite against the recent spate of violence targeting Asians

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Người Việt tại buổi cầu nguyện cho người gốc Á bị giết chết tại Garden Grove, California

Megan Nguyen (C) and Emily Nguyen of the Vietnam Martial Arts Center demonstrate techniques during a self-defense training class

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Phụ nữ ở quận Cam, California học võ để tự vệ


Lạc giữa rừng người da đen

Cảm nhận có sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ đến với tôi lần đầu tiên khoảng cuối năm 1975, lúc sống ở một thành phố nhỏ cạnh rừng thông, gần thành phố Richmond, tiểu bang Virginia.

Hôm ấy tôi và người bạn hí hửng tìm đường xe búyt vào Richmond để xem xi nê, sau khi biết có một rạp hát giá vé rẻ hẳn hơn những nơi khác, rất vừa với túi tiền nhẹ tênh của hai đứa.

Sau một tiếng rưỡi trên xe chúng tôi vào được trung tâm thành phố.

Đi gần đến rạp thì cả hai giật mình trước một cảnh tượng chưa từng thấy: Một rừng người Mỹ gốc Phi châu đang đứng xếp thành hàng chờ mua vé. Không một người da trắng hay da màu nào khác có mặt trong cái hàng dài ngoằn ngoèo ấy.

Lạc lõng và hơi ngại những cái nhìn tò mò, soi mói, chúng tôi líu ríu bước vào hàng, cố thu mình thật nhỏ cho đến khi vào hẳn bên trong rạp. Phim xong chúng tôi lẳng lặng ra về. Một kinh nghiệm không bao giờ lặp lại.

Hỏi ra mới biết là tại Mỹ lúc ấy có những thành phố toàn người da đen sinh sống và ở những nơi này, không người da trắng nào bén mảng.

Sau này làm thợ may tại một xưởng may lớn tại Richmond, cứ mỗi giờ ăn trưa nhìn cảnh cafeteria rộng mênh mông chia ra hẳn thành hai khu vực: khu da đen toàn dân thợ và khu da trắng của dân làm văn phòng, tôi lại được nhắc nhở thêm về sự phân biệt giai cấp và màu da rất rõ ràng ở nơi có tên là Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Nhóm thợ da vàng chúng tôi ngồi với người da đen. Họ đối với chúng tôi khá thân thiện. Từ bên này nhìn qua bên kia, tôi băn khoăn về cảnh phân biệt màu da mình chưa bao giờ thấy.

A sign in Jackson, Mississippi which reads 'Waiting Room For Colored Only by order Police Dept.', 25th May 1961.

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Bảng chỉ nơi dành cho người da đen của cảnh sát ở Jackson, Mississippi năm 1961

Some 200,000 protesters gather to demand equal rights for black Americans on Constitution Avenue in Washington, DC, during the March on Washington for Jobs and Freedom, Washington DC, 28th August 1963.

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Khoảng 200.000 người Mỹ gốc Phi biểu tình đòi bình quyền ở Washington, DC năm 1963


'Tina, cà phê đi chứ?'

Rời Virginia, tôi về California, vào đại học.

California là cả một thế giới khác. Khí hậu ôn hòa. Sinh viên đủ mọi sắc tộc đầy sân trường. Thức ăn Việt Nam không phải chỗ nào cũng có, nhưng tìm không quá khó.

Tốt nghiệp đi làm, tôi may mắn tiến nhanh trong sự nghiệp. Ở tuổi 29, tôi là người trẻ nhất, là người gốc Á, và cũng là phái nữ đầu tiên giữ chức Financial Controller của ITM, công ty có doanh thu 75 triệu đôla một năm.

ITM chuyên nhập cảng phụ tùng xe hơi ngoại quốc với 4 trung tâm bán sỉ và hơn 50 tiệm bán lẻ trên toàn quốc. Tôi quản l‎ý ban tài chánh và kế toán có 20 nhân viên, dưới trướng là 3 supervisors và một phụ tá, tất cả đều da trắng.

Tuổi trẻ mau quên. Đi làm một thời gian, bận tâm của tôi về sự phân biệt màu da ở Mỹ biến mất lúc nào không hay.

Nói như thế để giải thích tại sao có những thời kỳ tôi không những không thấy mình bị kỳ thị, mà còn không nghĩ rằng Mỹ là một nước kỳ thị.

Nếu nước Mỹ kỳ thị, thì đã không có Luật Nhập Cư năm 1965 nhờ đó tôi và biết bao người Việt tị nạn khác được vào định cư sau khi cuộc chiến VN kết thúc.

Nếu nước Mỹ kỳ thị, thì tôi, người có ba điểm bất lợi, nhỏ tuổi, gốc Á, lại là phái nữ, đã không được nắm chức vụ đang có, tôi lập luận.

Tôi thấy mình yêu nước Mỹ, thiết tha.

Yêu câu 'mọi người đều bình đẳng' trong bản tuyên ngôn độc lập.

Yêu cụm từ 'công l‎ý cho tất cả' trong lời Tuyên thệ Trung thành với lá Quốc kỳ.

Yêu chính sách EEOC (Cơ hội Việc làm Bình đẳng) của liên bang, chính sách quy định rằng phân biệt đối xử vì chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính… với người xin việc hoặc nhân viên là bất hợp pháp.

'Giấc mơ Mỹ' với tôi đẹp, không chỉ vì ở đây dễ có được sự thành đạt, nếu muốn, mà vì nước Mỹ là nơi mà mọi người đều bình đẳng và được pháp luật bảo vệ.

Công việc của tôi bận rộn, khá thích thú, nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Trông coi tài chánh và kế toán của ITM, tôi khám phá ra nhiều sai phạm sổ sách, lỗ hổng trong việc xét đơn cho khách hàng mua chịu, trả hoa hồng cho ban sales trong khi nợ xấu chồng chất, chi phí cho những chương trình tiếp thị vô bổ, và quyết định sửa đổi các chính sách liên quan để giải quyết.

Điều đó giảm được nhiều thất thoát cho ITM, và hội đồng quản trị khuyến khích tôi mở rộng việc kiểm tra và cải tổ. Nhưng việc tôi làm ảnh hưởng đến hầu bao của một số người trước giờ hưởng lợi từ những lỗ hổng này, và dần dà trở thành người bị họ ghét nhất trong ban quản trị.

Phụ tá của tôi một hôm bảo, chị ơi họ đang kháo nhau là 'an Oriental woman is taking over the company' kìa, (một bà phương Đông đang tiếp quản công ty). Họ xầm xì, nhưng hễ em đến gần thì im.

Tôi biết mình bị một số người ghét vì chạm đến quyền lợi không chính đáng của họ, nhưng không quan tâm lắm, vì lương tâm chức nghiệp không cho mình làm khác đi. Nhưng họ ghét tôi là một chuyện, dùng từ 'Oriental woman' lại là một điều khác.

Ở Mỹ, Luật cấm Dùng từ ''Oriental'' trong các văn bản của liên bang lúc ấy chưa ra đời, nhưng từ lâu chúng tôi đã được dặn là không nên dùng ''Oriental'' để nói về người gốc Á.

Giáo sư Erika Lee, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Nhập cư tại Đại học Minnesota giải thích:

''Chữ Oriental thường được dùng để củng cố ý tưởng là người châu Á đã và mãi mãi sẽ là người nước ngoài, và không bao giờ có thể trở thành người Mỹ. Và như vậy giúp biện minh cho kỳ thị chủng tộc, tước quyền chính trị và phân biệt đối xử.

Ngoài ra Oriental cũng gắn liền với khuynh hướng chống đối và những đạo luật bài ngoại chống người gốc Á đã có ở Mỹ từ thế kỷ thứ 19.''

Japanese-Americans with Baggage Waiting for Train to Owens Valley During Evacuation under US Army War Emergency Order, Los Angeles

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Người Mỹ gốc Nhật ở Nam California chờ được lên xe lửa đưa vào trại tập trung năm 1942

An illustration of a massacre published in Harper's Weekly, September 26, 1885. The violence against the Chinese laborers was carried out by white coal miners.

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Hình minh họa tả cảnh thợ làm mỏ Trung Quốc ở tiểu bang Wyoming bị công dân da trắng tàn sát năm 1885

Một hôm, trước buổi họp mỗi ba tháng của hội đồng quản trị, tôi vừa bước vào phòng thì mấy ông da trắng đang lao nhao chợt im bặt. Họ cùng hướng về Don Peterson, giám đốc trung tâm phân phối lớn nhất của ITM ở Texas. Don, theo lời cô phụ tá, là người khởi xướng việc ''an Oriental woman...''

Nhìn tôi, Don nói: 'Hi Tina''

''Hi Don, hi everyone.''

''How about some coffee?' (Tina, cà phê đi chứ?') Don bỗng cao giọng.

Mọi cặp mắt đổ dồn về tôi. Trực giác bảo tôi họ đang chờ xem một vở kịch ngoạn mục.

Don với tôi ngang cấp, cùng trực thuộc tổng giám đốc. Tôi hiểu Don đang trịch thượng sai tôi mang cà phê cho hắn.

Cười rất tươi, tôi nói: 'Thank you, so kind of you to offer, but I prefer tea, please.' (Cảm ơn anh nhé, nhưng tôi thích dùng trà).

Thấy tôi biến câu ra lệnh của Don thành lời mời, và bảo him mang trà cho tôi thay vì cà phê, có tiếng cười lớn, vài cái hắng giọng, mặt Don đỏ lên.

Không khí nhẹ đi khi tôi nhờ thư k‎ý mang vào phòng họp một bình cà phê cho mọi người và một bình trà cho mình.

Không 'hạ' được tôi hôm đó Don càng 'căm', nhưng tôi làm việc chăm chỉ, và được cấp trên tuyệt đối tín nhiệm, hắn chẳng làm gì được.

Dẫu sao những va chạm lặt vặt kiểu đó làm tôi mệt mỏi, nên khi được mời gia nhập một công ty chuyên viết phần mềm cho ngành kế toán, tôi nhận lời ngay.

Kinh nghiệm đó khiến tôi suy nghĩ nhiều. Don và đồng nghiệp của hắn chắc là kỳ thị rồi. Nhưng suy nghĩ thêm, tôi vẫn giữ vững niềm tin là nước Mỹ không kỳ thị, một phần vì tại đa số công ty tôi làm việc, mỗi khi cần tuyển người, tôi đều được phòng nhân sự nhắc nhở về chính sách EEOC nói trên.

Tuy nhiên, một sự kiện vào khoảng cuối năm 2014 làm niềm tin của tôi bắt đầu nao núng.

Phan Van Hoc that he kept family documents including a journal about their departure from Vietnam.

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Sổ tay của một người Việt tị nạn trên đường đến Mỹ tìm tự do

South Vietnamese refugees board a U.S. war ship April 1975 in the South China Sea near Saigon. American involvement in the Vietnam War came to an end

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Người Việt tị nạn được đưa lên tàu chiến của Mỹ tháng Tư, năm 1975


'Tôi muốn mấy người cút khỏi nước này'

Tháng Mười năm 2014, tôi về trại ti nạn Indiantown Gap để làm phóng sự về những ngày đầu của người Việt tị nạn tại Mỹ.

Biết tôi từng ở đây năm 1975 với hàng chục ngàn người tị nạn khác, cụ thiện nguyện viên trong bảo tàng viện của trại thân hành đón tiếp. Ông cũng tụ họp một số người Mỹ từng làm việc ở trại cách đây gần 40 năm để tôi phỏng vấn.

Mọi người đa số khá ân cần. Người niềm nở cho tôi xem những tấm hình bạc màu họ chụp ở đây ngày xưa. Người khác kể kỷ niệm họ còn nhớ về những người Việt tị nạn ngơ ngáo cần họ giúp đỡ lúc đó. Duy có một ông da trắng to cao đứng yên một góc, tay khoanh trước ngực, lặng lẽ quan sát, mặt lạnh như tiền.

Khi tôi đến chào và bắt tay, ông không đáp ứng, nhìn tôi bằng ánh mắt ghét bỏ:

"I don't have anything to say to you, I was one of the people here who didn't want your people to come to our country then, and I still don't want your people here now..." (Tôi không có gì để nói cả, tôi là một trong những người lúc đó không muốn mấy người vào đất nước của tôi, và giờ tôi vẫn không muốn mấy người ở đây).

Sững sờ, tôi đứng im vài giây rồi cố nở nụ cười:

"Well, I just wanted to say that we are very grateful for the kindness the American people have shown us, and that we have all became US citizens. We have worked, paid tax and are contributing to this country; some even joined the US Army and became high ranking officers." (Vâng, tôi chỉ muốn nói là chúng tôi rất cảm kích về lòng tốt người Mỹ đã dành cho chúng tôi, và nhiều người Việt giờ đã trở thành công dân Mỹ. Chúng tôi đã đi làm, đóng thuế, và đóng góp cho đất nước này; có người đã gia nhập quân đội và trở thành những sĩ quan cao cấp.)

Phản ứng của tôi khiến ông khựng lại nhưng không bớt hằn học:

"Like I said, I did not like your people here then, and I still don't like your people here now. I wish you guys just up and leave our country..." (Như tôi đã nói, tôi trước đây đã không ưa mấy người, và bây giờ vẫn không ưa mấy người. Tôi chỉ mong sao mấy người cút khỏi nước này.)

Không kể chuyện này với ai, nhưng thái độ của người đàn ông đó làm tôi buồn và hết sức bất an.

'Your guys' (Mấy người) và 'our country' (nước của chúng tôi)? Ông ta rõ ràng cho đất nước này không phải là của những người di dân.

Phải mất rất nhiều ngày sau, khi thuyết phục được mình là những người kỳ thị như ông ta ở Mỹ rất hiếm, tôi mới dần dà tìm lại được cảm giác an bình và niềm tin là nước Mỹ vẫn đại diện cho những giá trị tôi yêu quý.

Niềm tin đó ít lâu sau bị lung lay tận cỗi rễ.

Kết quả cuộc tranh cử tổng thống năm 2016 khiến tôi nhận thức rõ hơn bao giờ hết là rất nhiều người Mỹ kỳ thị, có ác cảm với người di dân.

Việc hàng chục triệu những người này bỏ phiếu cho Donald Trump cho thấy họ nghĩ rằng nước Mỹ cần sự lãnh đạo của một tổng thống có tinh thần bài ngoại, thích cổ súy sự phân biệt chủng tộc.

Philippine-American Girls with American Flags, Los Angeles, California

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Nước Mỹ có kỳ thị chủng tộc không?

Với chế độ nô lệ, những bộ luật chống người da đen như Luật ĐenLuật Jim Crow, lẫn những luật chống người gốc Á như Luật Cấm người Trung Quốc Nhập cưLuật Di Dân năm 1917, không thể phủ nhận là lịch sử nước Mỹ từng đầy rẫy những chính sách kỳ thị.

Nhưng nước Mỹ hiện chúng ta đang sống có chủ trương kỳ thị chủng tộc không là một câu hỏi khác.

Câu hỏi này khó trả lời, một phần vì nhận định của mỗi cá nhân tùy theo họ thuộc sắc dân nào, từng chứng kiến hay va chạm với kỳ thị chưa, và có cái nhìn ra sao sau những va chạm đó.

Khó hơn nữa vì chúng ta thường trộn lẫn chính sách nước Mỹ với cách cư xử của người Mỹ, và gồm lịch sử với hiện tại.

Một số người Mỹ có thể rất kỳ thị nhưng nước Mỹ vẫn không hẳn vì thế mà là một quốc gia khuyến khích tinh thần kỳ thị.

Ngược lại, nhiều người Mỹ có thể không kỳ thị, nhưng nước Mỹ hiện vẫn tồn tại những mảnh vụn của một hệ thống trước kia từng nuôi dưỡng sự kỳ thị.

Nhưng nếu nước Mỹ chủ trương kỳ thị thì tại sao Hiến pháp Hoa Kỳ quy định là mọi người dân được đối xử bình đẳng trước pháp luật, và cho phép tất cả mọi người sinh ra ở Mỹ, bất kể thuộc giống dân nào, được là công dân Mỹ.

Chắc chắn có một số người Mỹ phân biệt chủng tộc, nhưng họ không phải là đại đa số. Nếu họ chiếm đa số thì Joe Biden, người được cho là có cái nhìn 'thoáng' về người di dân đã không đắc cử tổng thống.

Nếu đa số người Mỹ kỳ thị thì tại sao Barack Obama lại đắc cử tổng thống hai lần, khi dân số Mỹ chỉ có 13% là người da đen, 62% người da trắng, 16% gốc Hispanic, và 6% gốc Á? Ắt hẳn đã có nhiều cử tri da trắng dồn phiếu cho ông.

Nếu đa số người Mỹ kỳ thị thì tại sao người dẫn chương trình truyền hình được ưa chuộng nhất qua mọi thời đại là Oprah Winfrey? Hẳn là một số lớn fan ái mộ bà phải là người da trắng.

Chắc chắn ở Mỹ hiện còn sót lại hệ quả của những bộ luật ra đời từ hàng trăm năm trước, tạo ra nạn kỳ thị có hệ thống. Nhưng qua nhiều năm đấu tranh, đa số những bộ luật kỳ thị đó đã bị hủy bỏ, hay được thay thế bằng những bộ luật nhân bản hơn.

Nhưng luật pháp (và Hiến pháp) của nước Mỹ là do người Mỹ làm ra.

Giả sử vì lý do gì đó hàng loạt người Mỹ kỳ thị bỗng được thay phiên nhau lên nắm quyền trong một thời gian dài, và thay đổi chính sách, thì việc Mỹ lại là một quốc gia kỳ thị chủng tộc như trước không phải là điều không tưởng.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-56756406

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét