Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

6032 - Vì sao con đường hòa hợp- hòa giải dân tộc vẫn xa vời?

Thanh Trúc


“Chuyện xảy ra năm 2016, ông Hữu Thỉnh là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội, qua điện thư đã mời tôi về Hà Nội trong tháng 10/2016 và có buổi gặp gỡ thể hiện sự hòa hợp hòa giải”

“Tôi đã trả lời rằng cho dù tôi có cầm bút nhưng từ trước ’75, cũng như sau ’75 bây giờ ở hải ngoại, tôi chỉ xem mình là một quân nhân. Trong tư cách của người lính thì tôi từ chối vì từ trong lịch sử, trên lý thuyết cũng như trong thực tế, tôi thấy các cá nhân trong tổ chức của Đảng Cộng sản ở Hà Nội không hề có tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc với ai hết. Đó là một Đảng chủ trương: ‘Thề phanh thấy uống máu quân thù, Tiêu diệt quân thù để giải phóng miền Nam…’. Kẻ thù nào trong ngày 30/4/75?”.

Đó là lời ông Phan Nhật Nam, cựu quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa, được biết đến như một phóng viên chiến trường thời chiến tranh Việt Nam. Làm sao hòa hợp hòa giải, ông nói, khi những vết thương của dân tộc từ sự bội tín của người cộng sản chưa thể khép lại:

“Từ Chính Phủ Liên Hiệp 1946, Hiệp Định Genève 1954, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam 1960, đến Hiệp Định Paris 1975 đều bị xé bỏ một cách ngang nhiên. Từ cuộc di cư 1954, vụ Nhân Văn Giai Phẩm 1957, giải phóng miền Nam 1960 đến Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, rồi 1975 là đánh tư sản, lùa dân đi kinh tế mới, phong trào vượt biên gần 600.000 người chết. Suốt mấy chục năm như vậy Đảng Cộng sản không hòa hợp hòa giải với ai hết, cả chính bản thân của họ nữa”

“Từ đó tôi kết luận ông Hữu Thỉnh, dù có thực tâm đi chăng nữa, cũng không thể có khả năng tổ chức một cuộc hòa hợp hòa giải với những cá nhân mà ông ta gọi là nhà văn. Nói thật Đảng Cộng sản đặt ra vấn đề hòa hợp hòa giải thì không tin được. Không hề có sự kiện hòa hợp hòa giải dân tộc 46 năm sau”.

Câu chuyện nhà văn Phan Nhật Nam được mời về nước hồi 2016 được Facebooker Lưu Trọng Văn nhắc lại trên tài khoản FB cá nhân, một lần nữa lôi kéo sự chú ý và phản hồi từ nhiều phía.

Nhà thơ Hoàng Hưng, một trong những người đồng sáng lập Ban Vận Động Thành Lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam, mà tiếng nói là trang mạng Văn Việt, cho rằng gọi là hòa hợp nếu đừng động tới ý thức hệ hay chính trị là những thứ mà người cộng sản chỉ muốn độc quyền lý luận:

“Trong tổ chức chúng tôi cũng có những nhà văn nhà thơ ở Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức… Tôi nhiều lần sang Mỹ và tiếp xúc với nhiều nhà văn nhà báo ở hải ngoại. Giữa chúng tôi, kể cả những người từng là sĩ quan, công chức Việt Nam Cộng Hòa, thì tự nhiên là chả khác biệt hoặc e dè gì cả. Như vậy chứng tỏ sự hòa hợp có thể có khi mà hai bên không có định kiến về chính trị, vế ý thức hệ”

“Nói như thế thì lập tức có thể hiểu ngay tại sao ông Hữu Thỉnh đưa ra lời mời ông Phan Nhật Nam. Tôi cho là ông Hữu Thỉnh thật tâm thôi và chưa chắc là có lệnh của ai đâu. Thế nhưng không được ông Phan Nhật Nam chấp nhận thì cũng dễ hiểu thôi. Là vì ông Hữu Thỉnh muốn hay không muốn cũng là người đại diện của ý thức hệ cộng sản, trực tiếp chịu sự lãnh đạo của Ban Tuyên Huấn Đảng Cộng sản. Với một người như ông Phan Nhật Nam và nhiều người khác, từng đi theo ý thức hệ Việt Nam Cộng Hòa, thì khó lòng mà hòa giải được. Nền tảng hai thể chế, hai chế độ chính trị làm sao hòa giải được với nhau. Không thể có, rất khó có”.

Quả thực là khó nếu người ta, đúng ra là người cộng sản, cố ý mù mờ, lập lờ về cụm từ hòa hợp hòa giải, là phân tích của nhà quan sát chính trị Nguyễn Gia Kiểng, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ở Paris, Pháp:

“Hòa hợp dân tộc và hòa giải dân tộc là hai khái niệm khác nhau. Hòa hợp đồng nghĩa với đoàn kết, còn hòa giải là xóa bỏ hận thù. Vậy thì hòa giải phải đi trước hòa hợp. Muốn có hòa hợp dân tộc thì phải hòa giải dân tộc trước, người cộng sản dùng chữ hòa hợp hòa giải là sai”

“Nói hòa hợp mà không cần hòa giải, hoặc là hòa hợp trước rồi mới hòa giải thì cũng không khác gì nói tôi gọi anh là ngụy, tôi đã bỏ tù anh, tôi đã nắm độc quyền đất nước, bây giờ anh cứ chấp nhận, cứ hòa hợp với tôi đi rồi chuyện hòa giải chúng ta nói sau. Như vậy có nghĩa hòa hợp mà chưa hòa giải, nó đồng nghĩa với đầu hàng! Phải nói cho rõ là “hòa giải và hòa hợp dân tộc”, chứ nếu mà cứ lẫn lộn danh từ thì không thể nào thảo luận một cách đứng đắn được”.

Hòa hợp hòa giải chỉ có thể xảy ra khi Nhà nước Cộng sản này thay đổi cái tư duy tranh đấu giai cấp và cả lập trường ‘đich, ta’ là khẳng định của tiến sĩ Mạc Văn Trang, người vừa có hai bài viết kêu gọi lương tri lãnh đạo trên mạng:

“Nhưng mà điều này rất khó khăn, bởi vì bản chất Đảng Cộng sản bao giờ cũng phải lập trường ‘địch-ta’ rõ ràng. Đã là địch, ta tức là đấu tranh một mất một còn”

“Muốn hòa hợp dân tộc thì trước hết phải hòa giải với dân oan mất đất mất nhà. Người ta khiếu kiện mà không hòa giải, mà cứ cưỡng chế xong rồi còn bắt người ta đi tù, gọi người ta là thế lực thù địch. Những người bất đồng chính kiến, chỉ phản biện và đấu tranh ôn hòa thôi, cũng vu cho người ta tội tuyên truyền chống phá Nhà Nước, bắt đi tù thậm chí 10, 15 năm trong chế độ nhà tù hết sức ác nghiệt”

“Nếu một chế độ mà chấp nhận đa nguyên, chấp nhận khác biệt ý kiến, dân ở trong nước được nhân quyền, được tôn trọng, được bình đẳng thì tự nhiên nó sẽ hòa giải được cái xã hội ngay ở trong nước. Nếu chế độ không thay đổi thì bao nhiêu chủ trương chính sách cũng không thể nào thuyết phục, không thể nào giải quyết được vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc đâu”.

Nhức nhối là câu hỏi tại sao chưa thể hòa hợp- hòa giải mà rất, rất nhiều người có tâm huyết đặt ra suốt 46 năm qua. Ông Kha Lương Ngãi, nguyên Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng thuộc Đảng bộ Cộng sản TPHCM, trao đổi qua điện thư như vậy:

“Hòa giải hòa hợp dân tộc chỉ đạt được khi ‘bên thắng cuộc’ không thể chỉ là bên có quyền ban phát sự hòa giải”

“Không phải không nhắc đến, gạt bỏ quá khứ chiến tranh, thù hận ra khỏi suy tư là sẽ đạt được hòa giải hòa hợp dân tộc. Nhà cầm quyền phải có chủ trương, đường lối lãnh đạo đất nước theo xu hướng tiến bộ, dân chủ văn minh thì mới đoàn kết được toàn dân để bảo vệ chủ quyền quốc gia , dân tộc, bảo vệ quyền tự do dân chủ của nhân dân”

“Tôi buồn là vì tôi thấy rõ những tiêu chí để đạt được hòa giải hòa hợp dân tộc, để ngày 30/4 không còn là ngày “ triệu người vui, triệu người buồn”, thì đến bây giờ điều đó cũng vẫn chỉ là ước vọng viển vông”.

Nhà quan sát thời cuộc Nguyễn Gia Kiểng, từng bị chống đối khi lên tiếng kêu gọi về hòa giải trong ngoài trước khi muốn hòa hợp, cho rằng dù khó tới đâu thì hòa giải vẫn là điều bắt buộc:

“Một dân tộc sau khi đã giết nhau trong một cuộc nội chiến thì chỉ có hai giải pháp: hòa giải để đoàn kết dân tộc, để có thể nhìn lại nhau là anh em là bạn bè. Sức mạnh của một dân tộc bao giờ cũng là sự đoàn kết, đất nước Việt Nam sẽ không có tương lai nếu không có đoàn kết”

“Nếu người này làm người kia phá, người này thống trị người kia bị trị thì chúng ta sẽ không có tương lai nào trong thế giới hiện nay. Quốc gia phải được coi là một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung. Không hiểu ý niệm quốc gia như thế thì chúng ta sẽ tan vỡ. Khó khăn tới đâu chúng ta vẫn phải tiếp tục vì đó là câu hỏi Việt Nam còn hay mất”.

Còn theo nhà thơ Hoàng Hưng thuộc Văn Đoàn Độc Lập, tổ chức nằm ngoài Hội Nhà Văn Việt Nam ở Hà Nội, muốn hòa hợp hòa giải thì người chủ động và trách nhiệm lớn nhất trước hết vẫn là ‘bên thắng cuộc.’

Nhà Nước và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay phải chủ động, nhà thơ Hoàng Hưng nhắc lại, đừng “ta thắng - đich thua”, đừng phô trương rùm beng này nọ những dịp 30 tháng tư hàng năm, thì may ra có thể khiến người dân tin vào thiện chí hòa giải thực sự của mình.


https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-reconciliation-path-still-long-04272021164207.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét