Hiếu Chân
Nhìn bề ngoài, cuộc rút quân khỏi Afghanistan hiện nay và khỏi miền Nam Việt Nam trước đây có nhiều chỗ tương đồng. Cuộc chiến tranh Việt Nam và chiến tranh ở Afghanistan hiện nay về căn bản là các cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa các thế lực theo các hệ ý thức đối lập nhau, trong đó lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh đóng vai trò hỗ trợ chính phủ hợp pháp chống lại các cuộc tấn công của đối thủ.
Tình hình của Afghanistan bây giờ có phần tương tự với miền Nam trước năm 1975: chính quyền hợp pháp tại Sài Gòn và Kabul chỉ kiểm soát được một phần lãnh thổ và dân cư, bị mắc kẹt trong những cuộc đấu đá nội bộ triền miên và hoạt động kém hiệu quả, tham nhũng lan tràn; quân đội tuy đông và được trang bị tốt hơn quân phiến loạn nhưng phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ của Hoa Kỳ, vào sức mạnh không lực Hoa Kỳ trên chiến trường. Trong cả hai cuộc chiến, sau nhiều năm vật lộn, triển vọng giải quyết tình hình bằng một chiến thắng quân sự tỏ ra hoàn toàn không khả thi; cho nên việc rút quân đội Hoa Kỳ phải được tính đến, không sớm thì muộn, nhưng sớm thì tốt hơn vì chấm dứt được cuộc nội chiến, vãn hồi hòa bình.
Sự tham gia của Hoa Kỳ vào Việt Nam kéo dài qua ba đời tổng thống Mỹ và chấm dứt khi Hoa Kỳ cùng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký hiệp định Paris ngày 27 Tháng Giêng, 1973, quyết định hết rút quân đội khỏi miền Nam Việt Nam sau tám năm can dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh mà hậu quả là hơn 58,000 binh sĩ Mỹ tử trận. Hai năm sau ngày Mỹ rút quân, miền Nam sụp đổ, Bắc Việt toàn thắng, thiết lập sự cai trị của Cộng Sản trên toàn đất nước Việt Nam. Thất bại ở Đông Dương, cùng cái giá phải trả quá đắt về uy tín, nhân mạng và tiền của đã gây ra “hội chứng Việt Nam” (Vietnam syndrome) dai dẳng trong xã hội Mỹ.
Cuộc chiến Afghanistan cũng đã kéo dài qua bốn đời tổng thống Mỹ, hai tổng thống Dân Chủ, hai tổng thống Cộng Hòa và Hoa Kỳ cùng Taliban đã ký kết thỏa thuận ở Doha ngày 29 Tháng Hai, 2020, trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, theo đó Hoa Kỳ sẽ rút hết quân đội khỏi Afghanistan trong vòng 18 tháng.
Đáng chú ý là trong cả hai trường hợp, khi cần thiết phải thay đổi chính sách, Hoa Kỳ đều chọn giải pháp thương lượng trực tiếp với đối phương và đặt các chính phủ đồng minh Sài Gòn lẫn Kabul trước một quyết định đã rồi.
Cả hai thỏa thuận rút quân đều đề cập tới việc các bên đối đầu ở Việt Nam và Afghanistan phải mở đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình và cùng thiết lập chính phủ hòa giải hòa hợp dân tộc. Ở Việt Nam cuộc đàm phán giữa chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã không diễn ra mà cả hai bên đều tố cáo lẫn nhau vi phạm hiệp định ngay sau khi chữ ký chưa ráo mực.
Cuộc đàm phán giữa chính phủ Kabul và Taliban đã bắt đầu từ ngày 10 Tháng Ba năm ngoái nhưng hầu như không tiến triển được. Mới đây, sau quyết định rút quân của Hoa Kỳ, một hội nghị quốc tế về Afghanistan dự kiến tổ chức ở Istanbul ngày 24 Tháng Tư, 2021, do Liên Hiệp Quốc, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp điều hành với sự hậu thuẫn của Washington, đã bị đình hoãn vô thời hạn vì đại diện Taliban từ chối tham dự. Trong khi đó, trên thực địa, lực lượng Taliban vẫn tiếp tục tiến hành những vụ tấn công khủng bố nhắm vào dân thường và nhân viên an ninh của chính phủ; bạo lực chưa có dấu hiệu lắng xuống.
***
Sử dụng sự tương đồng của các sự kiện lịch sử để quyết định chính sách cho hôm nay là một việc làm rủi ro và thậm chí nguy hiểm, nhưng những diễn biến ở Việt Nam sau hiệp định Paris khiến người ta lo sợ cho tương lai của Afghanistan một khi quân đội Hoa Kỳ và đồng minh rút hết về nước.
Nhiều người Mỹ đến nay vẫn bị hình ảnh về sự sụp đổ của Sài Gòn ám ảnh, những cố gắng muộn màng và tuyệt vọng của một số người Mỹ và người Việt chen nhau lên phi cơ trực thăng để thoát ra khỏi Việt Nam vào những giờ phút cuối cùng trước khi Bắc quân tràn ngập thành phố. Nhiều người nghĩ rằng, những hình ảnh đau thương đó có thể sớm diễn lại ở Kabul.
Họ dự báo chính phủ của Tổng Thống Ashraf Ghani ở Kabul sẽ sớm sụp đổ khi không còn hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ, những quyền tự do và tiến bộ xã hội mà người dân Afghanistan – nhất là phụ nữ – giành được trong mấy năm qua sẽ sớm bị xóa bỏ và đất nước sẽ quay trở lại với sự cai trị tàn bạo của Taliban theo luật Hồi Giáo Sharia như thời trước năm 2001.
Hơn thế nữa, vụ rút quân thể hiện sự thừa nhận thất bại trên thực tế đối với chiến lược quân sự của Mỹ, làm mất độ tin cậy của Mỹ trong mắt các quốc gia đồng minh, gây lo ngại cho những đối tác đang trông cậy vào sự bảo vệ của Mỹ như Đài Loan và làm cho các đối thủ như Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Hàn có cớ để thêm hung hăng trong ý đồ bành trướng của họ.
Điều trần trước Quốc Hội hôm Thứ Năm, 22 Tháng Tư, Tướng Frank McKenzie, chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Trung Đông, nói rằng quân đội Afghanistan “chắc chắn sẽ sụp đổ” nếu không có sự hỗ trợ của người Mỹ sau khi quân đội Mỹ rút ra và ông lo ngại về khả năng của chính phủ Kabul trong việc bảo vệ an ninh cho tòa đại sứ và phái bộ ngoại giao Mỹ tại Afghanistan. Thượng Nghị Sĩ Jeanne Shaheen (Dân Chủ-New Hampshire) thì lo ngại Hoa Kỳ rút quân sẽ tạo ra “khoảng trống quyền lực” mà Trung Quốc, Nga hoặc Iran sẽ nhanh chóng lấp vào. Có người lo lắng các tổ chức khủng bố Al Qaeda hoặc Nhà Nước Hồi Giáo ISIS sẽ phục hồi hoạt động, làm sống lại nguy cơ tấn công khủng bố nhắm mục tiêu vào Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây, mặc dù Taliban cam kết sẽ không tiếp tục hỗ trợ các tổ chức khủng bố và cam kết không để cho các tổ chức khủng bố sử dụng lãnh thổ Afghanistan để đe dọa khủng bố Hoa Kỳ và các nước đồng minh.
Nhưng những mối lo ngại như vậy dường như không đủ để biện minh cho việc tiếp tục duy trì quân đội Mỹ ở Afghanistan sau 20 năm can dự, tổn thất 2,448 binh sĩ và khoảng $2,000 tỷ. Khi đưa ra thời hạn rút quân, Tổng Thống Joe Biden nói rằng, sau khi lật đổ chế độ Taliban dung dưỡng khủng bố, các mục tiêu của Mỹ ở Afghanistan trở nên “không rõ ràng” cho nên ông bác bỏ yêu cầu tiếp tục giữ các lực lượng Mỹ ở lại đó để bảo đảm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột nội bộ đang gay gắt giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban chống đối.
“Quân đội Mỹ không nên được sử dụng như một con bài thương lượng giữa các bên tham chiến ở các quốc gia khác,” ông Biden nói. “Việc quân Mỹ đóng ở Afghanistan không bao giờ có nghĩa là một công việc của nhiều thế hệ. Chúng ta đã bị tấn công. Chúng ta đã ra trận với những mục tiêu rõ ràng. Chúng ta đã hoàn thành được những mục tiêu đó. Và đã đến lúc kết thúc cuộc chiến mãi mãi.” Ông Biden khẳng định ông sẽ không chuyển gánh nặng Afghanistan cho một vị tổng thống thứ năm, sau ông.
Trên tạp chí uy tín Foreign Affairs, nhà bình luận P. Michael McKinley, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Afghanistan 2014-2016, cho rằng “Tổng Thống Joe Biden đã có một lựa chọn khó khăn nhưng đúng đắn tại một thời điểm có sự chuyển dịch mang tính lịch sử về thực tế địa chính trị.” Trong 20 năm Hoa Kỳ bị sa lầy trong các cuộc chiến tranh ở Trung Đông, Trung Quốc đã nổi lên thành một “đối thủ cạnh tranh chiến lược” toàn cầu, còn Nga thì mở rộng ảnh hưởng ở Đông Âu và Trung Đông. Trong lúc thế giới đang trải qua những biến đổi sâu sắc về kinh tế xã hội thì Hoa Kỳ đã chi ra hơn $3,000 tỷ và điều động hơn 1 triệu binh sĩ trẻ chiến đấu và hy sinh trong những cuộc xung đột vũ trang ở Trung Đông thay vì đầu tư vào hiện đại hóa nền kinh tế, cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục của nước Mỹ để có thể vượt lên trong cuộc cạnh tranh, ông McKinley nhận xét.
Tương lai của Afghanistan phải do chính người Afghanistan giải quyết. Trong 20 năm có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ mà các phe phái chính trị của nước này vẫn không tìm được tiếng nói chung để đoàn kết chống lại Taliban – đảng cực đoan mà đa số dân chúng căm ghét – thì sự có mặt vĩnh viễn của quân đội Mỹ cũng sẽ không bao giờ mang lại được sự đoàn kết đó.
Việc rút quân cũng sẽ không tạo ra một “hội chứng Afghanistan” trong xã hội Hoa Kỳ như điều đã xảy ra sau ngày Sài Gòn thất thủ; vì về căn bản, người dân Mỹ phản đối cuộc chiến tranh nhưng không quyết liệt thành các phong trào biểu tình, phản chiến dữ dội như trong thời chiến tranh Việt Nam. Hình ảnh cuộc chiến cũng không được truyền thông Mỹ tập trung tường trình đến từng gia đình với giọng điệu bi quan và phẫn nộ như cách đây nửa thế kỷ.
Việc rút quân không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn quay lưng với Afghanistan. Nhiều chuyên gia cho rằng Washington vẫn giữ vai trò trung tâm trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Afghanistan bằng cách làm việc với các quốc gia có ảnh hưởng tới nước này như Pakistan, Iran và cả Trung Quốc.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã bất ngờ tới Kabul hôm 15 Tháng Tư, làm việc với chính phủ của Tổng Thống Ashraf Ghani, tái khẳng định mối “quan hệ đối tác an ninh” với Kabul, cam kết Hoa Kỳ và các đồng minh tiếp tục hỗ trợ các lực lượng an ninh Afghanistan và hỗ trợ sự phát triển của đất nước này về tự do và nhân quyền đã gầy dựng được trong 20 năm qua, theo thông tin của cựu Đại Sứ Michael McKinley.
Cuối tuần qua, Giám Đốc CIA William Burns cũng đã bí mật tới Kabul để giám sát việc chuyển giao các lực lượng tình báo cho an ninh Afghanistan và thiết lập mạng lưới thông tin theo dõi và phòng chống khủng bố sau khi quân đội Mỹ và đồng minh rút đi.
Trong dự báo lạc quan nhất, quyết định rút quân của Hoa Kỳ có thể sẽ là chất xúc tác, thúc đẩy một nỗ lực đoàn kết các nhà lãnh đạo chính trị ở Kabul cùng hướng tới một nước Afghanistan hòa bình, xây dựng sau nhiều thập niên chiến tranh chết chóc và tàn phá.
Abdullah Abdullah, chính trị gia đối lập hàng đầu, đối thủ của ông Ashraf Ghani trong cuộc bầu cử tổng thống hồi Tháng Chín năm ngoái cho biết: “Bây giờ đã có thông báo về việc rút quân nước ngoài trong vòng vài tháng chúng tôi cần tìm cách để cùng tồn tại. Chúng tôi tin rằng không có người chiến thắng trong các cuộc xung đột ở Afghanistan và chúng tôi hy vọng Taliban cũng nhận ra điều đó.”
Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký Khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng việc rút hết quân đội nước ngoài “có thể mở ra con đường đàm phán giữa người Afghanistan với nhau, một nền hòa bình bền vững và bảo đảm đất nước này sẽ không bao giờ trở lại làm một nơi ẩn náu an toàn cho bọn khủng bố.”
Có một điều mà bài học Việt Nam nên được áp dụng vào trường hợp Afghanistan là ngay từ bây giờ người Mỹ phải chuẩn bị cho việc tiếp nhận và tái định cư hàng chục ngàn người Afghanistan đã từng cộng tác với người Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh, thay vì để cho họ và gia đình họ bị trừng phạt, bị trả thù, bị đày ải một cách phi nhân nếu như một mai Taliban giành được chính quyền và thiết lập chế độ cai trị thần quyền khắc nghiệt. Hiện có khoảng 17,000 người Afghanistan đã nộp hồ sơ xin định cư ở Hoa Kỳ. Washington nên có chính sách cấp visa và tiếp nhận họ, và chuẩn bị cho làn sóng tị nạn sẽ từ Afghanistan đổ tới trong tương lai. Đó không chỉ là một hành động nhân đạo mà còn là dấu hiệu chứng tỏ Hoa Kỳ sẽ không bỏ rơi đồng minh trong hoàn cảnh không có cách thức tốt đẹp nào để kết thúc một cuộc chiến tệ hại.
https://saigonnhonews.com/thoi-su/tu-sai-gon-toi-kabul-cuoc-rut-quan-cua-nguoi-my/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét