Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

5992 - Kinh tế sẽ hồi phục thế nào?

Ngô Nhân Dụng



Ngày Thứ Hai, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đạt kỷ lục mới. Giới đầu tư lạc quan thấy số người bị Covid-19 xuống thấp, hai phần ba người Mỹ đã được chích ngừa vaccine, gấp đôi số dự trù. Các tiểu bang đều cho mở cửa dần dần.

California đóng cửa sớm nhất và kỷ luật ngặt nghèo nhất, bây giờ cũng là tiểu bang có tỷ số người mắc bệnh thấp nhất nước; mỗi ngày có 32 trên 100,000 người mới bị bệnh, Hawaii đứng hạng nhì, 37 người; trên toàn quốc trung bình hàng ngày 115 người mới mắc bệnh.

Kinh tế sắp hồi phục thật sự. Nhiều người tiên đoán năm nay Tổng Sản Lượng Nội Địa Mỹ sẽ tăng 7%, lên 5 điểm so với những năm trước.

Dấu hiệu trông thấy rõ rệt là các xí nghiệp nhận được rất nhiều đơn đặt mua hàng. Trong 13 tháng qua, số tiền đặt mua đã tăng gần 11 phần trăm; không kể các loại xe hơi, xe buýt, và máy bay vẫn còn chậm chạp. Số tiền đầu tư vào máy móc, thiết bị, cơ xưởng đã tăng gần một phần trăm (0.9%) trong tháng Ba, 2021, sau khi đã giảm liên tiếp, trong tháng Hai vẫn còn giảm 0.8%

Mở cửa các nhà máy chế tạo hàng hóa thì dễ dàng, còn các tiệm ăn, khách sạn, rạp hát, tiệm hớt tóc hay làm nail thì phải từ từ; vì còn chờ khách tới. Nhưng trong tháng qua, khách bắt đầu quay trở lại, các nhà cung cấp dịch vụ lại hồi sinh sau một năm hoạn nạn.

Nhưng chúng ta sẽ thấy một nền kinh tế mới. Sau khi phục hồi, kinh tế Mỹ sẽ thay đổi rất nhiều so với thời gian trước khi bị Covid tấn công. Người ta sẽ tiêu nhiều tiền hơn; nhiều người bước vào đường kinh doanh hơn; các xí nghiệp sẽ thay đổi cách làm việc, tự động hóa nhiều hơn; và chính trị cũng thay đổi vì dân chúng đòi hỏi.

Kinh tế Mỹ phát triển nhờ người tiêu thụ (chiếm ba phần tư GDP) và nay là lúc mọi người sẽ tiêu tiền, để “trả thù.” Sau mỗi cơn bệnh dịch hay một cuộc chiến tranh đều có hiện tượng này. Đầu thế kỷ 20 có trận dịch Cúm Tây Ban Nha 1919-20 (cái tên đặt ra hoàn toàn sai, vì bệnh dịch bắt đầu ở Mỹ và Pháp). Sau bệnh dịch, dân Mỹ đổ tiền ra tiêu xài, đưa tới cảnh phồn thịnh cho đến thời kinh tế khủng hoảng. Trong thời Đại Chiến thứ hai, số tiền để dành ở Mỹ lên cao bằng 40% Tổng Sản Lượng Nội Địa! Nhờ thế mà “kinh tế hậu chiến” bùng phát cho tới 1950 mà dân vẫn chưa xài hết tiền tiết kiệm. Khi người ta mua sắm, các xí nghiệp tuyển người, số tiêu thụ càng tăng lên.

Sau bệnh dịch 1919-20, số người bắt đầu bước vào việc kinh doanh cũng tăng vọt. Ngày nay, hiện tượng đó cũng tái diễn trong các nước tiên tiến vì những cơ hội mới mở ra, từ nghề lái xe giao hàng, nghề soạn các nhu liệu mới, cho đến các công ty bào chế thuốc.

Kinh nghiệm sau bệnh dịch 1919 cũng cho thấy các xí nghiệp Mỹ đã thay thế người lao động bằng máy móc. Trước đó các cú gọi điện thoại đều cần người chuyển đường dây, phần lớn là phụ nữ. Người ta đã thay thế họ bằng hệ thống chuyển tiếp mới hoàn toàn tự động. Sau các cơn bệnh dịch Ebola và SARS, trên thế giới số “người máy” robot cũng tăng lên. Vì không ai muốn công việc bị gián đoạn nếu bệnh tái phát, máy ra đời công nhân phải nghỉ bớt.

Việc sản xuất được tự động hóa thì nhiều người thất nghiệp. Những người mất việc thì buồn khi chưa tìm được việc mới, nhưng giới lao động nói chung thì lại khá hơn. Một cuộc nghiên cứu mới công bố năm ngoái của Federal Reserve Bank of San Francisco cho thấy sau các trận dịch lương bổng trung bình đã thật sự tăng. Một lý do là một số người chết vì bệnh dịch làm cho số công nhân giảm bớt.

Nhưng một lý do quan trọng khiến lương bổng tăng lên là giới lao động, trong suốt thời gian bệnh dịch, ý thức tầm đóng góp của mình rất lớn mà chưa được đãi ngộ đúng mức. Những người lái xe chuyên chở, người tiếp khách ở các cửa hàng và tiệm ăn, người giao hàng tận nhà, vân vân, biết rằng họ chịu nguy hiểm, dễ bị lây bệnh hơn các ông bà chủ hay kỹ sư ngồi làm việc ở nhà. Họ sẽ tranh đấu, đòi hỏi tăng lương. Bệnh dịch gây ra một tác động, là người ta nhìn thấy trước mắt tình trạng lợi tức chênh lệch quá cao. Số người mắc bệnh đa số thuộc các gia đình nghèo, những người đổ mồ hôi lấy miếng ăn. Nhiều công ty, như Wal Mart, Amazon biết trước thời thế đã tăng lương lên trên $15 đô la một giờ trước khi các nhà chính trị đưa đề nghị làm luật – rồi bỏ lửng vì bị nhiều đại biểu phản đối. Nhưng trong một vài năm tới, các đại biểu sẽ chịu áp lực. Vì người dân nói chung cảm thấy chính phủ can thiệp là điều tự nhiên, chính phủ phải làm sao giảm bớt cảnh chênh lệch giàu nghèo cũng như đã phải ngăn ngừa bệnh dịch.

Cách người ta làm việc sẽ khác trước. Những xí nghiệp lớn rút kinh nghiệm Covid 19 sẽ thay đổi cách tổ chức công việc. Ngoài việc đầu tư vào máy móc tự động, họ sẽ thay đổi nơi làm việc, để cho mọi người không phải đứng hay ngồi gần nhau suốt ngày, dù loài vi khuẩn có vẻ đã biến mất. Máy điều hòa sẽ chạy mạnh, hút không khí ra ngoài nhanh hơn. Người đi làm sẽ phải đo nhiệt độ hay thử nghiệm trước khi vào cửa. Thang máy hay cửa ra vào sẽ tự động và điều kiển từ xa, bằng tiếng nói, không ai cần chạm tay vào. Nhu cầu thay đổi này sẽ đẻ ra các xí nghiệp mới và công nhân có việc làm khác trước.

Muốn giảm bớt số người có mặt trong văn phòng hay cơ xưởng cùng một lúc, giờ làm việc có thể thay đổi. Hiện nay một người làm việc văn phòng thường có ba người ngồi chung quanh, họ dùng chung các hành lang, thang máy, phòng ăn hoặc chỗ nấu nướng. Muốn bớt số người phải gặp nhau thì có thể cho mỗi nhân viên làm việc bốn ngày một tuần, thay vì năm ngày. Kinh nghiệm cho thấy chuyện này không khó.

Công ty Pursuit Marketing ở Glasgow, Scotland, đã thử lối mới này, và thấy năng suất của nhân viên tăng 40 phần trăm, trong khi số người bỏ, đổi chỗ làm giảm xuống chỉ còn 2 phần trăm, chưa bao giờ thấp như thế. Công ty Woowa Brothers, ở Nam Hàn bắt đầu áp dụng bốn ngày một tuần năm 2015, số thu nhập vẫn tăng lên gấp mười lần. Nhờ lề lối mới, họ thu hút nhiều nhân viên giỏi của những hãng lớn như Samsung. Công ty bán nhu liệu máy vi tính Wildbit, ở Philadelphia đã cho nhân viên có thể chọn nghỉ ngày Thứ Hai hay Thứ Sáu, để vẫn mở năm ngày trong tuần. Tiệm ăn Baumé, ở Palo Alto, California, cũng cho nhân viên làm việc bốn ngày một tuần, và thấy mọi người đều thỏa mãn, khỏe mạnh và làm việc vui vẻ, ít người cáo ốm hơn.

Một số cửa hàng bán lẻ đã thí nghiệm mở cửa ngày 12 tiếng và nhân viên chỉ làm mỗi ngày 6 tiếng. Cơ xưởng chữa xe của công ty Toyota ở Gothenburg, Thụy Điển đã theo lịch bốn ngày một tuần từ 20 năm qua, công nhân làm việc chăm chỉ và nhanh nhẹn hơn.

Trong thời gian bệnh dịch, các công ty đều phải bỏ những buổi họp hành, họp qua Zoom và cắt ngắn thời gian họp, đỡ rất nhiều thời giờ và tập trung được vào những vấn đề quan trọng nhất. Đó cũng là một thói quen người ta sẽ giữ, sau khi Covid 19 chấm dứt!

Kinh tế sẽ hồi phục nhưng Covid 19 đang thay đổi cách mọi người làm việc. Một mối băn khoăn là liệu lạm phát có bùng lên hay không? Chính phủ Mỹ đang chi $1,300 tỷ đô la chống Covid, lại sắp chi hàng ngàn tỷ khác xây dựng hạ tầng cơ sở, chưa kể gần một ngàn tỷ lo giúp các người già và trẻ em. Nhiều tiền chi ra quá! Giá cả có lên cao vụt hay không?

Giới lãnh đạo trong Quỹ Dự Trữ Liên bang, Fed, cho thấy họ không lo, mặc dù trách nhiệm chính của Ngân Hàng Trung Ương là ngăn ngừa lạm phát. Họ tiên đoán đến năm 2013 tỷ lệ lạm phát mới bắt đầu lên cao hơn 2%, là mức Ngân Hàng Trung Ương vẫn muốn đạt tới. Hiện nay lãi suất rất thấp mà mỗi tháng Fed vẫn bơm thêm $120 tỷ đô la vào nền kinh tế qua việc mua trái phiếu. Khi nào bắt đầu lo họ có thể ngừng không mua nữa, trước khi tăng lãi suất.

Có lẽ người tiêu thụ sẽ giúp Ngân Hàng Trung Ương nước Mỹ. Bằng cách không tiêu xài quá trớn. Người Mỹ sẽ tự động giúp. Bởi vì trong một năm bị Covid tấn công, mọi người bị bắt buộc phải tiết kiệm khi không có gì để mua sắm, họ sẽ không dễ dàng quên thói quen tốt đó. Kinh nghiệm bệnh dịch cũng khiến người ta dè dặt hơn trong cuộc sống kinh tế! Trong các trận bệnh dịch trước đây trong lịch sử, đã thấy hiện tượng này.

Cho nên người Mỹ có thể bình tâm bước vào một giai đoạn kinh tế hồi phục rất nhanh, và sẽ khá dài, nhưng không phải quá lo lắng về lạm phát!


https://www.voatiengviet.com/a/kinh-te-my-phuc-hoi-the-nao/5868453.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét