Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

5616 - Liên Hiệp Châu Âu và việc triển khai chủng ngừa


Lê Mạnh Hùng

Châu Âu quyết định mua hai loại thuốc chủng Pfizer BioNTech và AstraZeneca, nhưng không phải quốc gia nào trong khối Liên Hiệp Châu Âu cũng có được thuốc. (Hình minh họa: AP Photo/Matthias Schrader, File)

Nếu có ai mà lúc gần đây cho thấy Liên Hiệp Châu Âu thật sự hoạt động như thế nào thì đó là Thủ Tướng Áo Sebastian Kurz. Ngày 12 Tháng Ba, vị thủ tướng mới có 34 tuổi này đã lên tiếng gay gắt tố cáo Liên Hiệp Châu Âu là đã phân chia không công bằng thuốc chủng ngừa cho các nước thành viên. Ông Kurz đã làm cho Thủ Tướng Đức Angela Merkel khó chịu đến mức bà này phải chỉ ra rằng ông Kurz là một trong những người quyết định để Liên Hiệp Châu Âu mua thuốc chủng rồi phân phối lại chứ không phải là sáng kiến của Brussels.

Câu chuyện này chứng minh một sự thật căn bản về Liên Hiệp Châu Âu: Ngay cả nếu các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm về một quyết định của Brussels, đôi khi họ vẫn tảng lờ trách nhiệm của họ dù rằng họ có thể là người được hưởng lợi.

Kurz, vị thủ tướng bảo thủ mà vừa mới cách đây mấy năm được coi là một “wunderkind” mang lại một sinh khí mới cho chính trị và xã hội Áo, nay đang phải đối phó với những chống đối một ngày một gia tăng.

Tại Vienna, những người chống chủng ngừa, nhóm Tân Nazi và những đối thủ khác xuống đường hằng ngày chống lại những biện pháp cách ly và đóng cửa.

Ông Kurz cũng chẳng muốn giữ “lockdown” làm gì, nhưng ông không làm được gì khác, tỷ lệ truyền bệnh lan truyền theo cấp số nhân.Và quan hệ giữa đảng của ông và đảng Xanh cùng liên minh, đặc biệt là với bộ trưởng Y Tế thuộc đảng Xanh có thể nói là căng thẳng nếu không tệ hơn. Ông cũng phải đối phó với những hậu quả của một vụ bê bối tham nhũng di sản của lần liên hiệp trước với đảng cực hữu, đảng Tự Do Áo.

Áp lực dồn ép như vậy có thể giải thích tại sao ông Kurz lại tìm một lối thoát và tấn công Brussels, vốn vẫn thường bị coi như là vật thế mạng cho các lãnh tụ chính trị đang gặp khó khăn trong nước. Nhưng trong trường hợp này, điều mỉa mai là Áo nằm trong số những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất.

Năm ngoái trong cuộc chay đua giành mua thuốc chủng ngừa, các lãnh tụ Châu Âu, bao gồm cả ông Kurz, quyết định rằng sẽ mua chung thuốc chủng và sau đó phân phối cho các nước thành viên. Tất cả đều biết rằng trong cuộc chạy đua giành mua thuốc chủng này, các quốc gia giàu có và hùng mạnh sẽ giành được trước. Trong bối cảnh Châu Âu điều đó có nghĩa là chỉ có Đức và Pháp mới đủ tiêu chuẩn. Nước nhỏ như Áo có nhiều triển vọng đứng sắp hàng tuốt sau, chịu thiệt thòi về thời gian, giá cả và những điều kiện ép buộc khác. Với Liên Hiệp Châu Âu (cộng thêm Na Uy và Thụy Sĩ) hành động như một khối duy nhất, tình trạng sẽ tốt đẹp hơn nhiều.

Ủy Hội Châu Âu đưa ra một kế họach mà các nước thành viên chấp thuận. Vì y tế không phải là phần vụ của ủy hội, thành ra các quốc gia thành viên có quyền tối hậu đối với các hợp đồng ký với các hãng sản xuất thuốc chủng cho nước mình và tự lo việc triển khai chủng ngừa cho mình. Ngay sau khi ký hợp đồng mua thuốc chủng đầu tiên, một ủy ban phân phối gồm các nước thành viên bắt đầu phân phối số lượng thuốc chủng tùy theo dân số mỗi nước. Ủy Hội Châu Âu không đóng vai trò nào trong việc này.

Khi ông Kurz lên tiếng chỉ trích hệ thống phân phối này vào ngày 12 Tháng Ba, nói rằng nó “bất công” cũng như tố cáo là có những hợp đồng “bí mật” ngăn chặn một số quốc gia chia phần thuốc chủng chính đáng của mình thì tất cả các đồng liêu của ông đều chấn động. Đây không phải là những lời tố cáo bình thường. Ông Kurz đưa ra những luận điệu này trong một buổi họp báo và báo chí “lá cải” tại Vienna loan tin này trên trang nhất với những hàng tít lớn.

Nhưng chẳng bao lâu, sự thật xuất hiện. Trên đài phát thanh Áo, tổng thư ký Bộ Y Tế Áo lên tiếng giải thích việc phân phối thuốc chủng của Châu Âu như thế nào. Mỗi nước được phép mua một số lượng thuốc chủng theo tỷ lệ dân số của mình. Các viên chức y tế mỗi nước quyết định mua bao nhiêu. Một số mua tất cả số lượng thuốc chủng mình được mua, một số khác chỉ mua một phần, hoặc là một phần của một loại thuốc chủng (Châu Âu quyết định mua hai loại thuốc chủng Pfizer BioNTech và AstraZeneca). Số thuốc không được mua được bỏ vào một kho dự trữ chung dành bán cho những nước nào muốn mua thêm.

Đến lúc này thì ông Kurz phải công nhận rằng Liên Hiệp Châu Âu không có lỗi. Nhưng ông không chịu nhận mình sai. Liên minh với bốn nước nghèo, Croatia, Bulgaria, Slovenia và Cộng Hòa Czech họ viết một lá thư cho Brussels đòi phần thuốc chủng mà họ cho là bị mất.

Nhưng các lãnh tụ Châu Âu khác không chấp nhận đòi hỏi của ông Kurz. Ngược lại, các quốc gia Châu Âu khác lập kế hoạch để yểm trợ cho bốn quốc gia kia vì họ không có đủ tiền để mua hết phần thuốc chủng họ được hưởng. Thế nhưng mọi cố gắng làm chuyện này đều bị phủ quyết bởi một nước độc nhất: Áo.

Tại Brussels, tình trạng cãi vã về phân phối thuốc chủng này tạo ra một cảm giác “déjà vu” của những cuộc tranh cãi chung quanh vấn đề tài chánh và dân tị nạn. Một chuyện thường xảy ra là một thỏa hiệp giữa lãnh tụ các nước bị sụp đổ chỉ sau một vài tuần chỉ vì một trong những lãnh tụ này xẹp xuống dưới áp lực chính trị nội bộ, vi phạm thỏa hiệp bằng cách lấy một quyết định đơn phương. Nhưng mỗi lần như vậy họ đều mau chóng nhận thấy rằng họ không thể giải quyết đơn độc vấn đề và phải cần đến Châu Âu giúp đỡ. Và tiến trình điều giải lại bắt đầu, với một hội nghị thượng đỉnh mới và những cam kết mới. Chu kỳ này cứ diễn đi diễn lại.

Ít nhất lần này, ông Kurz cho người ta thấy rằng ngay cả khi được hưởng lợi, người ta cũng tìm cách lấy điểm chính trị nhất thời bằng cách tấn công Brussels. Đó là cung cách hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu.

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/lien-hiep-chau-au-va-viec-trien-khai-chung-ngua/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét