VÕ ĐẮC DANH
Năm 1965, gia đình tôi dọn về tạm cư ở làng Phong Thạnh, thuộc tỉnh Bạc Liêu, cách đồn Khúc Tréo khoảng sáu cây số. Phía Việt cộng thì gọi là xã Phong Thạnh Tây, phía Quốc gia thì gọi là xã An Trạch, còn gọi là vùng ven, vùng xôi đậu, vùng tranh chấp giữa hai bên “Quốc gia” và “Việt cộng”. Tôi lớn lên trong nỗi sợ hãi kinh hoàng của đạn bom và nạn bắn giết, xâu xé nhau không thương tiếc.
Tôi lớn lên trong nỗi nghi ngờ làng xóm mình không biết ai là người của Quốc gia, ai là người của Việt cộng. Có những người luôn tỏ ra ngọt ngào, thân thiện với lính Quốc gia, nhưng họ lại là người của Việt cộng. Rồi có những người tỏ ra ngọt ngào, thân thiện với lính Việt cộng, nhưng họ lại là tay mắt của Quốc gia. Họ gây ra nhiều cái chết, họ gieo thù chuốc oán cho nhau. Cuối cùng là gì? Không ai được gì ngoài cái chết.
Gần nhà tôi hồi ấy có gia đình cô Năm Bội và chị Sáng – hai mẹ con cô sống hiền lành, tử tế và thân thiện với xóm làng, đặc biệt là luôn tỏ ra “thương yêu” mấy anh Việt cộng. Nhưng bất ngờ, sau cái chết của anh Hai Bình và anh Út Tài, người ta mới biết mẹ con cô đã nhúng tay dấy máu. Nhà cô Năm Bội ở cách đồn Nhàn Dân khoảng vài cây số. Hôm ấy anh Bình và anh Tài – là cán bộ kinh tài Việt cộng – tới thu thuế nông nghiệp, cô Năm Bội hẹn chiều hôm sau. Chiều hôm sau đúng hẹn, hai anh đang đi dọc đường thì bị lính đồn của phe Quốc gia phục kích bắn chết. Họ đem xác hai anh về đồn, đào một cái hố cặp bờ sông, bỏ hai anh xuống rồi ném lựu đạn cho thịt xương tơi tả trước sự chứng kiến của những người thân và hàng trăm công chúng. Cuộc phanh xác hôm ấy do thiếu tá xã trưởng An Trạch Nguyễn Văn Điểm trực tiếp chỉ huy. Vợ con, gia đình anh Hai Bình và anh Út Tài quỳ lạy, van xin ông cho họ được đem xác hai nạn nhân về chôn, nhưng ông lạnh lùng nói: “Đừng van xin vô ích, đó là số phận của những ai xem cộng sản là chính nghĩa”.
Đồn Nhàn Dân bấy giờ có một anh Việt cộng làm “nội tuyến”. Anh này mật báo về “bên trong” rằng buổi sáng hôm ấy hai mẹ con cô Năm Bội và chị Sáng tới đồn báo cáo giờ hẹn thu thuế của mấy anh Việt cộng để lính đồn phục kích. Thế là mấy ngày sau, mẹ con cô Năm Bội bị Việt cộng bắt đi. Họ bị trói thúc ké, trùm chiếu lại chở đi trên một chiếc xuồng máy. Dường như có một sự cố ý, những người dẫn giải họ lại đi qua con kinh ngang xóm nhà chị Út Tài và dừng lại gần chỗ nhà chị để tạo cơ hội cho chị trút trận đòn thù. Chị cầm cây xông xuống xuồng đập tới tấp, và dường như những người dẫn giải chờ cho hai đương sự no đòn, chờ cho chị Út Tài đã nư cơn thịnh nộ họ mới can ra. Hai ngày sau, lính đồn Nhàn Dân kéo vào xóm. Chị Út Tài bị một trận đòn bán sống bán chết.
Vài tháng sau, chị Sáng được thả về, người ta thấy chị trùm khăn kín mặt, đầu đội nón lá băng bộ qua cánh đồng như để né tránh bà con trong xóm. Còn cô Năm Bội thì bị Việt cộng xử bắn. Người ta nói cô khai rằng số tiền thưởng cho cái chết của anh Hai Bình và anh Út Tài hai mươi ngàn đồng chưa kịp nhận thì cô bị bắt. Chị Sáng trở về. Có thể chị nhận được phần thưởng ấy, phần thưởng đầy máu ấy liệu nó có bù đắp nổi cho sự trừng phạt quá lớn lao và cay đắng?
Chiến tranh không chỉ là tiếng súng, tiếng bom. Nó như quỷ ám xuống xóm làng, quỷ ám vào mỗi gia đình và mỗi thân phận đời người. Có khi hai nhà ở cạnh nhau mà suốt đời thù hận nhau chỉ vì một nhà theo quốc gia và nhà kia theo Việt cộng.
Anh Hai Bình là con trai của bác Năm Tôn, một trong hai gia đình nổi tiếng của vùng này. Gia đình bác Năm Tôn có bảy người theo Việt cộng, gồm bác với năm người con trai và một người con rể. Gia đình thứ hai cách đó vài cây số. Đó là gia đình bác Tư Tính, có bốn người con đi lính Quốc gia. Cả hai nhà đều không hề có chuyện xích mích cá nhân nhưng họ xem nhau là kẻ thù không đội trời chung. Họ luôn có những lời nhắn gởi, thách thức nhau xem ai sẽ thắng ai trong cuộc chiến.
Vào tháng Năm, năm 1967, lần đầu tiên xảy ra trận biệt kích trong làng do thiếu tá xã trưởng An Trạch Nguyễn Văn Điểm chỉ huy, có sự tham gia của bốn người con trai bác Tư Tín. Lính Quốc gia bắn chết 11 người phe Việt cộng, trong đó có ba người anh em ruột, là con trai của bác Năm Tôn, gồm anh Ba Lang, anh Năm Thanh và anh Út Cồ. Ngay hôm sau, ông Tư Tín mở tiệc làm heo đãi lính đồn và ăn mừng chiến thắng. Ông tuyên bố sẽ tiêu diệt cả gia đình bác Năm Tôn. Và điều đó đã xảy ra. Vài năm sau, người con trai thứ sáu của bác Năm Tôn – anh Sáu Thao – bị biệt kích Quốc gia bắn chết; năm sau nữa là người con rể; và người cuối cùng là anh Hai Bình.
Năm 1973, đồn bót Quốc gia đóng dày như mạng nhện khắp vùng, bác Năm Tôn không còn lựa chọn nào khác, và để giữ lại sự sống cho người đàn ông cuối cùng của gia đình, bác ra đầu thú. Ông Tư Tín lại làm heo ăn mừng chiến thắng.
Nhiều người tỏ ra thắc mắc vì sao với cấp hàm thiếu tá mà ông Nguyễn Văn Điểm chỉ làm xã trưởng, trong khi các quận trưởng trong vùng cũng chỉ mang cấp thiếu tá, còn các xã trưởng chỉ mang lon trung sĩ, thượng sĩ hoặc cao lắm là thiếu úy. Thắc mắc nhưng không ai lý giải được. Người ta chỉ biết rằng ông Điểm được phong là một trong những ngôi sao sáng giá nhất của Vùng Bốn chiến thuật. Ông tuyên bố rằng xã An Trạch với bán kính 6 km sẽ không còn bóng dáng người cộng sản, và gần như ông đã làm được điều đó. Từ trụ sở xã An Trạch nằm trên Quốc lộ 1, với bán kính 6 km, hầu như ngày nào cũng xuất hiện bàn thờ tang cho đến ngày chiến tranh kết thúc.
Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, với óc tò mò của cậu bé 15 tuổi, tôi băng đồng lội bộ sáu cây số ra Khúc Tréo, tới trụ sở xã An Trạch xem cuộc tiếp quản diễn ra như thế nào, xem thần sắc của thiếu tá Điểm ra sao khi đối diện với mấy ông Việt cộng. Khoảng 9 giờ sáng, anh Hai Kiên xã đội trưởng và anh Tám Rồi, xã đội phó của phe Việt cộng ngồi chờ trong văn phòng xã trưởng. Cả hai anh đều có người thân bị lính ông Điểm giết chết, khiến tôi hồi hộp cho cuộc gặp gỡ sắp xảy ra. Ít phút sau, một mình ông Điểm lái xe Jeep tới sân. Ông điềm đạm bước vào ngồi đối diện với hai đối phương. Tôi đứng ngay cửa sổ nhìn vào nghe ông bình tĩnh nói từng lời chậm rãi: “Các anh thừa hiểu, nếu tôi là người chiến thắng thì chắc chắn sẽ không có cuộc gặp gỡ như thế này. Nhưng lịch sử đã an bày, tôi không hy vọng gì được các anh tha mạng sống, chỉ mong các anh mở lượng khoan hồng cho đám đàn em của tôi, tụi nó cũng vì tôi, do tôi mà gây nhiều ân oán với các anh…”. Sau đó không lâu, trong lúc tôi dọn nhà về quê cũ thì được tin ông Điểm bị xử bắn.
Gần nửa thế kỷ qua, tôi không có dịp trở lại đồng Phong Thạnh. Chắc bây giờ cảnh vật đã đổi thay. Mỗi lần nghĩ về nơi ấy là tôi chạnh lòng nhớ tới bác Năm Tôn, nhớ tới bác Tư Tín, nhớ tới chị Út Tài, nhớ cô Năm Bội và chị Sáng, và cả ông Điểm – một nỗi nhớ pha lẫn nỗi xót xa. Tôi tự hỏi, giữa họ, tức hai phe một thời thù hận bắn giết nhau ấy, ai thắng ai thua giữa hai con đường? Và, dường như tôi cũng đã tự trả lời: không ai thắng ai thua cả, tất cả chỉ là nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn khốc.
California, tháng Tư năm 2021
https://saigonnhonews.com/nhung-nan-nhan-hai-phia-cua-mot-cuoc-chien-tan-khoc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét