Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

5603 - Thế hệ uống sữa sói

Câu chuyện bé gái viết thư tố cáo cô giáo của mình, và những chứng cứ về chuyện học sinh trong lớp của cô giáo Tuất được hậu thuẫn để đập phá, xúc phạm và làm mất uy tín, chắc rồi sẽ sớm đi qua, chìm vào quên lãng như những tệ nạn khác trong xã hội Việt Nam vẫn có, vốn vẫn tức giận hò hét và tuyệt vọng.

Trường tiểu học Sài Sơn B (huyện Quốc Oai, Hà Nội), nơi xảy ra vụ bê bối đang được bàn tán trong cuối tháng 3/2021, chắc rồi cũng sớm đi qua được các lời bàn tán và bình phẩm. Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Quyên – người được cho là tạo ra những màn kịch quái gở ấy – chắc cũng không gặp khó khăn gì với chuyện cô giáo dưới quyền mình, từng là 6 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, bỗng hóa người ngây ngô, bị đẩy đi gác cửa, dọn vệ sinh…

Rồi cái kiểu báo chí đồng loạt phẫn nộ, đồng loạt trở giọng, rất quen thuộc trong sinh hoạt xã hội chủ nghĩa, cũng như đã nói rõ điều gì nơi được mệnh danh là “trồng người” ấy.


Nhưng cái còn lại, ghê sợ hơn.

Tôi vẫn nhìn hình ảnh bé gái nói vanh vách lời tố cáo cô mình, hình ảnh học trò đột nhiên nổi loạn trong lớp cô Nguyễn Thị Tuất, tấn công và sách nhiễu cô ngang nhiên, từ bắn thun vào cô, ném đá, tạt nước, trùm đầu cô và lấy thước đánh… nhiều năm sau, nếu các em nhỏ đó được cổ vũ cho hành động điên cuồng như vậy, chúng sẽ trở thành giống loài nào trong gia đình mình? Và nếu có một cơ may, sự cắn rứt và tổn thương thầm kín trong những trái tim bị vẩn đục đó, sẽ dẫn các em về đâu?

Hình ảnh ở trường Sài Sơn B, Hà Nội, gợi nhớ nhiều về thời kỳ cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, nơi trẻ em được hướng dẫn, dạy lớn lên bằng căm thù, bạo lực và trung thành với kẻ có quyền lực, đã biến một thế hệ con người hoặc là trở thành vô loài thấp hèn, hoặc trở thành những người khuyết tật tinh thần, luôn đau đớn khi nhớ về sự ngu dốt và tàn bạo của mình.

Một từ ngữ quen thuộc của dân chúng Trung Quốc khi nói về lớp người đó, là thế hệ “uống sữa sói” – những đứa trẻ Hồng Vệ Binh được đẩy vào các tình huống phục vụ người lớn, chỉ biết cắn xé, căm ghét và bầy đàn.

Rất nhiều các thiếu niên bị kích động, tham gia những lực lượng Hồng Vệ Binh để đấu tố cô giáo, thầy giáo mình, thậm chí tham gia đánh đập đến chết. Những đứa trẻ như vậy, được Mao Trạch Đông ngợi ca là những “đóa hoa cách mạng”. Có không biết là bao nhiêu những dữ liệu ghi lại về thảm nạn này, của những đứa trẻ đeo băng đỏ, trừng mắt quát vào mặt thầy cô, cười khoái trá khi đánh đập họ nơi công cộng, lật đổ mọi giá trị giáo dục công dân và học đường.

Và cũng có không biết bao nhiêu lời thú tội, đau đớn, nguyền rủa quá khứ của những người đã lớn khôn, nhận ra mình đã làm gì với đời mình. Trong tác phẩm Red Shadows, Memories and Legacies of the Chinese Cultural Revolution, một phụ nữ gần 70 tuổi nói rằng sau sự kiện cách mạng văn hóa ấy, bà dọn đi nơi khác sinh sống, và dù nhớ quê mình da diết nhưng có lẽ bà sẽ chọn chết ở nơi xa nhà cho yên ổn, vì luôn bị ám ảnh những gì đã xảy thời tiểu học của bà ở đó, nơi bà từng là một Hồng Vệ Binh.

Yu Xiangzhen, một người tích cực nghe hướng dẫn từ người lớn, đã tố cáo và hành hạ cô giáo mình. Bà tự thú với báo chí vào năm mình gần 70 tuổi, về chuyện đời mình đã được cho bú mớm “sữa sói” như thế nào. Lúc ấy, bà chỉ mới 13 tuổi.

“Tôi là một trong những học sinh tích cực nhất, nếu không muốn nói là cách mạng nhất, khi lớp tổ chức một phiên đấu tố chống lại cô giáo Zhang”. Tôi đã đưa ra lời kết tội không đâu, những điều hoàn toàn sai sự thật”, Bà Yu nói. Thành quả cách mạng ấy đã đưa cô giáo Zhang  đến ở trong một chuồng bò, cô phải đi dọn vệ sinh và làm mọi thứ theo yêu cầu, chứ không phải là dạy học.

Bà Yu kể ra rằng mãi đến năm 1990, bà lấy hết can đảm để xin lỗi cô giáo của mình, lúc đó cô giáo đã già yếu lắm, cười và nhớ lại “cô đã bị bắt bò trên đất như chó”. Bà Yu đã bật khóc khi nghe vậy. Thật đau đớn quá, lúc ấy bà chưa đầy 14 tuổi, nồng nhiệt hành động với sự thao túng của người lớn, và đã mang lại đau khổ cho cuộc sống của chính cô giáo mình, và biến mình thành kẻ vô đạo đến chết.

Bao nhiêu lâu nữa, phụ huynh của các em nhỏ ở trường Sài Sơn B sẽ giật mình suy nghĩ – Những người vốn đã đồng thuận với những âm mưu tố cáo cô giáo Tuất, và thản nhiên nhìn hình ảnh con cái mình đánh đập một phụ nữ và là người dạy dỗ con mình? Không chỉ bọn nắm quyền, bọn âm mưu… mà chính các phụ huynh ấy đang giúp cho con cái mình uống sữa sói, tập cho chúng thói quen tàn bạo là lẽ thường, dạy cho chúng rằng bất nhân và vô đạo là cách sống cần thiết để lớn lên trong mái trường xã hội chủ nghĩa?

Trung Quốc thật may mắn vì họ chỉ có 10 năm cách mạng văn hóa, và 1000 năm để thống hối và sửa sai. Nhưng những câu chuyện như ở trường Sài Sơn B, sẽ là một minh chứng về một thế hệ con trẻ đang hóa sói, từ chính ngay môi trường giáo dục của mình, thầm lặng hình thành và không biết bao giờ mới có một điểm kết.

Lẽ nào, chúng ta, người Việt phải gánh vác trọng tội về một thế hệ được dạy lấy nhẫn tâm làm niềm vui, ngay khi trên miệng còn vương mùi sữa mẹ, từ chính nền giáo dục chính thống?

———————-

Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc diễn ra từ năm 1966 đến năm 1976 và được mô tả là cuộc đấu tranh quyền lực và ý thức hệ lớn nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nó được tổ chức bởi Mao Trạch Đông, lúc đó là lãnh đạo của Đảng Cộng sản, với mục đích chính thức là để đổi mới và truyền bá cuộc cách mạng tinh thần đến mọi thành phần của xã hội Trung Quốc.


Một nền văn hóa mới cho xã hội xã hội chủ nghĩa đã được tạo ra. Trên thực tế, đó là một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng, đặc biệt là sau khi vị trí của Mao trong đảng đã bị suy yếu do thất bại của cuộc Đại nhảy vọt, dẫn đến nạn đói hàng loạt. Nhiều người đã bị giết trong những năm đó và hầu như các nhà nghiên cứu lịch sử, đều đồng ý với cách mô tả Cách mạng Văn hóa là “tội ác chống lại loài người dưới chế độ cộng sản”.

https://nhacsituankhanh.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét