Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

1433 - Không cải tổ giáo dục, nạn gian lận thi cử vẫn tiếp tục xảy ra ở Việt Nam


Các học sinh trong kỳ thi tuyển sinh tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Các học sinh trong kỳ thi tuyển sinh tại ĐH Bách khoa Hà Nội. AFP


Các mức án mà TAND tỉnh Hòa Bình tuyên đối với 15 cán bộ từng công tác trong ngành giáo dục và công an ở tỉnh này trong vụ án là từ 21 tháng đến 10 năm tù.
Về các mức án này, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên Văn hóa học trường ĐH Kiến trúc Đã Nẵng, có nhận định:
“Tôi nghĩ rằng vấn đề không phải là hình phạt như thế nào, mà vấn đề là phải minh bạch và vấn đề là người dân người ta phải có ý kiến, tham gia vào quá trình đó; người ta phải giám sát, kiểm tra, cũng như là phản ánh lại những điều tòa án thực hiện, các mức án đưa ra trong giáo dục. Tôi nghĩ là nếu làm đúng cái đó, thì các mức án sẽ thực thi hiệu quả và nó có tác dụng răn đe, ngăn ngừa tất cả những ai có ý định vi phạm diễn ra trong khuôn khổ coi thi, chấm thi, cũng như là gian lận trong kỳ thi cử.”
Theo thạc sĩ Đinh Gia Hưng, mặc dù trong các Điều luật của Việt Nam đã có những khung quy định, mức phạt đối với các trường hợp vi phạm về gian lận thi cử, nhưng người dân ít biết đến các thông tin cụ thể về điều này:
“Nhưng thường người dân họ ít được thông tin, họ không biết được cái điều như vậy, thành ra khi những vụ việc xảy ra, người ta cũng không biết toà án xử như thế nào, mức độ ghiêm minh tới đâu và người ta làm có đúng theo quy định pháp luật hay không.”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, trình bày các mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục được qui định tại Nghị định 138:
“Mức phạt cho hành vi mang tài liệu, thông tin không được phép vào phòng thi và khu vực chấm thi, sẽ phạt từ 1-2 triệu VNĐ; hoặc là cái hành vi làm bài thi hộ, trợ giúp thí sinh làm bài sẽ bị phạt từ 2-3 triệu VNĐ; hành vi thi thay hay đi thi kèm với người khác, thì phạt từ 3-5 triệu VNĐ; hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi, hoặc sửa điểm bài thi sẽ phạt hành chính từ 5-7 triệu VNĐ; hành vi đánh tráo bài thi sẽ phạt từ 7-10 triệu VNĐ và 8-10 triệu VNĐ cho hành vi tổ chức thi sai quy định.”

Sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội tại lớp học trong mùa Covid-19.
Sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội tại lớp học trong mùa Covid-19. AFP
Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, hành vi viết thêm, sửa đổi nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi có thể bị phạt hành chính từ 20-25 triệu đồng. Nếu tính chất và mức độ bị xem xét là có ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự. Liên quan đến vụ án ở tỉnh Hòa Bình, luật sư Hậu đánh giá đây là vụ gian lận thi cử lớn nhất bị phát hiện từ trước đến nay và đã làm niềm tin của người dân về ngành giáo dục bị giảm sút:
“Đây là hành vi sai phạm nghiêm trọng, nó gây ảnh hưởng đến cả bộ máy giáo dục, cũng như ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước để rà soát, kiểm tra kết quả chấm thi. Hành vi sửa điểm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 của Bộ luật Hình sự hiện nay. Người phạm tội, theo quy định của điều này, có thể bị phạt tù đến 20 năm và thấp nhất là 12 tháng tùy theo tính chất, mức độ.”
Luật sư Hậu cho rằng những mức phạt nêu trên là nghiêm khắc, được xem là một lời cảnh báo đối với những người có hành vi vi phạm trong thi cử chỉ vì nể nang bạn bè, người thân vì theo ông, đó là những lời giải trình không thuyết phục của các bị cáo.
PGS-TS Hoàng Dũng, giảng viên Đại học Sư Phạm TP.HCM, nhận định rằng khi một xã hội đã bị hỏng, mọi cách xây dựng về kỹ thuật để loại trừ gian dối chỉ dừng ở một ngưỡng nào đó và người điều hành phải hình dung, đặt mình vào tình huống xử lý khủng hoảng. Ngoài ra, khi các cấp bị truy cứu trách nhiệm và đưa ra tòa, theo tiến sĩ Hoàng Dũng, chỉ là thuộc cấp thừa hành:
“Thế nhưng mà ta thấy là các cấp đưa ra tòa là cấp thấp, chỉ riêng người nào bị truy tố thôi, chứ chưa nói đến mức án, đã thấy rằng là nhiều người thoát tội. Những người đóng vai trò chủ chốt chưa được đưa ra tòa, thành ra tính nghiêm nó cũng vừa phải.”
PGS-TS Hoàng Dũng cho rằng những hi vọng có thể thay đổi hoàn toàn nền giáo dục ở Việt Nam trong một sớm, một chiều để trở thành cái gì đó trong sạch là một ảo tưởng:
“Giáo dục không thể là một áp đảo riêng được; xã hội có cái gì, giáo dục có cái ấy; nó có thể tầm cấp không lớn, kinh khủng như trong các ngành trực tiếp đến kinh tế, ngành trực tiếp đến quyền lực, nhưng mà nó không phải nói là áp đảo được.”
Tiến sĩ Hoàng Dũng cũng cho rằng những công tác được thực hiện trong ngành giáo dục Việt Nam để tránh các hành vi gian lận thi cử cũng đã được tiến hành trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc gian lận vẫn tiếp tục xảy ra:
“Ở Việt Nam, người ra đề thi cũng không biết chắc cái đề của mình có được chọn không, mà họ bị đưa vào nơi cách ly, điện thoại tịch thu, xung quanh là có công an gác. Tôi đã từng đi làm mấy cái đề thi chỉ để tuyển cao học thôi, chứ không phải tuyển đại học, vì đại học căng thẳng hơn rất nhiều, thế mà cũng phải như vậy. Đến khi học trò thi xong thì tôi mới được về. Thế mà người ta vẫn có thể gian lận được.”
Thạc sĩ Đinh Gia Hưng nhận định, để Việt Nam có thể thực hiện công việc thi cử tốt hơn thì bản thân việc học phải biểu thị tương ứng—học để làm gì, học phát triển kỹ năng nào, kiến thức nào và việc thi cử cần phải phản ánh những yếu tố, phẩm chất tương xứng:
“Chẳng hạn như là việc học để phát triển tư duy, chứ không phải học theo sự áp đặt, hay bắt học sinh phải nhớ, tái hiện lại; những cách học như vậy thì ra đề tương ứng, có nghĩa là những đề phải kích thích tư duy mở, các tư duy tổng hợp, sáng tạo của học sinh. Tôi nghĩ là nếu giáo dục Việt Nam theo kiểu giáo dục khai phóng, cởi mở, tạo sự thoải mái cho tư duy học sinh thì khi mà ra đề, chọn đề thì nó có bản chất ấy—bản chất thực thi bản năng của học sinh, chứ không phải là bắt nhớ hết, tái hiện lại những cái cũ.”
Theo thạc sĩ Đinh Gia Hưng, cải tổ căn cơ nhất là suy nghĩ trong vấn đề giáo dục phải thay đổi; các hình thức, nội dung giảng dạy, cũng như các phương pháp, mục tiêu phải vương đến việc tạo ra những công dân trưởng thành, có phẩm chất về tư duy, trí thức. Đồng thời, nền giáo dục Việt Nam cần chú tâm vào việc phát triển sáng tạo cũng như nhân phẩm của học sinh. Từ đó, quy định cho việc ra đề thi, coi thi và thi cử trở thành một hoạt động mang tính giáo dục nhân bản và sâu sắc hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét