Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo trong chuyến thăm quần đảo Natuna ở Biển Đông hôm 8/1/2020 AFP
Indonesia lên tiếng
Chúng ta còn nhớ ngày 12/12/2019, Malaysia đã tái yêu sách khu vực thềm lục địa mở rộng bằng cách gửi một bản Báo cáo mới cho Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS). Lần lượt các quốc gia liên quan như Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đã gửi các công hàm ngoại giao lên CLCS để tỏ thái độ của mình, qua đó cũng thể hiện quan điểm của mình về tranh chấp biển Đông.
Đặc biệt đã có “cuộc chiến công hàm” giữa Việt Nam với Trung Quốc khi Việt Nam gửi công hàm bác bỏ các lập luận và yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông.
Ngày 26/5/2020, Phái đoàn thường trực Indonesia tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm tới Tổng Thư ký Liên Hợp quốc để thể hiện quan điểm của Indonesia trước các quan điểm của các quốc gia đã kể trên.
Nội dung công hàm của Indonesia ngày 26/5/2020
Cụ thể, Indonesia muốn nhắc lại lập trường của mình như đã thể hiện trong một công hàm trước đây mang số 480/POL-703/VII/10 ngày 8/7/2010, như sau:
1. Indonesia nhắc lại một lần nữa rằng Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông;
2. Hơn nữa, Indonesia nhấn mạnh rằng lập trường của mình về quyền có vùng biển của các thực thể trên biển như đã thể hiện ở công hàm năm 2010 đã được công nhận bởi Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) giữa nước Cộng hòa Philippines và nước CHND Trung Hoa (Tòa trọng tài Biển Đông), trong đó không có một thực thể nào tại quần đảo Trường Sa có thể có Vùng Đặc quyền Kinh tế hoặc Thềm Lục địa của riêng nó;
3. Indonesia nhắc lại rằng bản đồ Đường chín đoạn thể hiện yêu sách chủ quyền lịch sử rõ ràng là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và vi phạm nghiệm trọng UNCLOS 1982. Quan điểm này cũng được công nhận bởi Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài rằng toàn bộ những quyền lịch sử mà nước CHND Trung Hoa có thể có đối với các nguồn tài nguyên vật chất hay sinh vật đều bị bãi bỏ vì những giới hạn về khu vực biển xác định theo UNCLOS 1982.
Là một quốc gia thành viên của UNCLOS 1982, Indonesia kiên trì kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982. Indonesia sau đây tuyên bố rằng Indonesia sẽ không bị ràng buộc bởi bất kỳ yêu sách nào trái với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Indonesia tại Liên Hợp quốc xin đề nghị lưu hành công hàm này tới toàn bộ thành viên của Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa (CLCS), toàn bộ các quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển, và tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc.
Công hàm này của Indonesia thể hiện điều gì
Công hàm mới đây của Indonesia là văn bản mới nhất trong loạt công hàm từ các nước ASEAN và Trung Quốc sau khi Malaysia gửi lên LHQ bản đệ trình tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông ngoài khơi bờ biển phía Bắc nước này, nhiều khả năng là khu vực giàu tài nguyên.
Greg Poling, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ cho rằng động thái của Indonesia cung cấp một “cơ sở quan trọng” cho Manila để theo đuổi phán quyết lịch sử bác bỏ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây cũng là lần hiếm hoi Indonesia đề cập với LHQ về phán quyết của Tòa trọng tài ở La Hay năm 2016.
Trong công hàm, Indonesia cũng công khai đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, theo đó “không có bất kỳ thực thể nào thuộc Quần đảo Trường Sa được phép lấy làm căn cứ để tính Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay Thềm lục địa”.
Indonesia cũng chỉ trích “đường 9 đoạn” phi pháp của Trung Quốc lấn chiếm các vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của một số quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Philippines. Tiếp nối từ công hàm năm 2010, Indonesia tái khẳng định rằng bản đồ “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc yêu sách về quyền lịch sử hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và có mức độ nghiêm trọng tương đương việc vi phạm UNLCOS 1982. Quan điểm này cũng đã được công nhận bởi phán quyết ngày 12/7/2016 của Toà trọng tài, trong đó nói rằng mọi quyền lịch sử mà Trung Quốc đòi hỏi đối với các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật đều bị bác bỏ bởi giới hạn về vùng biển được xác định theo UNLCOS 1982.
Indonesia cũng cho rằng rằng bản đồ “đường lưỡi bò” ngụ ý yêu sách quyền lịch sử rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và tương đương với việc làm đảo lộn UNCLOS 1982.
Như vậy, việc Indonesia gửi công hàm lên LHQ về vấn đề Biển Đông đã tăng thêm sức nặng cho một loạt động thái ngoại giao gần đây của các nước thành viên ASEAN phản đối các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Cả 4 quốc gia: Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia mặc dù có những lợi ích khác nhau nhất định, nhưng các quốc gia này đều thống nhất với nhau ở hai điểm. Thứ nhất là các quốc gia đều phản đối “đường lưỡi bò” vì những sự tham lam và đi ngược lại UNCLOS 1982; Thứ hai, tất cả các quốc gia này đều viện dẫn Phán quyết năm 2016 của Toà trọng tài, coi đó là một phần quan trọng trong luật biển quốc tế nói chung khi diễn giải điều 121 UNCLOS 1982. Theo đó, không có thực thể nào thuộc Trường Sa có thể có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa kèm theo.
Có thể nói hành động của Indonesia đã tạo ra một nền tảng mới cho sự đoàn kết của các quốc gia ASEAN trước vấn đề này. Đặc biệt với sự thể hiện quan điểm như trên của Indonesia - quốc gia lớn nhất của ASEAN.
Hồi đầu tháng 5, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã tuyên bố Jakarta đang theo sát các diễn biến gần đây ở Biển Đông. Bà nhấn mạnh: “Indonesia quan ngại về các động thái gần đây ở Biển Đông, nơi có nguy cơ leo thang căng thẳng vào thời điểm toàn thế giới cần nỗ lực phối hợp chống COVID-19. Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, bao gồm đảm bảo tự do hàng hải và vùng trời ở khu vực này, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)”.
Ngoại trưởng Indonesia cũng lưu ý trong bối cảnh các cuộc đàm phán COC bị ngưng trệ, tất cả các quốc gia liên quan nên thể hiện sự kiềm chế: “Chúng ta duy trì cam kết đảm bảo có được một COC hiệu quả, thực chất và khả thi bất chấp diễn biến hiện nay của đại dịch COVID-19”. Đó cũng chính là mục tiêu quan trọng mà các nước ASEAN cần phải hướng tới.
Chính vì vậy, dư luận đang trông đợi Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch của ASEAN năm nay có thể kết nối và tạo ra sự đồng thuận cần thiết trong ASEAN để có thể cùng nhau cất lên tiếng nói thống nhất trong tiến trình tìm kiếm COC cho biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét