Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

1538 - Vác-xin chống Covid-19: "Một vũ khí giành ảnh hưởng không gì sánh bằng"




Một loại vác-xin chống Covid-19 của hãng dược AstraZeneca của Anh Quốc. © Dado Ruvic
"Ai đến trước, được phục vụ trước". Cuộc chiến chống virus corona chủng mới giờ không chỉ đơn giản là một cuộc chạy đua với thời gian vì sức khỏe cộng đồng, mà còn là một cuộc tranh giành mang tính địa chính trị.
Nhật báo Công giáo La Croix ngày 15/05/2020, nhắc lại câu nói của Louis Pasteur, một nhà khoa học Pháp thế kỷ XIX: « Khoa học không có biên giới ». Trong cơn đại dịch hiện nay, câu nói này ít nhiều có ý nghĩa, khi hầu hết các nhà khoa học đều kêu gọi hợp tác chống virus corona chủng mới.
Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Nathalie Coutinet, Trung Tâm Kinh Tế đại học Paris – Nord trên đài phát thanh France Culture, hiện tại trên thế giới đã có khoảng 100 vác-xin đang được nghiên cứu. Trong số này có khoảng từ 70 – 75 loại  vác-xin dường như có công hiệu. Nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng cũng đã được tiến hành tại Mỹ và Trung Quốc.

Vác-xin : Vũ khí gây ảnh hưởng hiệu quả ?

Tuy phải còn mất từ một đến hai năm nữa mới có thể phát hành rộng rãi vác-xin chống virus corona chủng mới, theo như ước tính của giới chuyên môn, một số lãnh đạo quốc gia cũng nhận thấy những thách thức địa chính trị quan trọng trong cuộc đua tìm thuốc điều trị và vác-xin. Cuộc đua này hiện do hai ông khổng lồ nhất hành tinh là Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu, và theo sau là Liên Hiệp Châu Âu.
Cuộc cạnh tranh đã trở nên căng thẳng khi vào ngày 13/05/2020, FBI cáo buộc Trung Quốc âm mưu đánh cắp các dữ liệu nghiên cứu vác-xin và thuốc điều trị Covid-19. Bởi vì với Trung Quốc, cuộc chiến chống đại dịch còn là cách để quảng bá mô hình quản lý của Trung Quốc, biến cuộc đua chế tạo và sản xuất vác-xin chống Covid-19 thành một thách thức ưu tiên. Một vũ khí gây ảnh hưởng hiệu quả như nhận xét của nhà nghiên cứu kinh tế học Carine Milcent, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia Pháp (CNRS) trên đài France Culture.
« Cuộc đua vác-xin đang trở thành một công cụ địa chính trị để thể hiện sức mạnh. Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc tìm cách trở thành nước đầu tiên được hưởng hay chí ít là sở hữu vác-xin, bởi vì hiện nay chúng được xem như là một vũ khí, một vũ khí dịch tễ, một loại vũ khí bất đắc dĩ. Do vậy, vác-xin là một nguồn gây ảnh hưởng không gì sánh bằng.
Ở đây cũng nên xem xét đến một lập trường trung dung: đâu là đường hướng do Tổ chức Y Tế Thế Giới chọn và đường hướng của Mỹ. WHO chủ trương vác-xin có được phải dành cho tất cả mọi người ở mức giá ai cũng có thể mua được. Thế nên ẩn sau tất cả những điều đó còn có một câu hỏi : Cái gì là vác-xin ? Cái gì là tài sản y tế ? »
Nhưng Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Liên Hiệp Châu Âu và một số cường quốc khác như Mỹ và Trung Quốc không có cùng cách nhìn về khái niệm « tài sản y tế » chung này. Nhà nghiên cứu Carine Milcent giải thích tiếp :
« Điều này khá phức tạp. Sức khỏe cũng có thể được ví như là một tài sản cá nhân, như một đôi giày thể thao chẳng hạn, mà trường hợp của Mỹ là một ví dụ, hay như sức khỏe là một tài sản xã hội chung, thuộc tất cả mọi người.
Khái niệm ʺTất cảʺ, theo nhãn quan của Trung Quốc còn có thể mang một ý nghĩa khác. ʺTất cảʺ ở cấp độ của Trung Quốc hay ʺTất cảʺ ở những nước liên minh với Trung Quốc và đi theo lập trường của Trung Quốc.
Như vậy, đó sẽ không còn là một loại vác-xin có sẵn dành cho ʺTất cảʺ mà không có điều kiện nữa, mà đó là một nước trong vị thế thống trị và đang sử dụng các khả năng của mình để chiếm giữ một loại vác-xin như là một năng lực gây ảnh hưởng đối với những nước khác.
Rõ ràng là chúng ta đang đối mặt với một lập trường khác biệt, mỗi nước xem việc sản xuất vác-xin như là một loại vũ khí như bao thứ vũ khí khác. Đây thật sự là rất ấn tượng ! »
Tuy nhiên, Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS), trên báo La Croix, nhấn mạnh nghiên cứu tìm vác-xin còn là một cuộc chạy đua công nghệ khoa học toàn diện. « Trở thành nước đầu tiên phát triển thành công một vác-xin nhờ vào các nhà khoa học của mình, đó còn là một thách thức quan trọng cho Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ngày nay, nếu có một lĩnh vực nào mà Trung Quốc có thể qua mặt được Mỹ, đó chính là các ngành khoa học mũi nhọn và công nghệ. Thậm chí đây đã là một thách thức quan trọng hàng đầu của Bắc Kinh từ nhiều năm qua. »
Vẫn theo Antoine Bondaz, nếu cường quốc hàng đầu châu Á này phát triển được một loại vác-xin, Trung Quốc sẽ có được một uy tín đáng kể trên trường quốc tế. « Trung Quốc sẽ tạo ra được điều mà người ta có thể gọi là một tác động Spoutnik. Trong những năm 1950, Liên Xô từng đứng sau Hoa Kỳ về công nghệ không gian. Nhưng khi đưa người đầu tiên lên không gian, Liên Xô đã thành công trong việc gieo rắc mối ngờ vực trong tâm trí công luận và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. Đồng thời gieo rắc dần ý nghĩ là Liên Xô đã ʺqua mặtʺ Hoa Kỳ. Điều này rất có thể xảy ra tương tự với vác-xin và Trung Quốc hiện nay ».
Liên Hiệp Châu Âu : Chú lùn giữa hai người khổng lồ ?
Trong cuộc đua công nghệ tân tiến này, nước Mỹ của Donald Trump cũng bị nghi ngờ muốn áp dụng học thuyết « American First » cho vác-xin chống Covid 19. Nếu như CureVac của Đức tránh được sức cám dỗ một tỷ đô la của chủ nhân Nhà Trắng muốn chiếm hữu bản quyền chế tạo vác-xin ngừa Covid-19, thì hãng Sanofi của Pháp đã bị đồng đô la Mỹ « đánh gục ».
Ông Paul Hudson, tổng giám đốc người Anh của hãng dược phẩm Sanofi, đứng hàng thứ 4 trong nhóm 40 doanh nghiệp hàng đầu của Pháp (CAC40) có niêm yết trên sàn chứng khoán, ngày 13/05/2020, trả lời hãng tin Bloomberg, đã tuyên bố : « Người dân Mỹ sẽ được ưu tiên đặt hàng trước, bởi vì họ đã mạo hiểm tài trợ cho những nghiên cứu này trước những nước khác ngay từ tháng Hai ».
Phát biểu này của ông Hudson đã bị chính phủ Pháp phản đối gay gắt, cho rằng sức khỏe là « tài sản chung », đồng thời nhắc lại  nguyên tắc « quyền được tiếp cận vác-xin công bằng cho tất cả và nằm ngoài quy luật thị trường ».
Về điểm này, nhà kinh tế học El Mouhoub Mouhoud, trường đại học Paris – Dauphine, trước tiên giải thích:: « Đúng là trong lĩnh vực này, phương thức cạnh tranh có tính chất quyết định giữa các hãng dược chính là cuộc đua công nghệ và đưa vào thị trường các dòng sản phẩm mới, bất kể là thuốc men hay vác-xin. Đương nhiên, chi phí cho nghiên cứu và phát triển là rất tốn kém. »
Chuyên gia kinh tế này nhìn nhận là Hoa Kỳ cũng có trong tay một công cụ hỗ trợ đắc lực : Cơ quan Barda (Cơ quan dành cho Nghiên cứu và Phát triển y sinh cấp tiến), được thành lập năm 2006 để hỗ trợ các hãng dược, các phòng nghiên cứu tư nhân trong công cuộc chống dịch bệnh. Chính Barda thông báo đầu tư một tỷ đô la trong chương trình hợp tác công – tư để tìm vác-xin ngừa Covid-19.
Thế nên, theo nhà kinh tế học El Mouhoub Mouhoud, cuộc tranh cãi Sanofi còn làm lộ rõ những yếu kém của Liên Hiệp Châu Âu, một "chú lùn" trong cuộc đua giữa hai ông khổng lồ, bất chấp nguồn quyên góp được trị giá đến 7,4 tỷ euro.
"Cơ chế tài trợ của Mỹ nhanh hơn và dồi dào hơn rất nhiều. Đây chính là lợi thế của Mỹ trên phương diện tài trợ cho các chương trình Nghiên cứu và Phát triển (R&D) có rủi ro. Còn tại châu Âu, chúng ta nhìn thấy có một sự chia rẽ giữa các nước. Do vậy, đấy cũng có thể là chiến lược của Sanofi nhằm thúc đẩy các nước thành viên phối hợp huy động nhiều hơn các nguồn lực để có thể đối phó với hình thức tài trợ to lớn này, bởi vì khoảng cách là quá lớn. (…)
Có một câu hỏi đang được đặt ra : châu Âu đã làm được những gì để có được một nền tảng tài chính vững chắc. Nhưng cần phải thoát ra khỏi tình trạng thiếu thống nhất, điều phối công nghiệp thực sự tại châu Âu. Đây là một khuyết điểm của khu vực, bởi vì châu Âu có những chính sách mang tính cạnh tranh, gây cản trở và nghiêm cấm một số cách thức hoạt động, trong khi mà sự thống nhất, điều phối về Nghiên cứu và Phát triển ở cấp độ châu Âu lại còn quá hạn chế. Chính từ quan điểm này mà Sanofi có một chiến lược tìm cách đổ lỗi về phía Liên Hiệp Châu Âu."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét