Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

1511 - Dự báo thế giới hậu COVID-19

Minh Anh (gt)  
Các chuyên gia y tế cho biết có thể mất vài tháng, nếu không nói là vài năm, để các cộng đồng trên toàn cầu có thể kết nối trở lại với nhau. Như vậy, không còn quá sớm để bắt đầu suy nghĩ về trật tự toàn cầu và khu vực mới sẽ xuất hiện sau khi đại dịch qua đi.

Trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, không ai có thể tưởng tượng rằng phần lớn thế giới sẽ bị phong tỏa như hiện nay, với hơn 1 tỷ người buộc phải dừng các hoạt động thường ngày khi họ được khuyên ở nhà để tránh lây nhiễm và/hoặc phát tán virus SARS-CoV-2. Để sống sót qua đại dịch này, mỗi quốc gia bị ảnh hưởng, dù lớn hay nhỏ, sẽ phải sử dụng mọi kỹ năng và nguồn lực mà họ có nhằm chiến đấu chống kẻ thù chung này.
Rõ ràng, nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua tình trạng gián đoạn hơn nữa trước khi có thể tăng trưởng trở lại, vì các cuộc xung đột và chiến tranh thương mại vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Nhưng chính phủ các nước trên toàn thế giới thời hậu COVID-19 sẽ có nhiều công cụ mạnh hơn để duy trì quyền kiểm soát đối với người dân. Nền tảng ủng hộ các chính phủ cũng sẽ được củng cố nhờ tình cảm dân tộc mạnh mẽ hơn mà họ có thể sử dụng để vượt qua những khó khăn bắt nguồn từ sự bùng phát dịch bệnh, hoặc đẩy mạnh các chương trình nghị sự của riêng họ.
Những xu hướng có khả năng xuất hiện
Đầu tiên, đại dịch COVID-19 sẽ dẫn đến sự phối hợp và hợp tác tốt hơn trong các vấn đề liên quan đến y tế cộng đồng giữa các quốc gia phát triển hơn - điều tốt đẹp duy nhất của dịch COVID-19. Không quốc gia nào muốn tranh cãi về một dịch bệnh mà họ biết rằng không thể chiến đấu một mình. Tất cả những gì họ muốn là nhanh chóng tiêu diệt virus này. Trong tuyên bố của G20 được ban hành gần đây, các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới đã cam kết làm mọi cách để vượt qua đại dịch. Họ hứa sẽ bơm 5.000 tỷ USD cho chi tiêu tài chính để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Đó là tin tức đáng hoan nghênh khi thấy các nhà lãnh đạo G20 sẵn sàng hợp tác cùng nhau chống lại virus SARS-CoV-2. Trong thời gian diễn ra hội nghị trực tuyến, các nhà lãnh đạo cũng cam kết thực hiện và tài trợ cho các chương trình y tế để chống lại SARS-CoV-2.
Thứ hai, dù muốn hay không, chủ nghĩa Trump đã thay thế chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ. Theo Giáo sư Martin Jacques thuộc trường Đại học Cambridge, Tổng thống Donald Trump đang gán nhiều giá trị cho nền kinh tế Mỹ hơn là cuộc sống của người Mỹ. Ông Trump nhiều lần nhắc lại rằng Mỹ sẽ trở lại trạng thái bình thường trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh (ngày 12/4), vì đối với ông, bất cứ điều gì khiến nền kinh tế Mỹ giảm tốc cũng sẽ làm giảm cơ hội tái đắc cử của ông vào tháng 11 tới đây.
Thứ ba, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung vẫn sẽ tiếp tục và dưới hình thức đầy đủ hơn. Nó sẽ không chỉ gói gọn trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ, không gian mạng và biến đổi khí hậu mà còn bao gồm cả các vấn đề liên quan đến y tế cộng đồng toàn cầu. Sẽ có những giai đoạn căng thẳng và hòa giải đan xen nhau. Cả hai quốc gia đã đổ lỗi cho nhau về nguồn gốc của SARS-CoV-2, nhưng với việc khăng khăng coi SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc", ông Trump đã thể hiện định kiến sâu sắc của mình. Mặc dù sau đó đã thay đổi giọng điệu tiêu cực, nhưng thái độ này của ông Trump đã gây ra thiệt hại. Ngoài ra, trong hai năm qua, ông Trump thường mô tả Trung Quốc như là một bên giao dịch không công bằng, tìm cách đánh cắp công nghệ và từ chối tuân thủ các quy tắc quốc tế.
Hôm 27/3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Mỹ, gửi đi tín hiệu về một nỗ lực hòa giải. Ông kêu gọi hai nước hợp tác để xử lý dịch COVID-19 và nói rằng Bắc Kinh "mong muốn tiếp tục chia sẻ mọi thông tin và kinh nghiệm với Mỹ". Theo truyền thông Mỹ, ông Trump đã có một phản ứng tích cực. Đây là mô hình trao đổi điển hình và sẽ tiếp diễn trong thế giới hậu đại dịch.
Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi thuyết phục các nước khác, đặc biệt là ở châu Âu, đưa ra lời lẽ chống lại Trung Quốc. Từ giờ trở đi, những câu chuyện về vai trò của Trung Quốc trên thế giới sẽ xuất hiện ở nhiều khía cạnh và có phạm vi rộng lớn, vượt ra ngoài sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Thứ tư , thế giới sẽ tập trung vào sự trỗi dậy của Trung Quốc và ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trong các trường hợp khẩn cấp về y tế và quản trị toàn cầu, điều sẽ gây thất vọng cho các nước phương Tây. Tuy nhiên, cách thức mà Trung Quốc xử lý thành công dịch COVID-19 hiện đã được nhiều nước phương Tây áp dụng, dù họ có công nhận hay không.
Thứ năm, đối với các nền kinh tế chủ chốt của châu Á-Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc – có thể có những mâu thuẫn trong vấn đề lịch sử, lãnh thổ, lợi ích và sẽ dịu bớt để nhường chỗ cho sự cảm thông lẫn nhau. Tất nhiên, những mối bất hòa trong lịch sử và các tranh chấp biên giới sẽ không biến mất chỉ sau một đêm, nhưng kể từ giờ các nhà lãnh đạo ở mỗi quốc gia có thể nghĩ về khoảng thời gian cùng nhau chia sẻ những lo lắng và phiền muộn, và điều đó sẽ giúp ích cho họ. Các mối quan hệ đang ấm lên này sẽ khiến Thế vận hội Tokyo bị trì hoãn trở thành cơ hội hoàn hảo để đoàn kết các nền kinh tế châu Á. Sự hồi sinh của Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích cho toàn khu vực và hệ thống thương mại đa phương của khu vực. Quả thật, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tin tưởng rằng Thế vận hội Olympic sẽ là bằng chứng cho chiến thắng của con người trước SARS-CoV-2. Đối với cộng đồng quốc tế, thế vận hội sẽ là ngọn hải đăng của hy vọng sau đại dịch này.
Mối quan hệ ngoại giao mới giữa 3 cường quốc châu Á này sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế của khu vực trong thế giới hậu COVID-19. Quan trọng nhất là điều đó cũng sẽ tạo ra những động lực địa chính trị và địa chiến lược mới. May mắn thay, ASEAN có mối quan hệ cực kỳ tốt đẹp với các đối tác “+3”. Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN hiện tại, cần nuôi dưỡng và tăng cường tình đoàn kết mới này. ASEAN phải tiếp tục đóng vai trò là cầu nối để các nước “+3” tiếp tục hợp tác, và giấc mơ xây dựng Cộng đồng Đông Á sẽ nằm trong tầm tay.
Cuối cùng, ASEAN sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn bằng cách học hỏi từ những thiếu sót của khối này trong giai đoạn hỗn loạn hiện nay. Dù đã bày tỏ cam kết mạnh mẽ về việc cùng nhau hành động, nhưng trên thực tế, họ đã nhiều lần thất bại vì thiếu sự phối hợp và không thể làm hài hòa các giao thức xuyên biên giới và các biện pháp cần thiết để quản lý một cộng đồng gồm 654 triệu người.
Đại dịch COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh cho ASEAN, rằng trong các cuộc khủng hoảng ở quy mô này, không có quốc gia thành viên nào có thể đứng nhìn và trông chờ các bộ máy hành chính làm điều họ muốn. Thái Lan, với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN năm 2019, đã công bô "Tầm nhìn ASEAN 2040", một tài liệu nghiên cứu gồm 5 tập về tương lai của ASEAN. Tài liệu này kêu gọi "ASEAN hãy mạnh dạn tiến lên, chủ động hơn, nhanh nhẹn hơn, hướng tới tương lai, đoàn kết hơn, đồng thời tập trung sâu sắc hơn vào việc trao quyền và can dự đối với người dân". Hậu COVID-19, đây dường như là con đường đúng đắn.
Kavi Chongkittavorn, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan. Bài viết được đăng trên Bangkok Post.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét