Nhờ được nâng điểm, có 222 em học sinh các tỉnh miền núi học lực từ bình thường đến yếu và rất yếu đã chễm chệ ngồi vào ghế đại các trường đại học danh tiếng sau kỳ thi 2018. Hơn thế nữa, có em còn trở thành thủ khoa, lên báo chia sẻ kinh nghiệm nhăng cuội, dạy khôn bè bạn cùng trang lứa.
Câu chuyện gian dối này không chỉ xảy ra ở một vài tỉnh miền núi đã bị lộ. Rất có thể nó còn xảy ra ở những địa phương khác. Cũng không chỉ là chuyện của kỳ thi 2018. Gian lận đã kéo dài nhiều rất nhiều năm. Sự tồi tệ không còn chỉ là nghi vấn hay lo ngại, nó đã tồn tại mặc định. Nó phổ biến đến mức từ nhiều năm trước người ta đã râm ran nói đến bảng giá vào từng trường, như bảng giá chạy việc ở nhiều ngành, nhiều địa phương vậy.
Đó là bảng giá rao bán những cơ hội đánh cắp, những tương lai bị tham nhũng mà có.
Sự nghiêm trọng không nằm riêng trong các kỳ thi ở phổ thông. Tội lỗi kéo dài không chỉ nằm ở vài ba địa phương đã bị lộ. Nó là sự bại hoại hệ thống. Một nửa tội đồ trong chuỗi tội lỗi này vẫn chưa bị sờ tới: nó nằm ngay trong các trường đại học, không loại trừ cả những trường đại học danh tiếng, tốp đầu.
Trong nhiều năm qua, chắc chắn sẽ có không ít em học rất kém, cỡ thi 3 môn chỉ đạt 1 điểm, đã lọt vào, thậm chí thành thủ khoa của các trường đại học. Vậy nhưng, chưa hề thấy có một thủ khoa, một thí sinh điểm đầu vào cao ngất ngưỡng nào trong số các em diện hoài nghi bị các trường đại học loại ra, buộc thôi học hay phải lưu ban...vì học yếu, vì không theo nổi yêu cầu đào tạo.
Thập niên 1980, thế hệ chúng tôi vào đại học với tỉ lệ, so với tổng học sinh phổ thông, được nâng dần từ 0,6 -2%. Nói như vậy để khẳng định rằng, vào thời điểm đó, vào được đại học chắc chắn phải là những học sinh thật sự có năng lực ngay từ khi còn ngồi ghế phổ thông. Vậy nhưng, vào đại học, những học sinh khá, giỏi ấy cũng phải học trầy vi tróc vảy mới có cơ hội tiếp tục. Ngày 24-9-1989, khi chào mừng các tân sinh viên khóa 14 Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, GSTS Lý Hòa, Hiệu trưởng nhà trường (1977-1990) đã nói rõ: “Các năm qua, chỉ trên dưới 60% sinh viên của năm thứ nhất có cơ hội nhận bằng tốt nghiệp sau khi kết thúc năm học thứ 4. Thầy mong các em nỗ lực ngay từ ngày đầu để nằm trong số 60% tiếp tục có mặt tại đại giảng đường này vào 4 năm nữa, để nhận bằng!”.
Thực tế nghiêm túc đến mức khắc nghiệt này đã không hề lặp lại trong giai đoạn có những kỳ thi “thành công, an toàn và nhẹ nhàng” mà sau đó, học sinh tốt nghiệp cấp 3 muốn không vào đại học, lớn hoặc bé còn tùy, cũng... khó có cơ hội. Tôi không tin sinh viên thời "phổ cập đại học" lại có năng lực học tập vượt trội hơn hẳn sinh viên thời đầu vào siết chặt, đãi cát tìm quặng (quặng thôi, quặng gì chưa biết). Tôi cũng không tin, học lực kém ở phổ thông lại có thể đùng một phát thi đại học đậu thủ khoa; và suốt những năm sau đó cứ "tự nhiên" thành sinh viên khá, giỏi, dù việc học không làm gì có chuyện đi kèm mấy chữ cố gắng hay chăm chỉ. Tin điều đó, tôi chắc chắn chỉ là chính phụ huynh đầy tham vọng của các em, hoặc là chính các em – những người đã biết chắc là ngược lại.
Vậy nhưng, đó vẫn cứ là thực tế. Sau đại học là cao học, là nghiên cứu sinh, là du học, là thăng tiến thần tốc nhờ bằng cấp cao và sự sắp đặt sẵn... Đánh cắp cơ hội tương lai của những bạn bè khác cùng thế hệ, các em tiếp tục được hà hơi tiếp sức, nâng đỡ, phù phép trong một nền giáo dục đại học bại hoại. Nếu không như thế, chắc chắn những “top đầu 1 điểm + 1 tỷ” sẽ không bao giờ có cơ hội để ngồi ghế giảng đường sau khi kết thúc năm thứ nhất.
Một số trường đặc thù còn có sơ tuyển. Còn chần chừ gì nữa, sao không đưa các cán bộ sơ tuyển ra xử lý ngay. Để lọt học sinh có điểm liệt trong một số môn lách qua cửa hẹp, chắc chắn đó không phải là hành động “nhân văn và trong sáng”.
Một khối u đã bục vỡ. Dối trá trong giáo dục, từ phổ thông đã di căn vào đại học, từ quá khứ đang di căn vào tương lai. Bác sĩ điều trị các khối u đó – các nhà quản lý giáo dục – cũng đáng bị xử lý thật nghiêm, bị loại trừ. Bởi, thay vì ngăn chặn sự phát triển và lây lan các khối u, trong nhiều năm qua, họ đã thường xuyên che dấu nó.
Ngay cả khi đã bị vạch trần bệnh trạng, các trường thuộc lực lượng vũ trang đã buộc sinh viên được nâng điểm thôi học, ở các địa phương người ta vẫn cố tình viện lý do nhân văn để không công khai tên nguồn bệnh trong ổ dịch. Thật ra là để bảo vệ phụ huynh - người mua điểm, đa phần là quan chức - chứ không vì bảo vệ danh dự học sinh - cái không hề tồn tại. Có trường, ngay cả trường Y khoa, thậm chí còn không buộc tân sinh viên gian dối bị phát hiện thôi học, vẫn vì lý do sợ các em “tâm tư”. Vì sao, không nói xã hội cũng biết chắc mà không cần phải đoán.
Không có sự bại hoại trong môi trường đại học tiếp tay, các kỳ thi bại hoại ở phổ thông để lựa chọn sinh viên vào đại học đã không dám diễn ra, không kéo dài nhiều năm và lây lan nhiều đến thế.
Dùng tiền mua điểm là “phương pháp giáo dục” riêng của một bộ phận cán bộ có chức có quyền và một số khác, ít hơn, là những trọc phú. Hơn ai hết, họ hiểu thực lực, sức học của con em mình. Bằng kinh nghiệm bản thân trong hàng chục năm, họ cũng hiểu rất rõ, tương lai và sự thăng tiến nhờ chủ yếu vào bảng điểm và bằng cấp, cộng một số điều kiện "tối quan trọng" khác, chẳng nhờ gì năng lực hay sự phấn đấu. Các loại bằng cấp mà họ có chắc còn đáng ngờ hơn nhiều so với bảng điểm có được nhờ mua của con em họ.
Một cá nhân tốt nghiệp hệ đào tạo gian dối thì cả đời sẽ không ngần ngại triển khai các kế hoạch dối trá, hành xử bằng hệ thống hành vi dối trá.
Dù sao học sinh trung học cũng chỉ là những đứa trẻ chưa lớn. Chỉ phụ huynh của chúng mới có sừng có mỏ và đáng ngờ hơn ai hết. Nghĩ vậy đi, cho nó nhân văn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét