Cứ mỗi lần bị lên án trong những vụ bắt bớ các nhà hoạt động bất đồng chính kiến, luận điệu mà công an CSVN rêu rao để tự bào chữa bao giờ cũng là “ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm mà chỉ có những người vi phạm pháp luật.”
Câu nói trên cho thấy là luận điệu nguỵ biện, đổi trắng thay đen, dùng sự xảo trá để khoả lấp cho hành động đàn áp người dân của chế độ độc tài. Phát biểu này còn cho thấy cán bộ CSVN mắc chung một chứng bệnh khó trị là não trạng bị xơ cứng, không còn biết đúng sai, phải quấy trước mọi vấn đề. Chứng xơ não ấy khiến những gì được chế độ coi là khác với họ, tất cả đều được liệt chung vào thành phần phản động và thù địch.
Chính vì cái nhìn lệch lạc như vậy nên đảng phải liên tục đối mặt với cao trào đấu tranh của người dân ngày càng lan rộng trong nhiều thập niên qua. Không chỉ sau năm 1975 với nhiều cuộc đấu tranh chống Trung Cộng bảo vệ biển đảo, chống cướp đất cướp nhà, mà ngay từ sau khi cướp được chính quyền ở Miền Bắc cũng không khác gì. Cuộc nổi dậy của nông dân Quỳnh Lưu, Nghệ An năm 1956 chống chính sách cai trị khắc nghiệt của cường hào ác bá mới là một điển hình vang dội.
Người ta còn nhớ trước đây vào tháng Bảy, 2012, nhà báo Phạm Chí Dũng đã bị bắt giam 6 tháng với tội danh “lật đổ chính quyền” và “tuyên truyền chống nhà nước” theo hai điều 79 và 88. Đến tháng Mười Một, 2019, công an đã lại bắt ông Phạm Chí Dũng, Chủ Tịch Hội Nhà Báo Độc Lập lần thứ hai theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự sửa đổi. Sự kiện bắt bớ này không ngoài lý do CSVN lo sợ ngòi bút của Phạm Chí Dũng phanh phui vấn đề nhân sự của đảng khi chuẩn bị đại hội 13, là dịp để cán bộ chạy chức, chạy quyền, chạy ghế, cũng như đấu đá nhau kịch liệt.
Đến tháng Tư và tháng Năm năm nay, chúng bắt nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà văn Phạm Thành và nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, người thay Phạm Chí Dũng điều hành ở Hội Nhà Báo Độc Lập. Đây không chỉ là những nhà trí thức yêu nước dùng ngòi bút đấu tranh ôn hoà, mà họ còn là những cựu chiến binh, cựu đảng viên.
Tại sao công an không nhìn thấy điều này: Tất cả 4 người này từng là cựu đảng viên nhưng họ đã từ bỏ đảng cộng sản và can đảm đứng lên vạch trần những sai trái của chế độ, nói lên tiếng nói của người dân. Dù chỉ là thiểu số, nhưng họ sớm thấy được những gì chế độ làm đã mang lại vô vàn tai hoạ cho dân tộc.
Cho dù trong thời gian gần đây, Việt Nam được đánh giá là thành công hơn so với nhiều nước khác trong việc ngăn chặn coronavirus, nhưng sự kiện công an bắt bớ tràn lan những người không cùng chính kiến với đảng Cộng Sản Việt Nam vừa qua không làm thay đổi bản chất độc quyền tư tưởng của người cầm quyền.
Hội Nhà Báo Độc Lập của ông Phạm Chí Dũng, hay Hội Anh Em Dân Chủ của Luật Ssư Nguyễn Văn Đài và những hội dân sự khác đang tồn tại chỉ là những tổ chức quần chúng, hoạt động trong chiều hướng những hội xã hội dân sự ôn hoà.
Tiếng nói của họ là cầu nối thiết yếu giữa cộng đồng và chính quyền, góp phần xây dựng đất nước. Họ không phài là tổ chức chính trị, không trang bị vũ khí để gọi là “lật đổ chính quyền” một cách khôi hài như công an gán ghép. Vũ khí của họ nếu có chỉ là ngòi bút và ý kiến phản biện mà bất cứ nhà cầm quyền nào, dân chủ hay độc tài, đều phải lắng nghe nếu muốn xây dựng và phát triển đất nước.
Việc cố tình gán ghép cho phong trào xã hội dân sự một ý nghĩa chính trị thù địch nào đó là một sai lầm tệ hại, làm tê liệt và triệt hạ ý chí đề kháng của dân tộc Việt Nam trước hiểm hoạ xâm lăng của Trung Cộng.
Nếu những nhà hoạt động vừa bị bắt nêu trên sống theo kiểu mũ ni che tai, quay lưng trước nỗi đau của bà con dân oan, các tử tù oan ức, những gia đình bị bất công, bị đè nén trước cường quyền thì chắc chắn họ đã có một đời sống vật chất khá hơn.
Mặt khác, nếu họ tiếp tục đứng trong hàng ngũ đảng, tuyệt đối phục tùng mọi mệnh lệnh, họ còn có thể leo lên những vị trí không thua hàng cán bộ cao cấp khác. Nhưng họ đã dám vứt bỏ tất cả, dám đấu tranh và chấp nhận tù tội. Chính vì vậy, nhà văn Phạm Thành đã bình tĩnh nhắn lại khi bị bắt: “Tôi không sao đâu, mong mọi người trong phong trào vững tâm tiếp bước. Đừng lo lắng cho tôi.” Vậy họ không yêu đất nước, yêu đồng bào thì là gì?
Trong thời đại nhiễu nhương, chết chóc và đầy dẫy bất công do đảng CSVN gây ra cho dân tộc suốt nhiều thập niên, họ chính là những người dũng cảm. Họ là những người mà dân tộc Việt Nam ca ngợi và biết ơn, nêu lên một tấm gương sáng chói cho sự xả thân. Vì họ đã dám hy sinh hạnh phúc cá nhân và gia đình để đi tìm mùa xuân tự do, dân chủ cho dân tộc.
Vì thế, cho dù công an cố tình bôi tro, trát trấu và vu cáo các nhà yêu nước như Phạm Chí Dũng, Phạm Thành, Trần Đức Thạch và Nguyễn Tường Thuỵ cũng chỉ làm sáng thêm ý chí của những con người dám hiên ngang đối đầu với bạo lực mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét