I. Báo chí dè chừng!
Vào buổi sáng ngồi quán café cóc vỉa hè, hay buổi chiều trong các quán nhậu bình dân, hỏi thăm bất cứ người dân Phan Thiết nào quan tâm tới dự án Sân golf Phan Thiết họ cũng đều nói là dự án này của ông Đông, đằng sau đó là nhiều quan chức cấp cao của tỉnh, thành phố, các sở ngành. Có người còn vui vẻ dẫn bạn đến chỉ biệt thự ông này, ông kia và kể những góc khuất của dự án mà dư luận Phan Thiết đang đồn thổi.
Từ năm 2014, đã có nhiều đơn gửi đi khắp nơi từ cơ quan chức năng trung ương đến cơ quan truyền thông phản đối chuyển sân golf sang khu đô thị để kinh doanh bất động sản, trong khi thành phố du lịch Phan Thiết rất thiếu quỹ đất dành cho hạ tầng dịch vụ công cộng, phục vụ du lịch văn hóa thể thao.
Lẽ ra báo chí phải lên tiếng, chuyển tải dư luận đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm sáng tỏ các góc khuất trong quá trình thực hiện dự án nhằm giảm thiểu nguy cơ thất thoát tài nguyên quốc giá, nhưng dưới sức ép của các thế lực, báo chí chỉ lên tiếng một cách rất … dè chừng, thậm chí có báo đưa lên rồi gỡ xuống! Dẫn chứng một số báo lớn ở phía nam như:
1. Báo Thanh Niên
Báo Thanh Niên có chuyên đề (tag) “Sân golf Phan Thiết”, trong đó có 3 bài, đăng vào tháng 5/2014 và 4/2015, sau đó lặng hơn 4 năm sau, đến tháng 9/2019 mới đưa tin tiếp.
2. Báo Tuổi Trẻ
Báo Tuổi Trẻ có chuyên đề (tag) “Sân golf Phan Thiết”, từ tháng 3 đến tháng 8/2014 báo này liên tục đăng hơn 10 bài viết về “Sân Golf Phan Thiết”; đến ngày 18/08/2014 đăng bài “Chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông xin lỗi hội viên chơi golf” [6.1]; chờ đến gần 5 năm sau, ngày 18/02/2019 mới đăng bài tiếp theo “Kiểm tra dự án biến sân golf Phan Thiết thành khu đô thị du lịch biển”[6.2].
3. Báo Nhân Dân
Ai cũng biết, Báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, vào ngày 22/07/2014 cho đăng bài: “Bất thường việc chuyển mục đích sử dụng đất sân gôn Phan Thiết”[6.3] (hình 6.3). Nội dung bài báo có đoạn (trích nguyên văn):
“… khoảng thời gian sáu tháng tính từ khi Công ty cổ phần Rạng Ðông mua lại sân gôn đến lúc UBND tỉnh làm Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất là ‘siêu tốc’, khiến dư luận cho rằng ‘có lợi ích nhóm’ tại dự án này. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân gôn sang đất ở đô thị, chủ đầu tư phải nộp thuế vào ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng, mua lại dự án hơn 400 tỷ đồng, làm hạ tầng giao thông hết 400 tỷ đồng, các chi phí khác 300 tỷ đồng…
Trong tổng diện tích khoảng 62 ha chuyển đổi, trừ hạ tầng giao thông còn khoảng 37 ha đất kinh doanh để bán. Theo giá thị trường hiện nay, tại ‘khu đất vàng’ này giá mỗi m2 đất trung bình khoảng 20 triệu đồng, thì chủ đầu tư thu về khoảng 7.400 tỷ đồng. Như vậy, sau khi trừ các khoản chi phí, chủ đầu tư đã lãi ròng hơn 5.000 tỷ đồng…” (hết trích)
Tính theo giá đất thị trường năm 2014, người dân xem BÁO ĐẢNG CAO NHẤT công bố tỉnh Bình Thuận tạo điều kiện cho “CHỦ ĐẦU TƯ ĐÃ LÃI RÒNG HƠN 5.000 TỶ ĐỒNG” là quá sốc, với niềm tin là các cơ quan chức năng trung ương sẽ vào cuộc và báo chí tiếp tục phanh phui những góc khuất.
Tuy nhiên báo chí lên tiếng, nhưng không có cơ quan chức năng trung ương nào quan tâm. Ngay cả tờ báo cao nhất là Nhân Dân đăng được một kỳ duy nhất rồi … im bặt luôn!
***
Ngày 18/1/2015, báo chí đồng loạt đưa tin, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát lệnh khởi công xây dựng dự án sân bay Phan Thiết do Tổng công ty 319 thuộc Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Rạng Đông đầu tư [6.4]. Lúc này “Anh hùng” Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông cùng sánh danh ngang với Đại tá Phùng Quang Hải (con của Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh) là Chủ tịch Tổng công ty 319 – Bộ Quốc phòng nổi lên cùng với những quan hệ hậu thuẫn rất mạnh.
Kể từ đây, gần như không còn tờ báo nào dám đăng bài về các khuất tất của Sân golf Phan Thiết nữa, mặc dù nhiều khiếu nại vẫn chưa giải quyết. Mà lố bịch hơn nữa là có một số bài viết quảng cáo ca ngợi tấm gương của người anh hùng từ … 10 năm trước [6.5].
Thế lực nào buộc hàng trăm tờ báo đột ngột im lặng suốt 4 năm (từ năm 2015-2018), thậm chí một số facebook viết bài bất lợi cho dự án Sân golf Phan Thiết, ảnh hưởng đến Rạng Đông hay Nguyễn Văn Đông, đều buộc phải xóa bài hoặc mất nick.
Nếu nói Nguyễn Văn Đông dùng tiền để “quảng cáo” tất cả các báo hoặc mua chuộc các nhà báo là không thể, vì điều đó chỉ kích cho đám kềnh kềnh vào rỉa thịt mà thôi.
Thế lực nào? Tất nhiên phải cao hơn các Tổng biên tập. Muốn biết thế lực nào buộc báo chí im lặng trước các khất tất của Sân golf Phan Thiết một thời gian dài, chỉ có thể là “người đốt lò vĩ đại” – ông Nguyễn Phú Trọng ra tay.
Nói thêm, giai đoạn từ năm 2011-2016 là ông Nguyễn Bắc Son; tiếp theo năm 2016-2018 là ông Trương Minh Tuấn làm Bộ trưởng Thông tin Truyền thông. Điểm chung cả hai ông này đều là Ủy viên Trung ương đảng, Phó ban Tuyên giáo Trung ương và cùng tham gia vào phi vụ ‘Mobifone mua AVG’. Khi chưa vào “lò”, hai ông này đều rất liêm khiết và mạnh tay nghiêm khắc với báo chí, phóng viên.
Có Đại tá an ninh Công an tỉnh Bình Thuận chuyển qua làm trợ lý cho Nguyễn Văn Đông phụ trách an ninh và đặc biệt là xử lý thông tin báo chí. Những facebook lên tiếng mạnh thì thuê đánh sập; hoặc nhờ Công an Bình Thuận mời làm việc.
Từ dự án Sân golf Phan Thiết cũng lý giải được phần nào người dân ít quan tâm tới báo chí nhà nước hơn mạng xã hội. Đơn giản là đã rơi vãi quá nhiều niềm tin!
II. Biến tướng chính sách
Thời gian qua Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động nhằm tìm kiếm những tiếng nói xác nhận tư cách nền kinh tế thị trường và sự minh bạch. Ngay cả lãnh đạo đảng cũng qua Mỹ “đề nghị Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam” [6.5]. Tuy nhiên, sự ủng hộ chưa nhiều, nhất là các nước (đối tác) quan trọng là Mỹ và EU. Trong chuỗi bánh răng đan xen nhau để xác nhận là nền kinh tế thị trường (hình 6.4) Việt Nam chưa đáp ứng.
Theo các nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách quan sát, thì Sân golf Phan Thiết, Tập đoàn Rạng Đông cũng được đưa ra phân tích, cho thấy, đã tác động theo hướng tiêu cực dưới góc độ kinh tế thị trường. Nổi trội có hai vấn đề cốt lõi là thiếu minh bạch trong chính sách, quy hoạch và không bình đẳng giữa các doanh nghiệp (chưa phân tích yếu tố tham nhũng của những quan chức đồng lõa thực hiện dự án).
1. Thiếu minh bạch
Sự thiếu minh bạch thì không những quá rõ, mà còn quá … trơ trẽn của tỉnh Bình Thuận và Chính phủ. Rõ ràng nhất ở Sân golf Phan Thiết là lĩnh vực quy hoạch: quy hoạch ngành – lĩnh vực sân golf, quy hoạch vùng đô thị, quy hoạch – kế hoạch sử dụng đất.
Khi xây dựng quy hoạch được các cơ quan chuyên môn từ thấp đến cao, các chuyên gia trong từng lĩnh vực, quy hoạch 5 năm, 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm, sau đó trình ra hội đồng để phản biện, thẩm định phê duyệt công khai.
Thì xóa bỏ quy hoạch lại vội vàng, âm thầm lặng lẽ và không công bố cho cộng đồng.
1) Thiếu minh bạch Quy hoạch sân golf
– Tại sao, trên cùng một thành phố thuộc tỉnh đã có sân golf Phan Thiết rồi; lại quy hoạch, cấp phép thêm một sân golf liền kề là sân golf Sea Links. Buộc Sân golf Phan Thiết của nhà đầu tư nước ngoài lâm vào tình trạng phá sản.
– Tại sao, sau khi đã phê duyệt quy hoạch hai sân golf, rồi lại xóa bỏ sân golf Phan Thiết ra ngoài quy hoạch.
Quy hoạch thêm một sân golf này, bỏ quy hoạch sân golf khác đã bất thường, càng bất thường hơn nữa là người xin thêm sân golf Sea Links và yêu cầu xóa bỏ sân golf Phan Thiết chỉ một người duy nhất là Nguyễn Văn Đông, ngay sau khi thâu tóm xong.
2) Thiếu minh bạch Quy hoạch đô thị, đất đai
Từ năm 2010, quy hoạch vùng đô thị, quy hoạch sử dụng đất gắn liền với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 với một chiến lược phát triển bền vững, đồng bộ. Đến 2013, chuyển đổi 62 ha đất sân golf sang khu đô thị hoàn toàn không thuộc các chương trình và dự án trọng điểm mà Tỉnh và Chính phủ đã phê duyệt; cũng không phải dự án thuộc an ninh quốc phòng.
– Tại sao, Nguyễn Văn Đông vừa làm văn bản là cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận vào cuộc điều chỉnh, phá vỡ vùng đô thị, quy hoạch sử dụng đất vừa ký trước đó (nói thêm khu đô thị 62 ha lớn hơn một số phường của thành phố Phan Thiết như Đức Nghĩa, Đức Thắng, Lạc Đạo).
– Tại sao, cơ cấu đất thể dục thể thao của thành phố Phan Thiết năm 2010 quá thấp, chỉ có 98,41 ha (tỷ lệ 0,48%), nhu cầu tăng đến năm 2020 là 571 ha (tỷ lệ 2,76%), vậy mà cắt giảm một lúc hơn 62 ha đất thể dục thể thao.
– Căn cứ vào quy chuẩn quy hoạch nào mà tỉnh Bình Thuận quy hoạch “cách ly” người nghèo với lý do “nếu bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội sẽ có chênh lệch rất lớn, tạo ra phân tầng xã hội trực diện.”. Nhà ở xã hội thì phân biệt đối tượng, nhưng Rạng Đông rao bán đất nền lại không phân biệt đối tượng.
3) Thiếu minh bạch về thông tin
Mặc dù Chính phủ luôn kêu gọi minh bạch, sau này ông Nguyễn Xuân Phúc kế thừa lại tiếp tục hô hào thêm: liêm chính, kiến tạo, công nghệ 4.0. Vậy mà những thông tin liên quan đến điều chỉnh quy hoạch Sân golf Phan Thiết đều không công bố trên cổng thông tin của Chính phủ và của Tỉnh (xem ví dụ: Bài 5, phần III.1. Khuất tất).
Sự khuất tất liên quan tới Sân golf Phan Thiết kéo dài đến nay, đó là: Người dân Bình Thuận rất quan tâm Chính phủ cho thanh tra Sân golf Phan Thiết, lần 1 từ tháng 01/2019, lần 2 từ tháng 4/2020, nhưng các văn bản liên quan tới công tác thanh tra và kết quả thanh tra đều không công bố trên cổng thông tin Chính phủ hay cơ cơ quan Thanh tra; ví dụ các văn bản số 738/VPCP-V.I, ngày 25/01/2019; số 892/BC-TTCP, ngày 04/06/2019; số 131/TB-VPCP, ngày 27/03/2020; .v.v… một số người “quen biết” mới có. Trong khi văn bản cùng loại hay với các đối tượng thanh tra khác thì công bố công khai.
2. Bất bình đẳng
Sự bất bình đẳng giữa Rạng Đông – Nguyễn Văn Đông với các doanh nhân, doanh nghiệp khác ở Bình Thuận thể hiện công khai giữa thanh thiên bạch nhật, không ngán dư luận; từ chuyện thi công công trình, dự án, đất đai; đến chuyện kiện tụng, tranh chấp ở tòa; thậm chí cả chuyện xe chạy công trình của Rạng Đông gây tai nạn chết người, tai nạn lao động chết người cũng đều được thu xếp ổn thỏa. Những chuyện này rất nhiều, không viết xuể.
Ở đây chỉ nói đến bất bình đẳng của dự án Sân golf Phan Thiết, mà không cá nhân, doanh nghiệp nào ở Bình Thuận được lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh ưu ái bằng Rạng Đông:
1) Quy hoạch và thông tin
Không minh bạch về quy hoạch và thông tin, chỉ phục vụ lợi ích duy nhất cho Nguyễn Văn Đông như phân tích ở phần trên đã tạo điều kiện cho Rạng Đông một đặc quyền tuyệt đối ở tỉnh Bình Thuận.
2) Bảo kê, ưu đãi
Ngay chính lãnh đạo tỉnh, như ông Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên trung ương, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tuyên bố ủng hộ Nguyễn Văn Đông trước dư luận với những câu nói như:
– “ … tỉnh có uu ái doanh nghiệp trong tỉnh (Rạng Đông) nên nhiều người ganh tị …”: (xem Bài 3. Phần I)
– hoặc dựng lên thông báo: dự án Sân golf Phan Thiết được “SỰ ĐỒNG THUẬN CỦA NHÂN DÂN” (xem Bài 5. Phần II.5)
(Ghi chú: ông Lê Viết Chữ ở Quảng Ngãi cũng nắm 3 chức như ông Nguyễn Mạnh Hùng, cũng đã bảo kê cho doanh nghiệp sân sau, ngày 03/5/2020 bị Ủy ban kiểm tra Trung ương thông báo kỷ luật [6.7])
3) Không sòng phẳng
Cơ quan quản lý nhà nước là trọng tài của các quan hệ kinh tế, dân sự trong xã hội. Ngày 26/5/2014 Thủ tướng ban hành quyết định số 795/QĐ-TTg vẫn giữ sân golf Phan Thiết trong danh mục dự kiến phát triển đến năm 2020. Vậy mà trước, ngày 1/3/2014 Rạng Đông đơn phương thông báo Sân golf Phan Thiết chấm dứt hoạt động từ ngày 1/4/2014 chuyển tất cả hội viên sang Sân golf Sea Links. Làm cho nhiều hội viên bức xúc, phản ứng gay gắt vào ngày 15/5/2014, ông Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương lẽ ra phải yêu cầu Rạng Đông phục vụ bình thường cho đến khi có ý kiến của Thủ tướng thì lại đứng về phía Rạng Đông vì lý do lỗ (kinh doanh mới nửa tháng!).
Điều này chẳng khác gì kinh doanh vận tải: chủ xe tự ý sang khách dọc đường vì lý do lỗ. Cảnh sát giao thông phạt nhà xe hay trả tiền lại cho khách?
4) Ưu ái quá mức
Tỉnh xác định tiền sử dụng đất thấp, khoảng 20-30% giá nhà nước là 936,8 tỷ đồng, chưa nộp nhưng tỉnh Bình Thuận vẫn cho phép khởi công và cấp phép xây dựng. Liệu một người dân bình thường chưa nộp tiền chuyển mục đích sử dụng, chưa có giấp phép xây dựng thì có dám khởi công xây dựng nhà hay không?
Thậm chí tỉnh còn ưu ái đến mức chuyển 20% đất ở ra ngoài dự án, cho phép Rạng Đông mua lại theo giá nhà nước để kinh doanh. Ở Bình Thuận, chỉ duy nhất Rạng Đông được ưu đãi đầu tư đến như vậy: bất chấp cả pháp luật.
3. Tham nhũng
Một trong các yếu tố thế giới chưa thể công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường là: THAM NHŨNG. Mặc dù mấy năm gần đây Việt Nam tăng điểm trong bảng xếp hạng toàn cầu về Chỉ số Cảm nhận tham nhũng [6.8], nhưng vẫn nằm trong số quốc gia trên thế giới có điểm CPI dưới 50/100 (hình 6.5).
Quay về dự án Sân golf Phan Thiết giai đoạn 2013-2015, đã góp phần đưa điểm CPI ở mức thấp là 31/100. Giả định:
1) Phương án tỉnh Bình Thuận thu hồi dự án đầu tư
Sân golf Phan Thiết thua lỗ, giả sử Tỉnh chọn phương án thu hồi giấy phép đầu tư.
Tỉnh công khai quy hoạch khu đô thị với 50% diện tích Sân Golf là 310.328 m2, trong đó tỷ lệ đất kinh doanh và dịch vụ vẫn là 58,57%. Nếu tỉnh Bình Thuận thông báo đấu giá quyền sử dụng đất công khai, rộng rãi, minh bạch, thì chắc chắn sẽ thu về cho ngân sách ít nhất là 2.160 tỷ đồng từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Với số tiền này:
a. Hoàn trả lại (đền bù) cho nhà đầu tư sân golf 400 tỷ (thực tế không đến), đồng thời thu hồi lại các khoản nợ thuế trước đó của nhà đầu tư sân golf: như vậy bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư sân golf và nhà nước.
b. Số tiền còn lại cho ngân sách Tỉnh ít nhất là 1.763 đồng, lớn hơn so với 936,8 tỷ đồng của Rạng Đông nộp rất nhiều.
c. Về phía chủ đầu tư bất động sản có năng lực, sau khi trừ toàn bộ chi phí đầu tư, đến năm 2016 kinh doanh thì lợi nhuận gộp tối thiểu của dự án là 3.400 tỷ đồng, đã tính diện tích 20% đất để xây dựng nhà ở xã hội thuộc phạm vi dự án.
d. Điều quan trọng là quỹ đất còn lại với diện tích hơn 31 ha, Tỉnh dành cho các công trình thể dục thể thao, không gian văn hóa, du lịch công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư địa phương và du khách tham quan thành phố biển Phan Thiết.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận lại không chọn phương án hài hòa giữa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư; mà lại chọn giải phương án:
2) Giao đất vàng cho Nguyễn Văn Đông
Tỉnh giao hơn 62 ha đất cho Rạng Đông để thu về số tiền 936,8 tỷ đồng. Cán bộ cấp tỉnh đều trình độ đại học trở lên (xem phân tích Bài 5. Phần II.4.), tất nhiên:
– Họ biết là nhà nước đã thất thu cho ngân sách từ 1.681 tỷ đến 4.152 tỷ đồng do giao đất vì định giá rẻ mạt.
– Họ tính được nhà đầu tư đã thu lợi ít nhất là từ 2.698 tỷ đến 7.787,8 tỷ đồng vì giao đất không qua đấu giá.
Hàng ngàn tỷ đồng tài nguyên đất đai chui vào túi nhà đầu tư một cách quá dễ dàng, vì thiếu năng lực, vì thiếu trách nhiệm, hay vì …? Nói tham nhũng, móc ngoặc thì … không có chứng cứ.
Theo lời một vị là lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Rạng Đông, đã gắn bó, gần gũi với Nguyễn Văn Đông hơn 15 năm nói: chi phí giao dịch cho dự án hanh thông, riêng tiền mặt không dưới 800 tỷ đồng; đó là chưa kể chia cổ phần ảo, một số lô đất làm quà tặng hay bán với giá tượng trưng.
(Hình dung: 800 tỷ đồng, nếu tờ 100.000 đồng, chở xe tải đúng 8 tấn, rộng đến 74.880 m2, rải phủ cả Sân golf Phan Thiết vẫn còn thừa tiền.)
Xin dành kết luận: có / không nhóm lợi ích, tham nhũng, móc ngoặc cho bạn đọc.
Ở đây chúng tôi chỉ ra một số cá nhân, đơn vị tích cực ủng hộ mang tính quyết định dự án Sân golf Phan Thiết của Nguyễn Văn Đông.
– Về phía tỉnh Bình Thuận gồm có: lãnh đạo (thường trực) tỉnh ủy, UBND tỉnh lúc đó, cụ thể là các ông Bí thư tỉnh ủy Huỳnh Văn Tý, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương, Phó Bí thư (nay là Bí thư) tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng. Cùng với ban tham mưu gồm: Giám đốc sở Tài chính Tăng Việt Cường, Giám đốc sở Tài nguyên môi trường Huỳnh Giác, Cục trưởng Cục thuế Nguyễn Thành Tâm, tiếp theo là Nguyễn Văn Tài, cán bộ khối Văn phòng UBND tỉnh, … Còn cơ quan Công an, Viện Kiểm sát thì có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người dân từ khi manh nha (kế thừa ý chí lãnh đạo cũ là Bí thư Nguyễn Ánh Minh và Chủ tịch Huỳnh Tấn Thành).
– Về phía Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: ngoài các ông Hoàng Trung Hải, Trịnh Đình Dũng là người tham gia, chỉ đạo xử lý trực tiếp về việc quy hoạch, xây dựng. Còn có các quan: Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã nhận đơn khiếu nại từ Bình Thuận, biết … nhưng không giải quyết triệt để, rốt ráo vụ việc theo đề nghị trong đơn.
4. Di chứng
Nhìn biểu đồ điểm CPI Việt Nam tăng từ 2016 đến nay (hình 6.5), phù hợp với giai đoạn ông Nguyễn Phú Trọng thực hiện chiến dịch đốt lò để buộc “củi khô, củi tươi” gì cũng phải cháy; đồng thời với thành công của Chính phủ trong xử lý đại dịch Covid-19, người dân bắt đầu lấy lại niềm tin. Nhưng vẫn dưới mức trung bình là 50/100, tức là Chỉ số Cảm nhận tham nhũng vẫn còn đáng lo và chưa biết đến khi nào Việt Nam mới được thừa nhận là một nền kinh tế thị trường đầy đủ?!
Mặc dù đảng, nhà nước Việt Nam luôn thông báo và mong muốn mở cửa, hội nhập, kể cả cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những lĩnh vực đầu tư có hàm lượng trí tuệ và tạo ra giá trị gia tăng cao.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, họ còn phải kiểm chứng, phân tích từ thực tế và đặc biệt là kinh nghiệm của nhà đầu tư đến trước. Đối với nhiều nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, thì Sân golf Phan Thiết – dự án Ocean Dunes Golf Club lại được mang ra phân tích. Sân golf Phan Thiết là dự án đầu tiên của Hoa Kỳ đầu tư vào tỉnh Bình Thuận, quá trình hình thành dự án đánh dấu các mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ là: Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bỏ hoàn toàn cấm vận ngày 03/02/1994 và bình thường hóa quan hệ ngoại giao ngày 11/07/1995.
Vụ xẻ thịt Sân golf Phan Thiết, làm cho những người làm việc trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, dù rất yêu nước vẫn khó trả lời được những câu hỏi, đại loại như:
1) Tại sao quy hoạch chiến lược của Việt Nam lại điều chỉnh quá nhanh, đột ngột và không công khai?
2) Tại sao chính quyền chỉ tạo điều kiện cho một Rạng Đông, mà không tạo cơ hội bình đẳng cho các nhà đầu tư khác?
3) Tại sao Sân golf Phan Thiết thua lỗ kéo dài không cho phá sản, rồi để nhiều Công ty khác đấu giá mua lại công khai theo quy hoạch mới?
Nghịch lý: Trong khi Hòa Kỳ cho phép Rạng Đông tham gia đấu giá bình đẳng, loại các đối thủ khác để mua thành công hãng rượu phá sản ở Napa Valley, California năm 2011 với giá 6.250.000 dollars trên diện tích hơn 7 ha đất; nhưng ở Việt Nam thì Rạng Đông lại độc quyền thâu tóm sân golf thua lỗ, đơn phương chuyển hội viên đi, vận động rút sân golf ra khỏi quy hoạch để phân lô bán nền thu siêu lợi nhuận.
– Với tư cách là một Đại biểu Quốc hội – cơ quan lập pháp cao nhất của Việt Nam, lại là một Luật sư, hy vọng ông Nguyễn Văn Đông sẽ trả lời các câu hỏi và nghịch lý trên. Khi những câu hỏi chưa trả lời và nghịch lý chưa giải quyết thì các nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài vẫn cho rằng “ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM RẤT MẠO HIỂM”.
– Còn với tư cách Anh hùng của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Văn Đông chỉ vụ lợi cho cá nhân; công chức dễ mua chuộc, thực thi công vụ không nghiêm, đặt lợi ích quốc gia mức thấp. Các nhà đầu tư bền vững sẽ thấy “ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM QUÁ RỦI RO”.
Mặc dù rất quyết tâm “làm tổ”, nhưng “đại bàng” vẫn chưa chịu đến. Việt Nam thành công chống Covid-19, đến hậu Covid-19 thì “27 công ty Mỹ sắp di dời nhà máy từ Trung Quốc tới Indonesia” [6.9], không chọn Việt Nam cũng có lý do.
Di chứng Sân golf Phan Thiết với quy hoạch không gian đô thị vội vã, tối đa lợi nhuận; một thành phố du lịch biển hoàn toàn mới mà mật độ xây dựng lên đến 56%, dày đặc, hoàn toàn vắng những mảng xanh, không gian công cộng, từ trên nhìn xuống giống như nghĩa địa cao cấp ven biển (hình 6.6).
(Xem tiếp bài cuối: Câu hỏi còn để ngỏ…)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét