Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

1490 - Đạo văn – Kỳ 3: Vì sao và làm thế nào để bớt đạo




“Pereant qui ante nos nostra dixerunt.”
(“Khốn cho kẻ nào nói những thứ hay ho của ta trước ta”)
Tác giả câu nói trên được cho là Aelius Donatus, một nhà văn phạm La Mã nổi tiếng vào thế kỷ thứ tư. Donatus chắc chắn không phải người đầu tiên, và đương nhiên không phải là người cuối cùng thốt lên điều tương tự. 
(Đấy là nếu thật sự ông đã nói vậy. Người ta chỉ biết điều này qua lời một học trò của Donatus.)
Hầu như ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần có cảm giác tiếc rẻ khi nghĩ được một thứ gì đó “cực đỉnh” để rồi phát hiện ra đã có người nói về nó từ vài chục, vài trăm, thậm chí là vài ngàn năm trước.
Cảm giác sinh sau đẻ muộn (belatedness), khi mọi thứ hay ho đều bị thiên hạ “giành” hết cả, không phải là điều duy nhất khiến nhiều người “giành lại” cái người khác nghĩ ra và gán nó là của mình.
Sự ra đời của internet, đặc biệt là mạng xã hội, được cho là tạo thêm áp lực lên mỗi cá nhân, khiến “mỗi chúng ta đều luôn có cảm giác bức bối phải nói điều gì đó, và phải nói ngay lập tức, nhưng rồi chẳng biết nói cái gì, nên ta xào nấu, vay mượn, và tệ nhất là ăn cắp chữ của người khác”.
Có rất nhiều những lý do khác nhau dẫn đến hành vi đạo văn.
Một bài viết trên Inc. liệt kê tám động cơ phổ biến của các “đạo nhân”:
1. Sợ thất bại: sợ không đạt được yêu cầu đặt ra, nên tìm cách đi đường tắt.
2. Đạt kết quả là được: bất chấp các luật lệ, quy tắc đạo đức, miễn đạt được kết quả mong muốn.
3. Căng thẳng: lo lắng trước áp lực, gian lận để dễ thở hơn.
4. Tâm lý ngạo nghễ vô địch: nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ bị phát giác, và sẽ không có hậu quả xấu nào xảy ra.
5. Kỹ năng kém: chưa đủ khả năng tự tạo ra nội dung tốt, sao chép của người khác để hoàn thiện ý tưởng của mình.
6. Đối phó với thứ xa lạ: gặp đề tài, thử thách mới, tìm cách sao chép từ người khác để khỏi đối mặt với những vấn đề chưa bao giờ gặp.
7. Không quan tâm: sao chép cho xong việc để dành thời gian cho thứ mình thật sự muốn làm.
8. Môi trường gian lận: nhìn xung quanh thấy ai cũng gian lận, bắt chước làm theo để “thành công”.
Nói đến môi trường, có lẽ ít nơi nào tình trạng gian lận/ đạo văn nhiều bằng học đường.
Trong 10 lý do sinh viên đạo văn được nhắc đến trên tạp chí dành cho giáo dục Kappan, có hơn một nửa liên quan đến việc thiếu kỹ năng và ý thức kém.
Điều này không có gì ngạc nhiên, khi vốn dĩ trường học chính là nơi lý tưởng nhất để người ta học cách giải quyết những vấn đề đó.
Nhưng nhiều trường học có vẻ như đang loay hoay trong việc “dọa” sinh viên nhiều hơn là “dạy” họ cách để không cần phải đạo văn.
Một nghiên cứu thực hiện ở các trường đại học tại Nam Phi chỉ ra rằng nhiều nơi lệ thuộc vào phần mềm để xử lý các trường hợp nghi ngờ đạo văn. Phần mềm được nhắc đến ở đây là Turnitin, một trong những công cụ phổ biến nhất hiện nay được dùng để phát hiện đạo văn. Về cơ bản, Turnitin so sánh bài viết với kho cơ sở dữ liệu của mình, đánh dấu những đoạn văn hay câu chữ nghi vấn và cho ra kết quả “chỉ số trùng lặp”. Trên website của mình, Turnitin khẳng định kết quả này không đồng nghĩa với “chỉ số đạo văn”, rằng người ta phải trực tiếp đánh giá nội dung của từng bài viết.
Trên thực tế, nhiều trường đại học đưa ra đánh giá thuần túy dựa trên chỉ số này, rằng nếu vượt quá một mốc chỉ số đặt ra, bài viết sẽ tự động bị đánh trượt với lỗi đạo văn.
Để dễ hình dung, nếu đưa tác phẩm của Shakespeare và Nguyễn Du vào cơ sở dữ liệu của Turnitin và tự động đánh giá theo tiêu chí trên, khả năng rất cao hai thi hào này sẽ không bao giờ tốt nghiệp.
Đánh giá một sản phẩm sáng tạo có phải là kết quả sao chép gian lận từ một sản phẩm sáng tạo khác hay không, chắc chắn không thể dựa vào những con số so sánh vô tri vô giác.
Ngay cả bản thân việc đánh giá kiểm tra cũng chỉ là động tác sau cùng. Để hạn chế các hành vi đạo văn, cần những hành động ngăn chặn ngay từ đầu, hay nói chính xác, ngay từ trong đầu của mỗi người.
Sự thật là việc sao chép bắt chước người khác luôn luôn dễ hơn rất nhiều so với việc tự nghĩ ra nội dung của riêng mình.
Câu hỏi vì sao người ta lại đạo văn vì thế không quan trọng bằng một câu hỏi khác.
Vì sao cần phải tạo ra một tiếng nói riêng của chính mình?
Trang WriteCheck đưa ra sáu lý do cho việc đó.
1. Tạo ra và đóng góp một thứ mới
Bạn sẽ đóng góp một thứ gì đó mới mẻ cho xã hội khi viết ra bằng lời của chính mình. Nếu mỗi người đều bắt chước sao chép y chang kẻ khác, xã hội sẽ không bao giờ tiến bộ (đến giờ này chúng ta sẽ không có chữ viết mà vẫn chỉ đang bắt chước nhau vẽ nguệch ngoạc trên đá).
2. Học cách viết
Cho dù ở bất kỳ lĩnh vực gì, kỹ năng viết tốt cũng sẽ giúp ích trong việc giao tiếp với mọi người. Còn nếu chỉ biết sao chép, bạn đang tự tước bỏ đi cơ hội được học của mình.
3. Cho thấy khả năng hiểu biết vấn đề
Tự viết bằng lời của chính mình vừa cho thấy khả năng sáng tạo, vừa thể hiện mức độ hiểu biết về đề tài.
4. Học hỏi và ghi nhớ thông tin
Trình bày một thứ đã học bằng ngôn ngữ của chính mình là một trong những cách hiệu quả nhất để học và lưu trữ thông tin về lâu dài.
5. Thể hiện sự trung thực
Tự viết ra bằng lời văn của mình là một chỉ dấu của sự trung thực. Nó cho thấy cố gắng trong việc suy nghĩ cẩn trọng và khả năng giao tiếp rõ ràng về một đề tài.
6. Khỏi dính phải hậu quả của đạo văn
Đạo văn là một hành động rất dễ thực hiện, và đầy cám dỗ, vì nó là cách nhanh nhất để xong việc. Nhưng hậu quả của nó thì rất nghiêm trọng, cả trong hiện tại lẫn tương lai. Tự viết ra bằng suy nghĩ của chính mình là cách để cứu bản thân khỏi những hậu quả đáng tiếc sau này.
Đại học Oxford trong khi đó giải thích lý do ngắn gọn vì sao sinh viên không nên và cũng không cần phải đạo văn: bạn đến đây để học cách hiểu bản thân và cất lên tiếng nói của chính mình, chứ không phải lặp lại suy nghĩ của người khác. Bạn không nhất thiết sẽ làm một triết gia có suy nghĩ độc đáo, nhưng bạn cần phải trở thành một người có tư duy độc lập.
Có thể thấy nơi nào không cho phép sự tồn tại của những con người có tư duy độc lập, được tự do cất tiếng nói, nơi đó không chỉ là mảnh đất lành của đạo văn.
Nó là thiên đường của tất cả các loài đạo tặc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét