Cảnh sát Hồng Kông bắt một thiếu niên tham gia biểu tình chống Trung Quốc thông qua luật kiểm soát cựu thuộc địa này của Anh. Đây là một trong những lý do làm cho Mỹ và Trung Quốc đối đầu. (Hình minh họa: AP Photo/Kin Cheung)
Cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể sắp chuyển sang một mặt trận mới, khốc liệt hơn nhiều. Đó là “chiến tranh tài chánh” tiếp nối những cuộc xung đột về thương mại, công nghệ và truyền thông. Một trận chiến tài chánh sẽ ảnh hưởng không chỉ tới Trung Quốc và Mỹ mà kéo cả thế giới vào một cuộc hỗn loạn lớn, tác động đến từng gia đình.
Từ thương chiến tới chiến tranh tài chánh
Khi cuộc chiến thương mại bắt đầu gần ba năm trước, hai bên sử dụng vũ khí thuế suất: Mỹ tăng thuế lên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc, Trung Quốc trả đũa bằng cách tăng thuế lên hàng hóa nhập cảng từ Mỹ. Chỉ sau vài hiệp đấu, Trung Quốc “hết đạn” vì giá trị hàng hóa Mỹ nhập vào Trung Quốc chỉ bằng một phần nhỏ so với hàng Trung Quốc bán sang Mỹ. Bắc Kinh đành phải bấm bụng ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, chịu mua thêm nhiều hàng Mỹ.
Cuộc chiến tiếp diễn ở mặt trận công nghệ, lúc đầu Mỹ trừng phạt công ty viễn thông ZTE của Trung Quốc, Chủ Tịch Tập Cận Bình phải đích thân nài nỉ ông Trump “tha” cho. Mỹ lại nhắm tới con cá lớn hơn là tập đoàn công nghệ Hoa Vi (Huawei) – cấm các công ty Mỹ cung cấp linh kiện và nhu liệu cho công ty này, rồi đi xa hơn, cấm bán cho Hoa Vi những sản phẩm bán dẫn được chế tạo bằng thiết bị và công nghệ Mỹ cho dù nhà sản xuất là ai!
Mỹ còn vận động các đồng minh không cho Hoa Vi tham gia thiết lập mạng viễn thông thế hệ thứ năm (5G), Trung Quốc dọa sẽ trả đũa bằng việc trừng phạt các công ty công nghệ Mỹ như Apple. Nhưng dọa thế thôi, các “ông lớn” công nghệ như Google (Alphabet), Facebook bị cấm ở Trung Quốc từ lâu rồi.
Trong lĩnh vực truyền thông, Mỹ đặt các tổ chức truyền thông Trung Quốc vào diện cơ quan chính phủ nước ngoài, Bắc Kinh đáp trả bằng việc trục xuất ba phóng viên báo The Wall Street Journal.
Mỹ buộc số phóng viên Trung Quốc tại Mỹ giảm từ 160 xuống 100 người, Bắc Kinh thu hồi giấy phép hành nghề tại Trung Quốc của phóng viên The New York Times, The Washington Post, và The Wall Street Journal…
Chính phủ Mỹ hôm Thứ Sáu, 29 Tháng Năm, thông báo hạn chế visa cấp cho khoảng 3,000 sinh viên Trung Quốc vào theo học bậc cao học tại Mỹ.
Cứ thế, Bắc Kinh và Washington “ăn miếng trả miếng” suốt vài năm qua, chưa phân thắng bại.
Thế rồi đến cuộc chiến tài chánh. Đầu Tháng Năm, Tổng Thống Trump ra lệnh không cho các quỹ hưu bổng liên bang mua cổ phần các công ty Trung Quốc. Các quỹ này nắm trong tay hàng trăm tỷ đô la, đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu lấy tiền lời trả lương hưu cho người Mỹ.
Vài ngày sau, Thượng Viện Mỹ thông qua dự luật đòi hỏi các công ty Trung Quốc giao dịch cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán Mỹ phải minh bạch với các cơ quan kiểm toán về tài chánh và sở hữu chủ. Nhưng cho đến nay, Trung Quốc vẫn quy định sổ sách tài chánh của các công ty quốc doanh xứ này là bí mật quốc gia mà người ngoài không được phép tiếp cận, nhà đầu tư không được phép biết ai là chủ nhân thật sự của các đại công ty như Baidu, Hoa Vi và vô số các công ty khác. Cho nên, nếu dự luật được Quốc Hội phê chuẩn, sẽ dẫn tới việc các công ty Trung Quốc phải rút ra khỏi thị trường chứng khoán New York và Nasdaq.
Tuần này, tình hình thêm căng thẳng sau khi các nhà lập pháp Mỹ đề nghị cấm vận các ngân hàng Trung Quốc nếu đảng Cộng Sản quyết tâm áp đặt luật an ninh quốc gia có thể xói mòn quy chế tự trị của Hồng Kông – việc mà Quốc Hội bù nhìn của nước này đã làm chiều Thứ Năm vừa qua.
Hôm Thứ Sáu, Tổng Thống Donald Trump tuyên bố hủy bỏ quy chế ưu đãi đặc biệt cho Hồng Kông theo luật Chính Sách Hồng Kông năm 1992, nhưng chưa rõ liệu Mỹ có tiến xa tới mức cấm vận các ngân hàng Trung Quốc hay không.
Nếu Mỹ quyết tâm chặn dòng luân chuyển tài chánh thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ gặp thử thách lớn và có nguy cơ sụp đổ bởi vì dù có quy mô lớn thứ hai thế giới, kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc nặng nề vào các hệ thống tài chánh toàn cầu do Mỹ thống trị với đồng đô la là trụ cột.
Trung Quốc chuẩn bị đối phó
Lâu nay, trong giới tài chánh Trung Quốc, có một cuộc bàn luận quanh chủ đề làm thế nào để đối phó nếu Mỹ tung ra “quả đấm ngàn cân” như vậy và lôi kéo Bắc Kinh vào cuộc chiến tranh tài chánh tiền tệ.
Cựu Bộ Trưởng Tài Chánh Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei), cố vấn hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, cảnh báo, do Bắc Kinh không nhân nhượng nên Washington tất yếu sẽ gia tăng áp lực, từ thuế quan tới hạn chế công nghệ rồi tới “chiến tranh tài chánh” tổng lực.
Một số nhân vật diều hâu trong chính quyền Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh đối phó bằng cách bán tháo $1,100 tỷ trái phiếu Mỹ (Treasure Bond) mà Trung Quốc nắm giữ, nhưng những người am hiểu thì cho rằng chiêu thức đó lợi bất cập hại, nếu ra đòn thì người bị thiệt là Trung Quốc.
Ông Vương Hội Diệu (Wang Huiyao), chủ tịch Trung Tâm Trung Quốc và Toàn Cầu Hóa ở Bắc Kinh, cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, thì cứng cỏi hơn.
“OK. Hoa Kỳ có lợi thế về hệ thống tài chánh. Nhưng lợi thế đó không tồn tại vĩnh viễn mà chỉ là nhất thời. Nó sẽ thôi thúc Trung Quốc đẩy nhanh việc phát triển một hệ thống tài chánh riêng của mình. Và rồi Hoa Kỳ sẽ hối tiếc,” Vương nói, theo nhật báo The Washington Post.
Thực tế, cách đây mấy năm Trung Quốc đã cùng với các đồng minh Nga, Venezuela, và Iran tìm cách thiết lập một hệ thống thanh toán quốc tế mới, thay thế cho hệ thống hiện hữu lấy đồng đô la Mỹ làm trung tâm. Nhưng kế hoạch này chưa đi tới đâu vì các nước đồng minh của Trung Quốc đang vật lộn với tình trạng bị quốc tế cấm vận và thị trường dầu mỏ – sản phẩm chủ lực của cả Nga, Iran, và Venezuela – cứ phập phù và chao đảo liên tục.
Trung Quốc cũng có nhiều nỗ lực nâng cao vị thế đồng tiền của họ, đưa đồng nguyên (yuan) lên hàng các đồng tiền dự trữ chiến lược của thế giới. Nỗ lực này thành công một phần khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) dưới thời bà Christine Lagarde làm tổng giám đốc quyết đưa đồng nguyên của Trung Quốc vào cơ cấu “quyền rút vốn đặc biệt” (Special Drawing Right, SDR) – một đơn vị kế toán của IMF hình thành năm 1969 dựa trên giá trị của đồng đô la của Mỹ, đồng bảng của Anh, đồng yen của Nhật, và đồng euro của Châu Âu, để hỗ trợ các nước thành viên xây dựng quỹ dự trữ quốc gia.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, đồng nguyên vẫn chỉ được sử dụng trong chưa tới 2% tổng số các vụ chuyển ngân giữa các quốc gia và chiếm tỷ trọng không đáng kể trong quỹ dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương. Vị thế thống soái của đồng đô la Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu suy suyển.
Chưa kể, từ năm 2014 đến nay, để nâng cao vị thế của đồng nguyên, Trung Quốc phải liên tục bán ra các đồng tiền mạnh trong quỹ dự trữ ngoại hối, ước đoán quỹ này có giá trị khoảng $3,100 tỷ năm 2014 nhưng hiện chỉ còn khoảng 75%.
Mấy tháng gần đây, Trung Quốc thử nghiệm việc nghiên cứu và sử dụng đồng tiền ảo (crypto-currency) ở một số đô thị lớn, làm phương tiện thanh toán không phụ thuộc vào tiền giấy, ông Tập Cận Bình coi đây là ưu tiên chiến lược của quốc gia, nhưng chưa có kết quả rõ rệt.
Trong tình hình đó, nếu Mỹ cấm vận các ngân hàng Trung Quốc, cấm tiếp cận các thị trường tài chánh sử dụng đồng đô la Mỹ, thì Trung Quốc sẽ khốn đốn vì Trung Quốc vẫn cần đồng đô la Mỹ để trả nợ, mua sắm nguyên liệu hàng hóa, từ việc mua các công ty nước ngoài tới nhập cảng dầu mỏ, linh kiện bán dẫn và ngũ cốc.
Mỹ còn phân vân
Hiện chưa rõ chính phủ Mỹ có đi tới bước quyết định cấm vận các ngân hàng Trung Quốc hay không, còn việc ngăn chặn các quỹ hưu bổng đầu tư vào các công ty Trung Quốc và loại các công ty này khỏi thị trường chứng khoán Mỹ – hiện có khoảng 150 công ty với tổng vốn thị trường khoảng $1,300 tỷ đã rơi vào tầm ngắm – đang được xúc tiến.
Thượng Nghị Sĩ Patrick J. Toomey (Cộng Hòa-Pennsylvania), thành viên Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện, cho biết ông đang thảo một dự luật gây sức ép lên hệ thống ngân hàng Trung Quốc để trả đũa những hành vi xâm lấn của Bắc Kinh ở Hồng Kông.
Thượng Nghị Sĩ John Neely Kennedy (Cộng Hòa-Louisiana), đồng tác giả Dự Luật S-945 mà Thượng Viện mới phê chuẩn, bắt buộc các công ty muốn giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ phải chứng minh họ không nằm trong sự kiểm soát của các chính phủ nước ngoài, nhận định rằng với xu thế bài Trung Quốc đang lên cao ở Mỹ thì những biện pháp trừng phạt như vậy sẽ dễ dàng đạt được sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington, DC.
Ông Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược của Tổng Thống Trump, cho rằng, biện pháp loại các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường chứng khoán “chỉ là bước đầu tiên,” mở đầu cho hàng loạt các đòn mạnh mẽ khác.
Tuy nhiên, vấn đề còn ở chỗ bản thân ông Trump không mấy mặn mà với các biện pháp tài chánh mà muốn tiếp tục dùng thuế quan làm vũ khí chính. Trên đài Fox News cách đây vài hôm, khi nói về Dự Luật S-945 của Thượng Viện, ông Trump cho rằng, nếu bị cấm cửa ở Mỹ, các công ty Trung Quốc sẽ chuyển sang giao dịch trên các sàn chứng khoán London hoặc Hồng Kông.
Ông Robin Li, chủ tập đoàn Baidu của Trung Quốc, cũng có ý kiến như vậy.
Ở Trung Quốc, việc chuẩn bị cho chiến tranh tài chánh Mỹ-Trung đang tăng tốc dù một số nhà phân tích vẫn hy vọng điều đó sẽ không xảy ra.
Ông Vương Văn (Wang Wen), giám đốc Viện Nghiên Cứu Tài Chánh Trùng Dương (Chongyang) ở Bắc Kinh, cho rằng, chính phủ Mỹ muốn mạnh tay với Trung Quốc nhưng giới kinh doanh tài chánh ở Wall Street chỉ muốn lợi nhuận và chính đồng tiền lời là động cơ mạnh nhất buộc Washington phải cân nhắc trong quan hệ với Trung Quốc.
“Bản chất mưu cầu lợi nhuận của tư bản quyết định Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường được tìm kiếm nhiều nhất. Ai đánh mất thị trường Trung Quốc thì cũng đánh mất tương lai,” ông Vương nói với nhật báo The Washington Post.
Hôm Thứ Sáu, 29 Tháng Năm, tuy thông báo ra lệnh cho hành pháp Mỹ bắt đầu tiến trình gỡ bỏ những ưu đãi đặc biệt cho Hồng Kông và cấm vận những cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm “bóp nghẹt tự do của Hồng Kông,” ông Trump chưa đặt ra khung thời gian cụ thể cho tiến trình này.
Cỗ máy chiến tranh tài chánh Mỹ – Trung Quốc mà vài tháng trước không ai nghĩ tới, đã bắt đầu khởi động!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét