BBC
Covid-19 đã làm thay đổi căn bản cách chúng ta giao tiếp với nhau, và nghi thức chào hỏi có tiếp xúc cơ thể trực tiếp, có khả năng lây lan virus, là một trong những nạn nhân văn hóa đầu tiên.
Covid-19 đã làm thay đổi căn bản cách chúng ta giao tiếp với nhau, và nghi thức chào hỏi có tiếp xúc cơ thể trực tiếp, có khả năng lây lan virus, là một trong những nạn nhân văn hóa đầu tiên.
Nhưng cách mọi người trên khắp thế giới thích nghi với thực tế mới này cho thấy rằng chúng ta không hề mất đi nhu cầu rất con người trong việc thể hiện thái độ "xin chào".
Nghi thức chào hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng chào bằng lời nói hay bằng cử chỉ giúp chúng ta xác định ranh giới tương tác giữa mình với người khác.
"Nghi thức chào hỏi giống như một miếng bọt biển vậy. Nó hấp thụ trong đó tất thảy những thứ khác nhau: mối quan hệ mà chúng ta có, văn hóa ứng xử của chúng ta," ông Alessandro Duranti, giáo sư nhân chủng học tại Đại học California, Los Angeles, nói.
"Nghi thức chào hỏi ghi nhận rằng có điều gì đó đang sắp diễn ra trong bối cảnh rộng lớn hơn nhiều chứ không chỉ bó hẹp trong sự tiếp xúc nho nhỏ đó" - mà trong trường hợp này là chuyện Covid-19 đang hoành hành.
Từ thói quen của người Ấn Độ cổ xưa, nắm tay nhau thật chặt, cho đến cách rất mới của các chính trị gia Hoa Kỳ, cụng khuỷu tay lúc gặp nhau, cách mọi người định hình lại nghi thức chào hỏi để thích nghi với việc sống chung với virus corona cũng thể hiện những điều sâu xa trong các nền văn hoá khác nhau.
Để tìm hiểu, chúng tôi đã nói chuyện với người dân địa phương ở bảy quốc gia về tầm quan trọng về mặt văn hóa của thói quen chào hỏi truyền thống và Covid-19 đã làm thay đổi chúng ra sao.
Có lẽ một trong những cách chào hỏi ấn tượng nhất xuất hiện gần đây là 'bắt chân Vũ Hán', thay cho cái bắt tay.
Nó được đặt theo tên của thành phố nơi Covid-19 khởi phát.
Hình thức 'bắt chân', hai người đá nhẹ lòng bàn chân với nhau, bắt đầu xuất hiện vào tháng Ba năm nay sau khi các video clip về cách chào hỏi mới lan truyền nhanh chóng.
Các chính trị gia có tiếng như Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Tổng thống Tanzania John Magufuli đã công khai làm động tác 'bắt chân Vũ Hán', gây đồn đoán rằng nó có thể sẽ trở thành cách bắt tay mới của thế giới.
Tuy nhiên, 'bắt chân Vũ Hán' sẽ khó có thể thay thế được nghi thức chào hỏi điển hình của người Trung Quốc, là cái bắt tay hiện đại hay chắp tay cung kính trước ngực ra đời từ 3.000 năm trước và nay vẫn được thể hiện trong các dịp Tết Nguyên đán, đám cưới hoặc các lễ trang trọng khác.
Mặc dù được truyền thông nhắc đến nhiều, song 'bắt chân Vũ Hán' vẫn chưa trở thành thông lệ, thậm chí còn chưa phổ biến ở các tỉnh thành khác của Trung Quốc.
New Zealand
Một tuần trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch, ngày 11/3, các nhóm người Maori bản địa trên khắp đất nước New Zealand đã yêu cầu các thành viên không chào hỏi nhau bằng nghi thức hongi truyền thống nữa, là cách chào mũi chạm mũi, trán chạm trán giữa hai người.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã sớm nhắc đi nhắc lại thông điệp trên toàn quốc, kêu gọi tất cả công dân Kiwis bản xứ "ngưng bắt tay, ôm hôn và hongi".
Rangi Matamua, giáo sư nghiên cứu địa phương học tại Đại học Waikato cho biết là nhiều người Maori đã chọn cách hất cằm và nhướn lông mày để chào nhau.
Cách chào hỏi này, vốn đã phổ biến trước khi có Covid-19 và không chỉ được dùng duy nhất bởi người Maori, trước mắt sẽ thay thế hongi.
Hongi có tầm quan trọng văn hóa sâu sắc, bắt nguồn từ sự tích hình thành vạn vật, trong đó thần rừng Tane đã thổi sự sống để tạo nên người phụ nữ đầu tiên.
Mặc dù vậy, các quy định bỏ hongi hầu như không gặp phải chống đối nào, Matamua nói. Điều này có thể là do các nhóm địa phương đã từng tuân theo các hướng dẫn tương tự trong đại dịch cúm 1918 vốn để lại dấu ấn chết chóc đau thương ở New Zealand.
"Điều quan trọng nhất trên thế giới là con người," ông Matamua trích dẫn một câu ngạn ngữ Maori. "Vì vậy, nếu phong tục tập quán không còn thích hợp hoặc gây tổn hại cho con người, chúng ta sẽ thay đổi nó."
Những nụ hôn má của người Pháp (bise) cũng không được khuyến khích từ đại dịch cúm năm 1918, tuy nhiên họ mất nhiều thời gian để có thể chấm dứt thói quen hôn nhau trong đại dịch lần này, không nhanh như người Maori từ bỏ hongi.
Chưa đầy một tuần trước khi chính phủ Pháp áp đặt lệnh cách ly tại nhà, 66% trong một cuộc khảo sát đã trả lời rằng họ vẫn trao nhau những nụ hôn.
Đến cuối tháng Ba, con số đó đã giảm xuống chỉ còn 6% khi người Pháp thay thế bằng một phiên bản "hôn bằng lời nói!", kiểu như "gửi tới bạn một nụ hôn!" hoặc giản dị thân mật hơn thì là hôn gió để chào nhau từ xa.
Đã có tiền lệ về văn hóa cho sự thay đổi này, khi nụ hôn bằng lời nói đôi khi được dùng bởi những người nhiễm bệnh trong mùa cúm.
Tuy nhiên, quá trình thay đổi trên toàn quốc thật sự khó khăn, đặc biệt là đối với phụ nữ Pháp, theo Claudine Gauthier, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Bordeaux.
Trong khi đàn ông ưa thích cách bắt tay với nhau, thì phụ nữ thường chào hỏi nhau bằng những nụ hôn hai bên má, điều này có thể giải thích tại sao một số người chưa thể nhanh chóng dứt bỏ thói quen hôn.
Theo Gauthier, sự miễn cưỡng từ bỏ nụ hôn khi gặp nhau tỷ lệ thuận với mức độ quan trọng ngày càng tăng đối với bản sắc văn hóa Pháp.
Cho đến cuối thập niên 1960, nụ hôn vẫn là thói quen chào hỏi giữa những người thân thiết, chỉ được dành cho các thành viên trong gia đình và với trẻ con.
Trong bối cảnh đó, hành vi hôn má trở thành hành động tượng trưng cho sự phổ cập hoá văn hóa Pháp và sự nới lỏng các hạn chế xã hội trong việc giao tiếp giữa phái nam và phái nữ.
Việc từ chối một nụ hôn bise khi chưa có quy định về giãn cách xã hội thì bị coi là lạnh lùng, do đó, liệu việc hôn bằng lời có còn tồn tại sau thời virus corona hay không sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình hình sức khoẻ cộng đồng, Gauthier nói.
Văn hóa Tanzania có tư duy tập thể mạnh mẽ, bắt nguồn từ sự phụ thuộc lẫn nhau và hiểu rõ vị trí của mỗi người trong một hệ thống có sự phân tầng giai cấp xã hội sâu rộng, theo Alexander Mwijage, nhà nhân chủng học xã hội tại Đại học Y tế và Nghiên cứu khoa học Muhimbili ở Dar es Salaam.
Những thói quen văn hoá chào hỏi khi gặp gỡ, như người ít tuổi thì cung kính chắp tay cúi đầu còn người lớn tuổi xoa đầu người nhỏ hơn, thì liên quan sự phân tầng thứ bậc trong xã hội. Giữa các đồng nghiệp, một cái bắt tay chặt giữ lâu, những cái ôm và hôn má cũng rất phổ biến, theo Mwijage.
Gần đây, việc 'bắt chân' theo cách Vũ Hán hay chắp tay cúi chào từ xa được áp dụng cho mọi lứa tuổi và đang trở thành chuẩn mực mới, Mwijage nói.
Bởi vì cả hai cử chỉ này đều cố ý tạo không gian giãn cách giữa mọi người, Mwijage lo rằng rốt cuộc văn hóa có thể sẽ phải nhường bước trước mối quan hệ cộng đồng.
"Covid-19 đã tạo ra một mối quan hệ xa cách và làm xói mòn nghi thức mà mọi người cần có nhằm thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến nhau," Mwijage nói.
"Chân là để đi dưới đất chứ ai lại dùng để chào hỏi bao giờ. Một cú 'bắt chân' có thể hiện được tình yêu thương không? Hay sự quan tâm? Lòng kính trọng?"
Theo Mwijage, việc sử dụng khẩu trang ở Tanzania cũng làm biến dạng các tín hiệu bằng lời nói và cử chỉ phi ngôn ngữ địa phương, chẳng hạn như việc chu môi lên thường được dùng để tỏ thái độ đồng ý và các cảm xúc khác.
Ông đoán rằng những cái bắt chân và chắp tay cúi đầu sẽ sớm được thể hiện bằng những cách thức chào hỏi sáng tạo hơn khi sự giãn cách xã hội còn tiếp tục cần duy trì.
Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ
Cách chào hỏi của người Thổ Nhĩ Kỳ phản ánh di sản Hồi giáo ở nước này, với văn hóa hiếu khách và tôn trọng quyền uy xã hội của người cao tuổi.
Người trẻ tuổi sẽ nắm tay của người họ hàng lớn tuổi, hôn lên đó rồi chạm tay vào trán mình, đặc biệt là trong những ngày lễ lạt.
Hôn lên hai má là thông lệ chung giữa đồng nghiệp, bạn bè với nhau, thậm chí cả với những người mới quen.
"Việc hôn cả hai bên má, và phải là hôn hai lần, là thể hiện sự trọn vẹn," Kenan Sharpe, phóng viên và là chuyên gia về văn hóa đại chúng của Thổ Nhĩ Kỳ, nói. "Luôn phải là số chẵn. Nếu bạn không hôn cả hai bên má thì có cảm giác như là bị thiếu hụt điều gì đó vậy."
Với người Thổ Nhĩ Kỳ, màn chào hỏi không chỉ là cách đón mừng đơn thuần đối với một người mà còn thể hiện tầm quan trọng của người đó.
Khi xảy ra dịch Covid-19, người Thổ Nhĩ Kỳ đã nhìn lại lịch sử Hồi giáo để tìm cách thức chào hỏi phù hợp cho thời dịch bệnh nhằm bảo tồn những giá trị tinh thần này.
Eyvallah là cách chào hỏi không chạm vào người nhau có từ hàng thế kỷ nay, được người Ottoman sử dụng, bao gồm việc đặt bàn tay lên tim và khẽ cúi người. Cử chỉ này nhằm biểu thị người được chào đang ở trong tim bạn, và nhằm thể hiện sự kính trọng, quý mến.
Từ eyvallah có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập với nghĩa đen là "chúng ta phó thác trong tay Thượng Đế", và cách thể hiện nó được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trong thể giới Hồi giáo.
Eyvallah là cách chào phổ biến giữa đàn ông và phụ nữ trong các cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ khá là bảo thủ về mặt giao tiếp xã hội, và nó trở nên rõ nét hơn nhờ được thể hiện trong loạt chương trình truyền hình nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ, 'Phục Sinh: Ertuğrul', nói về thủ lĩnh hồi Thế kỷ 13 của người Thổ Oghuz. Ông là cha của Osman, người đã thành lập nên Đế chế Ottoman.
Cách chào eyvallah còn được cả các nhà lãnh đạo đương đại sử dụng.
Hôm 9/3, Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đã dùng nghi thức eyvallah để chào mừng Tổng Thư ký NATO, Jens Stoltenberg.
Kể từ khi các cơ quan y tế tại địa phương cấm thực hiện việc chào hỏi có tiếp xúc cơ thể, nhiều người dân UAE đã thay thế những cái ôm và chạm mũi truyền thống (nghi thức chào hỏi của người Bedouin là vừa chạm mũi vừa bắt tay) bằng cách vẫy chào hoặc đặt tay lên trái tim, nhà văn người địa phương, đồng thời là một nhà in ấn, Natasha Amar, nói.
Trước khi xảy ra Covid-19, đặt tay lên trái tim đã là một cách chào hỏi phổ biến giữa những người UEA khác giới, nhưng việc chào hỏi mà không đụng chạm giữa những người cùng giới tính là điều bất thường về văn hóa mà người UEA đang phải cố gắng thích nghi.
Phụ nữ Dubai thường trao nhau nụ hôn má trong khi đàn ông thì chạm vào mũi nhau.
"Nếu như có gì đáng nói, thì việc [giãn cách xã hội] có lẽ khiến chúng ta nhận ra rằng nghi thức chào hỏi quả là một món quà quý báu của cộng đồng [và] thật tuyệt vời biết bao khi con người có thể tiếp xúc thân mật với nhau," Amar nói.
Có một chủ đề chung giữa nhiều nhóm sắc tộc Afghanistan, đó là việc nhấn mạnh đến sự tôn trọng, danh dự và tình yêu nồng nhiệt đối với Thượng Đế và đất nước.
Những cách chào hỏi truyền thống của người Afghanistan, như bắt tay, ôm hôn, thể hiện những giá trị trên và cho thấy đây là một nền văn hóa nồng hậu, quan tâm gần gũi giữa người với người. Ở một số tỉnh, người ta có thể trao nhau đến tám nụ hôn trong một lần chào hỏi.
Người Afghanistan có xu hướng ngồi gần sát nhau khi chuyện trò.
Trên thực tế, mùi dễ chịu là chỉ dấu cho thấy "tinh thần sáng khoái", theo các giáo sư người Rumania Cosmin Ivanciu và Viana Popica, cho nên nếu ngồi cách xa khiến người khác không ngửi thấy mùi của bạn thì bạn sẽ bị coi là bất lịch sự.
Nhưng giãn cách xã hội đã thúc đẩy mọi người thích nghi với một cái vẫy chào bằng tay phải, những cử chỉ trước đây được sử dụng để chào hỏi ai đó từ xa, Saber Alimi, một cư dân Kabul nói.
Người Afghanistan ôm hôn là "để thể hiện tình yêu", Alimi nói. Và trong khi những nghi thức chào hỏi có đụng chạm cơ thể này là một cách để tôn vinh con người, thì cách chào gần giống như phong cách quân sự cũng đã đủ thể hiện thái độ kính trọng mà người Afghanistan muốn bày tỏ khi gặp gỡ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét