Trong hình, một nhân viên tại nhà hàng The Inn at Little Washington ở Virginia đeo khẩu trang khi làm việc, vào ngày đầu tiên Virginia cho phép nhà hàng mở cửa trở lại vào hôm 29 Tháng Năm, 2020. (Hình minh họa: Olivier Douliery/AFP via Getty Images)
Ông Doug Burgum, thống đốc tiểu bang North Dakota, giọng đầy xúc động, than phiền “Thật là, theo ý tôi, một đường phân chia vô nghĩa lý.” Ông đang nói về vụ tranh chấp đang xảy ra trong tiểu bang của ông về vấn đề đeo đồ che mặt.
Ở nhiều nơi khác trên toàn Hoa Kỳ, đã có những vụ đụng độ, bởi mặt nạ nay đã trở thành biểu hiện của một cuộc chiến tranh văn hóa vốn đã xuất hiện về cách đối phó với COVID-19. Một số tiệm từ chối không cho những người đeo khẩu trang, mặt nạ vào, trong khi những tiệm khác đòi người vào tiệm phải đeo mặt nạ, còn Thống Đốc Mike DeWine của Ohio thì đã hủy lệnh đòi mọi người phải đeo, nói là ông “đã đi quá xa.”
Chưa hết, tình hình còn chính trị hóa hơn nữa khi Tổng Thống Donald Trump từ chối bất cứ một hình thức che mặt nào, trong khi đối thủ của ông trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị phải ở nhà vì đại dịch, đã chọn đeo khẩu trang cùng với phu nhân khi đi đặt vòng hoa trước Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong gần nhà.
Ở những phần khác của thế giới, ngược lại, đang có một sự gia tăng chấp nhận là đeo mặt nạ là một điều tốt. Hôm 5 Tháng Năm, The Royal Society, một tổ chức mà cái tên nghe không có gì quan trọng nhưng là tương đương với Hàn Lâm Viện Khoa Học Anh, kết luận là mặt nạ “có lẽ là khí cụ quan trọng nhất để giải quyết việc truyền bệnh trong cộng đồng.” Việc này là vì không phải là nó bảo vệ người đeo – những lý do bình thường khi chúng ta đeo nó trong giai đoạn dịch bệnh – nhưng là để nó chặn người đeo truyền bệnh cho người khác.
Sở dĩ là vậy vì COVID-19 có một điều đặc biệt kỳ lạ – những người thử dương tính với virus Corona thường không có triệu chứng. Những cuộc nghiên cứu xuất bản hôm tháng rồi trong tập san Nature chuyên về Y khoa, của một giáo sư của Viện Đại Học Quảng Châu và một giáo sư của Viện Đại Học Hồng Kông, nói là có đến 44% những trường hợp truyền bệnh đến từ những người không có triệu chứng.
Những người đã có triệu chứng dĩ nhiên không nên đi ra ngoài. Đối với họ có đeo khẩu trang hay mặt nạ N95 cũng không là chuyện phải bàn. Nhưng để bẻ gãy dây chuyền truyền bệnh thì ngay cả những người không có triệu chứng cũng phải giả định là họ có thể tạo lây lan. Virus Corona này truyền bệnh qua những giọt li ti chứa đầy virus trong nước miếng của người bệnh. Những thí nghiệm cho thấy là che mặt ngay cả giản dị chỉ bằng một cái khăn tay cũng hữu hiệu. Một cuộc nghiên cứu thấy là khăn tay đeo quanh mặt có thể giữ lại được 60% giọt nước li ti. Ở 75%, những mặt nạ giải phẫu khá hơn, nhưng không khá hơn đáng kể.
Nhiều chính phủ nay đang bắt đầu coi chuyện này là quan trọng. Một phần của những điều kiện mở cửa, chính phủ Hòa Lan đòi phải che mặt trên phương tiện chuyên chở công cộng – nhưng không phải loại dùng trong y khoa, vốn phải để dành cho nhân viên y tế. Chính phủ khuyến khích người ta tự làm lấy mặt nạ.
Không có nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng như dữ liệu về truyền bệnh từ những người không có triệu chứng để có bằng cớ không tranh cãi được về sự hữu hiệu của khẩu trang. Điều đó đòi hỏi phải có thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát, trong đó một nhóm đeo và một nhóm không đeo. Một thử nghiệm như vậy sẽ khó biện minh về phương diện đạo đức, bởi như vậy chả khác gì buộc một nhóm chịu tử vong cao hơn. Mấy con bọ, vốn cũng bị nhiễm virus Corona, là điều tốt nhất mà chúng ta có thể dùng để thử nghiệm. Thành ra các nhà nghiên cứu ở Viện Đại Học Hồng Kông đã đưa hai lồng của những chú bọ khỏe mạnh kế bên lồng của những chú bọ đã nhiễm bệnh, với một cái quạt chuyển không khí từ chuồng có bệnh sang chuồng khỏe mạnh. Thỉnh thoảng họ bỏ một cái mặt kéo dài ra ngay trước luồng gió. Với không có mặt nạ, hai phần ba số bọ khỏe mạnh bị nhiễm trong một tuần lễ. Với mặt nạ đặt giữa chuồng bọ khỏe mạnh (tức là như người không bệnh đeo mặt nạ) thì một phần ba nhiễm bệnh. Với mặt nạ đặt gần những bọ bị nhiễm bệnh, chỉ có một trong sáu con bị nhiễm bệnh.
Tuy các khoa học gia không thể cố tình thử nghiệm trên con người trực tiếp, một số đã đặt câu hỏi phải chăng thế giới nay đang thực hiện một cuộc thí nghiệm tự nhiên vốn thử giá trị của đeo mặt nạ. Ở nhiều quốc gia Đông Á, đã là một thói quen đeo khẩu trang, ngay cả trước đại dịch, để chống những bệnh đường hô hấp và nhất là để chống ô nhiễm. Rất nhiều người ở những nơi đó đã ngay lập tức bắt đầu đeo khẩu trang khi đại dịch bắt đầu. Những quốc gia đeo khẩu trang sớm đa số không đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế. Ấy vậy mà họ đã chế ngự được dịch bệnh hữu hiệu hơn là những quốc gia đóng cửa nhưng không đeo khẩu trang.
Quả là có một liên hệ giữa đeo mặt nạ và nhanh chóng kiểm soát được virus Corona. Giáo Sư Patricia Greenhalgh, giáo sư về khoa học chăm sức khỏe căn bản ở Viện Đại Học Oxford, giải thích: “Không có một quốc gia nào đeo mặt nạ sớm và với mức tuân thủ cao, mà dịch bệnh không nhanh chóng được kiểm soát.” Những người nghi ngờ thì chỉ ra là liên hệ này không chứng minh được là mặt nạ hữu hiệu, bởi ở những quốc gia đã đeo khẩu trang cũng là những quốc gia đã bị những đại dịch lần trước đe dọa, và đo đó có một hệ thống tổ chức sẵn cho thử nghiệm và theo dõi.
Ở Tây phương bình thường không ai đeo khẩu trang. Người Âu Châu chỉ đeo mặt nạ để đi dự khiêu vũ hóa trang. Nhưng ngày nay việc này đang bắt đầu lan tràn và được chấp nhận. Đeo mặt nạ cho toàn thể mọi người bắt đầu ở Cộng Hòa Czech sau khi ông Petr Ludwig, một ngôi sao YouTube người Tiệp, đưa một video lên hôm 14 Tháng Ba đề nghị nên đeo, và nó đã lan tràn. Trên truyền thông xã hội những người influencer đưa lên hình họ đeo khẩu trang. “Cây mặt nạ,” nơi người ta có thể treo những khẩu trang làm tại gia cho người khác dùng, mọc lên ở các góc đường. Đến 19 Tháng Ba, nó trở thành bắt buộc trên toàn quốc. Slovakia và Slovenia liền bắt chước làm theo.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã không ủng hộ việc rộng rãi đeo khẩu trang, và đã bị chỉ trích về điều đó. Ông Jeremy Howard, một nhà nghiên cứu ở Viện Đại Học San Francisco và đồng sáng lập ra Mask4all, một tổ chức thiện nguyện, nói: “Họ đã làm tốt khi đề nghị rửa tay và khoảng cách xã hội, nhưng họ rất chậm về mặt nạ.”
Nhưng tuy không có sự khuyến khích của WHO, những luật lệ đòi hỏi dân chúng đeo khẩu trang đang ngày càng tăng, khi ngày càng nhiều quốc gia coi những bằng cớ đó đủ mạnh để buộc phải đeo. Ấn Độ nay đòi hỏi đeo mặt nạ trong chỗ đông người. Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha cũng đòi hỏi như vậy. Ở hầu hết trên thế giới hiện nay, người ta hoặc là đeo một hình thức khẩu trang nào đó ở chỗ công cộng không cần phải được chỉ thị, hay là bị chính quyền của mình buộc phải đeo.
Trong số các quốc gia lớn, Anh Quốc và Hoa Kỳ đứng ngoài. Ở Anh, chính phủ cố vấn dân chúng đeo mặt nạ, nhưng không có bao nhiêu ảnh hưởng. Trên hệ thống xe điện ngầm Underground của Luân Đôn, chỉ khoảng một phần ba hành khách đeo. Nhưng ở Paris, trên hệ thống metro, không che mặt sẽ bị phạt vạ 135 euro, thế là ai cũng che mặt. Ở Hoa Kỳ, Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh CDC, vốn trước kia chỉ đề nghị đeo mặt nạ cho nhân viên y khoa, đổi ý vào đầu Tháng Tư. CDC nay đề nghị mọi người nên đeo ở những nơi mà khó cho người ta có thể duy trì khoảng cách an toàn. Nhiều tiểu bang đã đưa ra luật lệ, như thành phố New York. Nhưng cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục.
Tạp chí Atlantic đưa ra một lý luận cho tại sao nên đeo một hình thức che mặt nào nghe cũng hữu lý. Chỉ ra là đeo một hình thức che mặt để chặn mình lây lan cho người khác có cái lợi là chỉ cần giảm một nửa cũng có nghĩa là số người nhiễm bệnh giảm một nửa. Cứ nhân lên là thấy đeo khẩu trang sẽ giảm biết bao nhiêu tử vong. Đeo khẩu trang để chặn mình lây lan cho người khác như vậy là một hành động nhân ái và hữu hiệu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét