Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

1480 - Bảo hiểm xe máy: công ty kiếm bộn tiền, người dân ta thán

Bùi Thư BBC 

CSGT kiểm soát các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ ngày 15/5 đến hết 14/6
Cảnh sát giao thông "ra quân" kiểm tra xe cộ trong lúc dịch Covid-19 chưa qua đã gây ra nhiều tranh cãi (Hình minh họa) Trung Dũng


Vấn đề bảo hiểm bắt buộc đối với xe gắn máy đang gây nhiều bức xúc tại Việt Nam giữa lúc cảnh sát giao thông tiến hành "chiến dịch" tổng kiểm tra trên toàn quốc.
"Đây là lần thứ hai tôi mua bảo hiểm xe máy. Lần đầu là khi mới sắm xe hồi năm 2013 nên phải mua để ra giấy tờ, biển số. Mua xong rồi vứt đâu quên mất, không bao giờ dùng tới," anh Lê Minh Hải, một nhân viên văn phòng sống ở quận 12, TP.HCM, chia sẻ với BBC hôm 25/5.
Anh Hải không phải là trường hợp duy nhất. Rất nhiều người đã mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe gắn máy, sau đó quên luôn, chỉ mãi tới gần đây, khi cảnh sát giao thông "ra quân" kiểm tra, họ mới mua một tờ giấy bảo hiểm "lận lưng".
"Để phòng thân thôi chứ không hy vọng được đền bù. Có tờ giấy trong người thì công an khỏi phạt, cũng chỉ có mấy chục ngàn thôi", anh Hải chia sẻ.
'Chiến dịch' gây bức xúc
Sau thời gian cách ly xã hội để phòng dịch Covid-19, người dân Việt Nam dần trở lại nhịp sống bình thường. Số lượng xe máy lưu thông trên đường, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội lại đông đúc như trước khi dịch bệnh xảy đến.
Thế nhưng, trong lúc đang háo hức "sổ lồng", người dân phải đối mặt với một thách thức mới.
Ngày 12/5, cổng thông tin Cục Cảnh sát Giao thông thông báo, CSGT trên toàn quốc sẽ bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật tập trung kiểm soát các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ ngày 15/5 đến hết 14/6.
"Chiến dịch" bất ngờ này đã gặp phải sự phản đối của nhiều người. Các chỉ trích chủ yếu nhằm vào hai khía cạnh: thứ nhất, xe đang lưu thông bình thường, không phạm luật mà dừng để kiểm tra là làm khó người dân, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh, người dân đang gặp nhiều khó khăn; thứ hai là việc kiểm tra đối với chứng nhận bảo hiểm bắt buộc, vốn lâu nay được coi là "mua để phòng thân".
"Nên dừng ngay việc tổng kiểm tra vô điều kiện xe máy trên đường! Với xe ô tô, chỉ nên làm trong 1 tuần. Hãy để nhân dân yên ổn phục hồi cuộc sống và hoạt động kinh tế! Kho bạc sẽ đầy hơn nếu dân vui vẻ yên ổn làm ăn", trên Facebook cá nhân, nhà kinh tế Nguyễn Đức Thành viết.
Nhiều công dân mạng cảnh báo việc "ra quân" rầm rộ có thể làm gia tăng tệ mãi lộ, nhận hối lộ của cảnh sát giao thông.
"Chưa ngăn được nạn mãi lộ thì việc cho phép CSGT thổi còi bất cứ kỳ xe nào bất kỳ lúc nào và ở đâu các anh ấy thích thì không thúc đẩy, không dung túng cho nạn mãi lộ mới là chuyện lạ", nhà báo Hoàng Hải Vân, một Facebooker có ảnh hưởng lớn, chia sẻ trên trang cá nhân. Ông cũng cho rằng việc bố trí cảnh sát nhiều trên đường có thể khiến người dân "không có cảm giác an toàn".
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, một số người ở TP HCM thường sử dụng xe máy để đi làm nói họ trở nên "cảnh giác hơn" trong giai đoạn này.
"Thấy cảnh sát nhiều cũng ớn lắm", anh Lê Minh Hải nói. "Đúng là việc cảnh sát ra quân như vậy gây nhiều khó khăn cho người dân. Để người ta yên ổn làm ăn đi".
Mua bảo hiểm để đối phó
Cuộc "ra quân" của cảnh sát giao thông không chỉ nhằm vào việc kiểm tra chứng nhận bảo hiểm, mà là kiểm tra hàng loạt giấy tờ cũng như các điều kiện khác của người điều khiển xe cộ. Tuy nhiên, vấn đề bức bối nhất của người dân là chuyện kiểm tra bảo hiểm bắt buộc, mà họ nói rằng chỉ mua để đối phó chứ khi xảy ra chuyện cũng khó mà đòi bồi thường.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính, "Chủ xe cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới"
Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 25/5, luật sư Lê Trung Phát, giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát (TP HCM), cho biết trường hợp khi tham gia giao thông mà người điều khiển xe motor, xe gắn máy không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực, thì có thể bị phạt số tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

Luật sư Lê Trung Phát, giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát (TP.HCM)Bản quyền hình ảnhLÊ TRUNG PHÁT
Image captionLuật sư Lê Trung Phát, giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát (TP HCM)

"Khoản phạt này được quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông", ông nói.
Thực ra, người dân chỉ cần chi 66.000 đồng sẽ có giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc. Khi xảy ra sự cố, mức bồi thường tối đa về người là 100 triệu đồng/người/vụ, về tài sản tối đa 50 triệu đồng/người/vụ. Đó không phải là một khoản tiền quá lớn đối với những người có điều kiện mua xe gắn máy. Vấn đề gây tranh cãi, chỉ trích ở đây chính là các thủ tục rắc rối phải thực hiện để được đền bù khi có tai nạn xảy ra.
Luật sư Lê Trung Phát cho biết khi sự cố xảy ra, người dân cần thực hiện các bước sau: Ghi nhận lại sự cố bằng việc thông báo đến cơ quan công an, đơn vị bảo hiểm; Thu thập và lưu trữ chứng cứ; Tiến hành làm việc với bị hại liên quan đếm khoản tiền bồi thường, từ đó xác định giá trị bồi thường.
"Theo quy định tại Điều 28 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 sửa đổi 2010, thông thường thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là 1 năm kể từ ngày phát sinh sự kiện bảo hiểm", ông lưu ý thêm.
Quy định rõ ràng, nhưng do có rất nhiều thủ tục phức tạp cần hoàn tất trước khi được xét quyền lợi bảo hiểm nên đa phần người dân đều từ bỏ việc đòi bồi thường.
Báo VNExpress ngày 25/5 dẫn số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết trong 60 triệu xe máy hiện nay, có 30% đã tham gia bảo hiểm bắt buộc xe máy. Tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy trong năm 2019 chỉ 6% - thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 40-70% của các loại bảo hiểm phi nhân thọ khác.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, thừa nhận tỉ lệ bồi thường thấp là do quy trình, hồ sơ bồi thường khó khăn khiến người mua ngại đòi bảo hiểm khi gặp sự cố.
"Có những vụ tai nạn không nghiêm trọng, người dân gọi công an thì được bảo tự thỏa thuận, còn gọi doanh nghiệp thì có bên nào đến không", ông Khánh nói trong một buổi trao đổi với báo chí mới đây.

CSGT kiểm soát các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ ngày 15/5 đến hết 14/6Bản quyền hình ảnhTRUNG DŨNG
Image captionCSGT kiểm soát các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ ngày 15/5 đến hết 14/6

Báo Thanh Niên ngày 22/5 đã thực hiện "phép thử" đối với các hãng bảo hiểm để kiểm tra độ khó của việc đòi quyền lợi sau khi xảy ra sự cố và đã đi đến kết luận: "Có tai nạn rồi mới biết".
Trên mạng xã hội Facebook, một số người đã thử gọi điện tới các hãng bảo hiểm để kiểm tra độ khó của việc đòi bồi thường, và họ cũng cho rằng đòi được tiền bảo hiểm còn 'khó hơn lên trời'.
"Công đoàn cơ quan tôi đã mua cho tất cả các nhân viên. Thực ra, với khoản tiền chừng đó thì mỗi người tự mua cũng không vấn đề gì. Chỉ là ghét các công ty bảo hiểm lấy tiền người ta thì dễ mà thiếu trách nhiệm", anh Hoàng Bảo Anh, nhân viên một công ty thương mại ở Quận 3, TP HCM, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
Thừa tiền, thiếu trách nhiệm
"Trước giờ tôi không để ý, nhưng bữa nay ra đường thấy CSGT đông quá, nên vừa nhắn tin hỏi đứa bạn để mua bảo hiểm xe máy để không bị phạt. Ngoài xe máy của tôi, xe của anh chị, ba mẹ tôi đều chưa mua bảo hiểm", báo Tuổi Trẻ trích lời anh Nguyễn Anh Bảo trong bài viết "Ùn ùn mua bảo hiểm xe máy để 'phòng hờ' cảnh sát giao thông" đăng tải hôm 18/5.
Nhan đề bài viết gợi ý về sự "ăn nên làm ra" của các công ty bảo hiểm, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có tác động xấu lên đời sống kinh tế của người dân và hầu hết các doanh nghiệp khác.
Tạp chí điện tử Tài chính ngày 25/5 cho biết đợt tổng kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông hiện đang khiến nhu cầu mua bảo hiểm tại công ty PTI tăng khoảng 100% so với trước. Còn theo số liệu của Tập đoàn Bảo Việt, nhu cầu mua bảo hiểm xe máy của người dân tại tập đoàn tăng khoảng 130% so với cùng kỳ năm trước.
Với tổng số 60 triệu xe gắn máy, trong đó còn 70% chưa mua bảo hiểm bắt buộc (tính tới trước "chiến dịch" tổng kiểm tra), nhiều người đã đưa ra số tiền ước tính khổng lồ mà các doanh nghiệp bảo hiểm thu được. Đặc biệt là với tỉ lệ bồi thường quá thấp (chỉ 6%) hiện nay, lợi nhuận được đánh giá là "khủng".
Từ đó, nhiều người cho rằng việc CSGT thổi còi người dân để kiểm tra bảo hiểm là đang giúp các công ty bảo hiểm "làm tiền".
"Với quy định cho phép cảnh sát giao thông thổi còi bắt người dân dừng xe kiểm tra mà không cần có dấu hiệu vi phạm nào, có vẻ như các anh CSGT đang làm nhiệm vụ giúp các doanh nghiệp bán bảo hiểm xe máy, vốn là thứ ít có người mặn mà vì nhiều trường hợp nhận được tiền bảo hiểm khó gần bằng lên trời", nhà báo Hoàng Hải Vân viết.
Trước những bất cập nêu trên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa có thông báo hỏa tốc yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm khẩn trương soạn dự thảo nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ngay trong tháng 5, theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để chi trả cho người dân và tăng giám sát hậu kiểm để tránh trục lợi bảo hiểm.
Luật sư Lê Trung Phát gợi ý thêm một lựa chọn khác:
"Để đảm bảo quyền lợi được sớm giải quyết, nên tìm cách giải quyết vấn đề bồi thường trên tinh thần hợp tác thỏa thuận với nhau. Trường hợp các bên cho rằng việc giải quyết vấn đề bồi thường không thỏa đáng, quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, thì có thể nộp đơn khởi kiện lên cơ quan tòa án có thẩm quyền, để cơ quan tòa án tiến hành giải quyết theo quy định của pháp luật".
Tuy nhiên, theo đuổi vụ kiện ở tòa lại là một thách đố nan giải nữa cho người dân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét