Jackhammer Nguyễn
Một khách hàng mua xe hơi của Vinfast, sau một thời gian sử dụng, đã than phiền về lỗi của xe, làm mất uy tín công ty. Công an bèn “làm việc” ngay với khách hàng này, như là một vụ án an ninh quốc gia hay là một vụ án hình sự, rất kinh hoàng. Người ta cho rằng Vinfast đã méc công an.
Tạp chí Luật khoa gọi chuyện méc công an đó là một loại văn hóa của xã hội Việt Nam hiện nay.
Tôi cho rằng Vinfast không méc công an, mà là sai bảo công an, và đây không phải là văn hóa, mà là một định chế mang tính hệ thống.
Các viên công an phường
Nếu bạn sống ở Việt Nam vài năm, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến nay, bạn có đủ kinh nghiệm để không phải ngạc nhiên về hình ảnh các nhân viên công an vào ra các doanh nghiệp, dù đó là một tiệm chạp phô ở góc phố, một cửa hàng sang trọng trên đường Đồng Khởi, một “tổ hợp” sản xuất xà bông rẻ tiền ở xã, hay một công ty vận tải… Tất cả những doanh nghiệp tôi vừa kể đều là tư nhân và công an dĩ nhiên là người của nhà nước.
Các viên công an vào ra những chốn nói trên để làm gì? Họ vào đó để “nắm bắt quần chúng”, tức là tạo mối quan hệ với doanh nghiệp. Họ là “công an” mà, tức là an ninh công cộng, họ có nhiệm vụ giữ gìn an ninh; thế nhưng, ai tinh mắt sẽ thấy họ ra vào có lịch hẳn hoi và nếu để ý kỹ hơn nữa, bạn có thể thấy họ đi ra… với bàn tay đút túi quần!
Doanh nghiệp chính là nguồn thu của họ. Và ngược lại họ sẽ bảo vệ cho doanh nghiệp, hay nói chính xác là “bảo kê”. Ngoài công việc chính, lãnh lương nhà nước, công an ở Việt Nam còn kiêm thêm nghề “bảo kê” cho các doanh nghiệp. Và thu nhập từ công việc phụ này đôi khi còn cao hơn thu nhập từ việc chính.
Thường đây là các viên công an địa phương, công an phường, có khi cấp quận, nằm trong hệ thống công an trị, hay toàn trị bao trùm mọi lãnh vực đời sống của người dân Việt Nam. Nhưng hệ thống này không chỉ có công an quận, phường, hay công an sát vách nhà bạn ở “tổ dân phố”, mà có cả các nhân vật chóp bu là các viên công an rất nổi tiếng, như là Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Minh Chính, Trần Đại Quang… chưa kể loại tép riu như Thượng tá tình báo Vũ “nhôm”.
Nếu bạn hiểu rõ mối quan hệ … đút túi quần của các viên công an cấp thấp và các doanh nghiệp mà tôi vừa kể, thì bạn sẽ không ngạc nhiên gì hết về chuyện công ty Vinfast “méc công an” vừa rồi.
Với việc bảo kê của công an ở cấp phường thì ta sẽ thấy các viên công an tay đút túi quần, ở cấp phục vụ cho Vinfast thì phải hoành tráng hơn chứ!
Từ “thanh gươm và lá chắn” đến bảo kê
Các chính quyền độc đảng như Cộng sản Việt Nam không giấu giếm rằng, lực lượng công an là xương sống của chế độ. Cách đây vài năm, có thông tin vô tình tiết lộ từ chính phủ Bắc Kinh, cho thấy ngân khoản hàng năm dành cho Bộ Công an nước này, cao hơn cả quân đội. Tức là bảo vệ chế độ tốn nhiều chi phí hơn bảo vệ an ninh quốc gia. Ở Việt Nam người ta không biết chính xác các con số này là bao nhiêu, nhưng khả năng ngân sách dành cho Bộ Công an cũng vô cùng lớn.
Thế rồi chủ nghĩa tư bản tới, đô la Mỹ tới và được Đảng chấp nhận, được chế độ chấp nhận, và rồi công an phải bảo vệ chủ nghĩa tư bản, bảo vệ đô la Mỹ là đúng rồi!
Thật ra, câu chuyện Vinfast “méc công an” vừa là sự thể hiện của chế độ công an trị trong cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, vừa là chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism). Đâu phải ai cũng có thể méc công an như Vinfast đâu, mà phải là những chủ nhân ông có quan hệ rộng và cao, chứ chẳng phải loại tầm thường.
Công an thời Đảng trị đã tìm ra được phương cách sống hùng, sống mạnh hiện nay. Một mặt là công an tự tổ chức doanh nghiệp, vừa có doanh nghiệp vừa “làm luật” thì ai chơi cho lại; mặt khác, họ ra sức bảo kê cho các chủ nhân ông “tư bản thân hữu” bồ bịch này.
Mà chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Việt Nam đang lên như diều gặp gió. Sự trơ trẽn của chủ nghĩa tư bản bồ bịch này ngày càng lớn, việc bổ nhiệm Nguyễn Hồng Diên, con rể đại gia Trần Văn Sen, làm Bộ trưởng Bộ Công thương, việc Vinfast “méc công an”, thật ra là sai bảo công an, là biểu hiện cho sự trơ trẽn đó.
Vingroup, là công ty mẹ của Vinfast, đi từ chỗ tinh vi như thao túng bộ máy truyền thông nhà nước, rút những bài báo “bất lợi” cho mình, “vận động” các “chuyên gia” viết bài có lợi cho mình, đến chỗ dùng công an như đầy tớ. Chỉ cách đây vài năm, phụ huynh học sinh ở một trường học do Vingroup làm chủ ở Hà Nội, bị công an “làm việc” vì đã dám phàn nàn về trường này.
Thời ông thủ tướng công an Nguyễn Tấn Dũng còn huy hoàng, báo chí Việt Nam hết sức ca ngợi mong muốn thực hiện mô hình Chaebol của Hàn Quốc ở Việt Nam. Chaebol là mô hình mà các đại tập đoàn kinh tế, các nhà tài phiệt giữ vai trò chính trị, như tập đoàn Hyundai, Daewoo… bên Hàn. Nhưng “đồng chí X” chưa kịp thực hiện giấc mơ Chaebol Việt Nam thì đã phải “về vườn làm người tử tế”. Các “quả đấm thép” của thủ tướng hóa ra là các ổ tham nhũng, liên tục đổ bể như Vinashin, Vinalines, Tập đoàn Dầu khí VPN, Gang thép Thái Nguyên…
Mô hình Cheabol Hàn Quốc cũng phải đối đầu với những vụ nhũng lạm của các tập đoàn Daewoo, Hyundai, Samsung,… nhưng Hàn Quốc đã thoát khỏi chế độ độc tài để xây dựng được các định chế độc lập, kiểm soát quyền lực có hiệu quả. Các tay tư bản bồ bịch, cả các chính khách cao cấp nhất cỡ tổng thống cũng phải xộ khám.
Với sự cai trị độc đảng tại Việt Nam, mà xương sống của nó là chế độ công an trị, công an bảo kê, những chuyện trơ trẽn như Vinfast sẽ còn xảy ra nhiều trong tương lai.
Và đương kim thủ tướng Việt Nam cũng là một ông công an đó!
https://baotiengdan.com/2021/05/05/vinfast-dau-co-mec-cong-an-ma-ho-sai-bao-cong-an-lam-viec/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét