Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

6394 - Nhật ký Bắc Kinh (15/01/21): Trung Quốc và ‘đồng minh’ Starbucks

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy 



Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing DiaryNikkei Asian Review, 01/2021.

Trong một bức thư ngày 6/1 – cùng ngày những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào Điện Capitol ở Washington – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã liên lạc với một người Mỹ nổi tiếng từng cân nhắc tranh cử chống lại Trump.

Ông Tập đã viết thư cho Howard Schultz, cựu chủ tịch của chuỗi cà phê Starbucks ở Hoa Kỳ, Tân Hoa Xã đưa tin hôm thứ Năm.

“Trung Quốc đã bắt tay vào một hành trình mới xây dựng toàn diện một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, sẽ mang lại không gian rộng lớn hơn cho các công ty từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Starbucks và các công ty Mỹ khác, để phát triển ở Trung Quốc”, ông Tập viết.

Từng có thời điểm Schultz nói ông đang “suy nghĩ nghiêm túc” về việc tranh cử tổng thống như một ứng viên “độc lập theo đường lối trung dung” vào năm 2020. Nhưng ông quyết định không tranh cử vì sợ làm chia rẽ phiếu bầu của Đảng Dân chủ, giúp Trump chiến thắng.

Theo Tân Hoa xã, ông Tập đã trả lời một bức thư của Schultz, trong đó ông chúc mừng Trung Quốc về những tiến bộ của họ và bày tỏ sự tôn trọng đối với con người và văn hóa Trung Quốc.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông Tập nhấn mạnh, “1,4 tỷ người dân Trung Quốc đã nỗ lực lâu dài và gian khổ để xây dựng một xã hội tương đối thịnh vượng về mọi mặt và theo đuổi hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.”

Starbucks là một trong những thương hiệu Mỹ nổi tiếng nhất tại Trung Quốc. Công ty này mở quán cà phê đầu tiên ở Bắc Kinh vào tháng 1 năm 1999. Giờ đây họ có hơn 4.700 địa điểm tại khoảng 180 thành phố của nước này.

Cuộc hành trình không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Năm 2007, Starbucks đã đóng cửa quán cà phê bên trong Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh sau khi bị chỉ trích là làm hoen ố một di tích lịch sử. Nhưng dù sao thì công ty cũng đã tạo dựng được một thị phần áp đảo ở thị trường Trung Quốc, nhờ những người trẻ hâm mộ văn hóa Mỹ.

Đối với Starbucks, Trung Quốc đã trở nên không thể thiếu được. Bức thư của Schultz gửi cho Tập hẳn có liên quan đến thất bại bầu cử của Trump sau nhiều năm căng thẳng với Bắc Kinh. Tương tự, Tập cũng muốn tận dụng sự thất cử cyar Trump để phục hồi quan hệ Mỹ – Trung.

Tập viết rằng ông hy vọng Starbucks sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại, cũng như quan hệ song phương nói chung.

Cách đây đúng một năm, vào ngày 15 tháng 1 năm 2020, Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1.” Trump và nhóm của ông rõ ràng kỳ vọng bước đột phá này sẽ giúp ông đảm bảo tái đắc cử vào tháng 11.

Nhưng COVID-19 đã thay đổi mọi thứ. Để rồi tới đầu năm 2021 chúng ta chứng kiến một vụ bạo loạn ở Quốc hội Hoa Kỳ và cuộc luận tội thứ hai đối với Trump trong những ngày cuối cùng ông tại nhiệm.

Nhiều công ty Mỹ hẳn cảm thấy nhẹ nhõm khi thời đại Trump và cách tiếp cận của ông với Trung Quốc đã qua đi. Tuần trăng mật mới giữa Trung Quốc của ông Tập và Starbucks dường như đã bắt đầu từ trước cả khi Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.

http://nghiencuuquocte.org/2021/05/23/trung-quoc-va-dong-minh-starbucks/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét