Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

6500 - Cả vú nhưng không lấp được miệng em đâu, bà Hoa Xuân Oánh!

Đông Phương

huachunyingtwitt2021.jpeg
Twitter của bà Hoa Xuân Oánh hôm 25/5/2021

Trung Quốc là quốc gia “yêu chuộng hoà bình”?

Trên tài khoản Twitter ngày 25/5/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh viết: “Dù có đường biên giới dài hơn, nhiều láng giềng hơn và có lịch sử phức tạp hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, song Trung Quốc đã thiết lập ranh giới với 12 trong số 14 quốc gia láng giềng trên đất liền thông qua đàm phán hòa bình… Trong hơn 70 năm kể từ khi thành lập nước, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ gây chiến hay xâm phạm một tấc đất nào của nước ngoài”.

Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán

Có thực người Trung Quốc “hiền hậu” đến thế?

Bất kỳ người Việt Nam nào cũng đều thấm nhuần lịch sử Việt Nam trước sự xâm lăng từ Trung Quốc. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết lời trong bài hát “Gia tài của mẹ” nhắc tới “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu”. Giáo sư sử học Trần Văn Giàu tóm tắt lịch sử Việt Nam là “dựng nước luôn đi đôi với giữ nước”, giữ nước thì chủ yếu là trước “giặc ngoại xâm phương Bắc”.

Từ năm 221 trước Công nguyên, khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, đã cho người sang xâm lược Âu Lạc (Việt Nam thời bấy giờ), cho đến xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất nước Việt Nam, không có triều đại nào mà Trung Quốc không đưa quân sang quấy nhiễu hoặc tìm cách xâm chiếm Việt Nam.

Người Trung Quốc từ xưa đã có tư tưởng gọi là “Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán”. Năm 1979, GS. Trần Đình Hượu đã tóm tắt những đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán bao gồm: (i) Hiếu chiến, hống hách, ảo tưởng; (ii) Ngụy thiện; (iii) Trọng danh hơn trọng thực.

Giáo sư Trần Quốc Vượng thì mượn lời Lỗ Tấn để miêu tả người Trung Quốc là: Tàn bạo như con sư tử; ranh mãnh như một con cáo và nhút nhát như một con thỏ đế.

Có lẽ ở khu vực Đông Nam Á, ít có dân tộc nào hiểu rõ bản chất của người Trung Quốc hơn người Việt Nam. Bởi vì Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc, Việt Nam cũng đã từng bị Trung Quốc đô hộ hơn một ngàn năm.

Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) trước khi mất đã có di huấn: “Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc đó, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: “Một tấc đất của Tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”.

Gần 100 năm qua kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921) và hơn 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949), mục tiêu chiến lược của Trung Quốc đến nay không hề thay đổi, đó là biến Trung Quốc trở thành cường quốc số 1 lãnh đạo thế giới. Có thể nói, cho đến nay, “Chủ nghĩa bành trước Đại Hán” không mất đi mà đặc biệt lại được khôi phục một cách mạnh mẽ dưới thời của Tập Cận Bình với cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa”.

Tư tưởng Đại Hán của Trung Quốc thời hiện đại được thể hiện điển hình là phát biểu của ông Dương Khiết Trì trên cương vị Ngoại trưởng Trung Quốc tại Singapore năm 2010: "Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, đó là một thực tế”.

“Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán” hiện nay thể hiện rõ nhất là dã tâm của Trung Quốc trên biển Đông. Để thoả mãn dã tâm độc chiếm biển Đông của mình, Trung Quốc đã mập mờ đưa ra các yêu sách chủ quyền phi lý. Tất cả các tuyên bố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc hiện gói gọn quanh đường 9 đoạn, mở rộng ra hơn 1.000 hải lý, bắt đầu từ các bờ biển của Quảng Đông và đảo Hải Nam, kéo dài tới gần Borneo, quần đảo chung của Malaysia, Indonesia và Brunei; bao gồm gần như toàn bộ vùng biển nằm giữa Việt Nam và Philippines. Tuyên bố chủ quyền này chiếm hơn 90% diện tích biển, dù Trung Quốc (gồm cả hòn đảo Đài Loan) chỉ chiếm có hơn 20% đường bờ biển. Tất cả tuyên bố chủ quyền này dựa trên một cơ sở lịch sử về cơ bản là không tính đến sự tồn tại của các dân tộc khác, cũng như lịch sử đi lại, giao thương trên biển của họ trong vòng 2.000 năm qua, trước cả khi Trung Quốc bắt đầu đặt chân tới các vùng biển nằm ở phía Nam đất nước và xa hơn.

Có thật Trung Quốc không gây chiến?

Bà Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc “chưa bao giờ gây chiến hay xâm phạm một tấc đất nào của nước khác”. Một là bà Hoa không biết một chút gì về lịch sử; hai là bà nói láo.

Trong lịch sử, tâm tính của người Trung Quốc được thể hiện qua nhân vật Tào Tháo, ông ta đã có câu nói nổi tiếng “thà ta phụ người, còn hơn để người phụ ta”. Thực tế từ sau khi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949, trong 3 cuộc chiến tranh biên giới dù là với đối thủ lớn như Ấn Độ năm 1962, Liên Xô 1969 hay đối với đối thủ nhỏ yếu hơn như Việt Nam năm 1979, Trung Quốc đều ra tay trước nhằm “tiên thủ hạ vi cường”.

Một nhà nghiên cứu về Trung Quốc ở Hoa Kỳ là Taylor Fravel đã thống kê các hành động chiến tranh của Trung Quốc và nhận thấy từ khi thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tới nay, Trung Quốc đã có 23 tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia khác (1), trong đó Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh quân sự đối với 6 tranh chấp. Trong 6 tranh chấp này, Trung Quốc đã 16 lần sử dụng sức mạnh quân sự

Một trong số “nạn nhân” của Trung Quốc chính là Việt Nam. Ngày 17/2/1979, hàng trăm nghìn quân Trung Quốc đã vượt biên giới vào Việt Nam. Sau này, các học giả Trung Quốc, trong đó có PGS Hoàng Tranh biện minh lý do dẫn đến việc Trung Quốc tấn công 6 tỉnh biên giới trên bộ của Việt Nam là do “VN chuẩn bị tấn công chiếm quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) của Trung Quốc nên Trung Quốc phải tự vệ trước”. Đây là một sự biện minh ngớ ngẩn cho một hành vi côn đồ, vi phạm luật quốc tế. Cuộc chiến này gây thiệt mạng cho 42.000 quân Trung Quốc và khoảng 50.000 quân Việt Nam. Các cuộc giao tranh tiếp tục diễn ra lẻ tẻ cho đến năm 1991, gây thiệt mạng thêm hàng nghìn người. Năm 1974, quân đội Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, giết chết 74 chiến sĩ của Việt Nam Cộng hoà. Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm bãi đá ngầm Gạc Ma của Việt Nam ở Trường Sa, giết chết 64 chiến sĩ công binh Việt Nam. Trung Quốc tuyên bố "chủ quyền không thể chối cãi" đối với hầu hết Biển Đông. Bắc Kinh tiếp tục sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để duy trì quyền kiểm soát các đảo và bãi đá ngầm ở đó, trái với luật pháp quốc tế.

Ngoài Việt Nam, Trung Quốc cũng gây chiến với Ấn Độ: Trung Quốc củng cố quyền kiểm soát đối với Aksai Chin - phần phía Đông của khu vực Kashmir mà Ấn Độ tranh chấp cho đến ngày nay và các cuộc đụng độ biên giới bùng lên giữa hai nước vào năm ngoái.

Kết luận

Không phải ngẫu nhiên mà phong trào “bài Hoa” xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới gần đây, đó chính là vì để thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” chính quyền Trung Quốc đã bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả đe doạ dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Chưa kể các hoạt động kinh tế của Trung Quốc cũng mang tính cưỡng đoạt, đe doạ an ninh, môi trường và ổn định xã hội của các quốc gia có quan hệ với Trung Quốc.

Đối với biển Đông, Trung Quốc luôn đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực dưới chiêu bài “chiến thuật vùng xám” để đe doạ các nước khu vực biển Đông, nhằm dùng sức mạnh để độc chiếm vùng biển này.

Mặc dù dùng các biện pháp “ngoại giao pháo hạm” như vậy, nhưng Trung Quốc muốn dùng các nhà ngoại giao kiểu như bà Hoa Xuân Oánh để thực hiện chiêu “cả vú lấp miệng em”. Thế nhưng “một hành động hơn ngàn lời nói”, thế giới không lạ bản chất xảo quyệt của Trung Quốc đâu. Và dù có “cả vú” nhưng khó “lấp được miệng em” đâu, bà Hoa Xuân Oánh ạ.

________________________

(1) M. Taylor Fravel, Power Shifps and Escalation (Explaining China’s Use of Force in Territorial Dispute), International Security, Vol. 32, No. 3 (Winter 2007/08), tr. 44 - 83

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét