Lê Thiệp
Đã bao nhiêu nước chảy qua cầu kể từ khi tôi lững chững bước lên những bậc thang nhem nhếch của tòa báo Chính Luận và nay cuối đời nhìn lại bỗng thấy có những chữ, những tiếng đã biến khỏi ngôn ngữ hàng ngày. Của tôi và của Việt Nam. Đâu đó trong ý nghĩ thấy mỗi chữ, mỗi tiếng nói có đời sống riêng, sinh ra chết đi, xuất hiện rồi biến mất giống như đời sống của con người. Nghĩ mà thương cho chúng và từ đó thương cho cả một giai đoạn của cuộc sống. Của tôi và của các người bạn cùng lứa trong nghề, sau đó là cả một xã hội nay như đã chìm vào lịch sử.
Mào đầu hay dẫn nhập gọi Lead và viết Lead như trên nếu có dăm tên bạn ngồi quanh chắc sẽ có tên cười ngất bảo “Bỏ Đi Tám.” “Bỏ Đi Tám” là cụm từ xuất hiện không hiểu do duyên cớ gì, nghĩa của nó là có gì đâu mà lèm bèm ầm ĩ. “OK Salem!” Thôi thì cũng được đi, chào ông GI Mỹ xin tí Thóc hay nôm na là thuốc lá hoặc cục xinh gôm. Nhưng đi Đong Thóc là đi hút thuốc phiện. Tất nhiên, khó mà rủ ông lính Mỹ đi đong thóc thì ta có Sài Gòn Tea. Trong những Bar nhan nhản khắp đất nước, đặc biệt là quanh các căn cứ Mỹ, các cô gái bán Bar cố dụ khị để GI Mỹ uống, uống gì cũng được nhưng phần cô gái thì bao giờ cũng là một ly Sài Gòn Tea tức trà đá. Trông ly này cũng vàng vàng giống như ly Huýt Ky. Chỉ có uống trà đá thì Gái Bán Bar mới cầm cự nổi suốt đêm mà không say, nhưng khi chủ Bar tính tiền khách thì giá Sài Gòn Tea tương đương với một ly Cốc Tai.
Một cách Mõi Đô La rất thịnh hành. Nếu hai ông nhà báo gặp nhau rủ Làm Một Quả hay Làm Một Phùa thì quả hoặc phùa được hiểu tùy hoàn cảnh. Có thể là rủ nhau đi nhậu thì quả là đi Bụa, hoặc đi thăm chị em thì là một vụ Xuống Xóm hoặc đi Đong Thóc, và nếu đi đong thóc thì có nghĩa là làm thêm một điếu thuốc phiện nữa hoặc một Bi.
Nâng Bi thì nghĩa lại khác hẳn. Song song với Nâng Bi là Nâng Đĩa chỉ hành động nịnh bợ xếp hoặc người có quyền có thế để thủ lợi. Nếu người được nịnh là đàn ông thì nâng bi, phụ nữ thì nâng đĩa. Nếu có một anh văn sĩ thi sĩ ấm ớ viết một cuốn thơ cuốn sách Như Hạch mà lại được bạn bè bốc thơm loạn cả lên thì đó là Áo Thụng Vái Nhau. Như Hạch có nghĩa là dở, là tệ vô cùng nhưng nếu nhìn một cô gái đẹp thì phát ngôn Thơm Như Múi Mít. Phát Ngôn là tiếng Hán Việt chỉ thông dụng trong đám nhà báo và khi khen cô gái thì có thể nói bốc thơm cô ta. Bốc Thơm hoặc Bốc Thối tuy là tiếng nôm nhưng không quảng bá trong quần chúng. Sức Mấy mà những tiếng như vậy có thể Vượt Rào Cản để trở thành ngôn ngữ hàng ngày. Sức Mấy có nghĩa không có cách gì, không thể nào nhưng vượt rào cản là ngôn ngữ đá banh. Rào cản là chỉ hàng hậu vệ hoặc hàng phòng thủ.
Nếu không vượt được hàng phòng vệ thì nên bắt Kèo Dưới. Cá độ đá banh nếu bắt đội giỏi, đội chấp là bắt Kèo Trên, bắt đội được chấp là bắt Kèo Dưới. Khi đội ta thua Chỏng Gọng thì chửi trọng tài Xê Cá Nại có nghĩa là trọng tài ăn gian hoặc bắt thiên vị. Đi xem đá banh mà mua hạng bét, ngồi tít trên cao, nơi có những tay cá cược ngay tại chỗ tiền trao cháo múc thì phải mua hạng Cá Kèo. Những tiếng này không có trong các buổi trực tiếp truyền thanh của ông Huyền Vũ nhưng là ngôn ngữ sống động của dân ghiền đá banh. Ngôn ngữ đá banh có những điểm lạ như Me, Tút Xê là tiếng Tây, Cóc Ne, Xút là tiếng Anh, Gôn chắc là tiếng quốc tế vì rất nhiều nước xài trong khi đó Việt Vị là tiếng Hán Việt, Ném Biên nửa Hán nửa Nôm và Phạt Đền thì “Nôm Chăm Phần Chăm.” Khi quân ta chắc chắn đã thắng trăm phần trăm thì đá ra ngoài sân càng xa càng tốt để Câu Giờ và như vậy là Bắn Thạch Sùng hoặc Đá Cột Đèn. Khi đã dính vào Cờ Bịch thì phải chơi Xả Láng hoặc Cạn Láng. Nhưng coi chừng bị coi là Mòng thì chỉ có nước Đi Tàu Suốt và Cõng Mòng là đem tay chơi Dấm Dớ Hội Tề Về để lột Không Còn Manh Giáp. Bởi vậy dân cờ bịch thứ thật mới nhại Trịnh Công Sơn “Mình ngỡ nó đôi J. Ai ngờ nó đôi Xì. Mình ngỡ nó hai đôi ai ngờ nó ba quân. Thôi chết cha mình rồi.” Đó là rút xì phé nhưng Đậu Chén là đánh tứ sắc, Xòe là đánh tổ tôm hay chắn cạ và Cong Xường Phá là đánh mã chược, mà chược hay mạt chược. Mà chược là mã tước đọc theo tiếng Quảng, trò chơi này có tên như vậy vì trong bộ bài có quân bài vẽ con chim sẻ tiếng Hán là mã tước.
“Chăm Phần Chăm Em Ơi” là tựa đề một bài hát nổi tiếng chỉ có nghĩa là bị cắm trại không được rời khỏi đơn vị. Đó là đối với những đơn vị trên bộ nhưng với Hải Quân thì Lắc Lư Con Tàu Đi hoặc Nhảy Dù Cố Gắng. Lính tráng thì đã vậy, nhưng không chịu đi lính, khai gian ngày sinh tháng đẻ để trốn, đi loạng quạng bị cảnh sát Vồ thì biên bản ghi Tuổi Nhỏ Tác Lớn chắc chắn sẽ đi Quang Trung và phải học bắn. Bắn súng xem ra không dễ, lôi thôi là bị cướp cò. Tôi nhớ khi làm tin Xe Cán Chó có vụ một ông cảnh sát đeo súng sao đó bị cướp cò trúng hạ bộ. Tôi đặt tít “Súng Cướp Cò Trúng Cò Ông Cò.” Hôm sau Tổng Nha Cảnh Sát viết văn thư than phiền trong đó có câu đến bây giờ nhớ lại tôi vẫn buồn cười “Quí báo đã thiếu cân nhắc khi xử dụng ngôn ngữ và thiếu thiện cảm dành cho anh em cảnh sát vốn được mệnh danh là Bạn Dân.”
Ông Cò là cảnh sát là bạn dân nhưng Thầy Cò là người sửa mo-rát. Khi một bài báo được sắp chữ thế nào cũng có lỗi chính tả. Xếp Typô trải một tờ giấy ẩm lên Khuôn Chữ vỗ nhè nhẹ để có bản mo rát cho thầy cò sửa những chỗ sai. Công việc này đòi hỏi giỏi tiếng Việt, giỏi cú pháp ngữ vựng và quan trọng nhất là mắt phải tinh. Phải tinh mắt vì chữ mấy ông nhà báo viết rất ngoáy và bản mo-rát thì ẩm lem nhem mực in cũng rất khó đọc.
Khi Cao Bá Quát tuyên bố thiên hạ có bốn bồ chữ, một mình ông giữ ba bồ, bạn ông là Nguyễn Văn Siêu giữ nửa bồ còn nửa bồ đem chia cho thiên hạ, mọi người cười xòa cho rằng Cao Chu Thần đại ngôn. Trong trường hợp này bồ chữ chỉ có tính cách tượng trưng, nhưng Bát Chữ là một thực thể có thật với bát thật và những Con Chữ thật bằng chì. Khi khuôn chữ đã hoàn tất và được đổ chì thì phải Trả Chữ. Những con chữ chỉ nhỏ như que tăm được đổ ra thành từng bát để thợ trả chữ vào đúng ngăn, như chữ a vào ngăn chữ a, chữ A vào ngăn chữ A, để sau đó có thể sắp chữ cho kỳ báo tới.
Trang báo không chỉ có chữ mà phải có hình vẽ hình chụp, chúng ta có Cliché và Bản Kẽm. Cliché Dầu là tên của một công ty chuyên về mạ đồng, mạ vàng làm cliché tranh vẽ và bản kẽm hình ảnh. Tranh vẽ phải đưa sớm vài tiếng trước vì quá trình để át-xít ăn sâu xuống khiến cho các nét vẽ nổi lên nhưng hình chụp thì nhanh hơn, chỉ cần độ mươi mười lăm phút là có thể có bản kẽm hình để đăng báo. Kỹ thuật in ấn ngày nay tiến bộ không còn ai nhớ đến những thứ Ba Vạ, Dấm Dớ Hội Tề này nữa.
Mấy ông viết nhật trình rất biết ơn tướng Nguyễn Khánh vì chính ông đã tuyên bố “Một cây bút là một sư đoàn” và như để lời nói đi đôi với việc làm, ông cho những người làm báo được hoãn dịch, chỉ phải xuống Quang Trung Đi Ắc Ê chín tuần cho có. Nhưng nếu có ông nhà báo tưởng mình ngon thật nghĩ mình là một sư đoàn thì You Are Too Hot To Say So. Câu này cũng giống như câu No Star Where – Không Sao Đâu hoặc Không Đi Đến Đâu Cả là một trong những nhắc nhở đến sự hiện diện của lính Mỹ ở Việt Nam. Không chỉ là một triệu lính mà còn cả một đạo quân báo chí hùng dũng.
Những ông phóng viên chiến trường đôi khi Bổ Lẻ bán tin bán hình cho Mỹ vẫn đùa bảo nhau họ làm Nghề Bán Gáo. Gáo là cái đầu và Bể Gáo thì Đi Đong là cái chắc. Đi ra ngoài săn tin là Chân Chạy còn ngồi tòa soạn là Chân Nằm. Chân nằm là những ký giả ít được công chúng biết đến vì họ không ký By Line tức đề tên tác giả dưới bài báo. Họ lựa tin, soạn tin, viết tin. Như vậy là họ Xào Tin, Nấu Tin, Luộc Tin, tức là dựa trên nhiều nguồn tin khác nhau về một vụ gì đó để viết thành một tin đầy đủ chi tiết hơn. Nếu chuyên viết một mục cố định gì đó ta có Ký Mục Gia và họ viết Phim hay viết Phiếm. Nổi tiếng nhất từ thời ông Diệm là mục Nói Hay Đừng của tờ Tự Do, nhưng có lẽ vì lúc đó báo chí chưa được xổng chuồng nên nội dung của Nói Hay Đừng không bao giờ đả động đến chính trị.
Từ sau 1963, mọi sự khác hẳn và Chu Tử là người mở đầu cho loại phim đầy màu sắc chính trị và đả kích tứ tung với mục Ao Thả Vịt. Khi thấy ông Hồ Hữu Tường ra tranh cử dân biểu chính Chu Tử trong Ao Thả Vịt đã gọi học giả này là Cục Đá và mở chiến dịch “Vần Cục Đá” vào Hạ Viện. Ông Tường là nhà văn, học giả nổi tiếng nhưng nghèo xơ xác lại không có chính quyền hay các thế lực đảng phái tôn giáo hỗ trợ nhưng vẫn đắc cử có lẽ chính nhờ Ao Thả Vịt. Tờ Sống đã có thời bán chạy nhất chính nhờ Chu Tử và những bài phim của ông. Từ đó tất cả các báo đều có mục phim hàng ngày. Họ lấy những bút hiệu khá lạ như Muỗi, Đạo Chích, Dê Húc Càn và đáng nhớ nhất là bút danh VIP KK của Đinh Từ Thức.
Tiếng Việt đơn âm nên rất ít khi viết tắt và khi viết tắt thì rất dễ hiểu lầm. Như khi viết PTT thì có thể là Phủ Thủ Tướng hoặc Phủ Tổng Thống khác hẳn với tiếng Anh hoặc Pháp. Khi viết UN thì mọi người đọc là UN và hiểu là United Nations nhưng khi viết LHQ thì vẫn phải đọc cả chữ là Liên Hiệp Quốc cũng như khi viết VTX thì vẫn đọc là Việt Tấn Xã. VIP là Very Important Person và KK phải đọc theo tiếng Việt là ca ca. Tóm lại cái bút danh VIP KK víp ca ca có thể dịch là (xin lỗi) Quan Trọng Cái Cục Cứt. Nhưng có một chữ khá phổ thông là COCC tức Con Ông Cháu Cha thì ai cũng hiểu. Các ông họa sĩ vẽ biếm họa thời sự chính trị, một mục cũng rất ăn khách lại ký những tên rất đặc biệt như Tuýt (Ngọc Dũng), Chóe (Nguyễn Hải Chí) hay Hĩm (Đinh Hiển). Tuýt vì khi đó phong trào nhạc Twist rầm rộ cả thế giới và Chóe là Chí Chóe còn Hĩm vì miệng ông Đinh Hiển quả thật rất đặc biệt.
Vào lúc gần Búc Lê, tức đến giờ chót phải Lên Khuôn, các ông xếp trong tòa soạn hỏi nhau tin Vơ Đét trong ngày. Tin vơ-đét là tin nổ nhất, tin lớn nhất để chạy tám cột, nhưng Tin Què là tin hai cột khi Mi thì một bên ngắn một bên dài trông giống như người què. Mi hay văn vẻ chữ nghĩa là Mise En Page là công việc dàn trải tin tức trên mặt báo sao cho bắt mắt, hấp dẫn để chỉ liếc qua cũng phải bỏ tiền ra mua báo.
Làng báo Việt Nam bùng nở sau 1963 và cần thêm rất nhiều nhân sự, đặc biệt là phóng viên săn tin và đám trẻ tui tôi đã có cơ hội xông vào một nghề mà tùy theo quan điểm có thể là rất đáng trọng hoặc nói như một số người thì chúng tôi Làm Báo Nói Láo Ăn Tiền. Cách gì đi nữa thì đám chạy ngoài phải xông xáo giữa một xã hội đầy biến động, đương đầu với những sự thực phũ phàng của một nước đang chiến tranh với đủ mọi chua xót của nó, và vì vậy chúng tôi nhìn cuộc đời khá bi quan. Điều này phản ánh trong ngôn ngữ hàng ngày, đôi khi quá chua chát. Khi gặp nhau đứa này hỏi đứa kia “Dạo này mày Đi Khách cho tờ nào?” Câu trả lời thì “Tao Tay Khăn Tay Chậu đi khách tùm lum.” Hồi đó chúng tôi nhại bài hát của Trịnh Công Sơn “Khi đất nước tôi thanh bình. Tôi sẽ đi thăm. Đi thăm chị Quí, chị Tình, đi thăm một con đường nhiều xóm.” Đi Khách, Tay Khăn Tay Chậu là các cụm từ chỉ chị em ta hạng rẻ tiền tiếp khách ở những khu nghèo nàn như Gò Vấp, Ngã Năm Chuồng Chó hay ngay tại Tân Bình. Nghèo thì làm gì có nhà tắm nên chỉ có cách hứng một chậu nước để rửa ráy. So sánh này quả bi thảm cho nghề của chúng tôi và cho chị em.
Khi một vị nhà báo đàn anh nghe thấy chúng tôi nói năng kiểu đó đã cau mày hỏi tại sao tụi tôi ăn nói Cà Chớn như vậy. Cà Chớn đôi khi kèm theo Cà Cháo chỉ cách ăn nói tầm xàm láo lếu nhưng Thanh Minh Thanh Nga để làm gì ? Thanh Minh và Thanh Nga là tên hai cô đào cải lương nổi tiếng. Thà cà chớn cà cháo nhưng ngôn ngữ không nên mạ vàng để che giấu sự thật nham nhở phía sau. Đi tù thì nói mẹ nó đi tù, tại sao lại bảo là đi Học Tập Cải Tạo? Học tập cải tạo Cái Đếch gì!
Ngôn ngữ của mỗi giai đoạn lịch sử có những nét đặc thù riêng và vì vậy không nên ôm lấy kỷ niệm của quá khứ để không chấp nhận cái mới. Những con chữ chắc đã vào lò nung chảy thành khối chì để dùng vào việc khác. Nó biến mất khỏi cuộc đời giống như những người thầy người bạn, những Hiếu Chân, Chu Tử, Từ Chung, Tuýt, Chóe, Bình Rỗ, Lao Quấn, Huỳnh VTX … và bao nhiêu người khác. Rồi thì cũng đến lượt chúng ta trong đó có “Tôi Đi Hàng Đầu.”
Thật là Đông Dương Bi Thảm Sử, nhưng kinh Phật bảo Bất Sinh Bất Diệt nay đã có sinh ra thì có chết đi, Ca Bài Con Cá thì Ăn Giải Rút Mẹ Gì và cứ ngồi đó mà than thở thì thật chẳng ra cái Thống Chế Petain gì sất.Thôi thì Ò E Rô Be Đánh Đu đến đây là chấm dứt chương trình của ban Tùng Lâm.
https://www.diendantheky.net/2021/05/le-thiep-con-chu.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét