Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

6410 - Bản tin ngày 24-5-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

VnExpress có bài: Ý đồ của Trung Quốc khi điều 300 tàu ở Biển Đông. Nguồn tin từ lực lượng tuần tra thuộc nhóm chuyên trách Biển Đông của Philippines cho biết, tính đến ngày 9/5, đã có 287 tàu “dân quân biển” TQ phân tán tại các thực thể ở quần đảo Trường Sa, các cụm tàu lớn xuất hiện tại các đảo nhân tạo do TQ bồi đắp phi pháp ở khu vực này. Hai tháng trước, chỉ có khoảng 200 tàu.

Ông Gregory Poling, GĐ chương trình AMTI, thuộc Trung tâm CSIS ở Mỹ, nhận định, diễn biến này phù hợp với những gì giới quan sát ghi nhận về cách TQ triển khai lực lượng “dân quân biển” trong các năm qua: “Luôn có khoảng 250 – 300 tàu dân quân hoạt động trong khu vực. Họ di chuyển xung quanh, ra vào các tiền đồn Trung Quốc xây dựng tại đá Vành Khăn và đá Subi, nhưng con số tổng thể vẫn tương tự kể từ cuối năm 2018”.

RFI đưa tin: Mỹ muốn củng cố quan hệ với ASEAN để khống chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken họp trực tuyến với các đồng nhiệm ASEAN ngày 23/5/2021. Cuộc họp đầu tiên của ông Blinken với các nước Đông Nam Á được cho là để củng cố quan hệ song phương trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung trong khu vực.

Tin cho biết, Washington sẽ tham gia nhiều hơn vào các cuộc gặp gỡ cấp cao hoặc các cuộc họp thượng đỉnh về kinh tế, quốc phòng với các nước ASEAN, cũng như duy trì các cuộc tập trận với khối này. Mỹ cũng sẽ tiếp tục củng cố quan hệ song phương với một số nước đồng minh trong khối, như Philippines, Thái Lan.

VTC đặt câu hỏi: Nhóm tấn công tàu sân bay Anh dự kiến đến Biển Đông có gì đặc biệt? Nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth có tổng cộng 9 tàu, 32 máy bay và 3.700 nhân viên, ra khơi vào ngày 22/5. Nhóm tàu dự kiến thực hiện chuỗi nhiệm vụ trên biển kéo dài 8 tháng, đi qua Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tương tác với hơn 20% trên tổng số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhóm tàu dự kiến đi qua Biển Đông. 

Hải trình của nhóm tàu HMS Queen Elizabeth nhằm minh chứng cam kết của Anh, sẵn sàng đối đầu với các mối đe dọa trong tương lai cùng với các đối tác quốc tế. Tàu HMS Queen Elizabeth chính là tàu nổi lớn và mạnh nhất trong toàn bộ lịch sử của lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh, nên chuyến đi của tàu này thể hiện cam kết của Anh với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

VOV có đồ họa về tàu sân bay Anh đang trên đường tới Biển Đông: HMS Queen Elizabeth – “trái tim” của hạm đội viễn dương Hoàng gia Anh

Báo Người Lao Động có bài: Không có chuyện tàu sân bay Anh “né” eo biển Đài Loan. Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, khẳng định, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth không mang ý đối đầu trong chuyến đi đến châu Á. Ông Wallace cũng phản bác ý kiến cho rằng, nhóm tàu chiến đến châu Á sẽ né eo biển Đài Loan để tránh làm phật lòng TQ. Ông Wallace nói với báo The Telegraph: “Chúng tôi hướng đến biển Đông, biển Hoa Đông và vùng biển của Philippines”.

Bộ trưởng Wallace bình luận: “HMS Queen Elizabeth đại diện cho quyền lực cứng cũng như kỹ thuật sản xuất của Anh. Nó đại diện cho liên minh của Anh với Mỹ, đồng thời thể hiện tầm nhìn của nước Anh. HMS Queen Elizabeth không đến địa hạt Jersey (thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland,), con tàu này đến Nhật Bản”.

Báo Thế Giới và VN đưa tin: Ngoại trưởng Philippines bác bỏ Luật Hải cảnh của Trung Quốc. Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. viết trên Twitter: “Tôi bác bỏ việc nó (Luật Hải cảnh) được nghiên cứu như thể áp dụng cho lãnh hải của chúng tôi. Không phải vậy. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục ra khơi ở vùng biển của mình như thể Luật Hải cảnh không tồn tại; chúng tôi phản đối việc thực thi luật này… Trung Quốc hay Philippines đều có thể viết bất kỳ luật nào nhưng chỉ có giá trị trong lãnh hải của mình mà thôi”.

Đài ABS-CBN có clip: Phân tích: Lệnh cấm đánh cá của TQ nhằm khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông.

Mời đọc thêm: Tàu sân bay Anh khởi hành tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (PLTP). – Tàu sân bay Anh lên đường đến cửa ngõ Trung Quốc (TP). – Tàu sân bay Anh sẽ mang theo F-35 đến Biển Đông (Zing). – Hé lộ hoạt động từ tàu sân bay ‘khủng nhất’ của Anh trước khi tới Biển Đông (Infonet). – Quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc tới Nga thảo luận về hợp tác an ninh (Tin Tức). – Báo Trung Quốc cảnh báo ‘rắn’ Úc, tuyên bố Canberra ‘quá yếu’ (DV). 

“Ngày hội toàn dân” và Covid-19

Kết thúc ngày bầu cử 23/5, VnExpress dẫn lời Tổng thư ký Quốc hội: Cuộc bầu cử thành công tốt đẹp. Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường thông báo: “Hầu hết các Tổ bầu cử đều tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu đúng theo giờ quy định, có một số nơi kết thúc cuộc bỏ phiếu lúc 21h. Hiện nay các Tổ bầu cử đang khẩn trương tiến hành kiểm phiếu để báo cáo kết quả bầu cử”.

Lãnh đạo đảng CSVN tuyên bố thành công, trong khi ngày bầu cử 23/5 diễn ra trong tình hình rủi ro dịch bệnh đang hiện hữu. Một loạt diễn biến về Covid-19 ngay trước và sau ngày bầu cử, cho thấy rõ rủi ro đang cận kề: 

Chiều ngày 22/5, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa ghi nhận một thanh niên về quê ho ra máu mới đi khám, phát hiện mắc Covid-19. Người này làm thợ xây tự do ở Hà Nội, đến ngày 18/5 thì lên xe khách về huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, thuê nhà nghỉ rồi nhiều lần đi ăn nhậu với người quen.

Đến tối 20/5, người này xuất hiện các triệu chứng đường hô hấp, ho ra máu. Nhưng đến khi chịu không nổi nữa, chiều 21/5, người này mới nhập viện. Chiều hôm 21/5 có kết quả dương tính với Covid-19, đến nay vẫn chưa rõ nguồn lây. Lực lượng chức năng không thể truy vết hành trình của ca bệnh này trong thời gian ở TP Hà Nội. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác bầu cử ở tỉnh Bắc Ninh. Nguồn: VTV

Một ngày sau bầu cử, hôm nay xuất hiện 2 ca dương tính ở tại hai cơ quan công quyền quan trọng. VTC đưa tin: Một ca dương tính SARS-CoV-2, toàn bộ nhân viên Tổng Cục thuế phải ở lại cơ quan. Người này đã tiếp xúc thường xuyên với một ca dương tính trước đó. Báo Pháp Luật TP HCM có bài: 1 lái xe dương tính, Viện trưởng viện Tối cao ra chỉ thị. Đây chính là lái xe của Chánh Văn phòng VKSND Tối cao, cơ quan chức năng vẫn chưa truy vết được nguồn lây.  

Xuất hiện một ổ dịch ngay gần trung tâm thủ đô cũng không rõ nguồn lây: 15 F0 liên quan Công ty T&T ở Hà Nội chưa rõ nguồn lây, theo Zing. Cơ quan chức năng quận Hoàng Mai phát hiện ra ổ dịch này trong lúc truy vết các F1 của một ổ dịch ở khu Times City. Nhưng đến khi ghi nhận 15 ca dương tính ở Công ty T&T, trong khi ổ dịch ở Park 11 Times City mới có 4 người, cơ quan chức năng TP Hà Nội cho rằng, nguồn lây của ổ dịch Công ty T&T không phải từ Times City. 

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó GĐ Sở Y tế TP Hà Nội thừa nhận: “Đây là chùm ca bệnh rất phức tạp, có nhiều ca mắc liên quan đến nhiều địa điểm như Công ty T&T, khu đô thị Times City, với rất đông người làm việc và sinh sống”

Zing có bài: Ca nhiễm nCoV tại Goldmark City đã tiếp xúc nhiều người. Người này từng tiếp xúc với ca bệnh ở Park 11 Times City. Nhưng mãi đến khi cơ quan chức năng ghi nhận đây là một trường hợp F1, thì người này đã… ngồi làm trong tổ bầu cử ở tòa nhà R3 Goldmark City đến 4h chiều, nghĩa là gần hết thời gian bầu cử. Hậu quả: Tòa nhà này phải tạm dừng bầu cử, sử dụng hòm phiếu di động mang đến từng nhà để hoàn thành màn kịch “bỏ phiếu” cho xong. 

Đây chỉ là vài trường hợp mà cơ quan chức năng ghi nhận nhưng chưa truy vết được hoàn toàn, xuất hiện ngay trước và sau bầu cử. Riêng trường hợp ở R3 Goldmark City đã khiến tòa nhà chung cư bị phong tỏa ngay sau bầu cử. Cơ quan chức năng cũng không thèm hỏi xem cư dân tòa nhà này có thấy tự hào, hãnh diện gì sau “ngày hội toàn dân” hay không. 

Trang Sức Khỏe và Đời Sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế đưa tin: Bộ Y tế công bố ca tử vong thứ 44 là nữ bệnh nhân 38 tuổi ở Bắc Giang. Trước giờ, khi đưa tin về các ca tử vong vì Covid-19, Bộ Y tế và bộ máy tuyên truyền luôn nhắc đến các yếu tố: Tuổi cao, sức yếu, nhiều bệnh lý nền. Nhưng mấy lý lẽ đó không áp dụng được với ca tử vong thứ 44, là nữ công nhân ở Bắc Giang, tuổi chưa quá 40, được xác nhận dương tính và bắt đầu điều trị từ ngày 17/5, chỉ 5 ngày sau khi nhập viện đã trở nặng. Ngày 23/5 xuất hiện tổn thương phổi không cứu chữa được, qua đời rạng sáng nay.

Một loạt diễn biến trên cho thấy 2 vấn đề: 1. Ngay tại thủ đô, là một trong các vị trí được huy động tối đa nguồn lực công an, dân phòng để tham gia chống dịch, vẫn liên tục xuất hiện các “lỗ thủng”; 2. Covid-19 ở VN ngày càng mạnh hơn, không phải lúc nào quan chức Y tế cũng có thể viện cớ bệnh nhân tuổi cao, nhiều bệnh khi có người không qua khỏi. Dù rủi ro như vậy nhưng người dân vẫn phải tham gia show diễn “bầu cử”.  

VOA có bài: Lá phiếu cử tri nhìn từ cuộc bầu cử 23/5 ở Việt Nam. Ông Đặng Văn Phước, một cử tri đi bầu thay cho cả nhà ở Đắk Lắk, cho biết: “Rõ ràng tôi quan sát và thấy rằng thường gia đình đại diện cử một người đi bầu, gia đình tôi cũng vậy…không ai rảnh mà từng người đi bầu”. Ông Phước kể, đã cầm 2 phiếu cử tri đi bầu thay cho người nhà và vẫn được bỏ phiếu bình thường.

Ông bình luận: “Người dân tham gia bầu cử không được mặn mà lắm bởi vì họ biết được rằng thường các cuộc bầu cử ở Việt Nam được gọi là ‘Đảng cử dân bầu’, và các chức danh từ trung ương như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ… đã được yên vị và đã được sắp đặt rồi”.

BBC có bài: QH mới của VN ‘nợ nhân dân’ nhiều bộ luật như luật biểu tình, luật về hội. TS Nguyễn Quang A bình luận về “ngày hội của toàn dân”: “Nếu đặt câu hỏi về việc liệu xem có sự thống nhất hay tương phản, khác biệt gì không giữa đưa tin của truyền thông, báo chí của nhà nước về cuộc bầu cử, với bên kia là những gì người dân, cộng đồng thực sự nghĩ và làm trong cuộc bầu cử này, rồi người dân thực sự quan tâm điều gì, thì tôi xin nói rằng nó khác một trời một vực, và người dân không quan tâm mấy”.

Ông Nguyễn Quang A nói về các món nợ của chính quyền này: “Nợ dân nhiều nhất là chính quyền Việt Nam (từ cán bộ bé nhất cho đến ông Chủ tịch nước, ông Thủ tướng chính phủ) thực hiện nghiêm chính luật và hiến pháp mà các vị soạn ra và thông qua và ĐỪNG VI PHẠM CHÚNG ngày càng trầm trọng như ngày nay nữa. Nói chi đến các món ‘nợ’ hàng chục năm như luật lập hội hay luật”.

Tin Miến Điện

RFI đưa tin từ Miến Điện: cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi lần đầu tiên trực tiếp ra tòa. Thông tín viên Juliette Verlin cho biết: “Đây là lần đầu tiên kể từ đảo chính, việc xét xử bà Aung San Suu Kyi diễn ra với sự có mặt trực tiếp của bị cáo. Cho đến nay, các phiên xử đều được tiến hành qua mạng, và đôi khi bị hủy do không có kết nối internet. Cố vấn Nhà nước Miến Điện vẫn không được phép tiếp xúc với luật sư Khin Maung Zaw, người yêu cầu được có buổi làm việc riêng với thân chủ”

BBC có clip: Bà Aung San Suu Kyi lần đầu tiên xuất hiện tại tòa án kể từ sau cuộc đảo chính.

Báo Người Lao Động dẫn tin từ Myanmar: Bà Suu Kyi trực tiếp hầu tòa, ra tuyên bố mạnh mẽ. LS Min Min Soe cho biết, bà Suu Kyi tuyên bố rằng, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà sẽ “tồn tại miễn là người dân còn tồn tại”LS Min Soe cho biết: “Bà cầu chúc người dân khỏe mạnh và tái khẳng định NLD sẽ tồn tại miễn là người dân còn tồn tại, bởi NLD được thành lập vì người dân”.

Diễn biến đàn áp nhân quyền mới ở Myanmar: Hơn 125.000 giáo viên bị quân đội đình chỉ công việc, theo báo Pháp Luật TP HCM. Hãng tin Reuters dẫn tin từ Liên đoàn giáo viên Miến Điện ngày 23/5, cho biết, hơn 125.000 GV ở nước này đã bị chính quyền quân phiệt đình chỉ công việc vì tham gia phong trào bất tuân dân sự, phản đối cuộc đảo chính, nổ ra hồi tháng 2. 

Sự kiện diễn ra chỉ vài ngày trước khi các trường học tại Miến bắt đầu năm học mới, khiến các GV và phụ huynh càng phản đối chế độ quân phiệt. Cứ đà này, bộ máy quân phiệt Miến Điện đang đẩy đất nước đến bờ vực của vòng xoáy khủng hoảng, vòng xoáy mà trong đó người dân sẽ không còn dùng chữ nghĩa mà dùng vũ lực để sinh tồn. 

https://baotiengdan.com/2021/05/24/ban-tin-ngay-24-5-2021/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét