Đào Tiến Thi
Xin nói luôn, “hợp tác” nói ở đây là cách nói tắt của “hợp tác xã”. Thời ấy, chỉ trên giấy tờ chính thức mới nói đủ “hợp tác xã”, còn người dân quê tôi toàn nói “hợp tác”: ruộng hợp tác, trâu hợp tác, lúa hợp tác,… Mà cứ gì dân quê tôi, ông Tố Hữu cũng nói “Dân có ruộng dập dìu hợp tác”. Cái thời “dập dìu hợp tác” mà ông Tố Hữu tụng ca có lẽ rất ngắn ngủi.
Thời thơ ấu của tôi (gồm thập niên sáu mươi và nửa đầu bảy mươi) không thấy cái sung túc ấy nữa. Tôi biết bưng bát cơm thì đã là bát cơm độn (quê tôi gọi là “trộn”) toàn sắn, hạt cơm chỉ dính loi thoi. Những món ngon kể dưới đây không phải thời hợp tác mới có, mà thực ra là những sản phẩm của nền nông nghiệp cổ truyền nhưng tôi lần đầu được ăn ở thời hợp tác đói khát triền miên ấy nên nhớ mãi. Và cũng có thể nói là ngày nay nhiều thứ hầu như không còn nữa cho nên càng nhớ thương da diết.
BÀI 1: Thịt vịt nuôi đồng
Thuở tôi còn bé, nhà tôi cũng thỉnh thoảng nuôi một lứa vịt. Thường mua một chục trứng vịt cho gà ấp, nở được độ 7 – 8 con, nuôi đến lúc biết đẻ trứng thì chỉ còn độ 5 – 6 con. Nhưng thường chỉ nuôi chưa đầy một năm đã phải bỏ vì nhà trên đồi cao, đến lúc vịt “nặng trứng” là không chịu về. Đi gọi, đi dồn đuổi mãi cũng mệt nên cuối cùng đem bán lấy tiền dầu đèn. Nghĩa là lúc bé tôi không được ăn thịt vịt, có chăng chỉ đôi khi lúc vịt còn choai choai, lỡ có con bị què, bị còi, thịt rang muối, ăn không ngon nên chả nhớ.
Cho nên lần đầu được ăn thịt vịt là năm đầu tiên tôi ra trường, dạy ở một địa phương có “trại vịt” của hợp tác. Không rõ lý do gì mà lần ấy hợp tác bán “phân phối” cho các thầy cô, cứ hai người một con. Tôi chung với bác Sang, tổ trưởng. Vịt của hợp tác là “vịt đàn”, thường mỗi con chỉ khoảng 1 kg. Các cặp khác hầu hết họ thịt rồi chia nhau, đem về cho trẻ mỏ ở nhà kiếm miếng. Nhưng bác Sang quen nếp sống phong lưu cũ (bác vốn là con địa chủ), và ở nhà, tuy nghèo, nhưng bác vẫn được ưu tiên kiểu “vua con”, không cần nhường nhịn ai, nên trưa hôm ấy bác bảo: “Thịt đi, hai bác cháu mình làm một bữa chén”.
Đây là loại vịt chăn đồng, chúng tự kiếm cua ốc, tôm cá, thóc rơi rụng. Nếu có cho ăn thêm cũng là ngô, sắn, khoai lang. Chúng lại suốt ngày chạy đồng, cho nên thịt săn chắc và cân đối tỷ lệ nạc và mỡ. Ôi, cái con vịt hôm ấy mới ngon làm sao. Thịt nó ngọt, xương nó mềm, mỗi miếng tôi nhai được hết cả xương. Mùi thịt thơm chứ không hoi hoi như thịt vịt bây giờ do ăn “cám cò” và không được tắm ở ao hồ sạch sẽ.
Cách ăn của tôi khác hẳn bác Sang: tôi quen ăn “dè”, mỗi bát cơm chỉ một miếng thịt, nhiều lắm là hai, thế là ngon lắm rồi; bác Sang trái lại, ăn kiểu “tốn” thức ăn – quê tôi gọi là ăn “lồm”. Bác Sang ăn “lồm” nhưng vẫn giữ lịch thiệp. Những bữa ăn tập thể, nếu có chút cá, thịt, thường mỗi người gắp rau trước, chờ cho có người gắp cá, thịt thì mới gắp theo. Bác Sang không chịu ăn rau, cứ cầm đũa chờ, nếu chờ lâu quá, sốt ruột, bác bảo: “Các bác lớn tuổi gắp đi, cho em gắp miếng”. Nhưng bác cũng chỉ ăn đủ phần mình, dù đĩa cá, thịt có còn cũng không gắp nữa. Vì vậy khi ăn với tôi, bác sốt ruột bởi tôi ăn chậm, ăn ít thịt quá. Nhiều khi bác phải gắp vào bát tôi, nhưng tôi vẫn không thể ăn nhiều hơn. Thành thử cuối cùng thừa. Thông thường như thế thì cùng nhau “ăn vã” (ăn toàn thịt, không căn cơm) cho hết. Nhưng bác Sang bảo: “Thôi, chỗ này cất đi, để tối mà ăn (vì bữa tối bác Sang và các bác gần nhà đều về). Thế là bữa tối (một mình tôi) còn được một bữa thịt vịt ngon nữa.
Bây giờ muốn ăn thịt vịt có khó gì. Nhưng dù vợ tôi đã cố gắng chọn loại vịt ngon nhất của chỗ người quen thì tôi vẫn chẳng thấy ngon. Ngay cả “vịt trời” và được quảng cáo là “không nuôi cám cò” cũng chẳng ra làm sao. Vịt gì mà xương cứng phát khiếp, còn thịt nếu không dai ngoách, khô khốc thì lại nhão nhoẹt, toàn mỡ là mỡ. Bây giờ muốn có miếng vịt ngon chắc chỉ còn cách về quê tự nuôi lấy. Nhưng mà mình đâu có đồng ruộng để chăn thả?
https://baotiengdan.com/2021/05/26/mieng-ngon-thoi-hop-tac-bai-1-thit-vit-nuoi-dong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét