Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

6407 - Chuyện Cổ Tích Typo

Lê Thiệp





Ông Như Phong Lê Văn Tiến hồi sinh tiền luôn luôn đưa ra những nhận xét dí dỏm, bất ngờ. Ông là đàn anh trong làng,được anh em coi là “nhà báo của các nhà báo” vì quá trình báo chí của ông và hơn nữa là những dây mơ rễ má của ông. Khởi đi, ông là một người đấu tranh cho dân tộc, nhưng có lẽ vì ông có liên hệ mật thiết với Tự Lực Văn Đoàn nên nhiễm cái chất báo bổ của Nhất Linh, của Thạch Lam...để cuối cùng ông chọn báo chí như một phương tiện làm việc.

Sở dĩ gọi ông là“nhà báo của các nhà báo”vì sự hiểu biết chính tình, mối liên hệ của ông đối với các nhân vật đầu não của Việt Nam Cộng Hòa và hơn cả, ông đã là người đằng sau rất nhiều biến cố tại miền Nam. Cần hỏi bất cứ điều gì, ông cũng có câu trả lời,và nếu không,ông cũng chỉ cho anh em phải tìm ở đâu.

Ông bị tù đày liên miên và khi đến Mỹ,trong một buổi hàn huyên về báo bổ, ông nói “Làm báo ở hải ngoại sạch quá, chẳng bù với bọn mình ngày xưa.” Cách nói của ông Như Phong không hề có nghĩa bóng, bởi quả thật kỹ thuật in ấn bây giờ so với thời trước 1975 đúng là một trời một vực. Ngày xưa lem luốc hơn nhiều vì chúng tôi vẫn phải xử dụng typo.

Typo là cái gì vậy?

Theo lịch sử, người Tàu đã chế ra giấy từ trên hai ngàn năm trước và người Đại Hàn đã nghĩ ra cách khắc bản vỗ để in từ thế kỷ thứ tám. Nhưng chữ Tàu và Đại Hàn là những khối không thể hệ thống hóa, ráp chữ được nên mỗi bài văn, mỗi tác phẩm đều được khắc riêng, cá biệt, bản khắc không thể tháo gỡ ra để xử dụng in một bài văn khác, một tác phẩm khác. Ngôn ngữ Tây Phương được ghi lại bằng những chữ cái, những mẫu tự ABC. Một người thợ bạc Đức ở hạt Mainz tên là Johannes Gutenburg (1398-1468) đã nghĩ ra cách đúc các mẫu tự để in. Bản in đầu tiên theo kỹ thuật do người thợ bạc này là bản Thánh Kinh. Theo sử sách thì tổng cộng có 200 bản được in nhưng nay chỉ còn 48 bản, trong đó 20 bản còn giữ được nguyên vẹn.

Kỹ thuật in do Gutenberg sáng tạo gọi là Typography, hoặc vắn tắt là Typo đã được canh cải nhiều nhưng trên căn bản vẫn là ráp từng mẫu tự để thành chữ và kỹ thuật đó được làng báo Việt Nam xử dụng để in báo. Lịch sử vắn tắt có vẻ dễ hiểu nhưng khi đi vào thực tế mới thấy mọi sự rắc rối nhiêu khê hơn nhiều. 

Bộ mặt của một tờ báo có thể là tòa soạn, nơi tin tức, bài vở được biên soạn. Tùy theo tầm cỡ, tòa soạn báo ở Sài Gòn có thể chỉ có độ ba bốn người hoặc đông hơn đến cả gần sáu bảy chục người. Nhưng trừ những giờ cao điểm như báo sắp lên khuôn, sinh hoạt trong tòa báo thường không lấy gì làm đông lắm vì các ông nhà báo hoặc chạy đi săn tin, hoặc ngồi đâu đó ở các quán phở, quán café. Nhưng bộ phận sắp chữ thì khác. Họ như những con ong thợ làm việc rì rào, cần mẫn, những báo lớn ra nhiều trang, đôi khi thợ typo làm việc thành hai ca,từ ba bốn giờ sáng tới bảy tám giờ tối và nhân số của bộ phận này đông gấp nhiều lần so với tòa soạn.

Đứng đầu là ông xếp Typo. Ông là người trực tiếp nhận bài vở tin tức từ tòa soạn chuyển tới, phân phối những mảnh bài tới các thợ typo. Xếp Typo phải biết rõ để phối hợp giữa ty quản lý — bộ phận quảng cáo — và ông chủ bút để dung hòa nhu cầu của hai bên. Nếu hôm đó quảng cáo phủ phê và tin tức cũng tràn ngập thì chính xếp typo là người phải thu xếp sao cho trọn vẹn. Quảng cáo là nguồn lợi tức lớn của báo nhưng tin tức là bộ mặt,là uy tín của tờ báo. Tôi đã thấy ông quản lý Chính Luận rầy rà ông Cai Bi vì bỏ quảng cáo. Tôi đã thấy ông Cai Bi mặt nhăn như bị vì ông Thái Lân trách cứ tại sao lại bỏ một cái tin để trám quảng cáo vào. Số trang giấy có hạn của mỗi báo khiến người xếp Typo phải có cái nhìn chính xác về lượng bài vở tuôn xuống từ các vị chủ bút và số quảng cáo đẩy lên từ ty quản lý. Mỗi sáng ông ta phải phối hợp, nghe ngóng xem hết tin tức bài vở nhiều hay ít, có gì đột xuất không để “liệu cơm gắp mắm.” Nếu nói nắm vững tin tức bài vở mỗi ngày thì sau ông chủ bút không phải là các ông ký giả, biên tập viên mà chính là ông xếp Typo vậy.

Khi nhận được bài vở, ông xếp bèn xé nhỏ ra để phân phối tới thợ sắp chữ. Hãy xin mở một ngoặc nhỏ nơi đây để nhắc thói quen viết lách của đa số nhà báo Việt Nam. Họa hoằn lắm mới có người xử dụng máy đánh chữ, còn đa số viết tay. Họ lật những tờ ronéo đã in một mặt, viết trên mặt trắng. Giấy đã in một mặt, ăn mực hơn, trơn ngòi viết hơn, nhất là ở xó xỉnh nào trong tòa soạn cũng có loại giấy này được rứt ra từ các bản tin VTX và viễn ấn, vơ đâu cũng có thật tiện lợi. Vì là viết tay và thường là viết vội, viết nhanh nên chữ viết của các ông nhà văn nhà báo rất gà bới, khó đọc vô cùng.

Tôi vẫn khâm phục mấy chú thợ nhỏ sắp chữ và tự hỏi làm sao họ có thể sắp đúng khi chỉ được đọc có vài dòng trong mạch văn và nhất là với lối viết tháo như vậy? Tấn Typo, ông xếp typo của báo Sóng Thần đã cười mà nói với tôi “Nghề mà anh. Thét rồi quen hết. Chữ của các ông ấy đọc mãi rồi nhận ra, nhưng có tay viết mới nào thì lúc đầu lỗi chính tả cũng đầy ra cho đến khi quen mặt chữ.” Như vậy ông xếp nhận bài từ tòa soạn và giao cho thợ sắp.

Mỗi người thợ sắp chữ đứng trước một khay chữ có cả trăm ô lớn nhỏ trong đựng các con chữ. Mỗi con chữ là một mẩu chì đúc các mẫu tự la-tinh. Con chữ tùy theo cỡ, được gọi là co (corp) nhỏ nhất là co 6 và lớn hơn nữa dùng để sắp các tít, lớn nhất là co 40. Chữ Anh, chữ Pháp không có dấu nhưng chữ Việt thì có tới 5 dấu cộng với các dấu ă, â, ê, ô, ư, ơ thành 11 dấu. Hãy lấy chữ A sẽ có a à á ạ ả ã và ấ ầ ẩ ậ, ă ắ ằ ẳ ặ... vv... Rồi còn có kiểu chữ như chữ đứng, chữ nghiêng, chữ Roman... Vậy để sắp một chữ Người chẳng hạn, một người thợ phải bốc các mẫu tự N-g-ư-ờ-i, tức năm lần tất cả. Nếu một bài báo cỡ 1,000 chữ, người thợ sẽ phải bốc sắp 5,000 lần mới hoàn thành. Đó là lý do tại sao mỗi khi nhận được bài, ông xếp Typo bèn xé nhỏ ra thành nhiều mảnh, mỗi mảnh vài ba dòng, phân phối cho nhiều thợ cùng sắp một lúc mới kịp lên khuôn.

Thợ sắp chữ đôi khi là những em bé cỡ 14, 15 tuổi thường làm việc đứng một chỗ nên luôn luôn đứng một chân, chân kia co lên đạp vào chỗ kheo đầu gối và sau một hồi, khi mỏi thì đổi chân, để có thể đứng sáu bảy giờ liền trước khay chữ. Cho đến giờ này, tôi vẫn chưa hiểu nổi khả năng kỳ diệu của những người thợ. Dân xoa mã chược có thể dùng ngón cái miết quân bài và biết đó là quân gì. Nhưng mã chược chỉ có 160 quân và hơn nữa chỉ có ba hàng văn-vạn-sách nên thủ thuật sờ nắn này không khó lắm, chơi ít lâu là có thể biểu diễn dọa tay mơ. Nhưng số lượng con chữ nhiều hơn hẳn, lại nhỏ li ti, nhất là sau ít lâu bị sứt mẻ. Làm sao những người thợ đó có thể bốc mà trúng ô chữ và sau đó sờ mà nhận ra sự khác nhau của hai mẫu tự ẩ và ầ ?

Vài chục nhân mạng âm thầm làm việc rì rào dưới cái oi nồng của Sài Gòn, trong những căn phòng u uất thiếu không khí và dưới ánh điện chói chang. Nhưng không có họ thì không có nhật trình.

Khi một bài báo được xé nhỏ thành từng mảnh ghi số được sắp xong, tất cả tập họp lại giao trả ông xếp. Ông này lúc đó sẽ ráp các khuôn chữ thành hẳn một cột dài. Ông ta dùng một ống rouleaux lăn nhẹ một lớp mực in, trải lên một tờ giấy báo với một bàn chải mềm, ông đập nhẹ để có bản cò sơ khởi. Bản này là bản vỗ đầu tiên được chuyển sang cho thày cò.

Trong phòng typo có rất nhiều dấu hiệu của thời Pháp thuộc. Thày cò là do chữ Correcteur mà ra. Thầy cò đọc và sửa lỗi của bản vỗ. Sửa xong ông ta đưa cho người phụ tá của ông xếp Typo, thường là một người có nhiều tay nghề nhất. Ông phụ xếp dùng một cái nhíp nhỏ giống như nhíp nhổ râu gắp rút những mẫu tự sai ra, thay vào đó những chữ đúng. Công việc này rất tỉ mỉ, cần khéo tay. Cái khuôn chữ nhem nhuốc mực và những con chữ nhỏ li ti rất khó nhìn. Chỉ một chút vụng về cả một cột chữ sẽ đổ ngang đổ dọc là coi như toi công. Sửa xong ông phụ xếp sẽ phải lăn bản vỗ thứ hai để đưa lại cho ông thầy cò đọc và sửa lần chót.

Khi bài vở tương đối đã đủ trám các trang báo, ông xếp Typo thông báo không nhận thêm tin nữa. Nhưng bỗng có chuyện đặc biệt, có tin nổ, có tin độc quyền vào giờ chót, vị chủ bút hay tổng thư ký toà soạn — nói chung là người điều khiển toà soạn — sẽ phải cùng xếp Typo tính toán xem tin nào có thể bỏ đi, và khoảng trống trên báo cỡ bao nhiêu chữ để quyết định tin sẽ được viết như thế nào. Trong trường hợp đó, ông xếp Typo sẽ bóc bỏ một tin để trám tin giờ chót vào.

Vào giờ lên khuôn, ông chủ bút đưa cho ông xếp Typo một cái maquette với các tít, các cột, các hình được dàn trải sao cho bắt mắt. Khi tất cả tin tức bài vở đã được sắp chữ xong, ông xếp Typo vỗ một bản tin toàn diện tờ báo trình cho vị chủ bút. 

Đã đến lúc đúc bản hồ hoặc bản nướng. Một trang báo thường được chia ra làm hai khuôn lớn. Người xếp Typo sẽ trải một tờ giấy thấm khá dầy lên mặt khuôn chữ, dùng bàn chải đập nhẹ và đều để giấy ăn sâu xuống các chỗ lõm trên khuôn chữ. Sau đó, ông phết một lớp hồ mỏng làm bằng bột gạo lên rồi trải thêm một lớp giấy và vỗ tiếp. Sau năm ba lớp, ông xếp Typo gỡ ra và chúng ta thấy một bản giấy dày lồi lõm. Bản này sẽ được đưa vào lò nướng cho chín, nướng cho thật khô cứng. Có lẽ vì tiến trình trên nên có tên bản hồ, bản nướng.

Khi bản nướng hoàn tất, người thợ sẽ đổ lên lòng bản nướng một lớp chì mỏng. Chì lỏng ăn theo khíp lồi lõm của bản nướng khi chì đã nguội, người ta lột bỏ bản nướng và dùng bản chì đưa xuống cho nhà in để in báo. Nhiệm vụ của phòng sắp chữ typo đến đây chỉ ngưng có một phần. Phần tiếp theo là trả chữ. Những con chữ lớn chữ nhỏ nay được đổ xà ngầu vào những bát chữ. Tiến trình đi ngược là sờ chữ và quăng nó trở về đúng vào cái ô trong cái khay cả trăm hộc. Mô tả xem ra rất bình thường nhưng công việc này thường dành cho những người thợ có tay nghề cao vì vừa phải tinh ý, vừa phải chính xác và phải làm rất nhanh để thợ có khay chữ sắp bài cho số báo tới.

*

Những chi tiết kỹ thuật vừa mô tả dù được viết văn hoa, viết chi li thế nào cũng không mô tả hết được phần lem luốc. Bàn tay thợ typo lúc nào cũng dây mực, áo quần gần như tẩm dầu mỡ, khói và mồ hôi. Cảm giác nồng nực khi bước vào phòng typo sáng chói chang vì những bóng đèn cả 100 watt, cái ngột ngạt của không khí với mùi chì mùi thiếc, nhất là tiếng động rì rào của những con chữ được các chú thợ bốc lên bốc xuống, tất cả tạo nên một không khí khó thể quên. Suốt đời làm báo tôi hay lò dò vào chơi trong phòng Typo với những ông như Cai Bi, Tấn Typo, cụ Thanh Mai... Nay thì tất cả đã trở thành cổ tích, thành chuyện đời xưa. Kỹ thuật truyền thông với máy điện toán đã đẩy họ và những con chữ vào dĩ vãng, một dĩ vãng lem luốc, nhưng riêng với tôi, nếu bây giờ lại được chui qua cái cửa tò vò để đứng bên một em bé 14 tuổi chân đứng chân co, ngón tay trỏ sờ vào con chữ như những viên phù thủy thì thích quá.


https://www.diendantheky.net/2021/05/le-thiep-chuyen-co-tich-typo.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét