Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Các ngoại trưởng G7 lần đầu tiên trong hai năm qua họp trực tiếp để thảo luận về đại dịch và các mối đe dọa đối với nền dân chủ. Cụ thể, bảy nền kinh tế tiên tiến lớn nhất thế giới đã tổ chức hội đàm ở London trước thềm hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới. Ngoài các lãnh đạo G7, các ngoại trưởng của Australia, Ấn Độ, Nam Phi và Hàn Quốc cũng được mời.
Felix Tshisekedi, tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo, đã tuyên bố một tháng thiết quân luật ở Bắc Kivu và Ituri để dập tắt bạo lực trong những tháng gần đây ở hai tỉnh này. Tình hình đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Từ thứ Năm, các thống đốc tỉnh sẽ trao lại quyền cho quân đội và cảnh sát.
Giá một tấn carbon trên Hệ thống Giao dịch Khí thải EU đã lên mức cao kỷ lục là 50 euro (60 đô la). Trước năm nay, carbon hiếm khi đạt mức trên 30 euro một tấn, nhưng trong bối cảnh các nước tiếp tục kéo giảm giới hạn khí thải, dẫn đến khan hiếm và do đó tăng giá carbon, khiến nhà đầu tư đổ xô tham gia.
Liên Hợp Quốc và EU cáo buộc lực lượng an ninh Colombia lạm dụng vũ lực để trấn áp biểu tình, bao gồm cả nổ súng vào người biểu tình. Biểu tình nổ ra từ tuần trước sau khi Tổng thống Iván Duque công bố một dự luật cải cách thuế gây tranh cãi, mà sau đó đã bị rút lại. Thanh tra nhân quyền Colombia hôm thứ Hai cho biết 19 người đã chết vì đụng độ với lực lượng an ninh; và kể từ đó bạo lực đã xảy ra nhiều hơn.
Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cam kết một cuộc điều tra về vụ tai nạn tàu hỏa ở Mexico City khiến ít nhất 23 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương. Vào đêm thứ Hai, một cầu vượt bê tông đã sập, khiến đoàn tàu chở khách lao xuống con phố đông người ở phía dưới. Hiện nhân viên cứu hộ vẫn đang tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát.
Sau một năm đầy khó khăn với thị trường dư thừa dầu thô vì nhu cầu bị covid-19 đè nén, Saudi Aramco báo cáo lợi nhuận quý đầu tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, thu về 21,7 tỷ USD. Quả ngọt này của hãng dầu khí quốc doanh, góp phần vào sự phục hồi trong toàn ngành, là kết quả của phục hồi nhu cầu dầu và quyết định hạn chế sản xuất của OPEC.
TIÊU ĐIỂM
Vấn đề bằng sáng chế của vắc-xin covid-19
Khi làn sóng covid-19 tàn phá Ấn Độ, ngành công nghiệp sản xuất thuốc phổ thông khổng lồ của nước này đang muốn sản xuất vắc-xin hàng loạt để tiêm cho 1,38 tỷ dân. Song, cho đến nay hệ thống bằng sáng chế toàn cầu đã ngăn cản họ. Hôm nay, đại hội đồng của WTO sẽ xem xét tạm bỏ một thỏa thuận bảo vệ bí mật thương mại của các công ty dược phẩm.
Những người ủng hộ các bằng sáng chế vắc-xin nói dù có bỏ cũng sẽ chẳng giúp tăng nguồn cung. Vắc-xin rất khó sản xuất và việc tước đi lợi nhuận có được từ bằng sáng chế sẽ khiến các công ty ngại đầu tư trong tương lai. Còn những người ủng hộ ý tưởng thì cho rằng các công ty phải làm nhiều hơn để tiêm chủng cho thế giới sau khi đã nhận số tiền khổng lồ của chính phủ, trong khi vẫn có thể được nhận bồi thường hợp lý. Chính quyền Tổng thống Joe Biden – vốn cùng với Anh và EU chặn đề xuất này tại WTO – được cho là vẫn còn phân vân giữa hai lập luận.
Hãng ô tô Stellantis lần đầu công bố kết quả quý
Hôm nay Stellantis sẽ công bố kết quả kinh doanh quý đầu tiên. Hãng sản xuất ô tô này được thành lập từ vụ hợp nhất khổng lồ hồi tháng 1 giữa Fiat Chrysler Automobiles và PSA, một công ty Pháp sản xuất Peugeots và Citroëns. Các nhà đầu tư sẽ muốn nghe về tác động của tình trạng thiếu chip đang ảnh hưởng đến sản xuất trong toàn ngành cũng như lời xác nhận rằng thị trường xe hơi đang phục hồi lành mạnh.
Tuy nhiên, hầu hết sẽ hướng tới tháng 7, khi Carlos Tavares, ông chủ của Stellantis, tiết lộ thêm về chiến lược “xe điện hóa” của hãng, bên cạnh thông báo gần đây về bốn “nền tảng” mới nhằm củng cố xe điện của hãng và kế hoạch lập hai nhà máy sản xuất pin ở Châu Âu. Những chi tiết này sẽ đến cùng lúc với lần công bố kết quả kinh doanh tiếp theo, vốn mang lại nhiều thông tin cụ thể hơn về lợi ích tài chính của cuộc sáp nhập. Cuối năm nay hoặc đầu năm sau, công ty cũng sẽ vạch ra chiến lược và mục tiêu dài hạn, có thể sẽ rất tham vọng, đặc biệt khi nhìn từ kinh nghiệm của ông Tavares.
Tình hình sức khỏe tinh thần thế giới trong bối cảnh đại dịch
Với một số rất ít trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như các hãng sản xuất khẩu trang, đại dịch covid-19 đã gây rối loạn và khốn khổ cho tất cả mọi người. Nhưng khốn khổ đến đâu? Hôm nay Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh sẽ công bố thang đo trầm cảm ở Anh và cho thấy tình trạng này đã thay đổi ra sao.
Các dữ liệu khác, chẳng hạn như một cuộc khảo sát của các nhà nghiên cứu tại Đại học London, cho thấy trầm cảm và lo lắng lên mức cao vào tháng 3 năm 2020, giảm trong mùa hè, sau đó tăng trở lại – có thể nói gần đúng với tình hình lây nhiễm covid. Năm ngoái, người trẻ có mức độ hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống thấp hơn người già, song chưa rõ nó đã thay đổi ra sao khi có triển khai vắc xin. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở Hà Lan ghi nhận một điều đáng ngạc nhiên: mặc dù nhiều người Hà Lan báo cáo các triệu chứng trầm cảm và lo lắng hơn trong năm ngoái, nhưng những người trầm cảm từ trước đại dịch đã không trở nên trầm cảm hơn. Có lẽ bể khổ đã rộng ra, nhưng không sâu hơn.
Pháp kỷ niệm hai trăm năm ngày mất Napoléon
Để kỷ niệm hai trăm năm ngày mất của Napoléon vào năm 1821, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay sẽ đặt vòng hoa tại lăng mộ Napoléon ở Paris và có một bài phát biểu. Vị hoàng đế vẫn là một nhân vật gây chia rẽ, ngay cả ở Pháp. Một số người coi ông là một bậc thầy chiến lược và thiên tài hiện đại hóa. Trong khi những người khác xem ông như một bạo chúa và đồ tể, kẻ đã phung phí quyền lực tối cao của Pháp ở châu Âu trong trận Waterloo.
Ông Macron sẽ tuyên bố chế độ nô lệ, mà bản thân Napoléon đã đưa đến Tây Ấn thuộc Pháp vào năm 1802, là một điều ghê tởm, kể cả nhìn từ các giá trị thời đó. Bài phát biểu được cho là một phần trong nỗ lực của ông để buộc nước Pháp đối diện với tất cả các khía cạnh lịch sử của họ, bao gồm cả ở Rwanda và Algeria. Nhưng một số người sẽ coi lễ kỷ niệm là sự thách thức “văn hóa hủy bỏ” [tức phong trào xóa bỏ các biểu tượng lịch sử liên quan đến chế độ nô lệ], trong khi số khác cho rằng đó là một sự sao nhãng không cần thiết vào thời điểm đất nước vẫn còn chìm trong làn sóng dịch thứ ba.
http://nghiencuuquocte.org/2021/05/05/the-gioi-hom-nay-05-05-2021/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét