Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

6449 - Người Sài Gòn sửa “ngày hội non sông” thành bi hài kịch

Blog RFA - Gió Bấc

Vở diễn đình đám “ngày hội non sông” do đạo diễn đảng dàn dựng và dàn diễn viên hệ thống chính trị là diễn viên chính, lôi kéo thêm mấy chục triệu quần chúng sắm vai cử tri bất đắc dĩ, tốn kém bao công sức, của, tiền, đã hạ màn trong thắng lợi vẻ vang về hình thức, con số.

Nhưng về kết quả chính trị, dân trí và ứng xử của người dân Sài Gòn đã nhận diện bản chất của vở diễn, nên đã tạo ra kết quả bất ngờ. Nhiều ứng cử viên quân ta bị rớt, cơ cấu nhân sự dự kiến của đảng bị vỡ trận từ show Quốc Hội đến show Hội Đồng Nhân Dân.

Chỉ một đêm sau “ngày hội non sông” bầu cử, ngày 23-5 trên Facebook Lê Nguyễn Hương Trà đã có thông tin sốc, tóm tắt về kết quả kiểm phiếu ở TP. HCM. Trang Facebook của Quoc Ngoc còn đăng cả danh sách 30 ứng cử viên Quốc Hội của TP. HCM có số phiếu cao nhất. (1)

Sau ngày hội là đêm ám ảnh kinh hoàng

Theo lịch dự kiến thì sớm nhất là ngày 2-6 mới có kết quả chính thức, nhưng với các quy định ngặt nghèo của Luật An Ninh Mạng và việc thực thi cởi mở điều luật 331 Bộ Luật hình sự về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”, các Facebooker này hẳn có nguồn tin khả tín mới dám cầm đèn chạy trước ô tô. Mặc khác, một số nhà báo lề phải như Nguyễn Đức, Nguyễn Phan Huy San cũng đã có stt chúc mừng những ứng cử viên họ mến mộ với kết quả tương tự.

Tạm tin và phân tích vào “kết quả dự báo” này, cho thấy điều thú vị, sau gần nửa thế kỷ trong chế độ toàn trị, dân trí và ý chí của người dân Sài Gòn vẫn chưa thui chột. Màn diễn công phu, tốn kém “ngày hội non sông” đã bị lật kèo, nhiều quân cờ, vai diễn trụ cột đã ngã ngựa, nhiều quân đỏ bị thay bởi quân xanh. Đêm kiểm phiếu 23 rạng 24-5 quả là đêm ám ảnh với giới lãnh đạo thành Hồ.

Với cấp Quốc Hội, Hương Trà đã viết tóm tắt như sau: “Tp. HCM khá bất ngờ kết quả với Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Như Khuê và giám đốc Sở TTTT Lâm Đình Thắng không đủ phiếu vào ĐBQH. Có đến 6/13 TW đưa vào ứng cử ĐBQH cùng số phận: Đỗ Khắc Hưởng (cục pháp chế), Nguyễn Văn Kính (Hội Truyền nhiễm), Trần Đức Cường (Hội Sử học) Phan Anh Sơn (Liên hiệp TC Hữu Nghị), Nguyễn Hồng Sơn (Hội Khuyến học), Lê Thị Thu Hương (Vụ trưởng/Bộ GTVT)…” (2)

Nhiều người sẽ phản biện cho rằng, đã là người được đảng chọn, mặt trận giới thiệu ra ứng cử ai mà chẳng xứng đáng, chẳng qua là xứng đáng cao hay xứng đáng thấp thôi. Chỉ cái bọn lợi dụng quyền tự do dân chủ tự ra ứng cử mới là không xứng đáng thôi. Cử tri nô nức đi bầu trên 98% là cao nhất thế giới, Mỹ có xách dép chạy theo cũng không kịp.

Nhận định này không sai, nhưng chưa thấy hết sự vi diệu của đảng ta trong tấn tuồng bầu cử của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam cao gấp ngàn lần dân chủ tư sản.

Cuộc chơi sắp cờ quân xanh quân đỏ

Mọi công dân đều có quyền và trách nhiệm tự do đi bầu cử theo sự động viên của công an địa phương và tổ trưởng dân phố, dân cư nông thôn. Các vị tổ trưởng này chỉ được rời điểm bầu cử khi hộ dân cuối cùng.

Sự lựa chọn, giới thiệu ứng cử viên càng vi diệu. Về lý thuyết, công khai là các tổ chức, hội đoàn, giới thiệu các ứng cử viên theo cơ cấu, tiêu chuẩn và MTTQ tổ chức rà soát, hiệp thương giới thiệu ứng cử. Thế nhưng thực tế, có đến hai hệ thống giới thiệu ứng cứ viên Quốc Hội.

Một là hệ thống các ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về địa phương ứng cử như trường hợp Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu về TP. HCM, Phạm Minh Chính về Cần Thơ, Vương Đình Huệ về Hải Phòng… Đây là những người cần thiết và bắt buộc phải có ghế ở Quốc Hội để làm việc gì đó của trung ương. Người của trên lỡ bị rớt là cấp ủy chính quyền địa phương không hoàn thành nhiệm vụ.

Hai là các ứng cử viên do Mặt trận tỉnh giới thiệu theo yêu cầu cơ cấu cán bộ của địa phương. Trong số này có quân xanh, quân đỏ. Người xứng đáng cao làm quân đỏ sẽ được tính toán bố trí những điều kiện tối ưu về địa bàn ứng cử, các người xứng đáng thấp làm viên đá lót đường đi kèm trong cùng tổ bầu cử để bảo đảm 100% thắng cử.

Điển hình nhất trong trưởng hợp này là Nguyện Thiện Nhân, được đưa về ứng cử ở quận Bình Tân, rất xa với Thủ Thiêm, Lộc Hưng và trong tổ bầu cử này có hai ứng viên nhẹ ký lót đường là bà Chủ tịch Hội Đồng Trường ĐHSP và ông Chánh Văn Phòng UBND TP. Nhà nghiên cứu Biển Đông, giảng viên Đinh Kim Phúc đã mỉa mai trên Facebook cá nhân: “Thành ủy rất sáng suốt như dân nên không đưa Nguyễn Thiện Nhân về tp.Thủ Đức ứng cử.” (3)

Thật vậy, nếu ứng cử ở khu vực Thủ Đức, Quận 1, quận 10, Nguyễn Thiện Nhân sẽ chắc chắn cầm đèn đỏ.

Ngược lại, Mặt trận cũng lựa chọn giới thiệu một số ứng cử viên xứng đáng thấp để chắc chắn sẽ bị rớt. Tất cả ứng cử viên này đều được phân công ứng cử để rớt theo mặc định, ngầm hiểu/ họ được động vên, an ủi bằng lập luận đắc cử là chiến thắng, thất cử là vinh quang. Điển hình là Chủ tịch thành Hồ Nguyễn Thành Phong được ứng cử cùng với các quân xanh yếu ớt đáng thương là Chủ tịch UB phường Đa Kao, Phó Bí Thư Quận 1, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi… (4)

Quy luật quân xanh quân đỏ, bầu cử theo sự lãnh đạo dân chủ tập trung này không chỉ với dân mà ngay trong các bầu bán của đảng. Vào thập kỷ 1980, đại hội đảng tỉnh Minh Hải có chuyện vui, bà TT Phó Giám Đốc Sở VHTT được phân công ứng cử tỉnh ủy. Biết thân phận mình thấp bé, không có cơ cấu quy hoạch, bà nhất quyết từ chối vì không muốn là vật lót đường nhưng cấp trên cứ ép và hứa cuội là, đây là quyền của đại hội, ai được tín nhiệm thì làm, không ai lót đường ai.

Bí quá, bà TT đành chịu ứng cử. Bất ngờ bà đắc cử. Lãnh đạo tỉnh bối rối không biết bố trí sao nên quay sang vận động bà rút tên. Nổi đóa trước sự lật lọng, bà tuyên bố “Đã từ chối, cứ ép ứng cử, hứa hẹn đủ thứ, giờ đắc cử kêu rút. Tui không rút bú …. được không?”

Sài Gòn loại quân đỏ, xỏ quân xanh

Chính từ căn nguyên đó, việc cử tri Sài Gòn đã loại bỏ các quân đỏ nặng ký của TP.HCM là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Như Khuê, giám đốc Sở TTTT Lâm Đình Thắng, Trưởng ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM Hứa Quốc Hưng, cựu chánh án TAND TP Ung Thị Xuân Hương, đã làm cuộc cờ nhân sự của thành Hồ bị xô lệch.

Quan trọng hơn là 6/13 quân đỏ từ Trung Ương dúi về đã bị người dân Sài Gòn thẳng tay gạt bỏ như là cái tát vào mặt Hội Đồng Bầu Cử Trung Ương và Trung Ương Đảng. Đặc biệt trong số này có Đỗ Khắc Hưởng, đồng hương Thanh Hóa của Phạm Minh Chính, Cục Phó Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an.

Tân bí thư Thành Hồ Nguyễn Văn Nên đã khôn ngoan né đạn, rút lui không tham gia cuộc chơi dân chủ tưởng dễ ăn, nhưng cũng dễ chết này, nhưng chắc hẳn phải chịu phần trách nhiệm trong việc có nhiều quân đỏ bị rớt đài.

Sự sáng suốt của người dân Sài Gòn còn thể hiện ở trường hợp luật sư Trương Trọng Nghĩa. Một ông Nghị can trường trong nhiều nhiệm kỳ đã bị đảng loại bỏ không giới thiệu, phải tự ứng cử và được xếp đội hình vào bảng tử thần phải tranh chấp với ông tướng Phó Tư lệnh Quân Khu 7, bà Chủ Tịch Mặt Trận TP, bà Chủ tịch Hội Nông Dân TP. Ông Nghĩa đã được người Sài Gòn ưu ái dồn phiếu.

Không chỉ cấp Quốc Hội, ở cấp HĐND thành Hồ, hàng loạt quân đỏ cũng bị cử tri thẳng tay gạt bỏ. Lê Nguyễn Hương Trà đã điểm qua một số ứng cử viên bị rớt là “Còn ở bảng HĐND 05 lãnh đạo báo chí và xuất bản rớt hết và 03 nghệ sĩ Lê Tứ, Trịnh Kim Chi, Hạnh Thúy cũng thua. Các mục sư, tăng ni đều rớt cả. Luật sư Hà Hải rớt, coi như giới LS trắng tay”. (1)

Các ứng viên báo chí, văn nghệ sĩ luật sư là các quân đỏ cốt cán trung thành lại là bức phông màn sặc sỡ sắc màu tô điểm cho tấn tuồng dân chủ. Việc cử tri Sài Gòn thắng tay loại bỏ các ứng viên này là thất bại nghiêm trọng, thảm hại cho vở tuồng “ngày hội non sông”.

Đốt bỏ phông màn dân chủ

Kết quả này là câu trả lời rõ ràng, dứt khoát của người dân Sài Gòn, bất tín nhiệm và đoạn tuyệt với guồng máy tuyên truyền. So với các ứng cử viên khác, những ứng viên thuộc giới báo chí, truyền thông, đã tận dụng bộ máy, phương tiện, đội ngũ nghề nghiệp của mình, tuyên truyền bốc thơm trên báo chí và trên mạng xã hội. Ngay cả Lê Nguyễn Hương Trà Facebooker đình đám có nhiều friend, fan, cũng tham gia bốc thơm cho đồng nghiệp nhưng kết quả vẫn thua trắng mắt.

Nhà báo hưu trí Ngọc Vinh, nguyên Thư Ký Tòa soạn báo Tuổi Trẻ, đã ngậm ngùi viết trên Fb:

“BÁO CHÍ SA CƠ

Năm nay, đảng nhất quyết không cho báo chí suất nào vào quốc hội mặc kệ anh chủ tịch hội nhà báo nước nhà khóc than kể lể. Còn tại thành Hồ, nguồn tin từ hội đồng kiểm phiếu cho biết, 4 ứng cử viên báo chí ứng cử vào Hội đồng nhân dân tp bị dân bỏ phiếu cho out cả 4.

Bi kịch!

Chưa bao giờ báo chí bị ruồng rẫy như thế này, đảng không tin, còn dân thì ghét.

Nhớ xưa kia, khi dân còn tin báo chí, lão đồng nghiệp chả có chút năng khiếu chính trị nào của tui là Huỳnh Dũng Nhân, ứng cử 1 phát là đắc cử ngay HĐND thành Hồ, dù vào đó chỉ để hưởng chút hương hoa quyền lực mà thôi, chứ cũng chẳng làm được điều gì to tát cho dân.

Nghĩ mà thấy thương cho cái nghề của tui ngày nào, giờ mất giá ghê luôn, híc.

Thôi thì cứ lo làm báo cho tốt đi, để lấy lại niềm tin của độc giả, ham hố chi cái quyền lực chính trị cỏn con (dù biết là khá thơm về bổng lộc) đó làm gì!”(5)

Ngậm ngùi như Ngọc Vinh rất đúng nhưng chưa toàn diện. Bên cạnh cái buồn về sự xuống cấp nghiêm trọng của nghề báo và phẩm giá của người làm báo thời nay thì kết quả này lại le lói niềm vui, niềm tin về sự sáng suốt, kiên cường của người dân Sài Gòn.

Gần 50 năm trong chế độ độc tài, toàn trị, mị dân, truyền thống yêu chuộng dân chủ, ý thức dân quyền vẫn âm ỉ sống.

Kết quả cuộc bầu cử lần này tuy không thể lật ngược thế cờ vì sân chơi chỉ toàn quân đỏ với quân xanh do người chơi đã rắp tâm bày sẵn. Nhưng nhiều quân cờ chiến lược bị ngã ngựa trong thế thượng phong nhất là 6/13 ứng viên do cõi trên áp đặt đã là một tín hiệu vui. Ai đời đoàn quan chức khâm sai đại thần về địa phương trấn nhậm lại bị thua sấp mặt, bị dân đuổi trả lại triều đình gần phân nửa. Sẽ sắp xếp ghế đẳng cho đoàn quân thất cử này như thế nào cho đỡ nhục là câu hỏi khó.

Cử tri Sài Gòn đã sửa kịch bản “ngày hội non sông” từ anh hùng ca thành một vở bi hài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét