ĐẶNG HÙNG VÕ
Vài năm trước, sư trụ trì một chùa thuyết phục tôi làm lễ cúng "cho gia tiên được mát mẻ". Tôi hỏi "mất bao nhiêu tiền?". Câu trả lời là "cúng thường 20 triệu, cúng sang thì 60 triệu". Tôi cảm ơn vì không đủ tiền. Và nói thêm rằng lẽ sống của tôi là làm nhiều việc thiện, gia tiên sẽ được mát mặt. Tiền không phải là giải pháp của nhà Phật.
Hôm qua là ngày Phật Đản. Tôi vốn là người gần gũi với đạo Phật. Nhưng nhớ lại, vụ sư trụ trì chùa Phước Quang ở Vĩnh Long bị nghi lừa 18 tỉ đồng khi xây dựng cô nhi viện; hay trước đó, chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh tổ chức truyền bá "vong báo oán" và "giải nghiệp" để thu hàng trăm tỉ đồng khiến tôi suy nghĩ.
Lúc còn bé, tôi hay được bà nội dắt lên chùa làng. Tới nơi, bà luôn tươi cười với sư cụ: "Bạch cụ, bà cháu con hôm nay xin lên ăn mày cửa Phật". Chuyện trò một lúc, tôi được mấy cái oản đóng bằng cơm nếp mang về.
Khi đó, tôi cứ băn khoăn mãi về câu "ăn mày cửa Phật". "Ông ơi, sao bà lên chùa lại cứ nói là ăn mày cửa Phật, mình có phải ăn mày đâu?", tôi đành hỏi ông nội.
Ông tôi giải thích, ai cũng có thể trở thành ăn mày. Các cụ đã nói: "Ăn mày là ai? Ăn mày là ta/ Đói cơm, rách áo hóa ra ăn mày". Ai nghèo khó, bị hắt hủi, cứ đến chùa là được ăn no. Khi lên cửa Phật, ai cũng tự nhận là ăn mày, không phải để xin oản mà để được nghe các sư nói rồi ngộ ra những điều cần làm, ngăn lại ham muốn vị kỷ. "Đó chính là ăn mày các điều răn dạy của Phật", ông nói tiếp. Tôi vẫn nhớ nguyên vẹn lời ông.
Ngày xưa, làng tôi vừa nhỏ, vừa nghèo, không có chùa. Cụ nội tôi đỗ Phó bảng khoa thi 1892 đã bỏ tiền ra xây chùa cho làng. Tiền ít nên chùa cũng nhỏ, nhưng là chỗ đi lại ấm áp của dân làng. Từ khi xây xong, chùa vẫn đứng vững nguyên vẹn sau nhiều thăng trầm của đất nước, chiến tranh cũng như khi Phật giáo ít được trọng.
Kể từ Đổi mới, Phật giáo ngày một vượng. Rất nhiều người lần theo đường "ăn mày cửa Phật". Muốn có cái gì, họ tìm cửa Phật để xin. Từ buôn bán "một vốn bốn lời" hay thăng quan tiến chức, tình duyên êm đẹp cho tới thắng cuộc đỏ đen, người ta đều nghĩ rằng đến chùa thả tiền vào thùng công đức, Phật sẽ giúp.
Sự thực, những mong muốn này trái với Phật pháp. Phật chỉ dạy rằng cần làm điều thiện và chế ngự dục vọng. Dục vọng là nguồn gốc của tội lỗi. Chắc chắn Phật không thể giúp ai đó lấy của người khác làm của mình.
Và rồi, trong cơn tiền bạc xoay vần, có người còn dựa vào tâm lý ham muốn của kẻ tới chùa cầu xin mà làm nhiều điều trái với Phật pháp.
Năm ngoái, một kiến trúc sư chia sẻ với tôi câu hỏi, tại sao vài nghìn hecta đất được giao cho các dự án xây chùa gắn với du lịch tâm linh mà nhà nước gần như không thu lại đồng nào. Ngân sách đầu tư công cũng bỏ ra hàng nghìn tỉ cho giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng không thuộc "hạng mục ưu tiên". Nhà đầu tư tư nhân, sau khi bỏ tiền xây chùa và các bất động sản du lịch, lại được chủ động khai thác. Hòm công đức đặt như thiên la địa võng cùng nhiều thủ pháp thu tiền như khắc tên người vào bia đá, tượng Phật... Lợi nhuận thu được phân chia không rõ ràng.
Tôi bỏ thời gian tìm hiểu xem phương thức xây chùa kiểu này có đúng với pháp luật đất đai không. Trên thực tế, có tỉnh giao đất cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để giao cho nhà đầu tư, có tỉnh lại giao trực tiếp cho nhà đầu tư để xây chùa.
Như vậy, việc giao đất không minh bạch. Giao đất cho cơ quan nhà nước sử dụng, sao lại để tư nhân xây chùa và khai thác du lịch? Điều này trái với quy định về mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước. Việc giao đất cho nhà đầu tư để xây chùa cũng không đủ rõ ràng để có thể tính tiền thuê đất, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Sự thiếu minh bạch này do Luật Đất đai 2013 không đề cập tới loại dự án xây dựng cơ sở tôn giáo làm kinh doanh du lịch, các địa phương đã tự "sáng tác" áp dụng pháp luật theo ý mình.
Quốc hội đã chất vấn về du lịch tâm linh tại Nghị trường, có đại biểu gọi là "BOT chùa". Nhưng đến nay bức xúc vẫn vẹn nguyên.
Nhìn lại, các dự án xây dựng cơ sở tôn giáo có mặt tích cực là để lại những kiến trúc đặc biệt. Những người có tâm trên thế giới cũng đã bỏ tiền riêng cùng cộng đồng tạo nên kiến trúc để đời trong nhiều dòng tôn giáo khác nhau. Các cơ sở tôn giáo cũng đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.
Ở phía ngược lại, tôi thấy có hai vấn đề chưa làm rõ. Thứ nhất là quy hoạch nhóm dự án tâm linh thế nào cho phù hợp với nguồn lực đất đai theo đầu người rất thấp ở nước ta? Diện tích đất nào phải thu tiền và chỗ nào được sử dụng mang tính công cộng không thu tiền? Thứ hai, phân chia lợi ích từ khai thác du lịch ra sao để hợp lý giữa nhà nước, cộng đồng địa phương và chủ đầu tư tư nhân?
Pháp luật nước ta luôn quá chậm so với tính năng động của thị trường. Pháp luật đất đai mới chỉ điều chỉnh các dự án xây dựng cơ sở tôn giáo dựa trên nguyện vọng cộng đồng, quyên góp cộng đồng và do cộng đồng quản lý. Luật Du lịch cũng chỉ mới tính đến hình thức du lịch tới các cơ sở tôn giáo đã hình thành từ lịch sử, chưa đề cập đến hoạt động du lịch của cơ sở tôn giáo tư nhân.
Giải pháp ở đây là sửa Luật Đất đai theo năm điểm. Thứ nhất, bổ sung quy định về phát triển cơ sở tôn giáo qua hình thức đầu tư tư nhân vì mục tiêu lợi nhuận, áp dụng với mọi tôn giáo. Thứ hai, đưa loại dự án này vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và nông thôn theo quy trình riêng - có sự đồng thuận của cơ quan nhà nước, tổ chức tôn giáo và cộng đồng địa phương.
Thứ ba, đất đai phục vụ mục đích kinh doanh du lịch tâm linh phải thuê của nhà nước chứ không được giao miễn phí. Thứ tư, việc quản lý tiền đóng góp đèn hương, công đức được giao cho chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư quản lý thay vì doanh nghiệp. Thứ năm, hoạt động kinh doanh du lịch do doanh nghiệp triển khai phải tuân theo các quy định về du lịch và thương mại.
Nếu các "đại gia" hoạt động như nhà hảo tâm, xây chùa xong giao lại cho cộng đồng quản lý thì hay biết mấy. Còn xin đất, xây chùa rồi kinh doanh ngay công trình thì có gì đó không hợp với triết lý nhà Phật.
Hay đó cũng là "ăn mày cửa Phật" thời hiện đại?
http://thuymyrfi.blogspot.com/2021/05/ang-hung-vo-may-cua-phat.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét