Cứ mỗi năm đến mùa Quốc Hận 30 Tháng Tư, tôi ứa nước mắt nhớ lại những kỷ niệm về một thời tuổi trẻ. (Tranh: Đinh Trường Chinh)
Hoàng Bê cùng khóa 6/69 BB nhưng học ở trường Đồng Đế Nha Trang, tôi biết Bê vì cùng đơn vị Tiểu Đoàn 1 Truyền Tin và cùng học khóa STLQ 8 căn bản Sĩ Quan Truyền Tin cuối năm 1970, còn Bùi Lang khóa 5/68 Thủ Đức, vừa mới từ Quân Đoàn II ở Pleiku đổi về làm Sĩ Quan Mật Mã Phòng Truyền Tin đầu năm 1972. Tôi quen với Bùi Lang khi tôi vừa xong khóa SVT 1 ở trường truyền tin Vũng Tàu về và được thuyên chuyển lên Phòng Truyền Tin SĐ1 vào đầu Tháng Tư. Lúc đó Bê làm trưởng xưởng mã ở Trung Tâm truyền tin SĐ1 và cũng là bạn cùng quê Quảng Điền với Lang.
Mỗi người mỗi việc nhưng cả ba đều ở chung một căn nhà gỗ nhỏ nằm trong phạm vi Trung Tâm Truyền Tin và chỉ cách phòng truyền tin một con đường và cùng chịu một trận Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972, với những trái hỏa tiển 122 từ phía Tây Nam dội về trong thời gian căn cứ Bastogne thất thủ. Lang hơn tôi và Bê 2 tuổi và đời nhà binh dĩ nhiên cũng hơn tôi chừng đó. Nhưng anh sĩ quan ngành mật mã lại có dáng dấp thư sinh, cộng thêm cây đàn guitar kè kè bên mình trông nghệ sĩ hết chỗ nói. Quê Bùi Lang ở một cái làng hẻo lánh thuộc Quận Quảng Điền, Thừa Thiên, là một trong những hang ổ của đám du kích Việt Cộng hoạt động khá mạnh trong Tỉnh Thừa Thiên. Nơi đó Bùi Lang còn một mẹ già đang sống với một cô em út của anh, ngoài ra anh cũng còn một bà chị có chồng đang buôn bán ở Đà Nẵng.
Nói về công việc, suốt thời gian phục vụ với cương vị là sĩ quan mật mã phòng truyền tin, Lang làm việc không ai chê được. Ban Mật Mã từ ngày có anh đổi về trông coi thì mọi việc đều tốt đẹp. Bất cứ một phái đoàn thanh tra nào từ Cục hay Quân Đoàn với những ông thanh tra dù khó tính đến đâu cũng đều hài lòng trước cách làm việc của Lang và theo tôi biết, anh cũng là một trong các sĩ quan trẻ hiếm hoi được các ông Thượng Sĩ già có hàng chục năm công vụ trong đơn vị phải kính nể. Ngoài ra Lang còn thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công việc mà không ngại bất cứ đụng chạm nào dù đó là với một sĩ quan cao cấp. Tôi nhớ có một lần do sự bê trễ của viên Hạ Sĩ Quan Trực của Bộ Chỉ Huy Pháo Binh không đến nhận kịp một công điện mật hỏa tốc tại Trung Tâm Truyền Tin vào lúc 1 giờ sáng. Khi được thông báo, Lang đã làm một việc mà chưa có một sĩ quan tiền nhiệm nào dám làm, đó là ông đại tá chỉ huy trưởng Pháo Binh dạy bằng một cú điện thoại vào lúc đó để quy trách nhiệm cho ông ta về vụ bê trễ này.
Mùa Hè 1972 thật sự đã đi vào giai đoạn đỏ lửa. Cực Bắc tỉnh Quảng Trị, Thị xã Đông Hà lọt vào tay Bắc quân, Trung Đoàn 56 BB, của ông Trung Tá Đính đầu hàng, tiếp theo thủ phủ Quảng Trị và nơi đóng quân của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 tân lập của tướng Giai cũng thất thủ . Bao nhiên tin tức xấu liên tiếp gửi đến và cuối cùng, con đường Quốc Lộ 1 từ Quảng Trị vào Huế trở thành Đại Lộ Kinh Hoàng cho người di tản.
Chuyện Trung Úy Bùi Lang sĩ quan Phòng Truyền Tin bị nằm trong hồ sơ Z là một sự thật, lúc đầu chỉ như một tin đồn xầm xì to nhỏ trong Phòng Ban Bộ Tham Mưu. Nhưng thời gian sau chuyện đã hé dần ra và trở thành sự thật. Nhờ qua trung gian một người bạn, hỏi giùm, tôi mới biết tin tức có liên quan đến Lang. Người bạn này nói:
-Đúng là có chuyện đó. Trung Úy Bùi Lang sĩ quan Mật Mã Phòng Truyền Tin bị nằm trong hồ sơ Z, hồ sơ an ninh, nghĩa là có thân nhân ruột thịt đang giữ chức vụ phía bên địch. Phòng an ninh quân đội sư đoàn nhận được hồ sơ này từ Cục An Ninh gửi xuống sáu tháng nay rồi nhưng do phải chờ điều tra lại cho chính xác nên vẫn còn giữ kín. Nay thì mọi việc đã rõ, hiện họ đang làm phiếu trình lên Đại Tá Tham mưu trưởng, Phòng 6 Quân Đoàn và phòng truyền tin sư đoàn đề nghị thuyên chuyển Trung Úy Bùi Lang đi đơn vị tác chiến.
Từ lâu tôi đã có nghe qua cái hồ sơ Z này rồi, nội mới nghe cái tên của nó thôi cũng đủ xanh mặt. Anh sĩ quan nào mà có tên tuổi hân hạnh được nằm trong cái hồ sơ này thì sẽ thấy ngay con đường tương lai của mình đen như mõm chó. Tôi hiểu việc điều tra an ninh đối với các quân nhân trong ngành mật mã được cục an ninh quân đội cho tiến hành rất kỹ và thường xuyên hàng năm. Chuyện khai báo lý lịch lúc mới vào ngành của Bùi sao tôi không rõ nhưng đến nay người ta mới moi ra việc anh có bà con ruột thịt với một ông lớn nào đó nằm bên kia giới tuyến chứng tỏ các nhân viên điều tra có làm việc và làm việc đàng hoàng chứ không phải suốt ngày ăn nhậu như xưa nay tôi vẫn nghĩ.
Ra tác chiến… Hơn ai hết, tôi biết Bùi Lang sẵn sàng chấp nhận việc này và anh sẽ bước ra mặt trận để đối mặt với kẻ thù một cách hăng say và can đảm cũng như anh đã từng hăng say chiến đấu với các con số, tài liệu. Trong phòng làm việc của mình. Anh là một sĩ quan tham mưu có đầu óc, anh cũng là một chuyên viên giỏi của ngành mật mã. Những người lính ở mặt trận cần có những người ở hậu cứ có khả năng làm tham mưu và yểm trợ. Bùi Lang thuộc trong số những người cần thiết đó. Chuyển anh ra khỏi vị trí, cái mặt trận mà anh đang chiến đấu đó là một sự phí phạm tài năng. Nhưng nói gì thì nói, số phận anh cũng đã được an bài. Cái hồ sơ Z của anh vẫn còn nằm sờ sờ bên phòng An Ninh Quân Đội và người ta bắt buộc phải thi hành nó theo đúng những gì không thể làm khác hơn.
Trung Tá Bính Trưởng phòng 6 Quân Đoàn I ở Đà Nẵng nghe nói ông bất bình về vụ hồ sơ Z này và hứa sẽ can thiệp. Việc can thiệp của ông chưa biết đi đến đâu nhưng khoảng tuần sau thì Bùi đã được thông báo về số phận nghiệt ngã của mình. Mặc dù chưa có quyết định chính thức để buộc Bùi phải rời khỏi chức vụ nhưng cái án treo lơ lửng trên đầu anh sẵn sàng rơi xuống bất cứ lúc nào. Tôi bảo đảm rằng nếu nguời nào khác không phải là Bùi trong trường hợp này thì chắc chắn họ sẽ gục ngã ngay do suy sụp tinh thần và sự tự ti mặc cảm. Nhưng Bùi thì không, anh vẫn bình tĩnh như chưa từng có chuyện gì xảy ra và vẫn làm việc một cách bình thường. Phải chăng do lối sống kín đáo tiềm ẩn trong một tinh thần mạnh mẽ lâu nay đã giúp anh chế ngự được sự mặc cảm đó. Cái mặc cảm phát xuất không chỉ từ cú sốc đột ngột mang tên hồ sơ Z trên trời giáng xuống mà còn từ những thái độ ngờ vực dẫn đến xa lánh của một số người ở chung quanh.
Vào một trong những ngày cuối tháng năm, khi mặt trận phía Tây Nam thành phố Huế trở nên sáng sủa hơn, khởi đầu từ việc Tướng Ngô Quang Trưởng từ vùng 4 đổi về làm Tư Lệnh Quân Đoàn I thay thế Tướng Hoàng Xuân Lãm làm dân Huế mau chóng lên tinh thần, kế tiếp căn cứ Phú Xuân (Bastogne) được quân Sư Đoàn 1BB tái chiếm bằng cú nhảy của toán biệt kích Trung Đoàn 1 do Trung Úy Hiệp chỉ huy xuống đỉnh ngọn đồi máu, phối hợp với các cánh quân của Trung Đoàn 54 và Trung Đoàn 1 từ trong đánh ra, đẩy quân Bắc Việt khỏi các vị trí chiến lược mà họ chiếm được trong Tháng Ba vừa qua. Cùng thời gian này chiến dịch tái chiếm Quảng Trị cũng bắt đầu với các Lữ Đoàn TQLC và Nhảy Dù Việt Nam mở các cuộc tấn công ồ ạt vào các vị trí phòng thủ của Bắc quân ở mặt Bắc Mỹ Chánh và tiến vào địa phận Quảng Trị. Đài, báo phương Tây bắt đầu trở giọng lạc quan hơn khiến Huế như trút được gánh nặng. Áp lực pháo địch từ phía Tây Nam cũng được giải tỏa và dân Huế lại trở về tiếp tục sống và hít thở không khí tự do trong thành phố thân yêu của mình.
Trong một dịp thật hiếm hoi ba thằng tôi vào một trong những ngày đẹp trời và sáng sủa cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nói trên, leo lên chiếc Jeep120 551 của phòng truyền tin chạy lên Huế, trước mượn đi có việc công sau là chiếm chút thời gian giải tỏa áp lực sau những ngày gồng mình đội pháo ở Dạ Lê. Ăn chơi thỏa thích xong, buổi chiều trước khi về, chúng tôi ngồi trong quán cà phê Tôn trên đường Đinh Bộ Lĩnh. Đợi đến lúc này tôi mới hỏi Bùi:
-Bên An Ninh Quân Đội họ nói ông có người bà con nào đó đi theo Việt Cộng. Chuyện đúng như vậy không?
Lang trả lời ngay: Mình biết chuyện này có ngày cũng xảy đến. Mình không giấu làm gì. An Ninh Quân Đội điều tra rất chính xác. Cái người bà con đó chính là bố ruột mình. Ông bỏ vợ con, bỏ cả mình lúc đó chưa tới 2 tuổi và con em út của mình còn đang nằm trong bụng mẹ để chạy theo phía bên kia. Đến khi anh em mình lớn lên vẫn yên chí là cha mất sớm theo lời mẹ nói. Chỉ khi ông trở về hoạt động trong mấy năm gần đây thì mình mới biết. Mình không trách bố mình về việc ông bỏ đi đã làm mẹ mình đau khổ và lâm vào cảnh cùng cực. Mình chỉ trách và hận ông vì sao ông không chịu suy nghĩ khiến phải chọn lầm đường. Chính vì vậy mình tránh không bao giờ về lại quê. Chỉ khi nào nhớ mẹ, mới nhắn con em đưa bà vô Huế hay Đà Nẵng để mình gặp. Mình chỉ buồn một điều là không ai tin mình hết. Không ai tin mình hết.
Nỗi buồn của Bùi Lang là như thế, có ai thấu hiểu cho anh? Có một quê nhà mà không thể về thăm, có một người cha không bao giờ muốn gặp, và có một lý lịch khiến ai cũng nghi ngờ. Tuổi trẻ của anh phải chịu một số phận thật nghiệt ngã và cay đắng. Có một câu hỏi mà đến bây giờ không còn nhớ tôi hay thằng Bê, có hỏi Bùi Lang là khi nào nghĩ đến chuyện hai cha con có thể gặp nhau trong một hoàn cảnh nào đó không? Câu hỏi thì tôi không nhớ ai hỏi. Nhưng câu trả lời thì đến nay, gần nửa thế kỷ sau tôi vẫn nhớ, Bùi nói:
-Ví dụ như mình buộc phải đối diện với ông ấy trong một tư thế bất lợi thì chắc mình phải có một cách xử sự riêng. Dù sao mình cũng không bao giờ muốn có sự đối đầu ấy. Mình là một người lính và mình có lý tưởng riêng của mình.
Lúc đó tôi vẫn chưa nghĩ sâu hơn để hiểu được hàm ý của Bùi trong câu nói đó.
Trung Tá Bính trưởng phòng 6 Quân Đoàn đã thành công một phần trong việc can thiệp với Cục Truyền Tin và Cục An Ninh Quân Đội về vụ hồ sơ Z của Bùi. Do đó vài tháng sau, thay vì phải ra đơn vị tác chiến, Bùi đã được thuyên chuyển lên Phòng 6 Quân Đoàn I ở Đà Nẵng nhưng chỉ giữ một chức vụ ngồi chơi xơi nước nào đó.
Đến phiên Hoàng Bê trưởng xưởng mã Trung Tâm Truyền Tin cũng chung số phận với Bùi Lang. Hắn cũng có tên trong hồ sơ Z, vì có ông Bác nào đó đi tập kết. Lập tức hắn bị đưa ra khỏi ngành mật mã ngay và chờ thuyên chuyển ra tác chiến. Tháng Ba, 1975, lệnh thuyên chuyển của hắn chưa kịp về thì Huế đã thất thủ. Hoàng Bê bị bắt ở Thuận An và đến T Chín, năm 1975, chúng tôi gặp nhau ở Trại Tù Cồn Tiên. Trong thời gian này, tình cờ gặp một người cùng quê với Hoàng Bê lên thăm nuôi chồng, và nhờ chị này chúng tôi mới biết tin tức của người bạn Bùi Lang.
Hai ngày trước khi Đà Nẵng mất vào tay giặc. Nghe kể lại, ngày 27 Tháng Ba, 1975, tại bãi biển Tiên Sa, giữa đám đông hỗn loạn tìm đường vượt thoát vào Nam thì có nhiều người chứng kiến cảnh Trung Úy Bùi Lang phòng 6 Quân Đoàn I đứng nghiêm chỉnh chào vị thượng cấp và các chiến hữu của mình rồi rút khẩu súng Colt 45 kê nòng vào đầu và chết oanh liệt như một người lính tại mặt trận. Bây giờ tôi mới hiểu cách xử sự riêng của Bùi là như thế, như anh đã nói ra trong cái quán cà phê ở đường Đinh Bộ Lĩnh Huế năm nào. Trước cái chết đó tôi luôn cho rằng Bùi xứng đáng được vinh danh như một anh hùng của miền Nam Việt Nam. Cái chết của anh là cái chết can đảm của một người có bản lĩnh, một người biết trọng danh dự. Danh dự của một người lính Việt Nam Cộng Hòa.
Người cùng quê với Bùi cũng có tiết lộ trước đó Bùi có nhận một bức thư của người cha, qua trung gian của những tay xâm nhập, nội dung người cha mong muốn gặp lại con mình, nhưng anh từ chối thẳng thừng và trả lại bức thư.
Câu chuyện về một người lính như Bùi Lang là như thế, lúc còn sống chỉ biết cống hiến khả năng của mình cho lý tưởng và khi sa cơ thì đã chọn cái chết để bảo toàn khí tiết của một người lính. Than ôi con người như vậy mà lại nằm trong hồ sơ Z sao?
Riêng Hoàng Bê thì lãnh đủ 6 năm tù không thiếu một ngày. Ngày ra trại hắn trở về quê với một bên chân bị liệt và với một lá gan bệnh hoạn. Năm 1994 khi tôi từ trong Nam ra Huế để làm giấy tờ thì gặp ông Thượng Sĩ cùng đơn vị báo cho biết Hoàng đã mất cách đó chừng 10 năm trước, khoảng những năm 84 hay 85 gì đó.
Chuyện về những người lính, bạn tôi là như thế… Cứ mỗi năm đến mùa Quốc Hận 30 Tháng Tư, tôi ứa nước mắt nhớ đến Bùi Lang và Hoàng Bê và nhớ lại những kỷ niệm về một thời tuổi trẻ của chúng tôi.
Nguyễn Đình Liên
Salt Lake City, Utah
https://www.nguoi-viet.com/ban-doc-viet/thang-tu-nho-ban/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét