Biên dịch: Trần Hùng
Nguồn: John Bolton, “No News Is Bad News When the U.S. and South Korea Meet”, WSJ, 23/05/2021.
Nếu sức mạnh của một liên minh được đo bằng độ dài của các tuyên bố chung mà các nhà lãnh đạo của họ đưa ra khi gặp nhau, thì mối quan hệ của Mỹ với Hàn Quốc sẽ thực sự bền chặt. Tuy nhiên, các cuộc trao đổi hôm thứ Sáu (21/5/2021) giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong chuyến công du Washington lần đầu tiên của ông Moon kể từ tháng Giêng 2020 không mang lại nhiều kết quả thực sự. Các ưu tiên trong nước như biến đổi khí hậu và Covid đã làm lu mờ chiến lược quốc tế của họ.
Như hội nghị thượng đỉnh này cho thấy, bốn tháng sau khi nhậm chức, chính quyền Biden vẫn thiếu một kế hoạch chi tiết cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Seoul và Washington phải đối mặt với hai vấn đề chiến lược lớn, quan trọng đối với chính họ và toàn bộ khu vực. Thứ nhất và trước mắt là mối đe dọa quân sự thông thường và hạt nhân của Triều Tiên. Thứ hai, lâu dài hơn và mang tính chiến lược hơn, là cuộc tấn công ý thưc hệ, kinh tế và chính trị-quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm vào Hoa Kỳ và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung.
Giải quyết những thách thức này một cách hiệu quả là trọng tâm của bất kỳ nỗ lực nào nhằm tái tập trung sự chú ý của Mỹ vào khu vực. Donald Trump và Barack Obama đều thất bại trong việc “xoay trục” hoặc “tái cân bằng” sang châu Á, và Biden đã vấp ngã ngay khi bước ra khỏi vạch xuất phát. Mặc dù hoàn toàn ngẫu nhiên nhưng cuộc tấn công của Iran – Hamas vào Israel đã chứng minh một lần nữa, như cựu Thủ tướng Anh Harold McMillan từng nói với một phóng viên, rằng “các sự kiện, anh bạn thân mến ạ, các sự kiện” thường quyết định tiến trình của các hoạt động đối ngoại.
Quan trọng hơn, cuộc gặp Moon-Biden cho thấy sau 4 tháng chuẩn bị, chính quyền Hoa Kỳ vẫn chỉ đưa ra các luận điệu hơn là các hành động thực chất. Ví dụ, các quan chức Mỹ đã nhiều lần khẳng định rằng chính sách Triều Tiên của Biden không giống như những người tiền nhiệm, nhưng các quan chức lại rất thận trọng về việc chính sách đó sẽ trông như thế nào. Nếu có điều gì đáng chú ý thì đó là việc ông Moon dường như đã thúc đẩy ông Biden hướng tới một quy trình “hành động đáp lại hành động” mà Bình Nhưỡng đã ưa thích trong nhiều thập niên.
Về vấn đề Trung Quốc, tuyên bố chung Biden-Moon chỉ mang tính lấp lửng. Đối với Seoul và Washington, việc đánh giá lại vai trò của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung đã quá hạn từ lâu. Coi Trung Quốc đơn thuần chỉ là một bên tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân sáu bên, hoặc như một “người triệu tập cuộc họp”, hoặc một “người hòa giải”, đều bỏ qua sự hỗ trợ mà Trung Quốc đã mang lại cho chế độ độc tài gia đình trị họ Kim trong suốt lịch sử cũng như thực tế hiện tại. Từ lâu, Trung Quốc đã ẩn mình đằng sau sự ngụy trang này, và Mỹ và các nước khác đã chấp nhận nó một cách quá dễ dàng.
Seoul nên hoan nghênh việc đánh giá lại ảnh hưởng tiêu cực của Bắc Kinh. Thống nhất Triều Tiên là mục tiêu tối hậu trong chính sách của Mỹ và Hàn Quốc, mặc dù hai nước có những ý tưởng khác nhau về cách đạt được mục tiêu đó. Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc biến mục tiêu đó thành hiện thực, hoặc ít nhất là chấp nhận nó.
Tuy nhiên, hiện nay Tập Cận Bình cho thấy ông không quan tâm đến việc thống nhất Triều Tiên. Tập có nhiều lợi ích quốc gia cấp bách hơn để theo đuổi, và mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng làm phân tán sự chú ý của Tập khỏi việc theo đuổi các mục tiêu thiết thân của Trung Quốc. Các mối đe dọa hạt nhân và quân sự thông thường của Triều Tiên chống lại Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ phù hợp với tính toán của ông Tập. Tại sao không? Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã không trả giá một chút nào cho sự đe dọa mà Triều Tiên gây ra, và cuộc gặp Moon-Biden cho thấy không có bất cứ điều gì sẽ thay đổi.
Thay đổi sẽ chỉ đến khi Bắc Kinh bị buộc phải chịu trách nhiệm đối với hành động của Bình Nhưỡng. Mối đe dọa quân sự ngày càng tăng đến từ Trung Quốc đã là một trong những yếu tố thúc đẩy quan trọng khiến Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tham gia cùng Mỹ thành lập nhóm “Bộ tứ” Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào năm 2007. Nhóm này gần đây đã họp thượng đỉnh trực tuyến ở cấp nguyên thủ quốc gia lần đầu tiên. Biden nên thừa nhận là các hệ quả từ mối đe dọa của Triều Tiên, đặc biệt là đối với Nhật Bản và Mỹ, phải được đặt trước cửa nhà Trung Quốc. Bắc Kinh không còn được phép trốn tránh hậu quả do các hành động của mình gây ra, và Seoul có một vai trò quan trọng trong vấn đề này.
Đây là nơi mà ông Moon, và tất cả các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, cần bắt đầu xây dựng một đại chiến lược. Chưa gắn kết với nhóm Bộ tứ vẫn còn non trẻ, Hàn Quốc vẫn đang bị xô đẩy một cách không thể tránh được bởi ảnh hưởng bá quyền ngày càng tăng của Trung Quốc, điều rõ ràng là ý định của ông Tập ở khu vực Đông Á. Bộ tứ châu Á không phải là NATO Viễn Đông, nhưng các lợi ích và giá trị của khối này phù hợp với xã hội tự do của Hàn Quốc hơn là việc đàn áp người Uyghur, chà đạp Hong Kong, kiềm chế tự do tôn giáo và chủ nghĩa chuyên chế giám sát người dân mà Trung Quốc ngày nay đại diện.
Người ta không cần viện đến so sánh với cộng đồng Bắc Đại Tây Dương trong Chiến tranh Lạnh để thừa nhận rằng Hàn Quốc nên hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khác. Nếu Triều Tiên vẫn tiếp tục nỗ lực hạt nhân, khả năng Nhật Bản và các nước khác theo đuổi vũ khí hạt nhân sẽ tăng theo cấp số nhân. Làm Trung Quốc nhận thức rõ điều này là rất quan trọng và không nhất thiết phải biến “Bộ tứ” thành “Bộ ngũ” nếu Hàn Quốc miễn cưỡng theo đuổi mối quan hệ này một cách thật lòng. Thay vào đó, có lẽ Đài Loan hoặc Singapore có thể biến “Bộ tứ” thành “Bộ ngũ” một cách hiệu quả hơn.
Cho đến nay, chính quyền Biden đã tỏ ra khéo léo trong việc gây áp lực lên các nước bạn bè như Israel hơn là gây sức ép lên các quốc gia là mối đe dọa thực sự đối với Mỹ và các đồng minh như Trung Quốc và Triều Tiên. Cuộc gặp tuần trước với Tổng thống Moon là một cơ hội bị bỏ lỡ khác.
John Bolton là tác giả của cuốn “The Room Where It Happened: A White House Memoir”. Ông từng là cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump, 2018-19 và đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, 2005-06.
http://nghiencuuquocte.org/2021/05/24/co-hoi-bi-bo-lo-tu-cuoc-gap-thuong-dinh-my-han-quoc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét