Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, cựu trưởng Phòng Khảo Thí Sở Giáo Dục-Đào Tạo tỉnh Hòa Bình trong ngày ra tòa, 12 Tháng Năm, 2020. (Hình: Danh Trọng/Tuổi Trẻ)
Cựu trưởng phòng khảo thí tỉnh Hòa Bình, Diệp Thị Hồng Liên, tại phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ án “gian lận sửa điểm thi trung học phổ thông (THPT) năm 2018,” đã biện minh cho tội gian dối của mình, bằng câu nói: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật!”
Rõ ràng là nếu y thị không chấp nhận đồng lõa, hành động a dua theo đám đông, dù biết đó là chuyện phi pháp, tội ác, thì mình sẽ là một người lội ngược dòng, nghĩa là không giống ai trong đám đông, chống lại đám đông.
Tưởng tượng giữa một đám người gù, bỗng nổi một người thẳng lưng trong đó, không là một điều lạ lùng hay sao?
Mọi người đều gù lưng, số đông trở thành một chuyện bình thường, coi nhau là những người có nhân dáng bình thường. Nhưng nếu có một người thẳng lưng trong đó, là một chuyện bất bình thường. Thế gian ai cũng có một mắt, bỗng dưng có một kẻ có hai mắt, thì hẳn là dị tật, vì từ xưa đến nay, chúng ta chẳng thường định nghĩa, một người có nhân dáng bất bình thường “không giống người khác,” là người có dị tật hay sao?
Cô Nguyễn Phương Mai, giáo sư, tiến sĩ tại Đại Học Khoa Học Ứng dụng Amsterdam, Hòa Lan, cho rằng cô chưa mất niềm tin vào tương lai của mình, nhưng cô rất sợ trở về Việt Nam, vì “nếu trở lại Việt Nam sống đối mặt với những điều chướng tai gai mắt, phải gù lưng mà sống thì chưa chắc tôi đã về!”
“Thẳng lưng” được hiểu là những điều đúng, điều tốt. Trong một xã hội hôm nay, những người làm đúng, cư xử tốt, hành động tử tế mà lại được xem như là một kẻ dị biệt, là kẻ tàn tật, thì xã hội này còn đâu là luân lý, cương thường, trung trực… nữa!
Câu chuyện này cũng giống như một câu than trách của người xưa: “Không lẽ mình lại thức, trong khi mọi người đều ngủ cả?”
Ông Khuất Nguyên thời xưa bên Tàu đã được ca ngợi là bậc cương trực, phải bị bãi chức, vì đã sống theo lương tâm kẻ sĩ: “Cả đời đục cả, một mình ta trong; mọi người say cả, một mình ta tỉnh.”
Trong một xã hội toàn trị, độc đoán, độc đảng, nhà cầm quyền cũng như đám ăn theo phải sống bám vào nhau như mớ rác trôi sông ngày nước lũ, như tổ kiến bám vào nhau trên dòng suối, không thể ai có thể hành động khác hơn. Một anh có đủ hai mắt trong đám đông toàn chột, một người đi đứng vững vàng trong đám đông cà thọt, quả là một điều gì đó trở thành đặc biệt, khó chịu, và khi anh là thiểu số, anh là người chống lại đám đông, là đa số thì anh đúng là phản động!
Trong một đám đồng nghiệp, bạn bè, chiều nào tan sở cũng la cà quán nhậu, say quên đường về, mà anh tỉnh táo, không biết uống rượu thì anh chơi với ai, mà cũng chẳng ai muốn dây vào anh. Trong một xã hội ăn cắp, anh không thể là một người đàng hoàng lương thiện, vì nếu anh là người đàng hoàng, anh sẽ là cái gai, là chướng ngại vật của đám đông ấy. Anh phải bị triệt tiêu hay nghiền nát! Bởi vậy, khi mọi người đều ngủ cả, ai thức là kẻ dại, sao khi mọi người đều say, mình anh lại tỉnh?
Trong khi thiên hạ đều còng lưng, lom khom, thì nhớ đừng đứng thẳng lưng mà khổ thân, câu nói để đời của nhà văn Nguyễn Tuân trong chế độ Hà Nội mà chúng ta phải nhớ là: “Tôi sống được là nhờ biết sợ!”
Cuộc đời bất lương, khốn nạn mà mình không bất lương khốn nạn theo, thời không phải chỉ bị cất quan bãi chức như ông Khuất Nguyên, mà còn bị tù đày hay trừ khử.
Tôi có một cậu em họ sống và lớn lên trong thời Cộng Sản, giỏi, thông minh và đôn hậu, nhưng tiếc rằng mang một dị tật là có cái lưng thẳng. Về làm kế toán tại công ty chỉ một thời gian ngắn, cậu em đã thấy rõ cơ quan này là một ổ gian manh, gian trá. Vì tính cương trực và thẳng tính, lúc đầu còn góp ý, sau đó phản đối rồi dọa tố cáo, phanh phui những chuyện mờ ám lên cấp trên.
Một buổi chiều, công an đến gia đình cậu, báo lên nhà xác nhận thi thể cậu em, đầu bị vỡ như va chạm phải một vật cứng, hai con mắt lòi ra ngoài, biên bản công an ghi là bị tai nạn giao thông, không có nhân chứng, cũng như không ai hay biết để hé một lời về cái chết thảm khốc này.
Một mạng người như một con ốc nhỏ bị nghiền nát trong cổ máy vĩ đại, vì sự nghiệp và quyền lợi, đã được những nhóm lợi ích cấu kết với nhau. Không bị thủ tiêu, ám sát thì cũng được dàn cảnh nhảy lầu, tự sát, hay bị đầu độc, sau một bữa cơm khách, về nhà hộc máu ra mà chết. Cũng vì có cái lưng thẳng mà nhà sử gia kiêm nhà khảo cổ Nghiêm Thẩm sau năm 1975 đã chết vì một nhát búa “khảo cổ” đánh vào đầu.
Đám đông, có ai không dám can đảm không vỗ tay, mở miệng cười, tung hô trước lời nói và cử chỉ của lãnh tụ Cộng Sản. Đó là một thứ phản xạ tự nhiên dây chuyền của một bầy cừu, một thứ tôn sùng bắt buộc.
Kim Nhật Thành hay Hồ Chí Minh, lúc chết là cả nước phải khóc gào thương tiếc, trong quần chúng ai dịp này không la khóc thì hẳn nó là gián điệp quốc tế!
Quốc Hội Cộng Sản thường có biểu quyết “nhất trí” đồng ý với tỷ lệ tối đa 99.99%. Thời trước, có lúc dân biểu không cần biểu quyết mà chủ tịch đoàn đặt câu hỏi: “Ai phản đối, không đồng ý, xin đưa tay!” Thôi thì cứ lom khom cho yên chuyện, đứng thẳng lưng không chỉ là dị tật, mà còn là phản động, phản quốc, gián điệp, âm mưu lật đổ chính quyền,… chắc là phải nhận cái chết không toàn thây…
Gần đây thôi, trong vụ án Hồ Duy Hải, nếu còn thấy vụ án có nhiều thiếu sót, oan sai, vì có nhiều điều mờ ám, như ý kiến của Viện Kiểm Sát Nhân Dân là “có quá nhiều vi phạm rất nghiêm trọng trong tố tụng,” có thẩm phán nào trong 17 ông tòa của Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, dám đứng thẳng lưng theo lương tâm ra khỏi hệ thống đồng lõa, để phản đối lại quyết định chung là “đúng người, đúng tội, đúng mức án,” như là chuyện đã rồi không?
Bởi vậy, người “thức thời” như lão ngư phủ ven sông, có lời khuyên ông Khuất Nguyên: “Bậc Thánh Nhân tùy thời mà không câu nệ việc đời. Đời đã đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục theo một thể? Loài người say cả, sao ông không biết ăn cả men, húp cả bã cho say theo một thể? Việc gì mà phải phòng xa nghĩ sâu cho đến nỗi phải đau khổ một đời?
Tư tưởng của ông lão đánh cá này là một thứ tùy thời, đừng đi ngược lại trào lưu mà thiệt thân!
Nói như Trần Tế Xương:
“Ngủ quách sự đời thây kẻ thức
Bên chùa chú trọc đã hồi chuông…”
Tốt hơn, muốn tồn tại trong chế độ này, hay hơn nữa muốn giàu sang, thăng quan tiến chức, ăn nên làm ra, thì phải có bè, có đảng, không phải chỉ giả ngơ giả điếc, không ngủ thì cũng làm bộ nhắm mắt lơ mơ, không nghe không thấy mà còn phải dùng cái miệng để nịnh bợ, a tòng, tán dương dù là điều xấu để được điều lợi lộc cho mình và gia đình.
Muốn sống cho ra con người tử tế có nhân cách, muốn thẳng lưng, muốn cải tạo xã hội này, chỉ còn con đường duy nhất là làm cách mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét