Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

1428 - Đại hội XIII, cuộc so găng đỉnh cao giữa Nguyễn Hoà Bình và Lê Minh Trí?


Theo hồ sơ đảng viên, ông Nguyễn Hoà Bình sinh năm 1958, lớn hơn ông Lê Minh Trí, sinh năm 1960, hai tuổi. Nguyễn Hoà Bình quê Quảng Ngãi, trưởng thành từ trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc. Lê Minh Trí lớn lên ở quê nhà Củ Chi.
Nguyễn Hoà Bình là Ủy viên Trung ương hai khoá XI và XII, hiện là thành viên Ban Bí thư. Năm nay 62 tuổi, ông còn ba năm nữa để nghỉ chế độ, khi 65 tuổi. Lê Minh Trí mới vào Trung ương khoá XII và nếu không xuất sắc, nổi trội để Trung ương giữ lại chức Viện trưởng VKS Tối cao thêm một nhiệm kỳ nữa, hoặc may mắn cơ cấu vào Bộ Chính trị khoá XIII, thì ông Trí sẽ phải về hưu vào tháng 4/2021.
Xét về quá trình cống hiến, bề dày thành tích, thì ông Bình hơn ông Trí về nhiều mặt. Cả hai đều xuất thân từ công an, nhưng thời điểm 2008, Lê Minh Trí làm Chủ tịch UBND một quận ở thành Hồ, còn Nguyễn Hoà Bình đã là Thiếu tướng, Tổng cục phó TCCS, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Bộ Công an.

Hình: Nguyễn Hoà Bình bàn giao chức Viện trưởng VKS Tối cao cho Lê Minh Trí hồi 4/2016. Ảnh trên mạng

Trong Vụ án Hồ Duy Hải, cả hai cấp xét xử ở TAND tỉnh Long An, lẫn Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM, đều tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về hai tội giết người và cướp tài sản. Sau đó hai ông Chánh án TAND Tối cao Trương Hoà Bình và Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đều ra quyết định không kháng nghị bản án và có tờ trình tham mưu, đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.
Bản thân ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Sau này nhờ kiên trì kêu oan của gia đình, giúp đỡ của giới luật sư, sự quan tâm đặc biệt của bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội và nhất là qua tác động trực tiếp của đại tá Trần Văn Tạo, cựu Phó giám đốc CA TPHCM, với ông Trương Tấn Sang, nên ông Trương Tấn Sang chỉ đạo hoãn thi hành bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Cũng nên nói thêm về quan hệ giữa ông Trần Văn Tạo (tức Tư Tạo) và ông Trương Tấn Sang (tức Tư Sang). Ông Tư Tạo sinh 1942, vào đảng CSVN sớm hơn ông Tư Sang bốn năm. Cả hai ông nhiều năm kề vai sát cánh với nhau ở thành ủy TP HCM. Khi ông Tư Sang làm Chủ tịch UBND thành Hồ, thì Tư Tạo là Phó giám đốc sở Công an, Chỉ huy trưởng Lực lượng Cảnh sát.
Thời kỳ ông Tư Sang làm Bí thư thành ủy, thì ông Tư Tạo là Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tư tưởng văn hoá (Ban Tuyên giáo) Thành ủy. Ông Tư Sang có đủ niềm tin vào ông Tư Tạo, người anh, người đồng chí, một cựu sĩ quan giỏi nghiệp vụ điều tra, nay là một luật sư, đã chỉ rõ những khuất tất trong vụ án Hồ Duy Hải.
Bà Lê Thị Nga, trong báo cáo của mình, gởi đến đoàn Giám sát của Quốc hội, cũng phân tích chi tiết và đưa ra quan điểm giống ông Tư Tạo, rằng Cơ quan điều tra Long An đã sai phạm hết chuyện này đến chuyện khác. Kết luận vụ án một cách không chứng cứ, khoa học, sẽ gây ra tiền lệ về tư pháp, rất nguy hiểm.
Công tác điều tra, tố tụng không được phép sai sót, dù là nhỏ. Khi những cán bộ điều tra, cán bộ làm công tác tố tụng thờ ơ, cẩu thả trong việc kết luận hành vi phạm tội của người khác, sẽ dẫn đến oan sai, tạo tiền lệ xấu, làm ảnh hưởng lòng tin của người dân đối cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì thế, cần hủy bản án, điều tra lại từ đầu.
Nói đúng ra, vụ án ở Bưu điện Cầu Voi xảy ra tháng 1/2008, Hồ Duy Hải bị bắt giam từ tháng 3/2008, lúc này Thiếu tướng Nguyễn Hoà Bình đã nhận quyết định rời Tổng cục Cảnh sát, về làm Phó bí thư, rồi Bí thư tỉnh Quảng Ngãi.
Ở Việt Nam, cái gì cũng tin vào “án tại hồ sơ”, căn cứ vào lời khai của can phạm. Nhưng ai dám tin lời khai đó là sự thật, mà không phải do bức cung, dùng nhục hình tra tấn dã man để buộc bị can phải nhận tội. Hàng chục vụ công dân bị chết oan khuất tại đồn công an là một minh chứng.
Tuy luân chuyển về Quảng Ngãi, sau đó vào Ủy viên trung ương, nắm chức Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao vào tháng 7/2011, nhưng “chất” công an vẫn ăn sâu vào máu, vẫn nguyên vẹn trong con người ông Bình. Tin tưởng vào kết quả điều tra của Công an, cáo trạng của VKS Long An và hai cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, đã đẩy ông Nguyễn Hoà Bình đi từ sai lầm này, đến sai lầm khác.
Dưới thời Nguyễn Hoà Bình, trong nhiều phiên chất vấn tại Quốc hội, Viện Kiểm sát Tối cao luôn bảo lưu ý kiến, không kháng nghị giám đốc thẩm Vụ án Hồ Duy Hải, phản bác và để ngoài tai các kiến nghị của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Thậm chí Văn phòng Chính phủ cũng có công văn từ tháng 12/2014, đốc thúc Viện Kiểm sát Tối cao giải quyết vụ việc, ông Nguyễn Hoà Bình, khi ấy là Viện trưởng VKS Tối cao, cũng phớt lờ luôn.

Công văn của Văn phòng Chính phủ gởi VKS Tối cao năm 2014

Điều đó cho thấy, ở vị trí lãnh đạo Viện Kiểm sát Tối cao đầy quyền lực, ông Bình đã không cầu thị, khiêm tốn lắng nghe.
Bị trang Chân dung Quyền lực đánh cho tơi tả năm 2015, trước thềm đại hội XII, chứng tỏ lực lượng an ninh trong Bộ Công an cũng không ưa gì Nguyễn Hoà Bình. Có lẽ, nhờ sự bảo bọc của đa số trong Bộ Chính trị lúc đó, ông Bình tái đắc cử Ủy viên Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021, vào Ban Bí thư và ngồi ghế Chánh án Tối cao.

Ông Nguyễn Phú Trọng từng ủng hộ Nguyễn Hoà Bình tại đại hội XII

Vụ án Hồ Duy Hải gây xôn xao dư luận và cả trên nghị trường. Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước (Nguyễn Phú Trọng) có công văn thông báo ý kiến của ông Trọng, đề nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao và Chánh án TAND tối cao “xem xét, quyết định theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định pháp luật”.
Nếu cầu toàn, ông Nguyễn Hoà Bình cần triệu tập cuộc họp liên ngành Toà án Tối cao – VKS Tối cao – Bộ Công an, để bàn cách giải quyết. Đằng này, ông quá tự tin vào vai trò thành viên Ban Bí thư và quyền lực Chánh án của mình.
Ngày 22/11/2019, Phó Viện trưởng VKS Tối cao Nguyễn Văn Quảng ký ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên bị cáo Hồ Duy Hải tử hình, để điều tra lại.
Nói thêm về nhân vật Nguyễn Văn Quảng, ông là “đệ tử ruột” của ông Nguyễn Xuân Phúc, đã luân chuyển về làm Phó Bí thư Đà Nẵng, để vào Ủy viên Trung ương khoá XIII.
Ngày 8/5/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Giới am hiểu chính trường cho rằng, ông Bình phạm phải sai lầm chết người, khi quá tin vào mười mấy vị thẩm phán “cận thần” của mình. Nếu hôm đó, ông Bình chấp nhận kháng nghị của VKS Tối cao, tuyên hủy án sơ thẩm và phúc thẩm, cho điều tra lại, chờ qua đại hội Đảng rồi tính tiếp, thì Nguyễn Hoà Bình chắc chắn có suất Ủy viên Bộ Chính trị khoá XIII và đối thủ, lẫn người dân trên khắp cả nước không có cớ gì để công kích ông.
Ông Bình đã không thâm sâu bằng “người Bắc có lý luận”. Rạng sáng 9/1/2020 khi hàng ngàn cảnh sát cơ động có vũ khí, đàn áp đẫm máu thôn Hoành, xã Đồng Tâm, “tiêu diệt” Đảng viên cộng sản 57 năm tuổi Đảng Lê Đình Kình, mổ bụng phanh thây ông, bắt đi 29 người. Phía lực lượng công an có 3 người thiệt mạng. Vậy mà từ Tô Lâm, đến Hoàng Trung Hải, Nguyễn Đức Chung… không ai chịu trách nhiệm.
Rất khôn ngoan, hôm 28/4/2020, họ đẩy một phụ nữ sinh 1971, mới chân ướt chân ráo làm Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đứng ra “nhận trách nhiệm và xin lỗi” về vụ Đồng Tâm.

Bà Nguyễn Thị Tuyến (phải), là người đứng ra nhận lỗi vụ chấn động, tấn công xã Đồng Tâm

Hay một nhân vật cùng hội cùng thuyền với ông Bình, là Trưởng Ban tuyên giáo Võ Văn Thưởng cũng đang “lặn thật sâu”, “nín thở” trước thềm Đại hội XIII.
Đằng này, ông Bình ngồi ghế chủ toạ, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lại nhận định, quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí là “không đúng luật”.
Vụ việc còn bị đẩy ra hơn khi cấp phó của ông Bình, là ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án toà Tối cao, quy chụp mạng xã hội bôi nhọ, chống phá nền tư pháp và “nguy hiểm hơn, có vài đại biểu quốc hội đưa ra nhận xét chủ quan, dựa vào thông tin trên mạng xã hội, vấn đề này làm phức tạp thêm tình hình”.
Đại biểu quốc hội bị xúc phạm, đã lên tiếng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Chủ tịch Quốc hội về vấn đề này.
***
Lê Minh Trí được ông Võ Viết Thanh tiến cử với ông Tư Sang.
Từ Phó chủ tịch thành Hồ, vọt lên Phó Ban Nội Chính Trung ương, rồi nhảy sang nắm Viện trưởng VKS Tối cao, đối với bản thân Lê Minh Trí, đã là một kỳ tích. Thông tin rò rỉ từ “cung đình” cho hay, Lê Minh Trí không có tên trong quy hoạch Bộ Chính trị khoá XIII. Vì vậy, không có chuyện Lê Minh Trí quyết đấu với Nguyễn Hoà Bình để tranh ghế Phó Thủ tướng phụ trách nội chính, như dư luận đồn thổi.
Viện Kiểm sát Tối cao không sai. Trước khi kháng nghị giám đốc thẩm Vụ án Hồ Duy Hải, ông Lê Minh Trí đã báo cáo xin ý kiến Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng. Vì vậy, chính phe nhóm ông Nguyễn Hoà Bình đã ép Lê Minh Trí phải “thượng đài”.
Cuộc “so găng đỉnh cao” này, không có người thắng, nhưng kẻ thua chính là Nguyễn Hoà Bình.
“Quả bóng” giờ phải đá sang Ủy Ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan này có quyền phủ quyết bản án giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án Tối cao đã tuyên hôm 8/5/2020. Họ sẽ phải xử lý ra sao với “mớ bòng bong” này chưa rõ. Nhưng vô hình trung, sau vụ này, Lê Minh Trí ngoài sự ủng hộ của phe cánh miền Nam, sẽ có được thêm phiếu từ các Ủy viên Trung ương miền Bắc. Cơ hội ông được giữ lại để tái cử khoá XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, lớn hơn rất nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét